Kim phượng – loài hoa nhập nội gắn liền với văn hóa tâm linh
Đỗ Xuân Cẩm
Vốn xuất thân từ vùng nhiệt đới Trung Mỹ, với tên thường gọi là Dwarf poinciana, khi vào Việt Nam, cây Kim phượng được gắn cho nhiều tên gọi khác nữa như, Kim điệp, Điệp cúng, Phượng cúng, Phượng ta… Một số tài liệu còn công bố nhiều tên phiên âm Hán Việt như, Phiên hồ điệp, Kim phượng hoa, Khổng tước hoa, Hoàng hồ điệp, Điệp hoa…
Đây là loài cây bụi hoặc gỗ nhỏ cao từ 3-5 m, thuộc chi Vang – Caesalpinia, họ Vang – Caesalpiniaceae, với tên khoa học là Caesalpinia pulcherrima. Trong số nhiều loài thuộc chi Vang, thì Kim phượng là loài duyên dáng nhất, do dáng cây mảnh khảnh, cành nhánh mềm mại; lá kép lông chim dài 20-40 cm, mang 3-10 cặp cuống cấp hai, mỗi cuống cấp hai mang 6-10 cặp lá chét nhỏ nhắn như lá me; hoa gần giống hoa phượng vĩ nhưng nhỏ và thanh mảnh hơn. Có 3 giống kim phượng khác nhau ở màu hoa: giống hoa vàng, giống hoa đỏ da cam và giống hoa hồng.
Nhiều quốc gia thuộc vùng nhiệt đới và á nhiệt đới trên thế giới đã nhập trồng các giống Kim phượng để làm cảnh ở công viên và vườn nhà. Do cây có kích cỡ thon gọn, thích điều kiện chiếu sáng toàn phần nhưng cũng chịu điều kiện che bóng một phần nên phù hợp với việc bố trí trồng ở những khoảnh đất nhỏ có không gian bị hạn chế. Ở vùng nhiệt đới cây thường xanh, ra hoa vào những tháng nắng nóng, nhưng cũng có trường hợp cây ra hoa gần như quanh năm. Ở vùng á nhiệt đới cây thường rụng lá vào mùa khô trước khi ra hoa. Trong thời kỳ sinh trưởng cây cần độ ẩm trung bình, nên tưới nước vừa phải, không để cây úng. Vào mùa mưa cần vun gốc và tạo rãnh thoát nước cho cây. Cây cũng không đòi hỏi độ phì đất cao, có thể trồng ở nhiều chân đất khác nhau kể cả chân đất sét và chân đất cát nghèo dinh dưỡng, chỉ cần bón phân vừa phải là cây có thể sinh trưởng bình thường. Đến tuổi thành thục thì cây chịu hạn tốt. Có thể vận dụng đặc điểm này để phát triển cây trên vùng cát khô hạn. Khi cây còn nhỏ nên trồng trong chậu, đến khi cây trưởng thành, ra hoa kết trái vài vụ thì đưa ra trồng trên đất sân vườn.
Kim phượng thường bị sâu ăn lá tấn công. Những cây con mới lớn có thể bị chúng ăn trụi lá trong một thời gian ngắn. Vì vậy, khi trồng một vài cây cần theo dõi để bắt sâu hang ngày hoặc dung lưới bao để hạn chế bướm đẻ trứng, khi trồng hàng loạt thì cần theo dõi để phun thuốc phòng trừ.
Ở nhiều tỉnh thành Việt Nam, Kim phượng thường được trồng ở các đèn chùa, vườn nhà. Vào những ngày húy kị, nhiều gia đình vẫn thường dùng hoa Kim phượng để thiết bàn thờ và cho rằng đây là loại hoa sạch, tinh khiết, vì không vướn phân bón. Các chùa Phật giáo thường sử dụng giống hoa vàng, trong dân gian thì thích đa dạng màu sắc nên sử dụng tất cả các giống có được. Ngoài tác dụng trồng làm cảnh, Kim phượng chỉ được sử dụng cho việc cúng kiến, chưa bao giờ thấy ai sử dụng để trang trí lễ hội, cưới xin, hoặc tặng nhau vào những dịp kỉ niệm. Cái tên Phượng cúng hay Điệp cúng có lẽ bắt nguồn từ đó. Vào những tháng nắng nóng, Kim phượng ra hoa rộ, người trồng thường thu hoạch mang ra chợ bán, hoặc bán sĩ cho con buôn. Thu hoạch hoa cũng đơn giản, chỉ cần dùng một cây sào nhỏ có gắn một thanh thép hình móc câu là có thể bẻ các cành hoa ở mọi cao độ trên cây. Càng thu hoạch thì càng có nhiều chồi tái sinh tạo ra nhiều cành mới và sau đó hoa ra càng nhiều.
Ở Huế, rất nhiều vườn chùa và vườn nhà từ trung tâm thành phố cho đến các vùng nông thôn có trồng cây Kim phượng. Kim phượng ở Huế cũng có đủ 3 giống, nhưng thường thì giống hoa màu đỏ da cam phổ biến hơn cả, giống hoa màu hồng hiếm nhất. Theo chúng tôi được biết thì Bãi Dâu, phường Phú Hậu là một trong những nơi có truyền thống trồng Kim phượng theo hướng sản xuất từ lâu nay. Nhiều nhà vườn ở Bãi Dâu trồng kim phượng men theo hàng rào quanh nhà và vào nhiều tháng trong năm, cứ đến ngày 14 và 30 là họ thu hoạch buộc thành từng bó nhỏ gánh hoặc nách ra bán ở các chợ Bến Đò Cồn, Bao Vinh, Đông Ba… hoặc nách đi bán dạo ở nhiều khu đô thị trong thành phố. Mặc dù ngày càng có nhiều giống hoa đẹp bày bán ở thị trường, nhưng kim phượng vẫn được xem là một loài hoa truyền thống gắn liền với văn hóa tâm linh, được nhiều người ưa chuộng.
Đỗ Xuân Cẩm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét