28/3/10

Cuộc đời đức Phật (The Life of Buddha)


 
budhha

Bộ phim này là sản phẩm hợp tác của truyền hình BBC và Discovery. Bộ phim mô tả cuộc đời của Hoàng tử Tất-Đạt-Đa, quá trình Ngài thành Phật – Đáng Giác Ngộ. Bộ phim còn giới thiệu những di chỉ khảo cổ liên quan đến cuộc đời của Đức Phật cũng như giáo lý của Người.

Phụ đề TV: Hồ Đắc Phương, Trần Thị Phương Thúy, Đào Minh Thư
Hiệu đính: Vương Quang Vũ

THUỞ ẤY HỌC TRÒ



THUỞ ẤY HỌC TRÒ

Ta cũng có một thời xưa áo trắng
Nhưng xa rồi, đã xa lắm người ơi
Cũng nón nghiêng nghiêng che mái tóc thề
Ôm ấp phút thần tiên nghe nắng vỡ

Ta cũng có những nụ cười rạng rỡ
Bên hiên trường sau mỗi tiếng trống vang
Cũng hay lang thang nương hàng phượng vĩ
Nhặt hoa rơi làm dáng tuổi học trò 

Cái thuở  đó hồn nhiên lòng mở ngõ
Có biết gì những nghiệt ngã mai sau
Đời nở rộ trên từng trang sách quý
Mộng hoa niên tô thắm má môi hồng 

Nhớ một lần trên đường về gió lộng
Bỗng tiếng ai tha thiết gọi tên mình
Không phải Anh, giọng nghe chừng là lạ
Chút ngỡ ngàng ta vội vã bước nhanh 

Âm thanh ấy bây chừ qua năm tháng
Lạc đi đâu trong cõi mịt mù sương
Có còn vương trong tơ chùng nắng hạ
Hay đã tan vào dĩ vãng phôi pha! 

Đôi guốc mộc, bài ca dao đẹp quá
Vẫn gõ đều trên phiến đá thời gian
Trái tim ta chưa già như ta tưởng
Chợt mơ về một thoáng dạ Hoàng Lan... 



Kim Thành
December 2008

THUÝ VINH DIỄN NGÂM
 
TÌNH THƠ


Chúng mình quen nhau từ dạo ấy
Mùa thu bao nhiêu lá vàng bay
Là bấy nhiêu tình yêu tha thiết
Nao nức lòng anh em có hay

Đã mấy mươi năm lặng lẽ qua
Nhịp tim rung động vẫn chưa già
Tình thơ kết thành chùm phượng vĩ
Đỏ thắm trong ta suốt một đời

Hôm nay trở về thăm làng cũ
Hàng dừa ngày đó lá thêm xanh
Cây xoài trước ngõ thêm trái ngọt
Cây ổi nhà em lộc trĩu cành

Dấu vết ngày xưa vương đó đây
Con đường đi học mộng vơi đầy
Hương cau thơm ngát thời niên thiếu
Ta đã rong chơi suốt tháng ngày

Tất cả cho anh mối tình thơ
Là nguồn hạnh phúc tự bao giờ
Gọi nắng tìm về ôm ký ức
Cho đời đẹp mãi một màu tươi

Tôn Thất Phú Sĩ


Lại bàn về phôi bằng của Bộ GDĐT

Sau khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài đặt vấn đề phôi bằng do Bộ GDĐT ban hành, hôm nay thấy Bộ đã có phản hồi. Ghé qua trang nhà của Bộ GDĐT thì thấy họ đã giải thích tại sao không có dòng chữ “Đọc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Nhưng tôi e rằng cách giải thích của Bộ không thuyết phục. Tôi có vài dòng bình luận thêm như sau:

Bằng cấp có phải là tài liệu pháp lí? Bộ GDĐT cho là không, nên họ giải thích như sau: “Bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng không phải là văn bản quy phạm pháp luật hay công văn hành chính. Vì vậy, mẫu bằng tốt nghiệp đại học, bằng tốt nghiệp cao đẳng không thể hiện thể thức trình bày theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật hoặc công văn hành chính.” (chữ in nghiêng là nhấn mạnh của Bộ). Thú thật, tôi không phân biệt được thế nào là “văn bản quy phạm pháp luật”; tôi vẫn nghĩ văn bằng tốt nghiệp mang tính pháp lí. Ở Úc và các nước mà tôi biết như Mĩ chẳng hạn, bằng cấp được xem là tài liệu pháp lí. Chẳng hạn như trường Đại học UTS (Đại học Công nghệ, Sydney) viết rõ ràng rằng” “A testamur is a legal document issued under the seal of the University and is issued in original form only once for each specific award conferred.”

Theo chuẩn mực quốc tế? Bộ giải thích thêm “Bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng còn được cấp cho người nước ngoài học tập tại Việt Nam,” cho nên không cần dòng chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Thoạt đầu nghe cũng … có lí, nhưng không nhất quán. Nếu muốn theo chuẩn mực quốc tế, thì (a) không cần tên nước; (b) không cần tiêu ngữ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; (c) không nên ghi hạng tốt nghiệp; (d) không cần hình; (e) tiếng Anh phải chuẩn. Nhưng rất tiếc là tiếng Anh trong phôi bằng lại có vài chỗ sai sót nghiêm trọng như Nguyễn Vạn Phú đã chỉ ra trước đây.

Ngoài ra, như tôi viết hôm nọ, trên thế giới không có cái gọi là “Degree of Associate”, mà có “Associate Degree”. Xin nhắc lại rằng có 3 loại bằng cấp chính: certificate, diploma, và degree. Certificate thường dành cho trung học, hay học nghề; Diploma dành cho cao đẳng và đại học; còn degree thường chỉ bằng đại học. Mỗi cấp (certificate, diploma, và degree) còn có từ bổ nghĩa associate, như “Associate Certificate”, “Associate Diploma”, hay “Associate Degree”. Vì thế, cách viết “Degree of Associate” mà Bộ GDĐT viết trên phôi bằng là không đúng, chẳng giống ai trên thế giới cả.

Một phôi bằng đã cấp cho sinh viên. Chú ý dòng chữ "Principal of INFORMATION TECHNOLOGY COLLEGE, HOCHI MINH" đã không ổn về nội dung lẫn tiếng Anh. Cá nhân hiệu trưởng đâu có quyền cấp bằng (đâu có luật nào qui định hiệu trưởng có quyền như thế); trường mới là nơi "kết nạp" (admit) ứng viên vào một học vị nào đó. Ngay cả chữ Ho Chi Minh mà viết cũng không chuẩn! Tại sao không là HO CHI MINH mà là cải biên thành HOCHI MINH? Thật là hết biết! (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Do đó, Bộ GDĐT khẳng định rằng phôi bằng “hoàn toàn không sai” cần phải xem lại. Theo tôi thì rõ ràng là có sai. Còn sai lớn hay nhỏ thì còn tùy vào cảm nhận và đánh giá của từng cá nhân. Riêng tôi thì cho rằng những sai lầm về tiếng Anh là khó chấp nhận được, nhất là mang danh Bộ Giáo dục và Đào tạo!

Hôm nay, một bạn đọc chắc là từ miền Trung nhân đọc entry về tiếng Anh trong phôi bằng tốt nghiệp cao đẳng có giới thiệu tôi phôi bằng đại học của Trường Đại học Đà Nẵng, và lại hỏi … ý kiến. :-) Xem qua thì tôi cũng có ý kiến, nhưng tôi chỉ giới hạn ý kiến về phần tiếng Anh thôi. Những ý kiến này có thể xem là bổ sung cho những ý kiến và đề nghị trong entry trước.

Một phôi bằng của Đại học Đà Nẵng
(đang xin ý kiến)

Thứ nhất là dòng chữ tên nước. Phôi bằng viết là “SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM” theo tôi là chưa chuẩn, vì thiếu chữ THE. Phải viết trang trọng là “THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM”.

Thứ hai là dòng chữ “Independence – Freedom – Happiness”. Theo tôi là không cần. Không cần chẳng những do theo quốc tế (như Bộ giải thích) mà vì nó không đúng với thực tế. Cách tốt nhất là bỏ đi dòng chữ này.

Thứ ba là đại học trong đại học: THE UNIVERSITY OF DANANG (UNIVERSITY OF TECHNOLOGY). Thật là rối rắm. Tại sao không viết là THE UNIVERSITY OF DA NANG?

Thứ tư là mấy dòng chữ “This is to certify that” đọc cứ như là giấy … chứng nhận. Khi người ta giới thiệu ai, hay chứng nhận ai đó từng làm trong bộ môn, người ta viết [chẳng hạn như] “This is to certify that Dr. Steven Johnson has been a postdoc fellow in my laboratory”. Trong văn bằng không ai viết như thế cả. Người ta dùng chữ “confer” trang trọng hơn.

Thứ năm là sai văn phạm trầm trọng. Câu “having fullfilled the requirements of the University Program for regular students (2001-2006) under Statute (25/2006/QD-BGDDT) issued by the Ministry of Education and Training is conferred the” là câu văn quá dài và rất rất sai văn phạm. Tại sao lại viết “NGUYEN THAI QUYNH LIEN” having … Tại sao dùng gerund ở đây? Tại sao “is conferred”, câu hỏi là “conferred by whom” (ai cấp bằng)? Đoạn văn này cực kì lộn xộn mà lại quá sai văn phạm.

Tôi đoán người soạn câu này bắt chước từ câu tuyên bố trong luận án thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài. Những luận án như thế có câu tuyên bố như sau:

A thesis submitted to the University of New South Wales in partial fullfilment of the requirement for the degree of

DOCTOR OF PHILOSOPHY (MEDICINE)

Câu văn chuẩn này đã được cóp không đúng cả về nội dung lẫn văn phạm tiếng Anh. Cần nhấn mạnh rằng câu văn chuẩn này là dành cho luận án, chứ không ai viết trong bằng tốt nghiệp cả.

Thứ sáu là cụm từ “BACHELOR’S DEGREE” cũng không chuẩn. Bachelor là cử nhân, nhưng bachelor cũng có nghĩa là người độc thân. Do đó, viết “Bachelor’s Degree” rất dễ bị hiểu lầm là văn bằng của người độc thân! Phải viết nghiêm trang là: BACHELOR OF XXX, trong đó XXX là chương trình học (như science, arts, engineering, law, medicine, economics, v.v…)

Thứ bảy là “and awarded the title of (ENGINEER)” cũng có vấn đề. Bằng cấp là … bằng cấp, đâu phải là danh xưng. Nên nhớ rằng ở nước ngoài, chữ engineer ngoài nghĩa kĩ sư, còn có nghĩa là thợ máy (engine là máy, engineer là thợ máy).

Thứ tám là chữ kí của người được cấp bằng. Nên bỏ, chẳng có nơi nào có qui định này.

Nói chung, chỉ có một cái phôi bằng mà có quá nhiều điều sai sót, và điều này làm cho người ta thấy đặt câu hỏi tại sao Bộ GDĐT hay Trường Đại học Đà Nẵng không tham vấn những người thạo tiếng Anh và biết đôi điều về bằng cấp ở nước ngoài. Ôi, chỉ có cái phôi mà cũng sai quá nhiều và làm báo chí cũng tốn biết bao giấy mực, không biết chuyện lớn sẽ như thế nào.

NVT

Lưu manh trong học đường qua lăng kính tiến hóa


Có lẽ nói không ngoa rằng sự việc một nhóm nữ học sinh trường Trần Nhân Tông (Hà Nội) đánh hội đồng cô học sinh Nguyễn Quỳnh Anh gây chấn động dư luận cả nước. Nhưng nói cho công bằng sự việc chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện thương tâm đang xảy ra hàng ngày ở nước ta. Nếu có khác chăng là ở đây, sự việc được quay thành một thước phim và phát tán trên hệ thống internet toàn cầu. Những kẻ côn đồ (không có từ gì khác để mô tả hành động của cô Tường Vi và đồng bọn của cô) có vẻ bất cần, bất chấp luật pháp, xem thường dư luận, thách thức cơ quan công quyền. Điều mỉa mai khác là những kẻ côn đồ này theo học trường Trần Nhân Tông, tên của một vị vua hiền từ nổi tiếng của Việt Nam.

Thật ra, ai cũng biết lưu manh trong học đường không phải là hiện tượng mới. Mở sách tâm lí học thấy trường hợp lưu manh nổi tiếng nhất ở Anh xảy ra vào cuối thế kỉ 19. Tháng 4 năm 1897, một học sinh 12 tuổi thuộc trường trung học King (trường danh giá nhất nhì ở Anh) bị bọn côn đồ trong trường hành hung đến chết. Học sinh trường phản ứng dữ dội bằng cách viết thư ngỏ cho báo chí, chỉ trích ban giám hiệu chậm trễ trong việc xử lí những kẻ can phạm, và yêu cầu các giới chức chính quyền phải can thiệp. Nhưng ở Việt Nam thì các em học sinh trường Trần Nhân Tông chưa chắc có “cơ chế” để làm như thế, hay cũng có thể họ … chẳng quan tâm.

Phản ứng trước hành động côn đồ của cô Tường Vi có thể tóm gọn trong 2 chữ: buồn và giận. Buồn trước sự xuống cấp đạo đức học đường, đạo đức xã hội đến thê thảm. Giận cho sự vô tâm và vô cảm của đồng bọn của Tường Vi. Bác quê choa cho rằng đó là thái độ phi nhân tính. Chính xác. Nhưng tôi là “fan” của Darwin, nên muốn nhìn hành động lưu manh của bọn côn đồ qua lăng kính tiến hóa.

Lần dở lại những trang sách về tâm lí học tôi thấy học được nhiều điều. Giới tâm lí học chia hành động lưu manh trong học đường thành 2 nhóm: nhóm bạo lực (họ gọi là physical violence) và nhóm nói xấu (họ gọi bằng mĩ từ là relational aggression). Lưu manh bằng bạo lực là hình thức mà đồng bọn Tường Vi đã làm, tức là đánh và gây thương tích cho người khác. Còn lưu manh theo kiểu nói xấu là tung tin đồn nhảm, tấn công cá nhân, với mục tiêu hạ uy tín hay nhân cách của nạn nhân. Nam học sinh lưu manh thường ở dạng bạo lực, còn nữ học sinh lưu manh thường ở dạng nói xấu. (Nhưng trong trường hợp ở trường Trần Nhân Tông, thì nữ sinh đã chiếm lấy vai trò của nam để trở thành những kẻ lưu manh bạo động).

Có hai loại lưu manh trong học đường: bạo lực và nói xấu bạn

Theo một nghiên cứu cấp tiến sĩ, thì lưu manh trong học đường khá phổ biến, với tỉ lệ 1/7 học sinh có thái độ lưu manh được ghi nhận ở Âu châu, nhưng tỉ lệ lưu manh này có xu hướng giảm theo độ tuổi. Ở Á châu, Nhật và Hàn Quốc là hai quốc gia có nghiên cứu nhiều về lưu manh trong học đường, và kết quả của họ cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin thú vị.

Nghiên cứu tâm lí học cho thấy nam học sinh nạn nhân của lưu manh học đường thường có ít bạn tình. Nhưng cũng nghiên cứu đó cho thấy nữ học sinh nạn nhân của lưu manh học đường có nhiều bạn tình và thường quan hệ tình dục sớm hơn đồng môn. Mối tương quan giữa số “sexual partners” (tôi tạm dịch là bạn tình) và thái độ lưu manh ở nam và nữ là ~0.35. Ngoài ra, ở nam học sinh, lực của nắm tay (gọi là grip strength) là một yếu tố tiên lượng lưu manh. Nam học sinh có lực nắm tay càng cao xu hướng lưu manh trong ứng xứ với bạn bè càng cao.

Nghiên cứu ở 147 nam và nữ học sinh trung học bên Mĩ cho thấy nữ học sinh xinh đẹp hay có sắc diện “dễ nhìn” thường thu hút chú ý của nam, và do đó họ thường là đối tượng của bọn nữ côn đồ, do ganh tị. Vì ganh tị, bọn côn đồ tìm cách hạ uy tín đồng môn bằng cách nói xấu, bịa đặt thông tin nhằm gây tác hại tâm lí cho đồng môn.

Với kết quả trên, chúng ta có thể suy luận rằng lưu manh học đường như là một cuộc cạnh tranh sinh tồn và tái sản sinh. Những kẻ lưu manh xem bạo lực và nói xấu người khác như là một chiến lược để kiếm nhiều bạn tình, và là một phương cách để hạ thấp uy tín người khác để nhằm tự nâng cao khả năng [lưu manh] của mình trước người bạn tình. Nếu giả thuyết lưu manh mang tính tiến hóa thì cũng có nghĩa rằng lưu manh là một đặc tính sinh học mang tính di truyền. Điều này hàm ý rằng những đứa trẻ côn đồ (như cô bé Tường Vi và đồng bọn) có thể có gene lưu manh lưu truyền từ cha mẹ hay tổ tiên. Do đó, muốn can thiệp để giảm xu hướng lưu manh của những kẻ côn đồ như cô bé Tường Vi cần phải can thiệp từ gia đình.

NVT

Virus phi nhân tính

  Mấy ngày nay cái clip “Nữ sinh bị đánh hội đồng”, cô bé Nguyễn Quỳnh Anh bị đám nữ sinh cùng trường THCS Trần Nhân Tông đánh hộ đồng tại vườn hoa Pasteur (Hà Nội) gây xôn xao cư dân mạng, tràn xuống cả đời thường. Chuyện học sinh đánh nhau xưa nay là chuyện thường tình, con gái đánh nhau cũng không lạ, đánh hội đồng cũng chả lạ, thì ngay cả học sinh đánh cô thầy cũng không còn là chuyện lạ thì mấy chuyện kia có gì phải ngạc nhiên?

Mới đây thôi, một cậu ấm đòi thầy bật quạt đang khi trời lạnh, thầy không cho, lập tức chửi thầy, văng tục ngay tại lớp và doạ đánh thầy. Cậu còn rạch mặt ăn vạ, nhiều lần xông vào dùng dao doạ thầy, cuối cùng đánh thầy ngất đi. Chuyện này cũng không ghê bằng ba học sinh bị thầy hiệu trưởng gọi lên văn phòng viết bản tự kiểm điểm đã lén bỏ thuốc chuột vào ấm nước của thầy cho …bõ tức, may thầy phát hiện ra kịp.

Vậy thì vì sao cái clip “Nữ sinh bị đánh hội đồng” lại được dư luận chú ý, bàn tán xôn xao? Xem kĩ thì thấy trong khi cô bé Tường Vi đánh cô bé Quỳnh Anh có thể nói rất dã man thì mấy cô bé khác ngồi yên xem như xem phim, mặt mày không biểu lộ một gram cảm xúc. Cạnh đó ta thấy một vài người lớn đi qua, không ai dừng chân, mặc kệ lũ trẻ muốn làm gì thì làm.

Cái sự dửng dưng kia đã làm cho mọi người quan tâm.  Một khi cái ác diễn ra ngang nhiên trước mắt lũ trẻ và được lũ trẻ coi đấy là chuyện bình thường thì mối đe doạ về nhân tính đã lên đến đỉnh điểm.

Xưa học trò đánh nhau đều lén lút, giấu cha mẹ, giấu cô thầy, chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ. Bây giờ thì không. Cô bé Tường Vi đến đồn công an không để lộ chút sợ hãi “ Thi thoảng cô gái 17 tuổi này còn nói chuyện pha trò với cảnh sát.” ( theo vnexpress) Cô nói tỉnh bơ: “Em đánh thế đã ăn thua gì, vẫn nhẹ mà. Ở ngoài đời còn có những vụ đánh nhau ác liệt hơn thế”. Trong khi đó cô giáo khi biết đến việc này đã gần như phủi tay, cho là học trò đánh nhau ngoài trường học ấy là cô vô can.

Ở nước ngoài hành hạ một con vật cũng bị xã hội lên án, bị pháp luật trừng trị, trong khi đó ở ta bạo lực học đường không còn là chuyện lạ, dường như nó là chuyện vặt hằng ngày. Khi có chuyện xảy ra thì thầy cô giáo lập tức phủi trách nhiệm, bố mẹ lập tức tìm cách chạy tội cho con cái, một số kẻ nhân việc này lập tức tìm cách đục nước béo cò. Cuối cùng tất thảy đều rơi vào im lặng đáng sợ.

Thầy giáo Trần Minh Hảo lo lắng sau khi bị học sinh xúc phạm và đón đánh.
Sự dửng dưng trước cái ác của người lớn đã tạo cơ hội cho lũ trẻ ngang nhiên làm cái ác không chút sợ hãi. Chúng chẳng thèm giấu diếm, thậm chí  cái ác đã và đang trở thành thú vui, trò tiêu khiển của học trò.

Tôi tình cờ vào một blog của  một cô bé, cô đã đưa lên các clip quay bằng mobile của mình, cái vài ba giây cái năm bảy giây, với những các tit vui vẻ: Lớp 10 A táng nhau nè- Thụi nhau trong giờ chào cờ nè- Con gái cũng võ lâm tự nè…v.v Những comments bạn bè trong lớp cô bé cũng bình luận vui vẻ, coi như chuyện của ai đó, như là đang xem phim: Ui chời ra đòn dở ẹc ẹc- Con gái xoạc dữ hen, rách rồi em ơi… ặc ặc- Chưa máu lắm táng mạnh dzô…mấy nàng ơi…

Cho nên cái clip “Nữ sinh bị đánh hội đồng” được tung lên mạng để làm trò vui đã bị công luận phản ứng gay gắt, pháp luật thậm chí đã phải ra tay không chỉ là hành vi xâm hại thân thể và nhân phẩm của lũ trẻ mà chính là căn bệnh vô cảm trước cái ác, nó chính là vius phi nhân tính  làm huỷ hoại nhanh chóng phẩm tính người. Ở cái nơi trồng người lại nảy sinh loại virus phi nhân tính thì thật đáng sợ, nó báo trước một tương lai u ám của ngành giáo dục nước nhà.

Bài đọc thêm:

THƯ NGỎ GỬI THẦY HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT TRẦN NHÂN TÔNG – HÀ NỘI.

 Vụ việc học sinh trường TNT đánh nhau đã thu hút sự tham gia ý kiến của rất nhiều người, từ lúc clip được phát tán tới lúc nhà trường có biện pháp xử lý.

     Về phía những học sinh đánh bạn, có nhiều người muốn có hình thức xử phạt nặng hơn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và có tác dụng răn đe lớn hơn đối với các em. Tuy nhiên, qua những phân tích của thầy, tôi thấy mức kỷ luật như vậy cũng  tương đối hợp lý và mang  tính nhân văn. Về phần mình, tôi cho rằng mức độ xử lý với các em còn lại là chưa thỏa đáng, đặc biệt là việc xếp loại hạnh kiểm yếu đối với em Quỳnh Anh, nạn nhân bị bạn đánh đập nơi công cộng.

    Từ một xích mích rất nhỏ, Quỳnh Anh đã bị Ngọc Diệp tụ tập bạn bè cùng băng nhóm đánh đập và quay phim, làm tổn hại cả thể xác lẫn tinh thần. Chuyện xích mích, va chạm trong cuộc sống là điều khó tránh khỏi, quan trọng là cách xử sự của mỗi người. Quỳnh Anh dù có xô xát đôi chút với Ngọc Diệp trước đó thì lỗi ấy của em hoàn toàn không đáng bị xếp loại hạnh kiểm yếu. Theo thầy, lý do để đưa ra mức độ kỷ luật này đối với Quỳnh Anh là “em va chạm với bạn nhưng lại không báo cáo cô chủ nhiệm mà tự tìm cách giải quyết; hơn nữa, lại không thật thà khi khẳng định với cô giáo rằng mình không có mặt trong clip“.

         Lý do ấy hoàn toàn không thỏa đáng.

        Thứ nhất, sau những va chạm nói trên, trong ý thức của mình, Quỳnh Anh đã xem như khép lại vụ việc, không hề có ý gây hấn gì với bạn thì việc em không báo cáo với gv chủ nhiệm không thể xem là một “lỗi” để hạ hạnh kiểm. Người tìm cách “giải quyết” là Ngọc Diệp chứ không phải Quỳnh Anh, chúng ta không thể “buộc” lỗi vào cho em như vậy.

        Thứ hai, để hiểu vì sao em “không thật thà khi khẳng định với cô giáo rằng mình không có mặt trong clip” thì chúng ta cần phải tự đặt mình vào hoàn cảnh của em để có thể thông cảm. Khi bị đánh “hội đồng”, trước sự uy hiếp của số đông, em đã không thể phản kháng. Quá sợ hãi những người bạn hung hãn, em thậm chí còn phải giấu cả bố mẹ mình, chỉ âm thầm chịu đựng nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần thì việc em không dám thừa nhận với giáo viên chủ nhiệm cũng là điều dễ hiểu. Đó chính là sự sợ hãi quá mức vì cảm thấy mình không được bảo đảm an toàn chứ không phải vì “không thật thà” như thầy đã kết luận. Những người vì một xích mích nhỏ đã có thể hành xử dã man như vậy hoàn toàn có thể hành xử  tệ hơn nếu em thừa nhận với cô giáo khiến họ bị kỷ luật, thưa thầy!

     Xin thầy hãy nhìn lại những “người lớn” quanh em một chút.  Đã từng nhận được tin nhắn về việc các em đánh nhau,cô giáo chủ nhiệm hoàn toàn có thể xem clip để biết có phải học sinh của mình hay không chẳng mấy khó khăn. Thế nhưng khi các em phủ nhận thì cô cũng “yên tâm” rằng những nhân vật kia không phải là học sinh của mình, dù báo chí đã chỉ ra rằng trên diễn đàn của nhà trường, học sinh đã khẳng định những nhân vật trong clip là thành viên của lớp 10 A 13 do cô phụ trách. Cô giáo còn “sợ” như thế, dù cô không bị ai đe dọa thì làm sao chúng ta lại trách học trò thiếu ‘thật thà”? Không thầy cô giáo nào muốn có điều không hay xảy ra với học sinh của mình nhưng chính các thầy cô trong vụ việc này cũng không đủ khả năng “thật thà” để thừa nhận sự việc khi nó đã xảy ra thì lẽ nào chúng ta lại kỷ luật Quỳnh Anh ở mức ấy? Những học sinh của chúng ta sẽ rút ra “kinh nghiệm” gì cho mình nếu có điều tương tự xảy ra?

       Em đã bị đau đớn về thể xác, bị tổn hại rất nhiều vê mặt tinh thần, xin thầy đừng làm em bị tổn thương thêm vì quyết định kỷ luật vô lý như thế. Nếu em mất niềm tin vào lẽ công bằng, vết thương tâm hồn sẽ khó lòng khép miệng. Hạ một bậc hạnh kiểm  để em ý thức là đúng mức và hợp lý nhất, thưa thầy!

        Với các em còn lại, hình như nhà trường lại quá nương tay. Mức kỷ luật ấy quá nhẹ để các em thức tỉnh, thậm chí nó còn phản tác dụng với những em thích a dua, vô cảm hay tàn nhẫn với bạn bè. Nếu các em ấy thấy Quỳnh Anh bị người khác khống chế  và  không đi tới chỗ bạn bị hành hung thì việc chỉ hạ một bậc hạnh kiểm là hợp lý. Nhưng thực tế không phải vậy. Cả nhóm đã không chế Quỳnh Anh ra chùa Hai Bà Trưng để hành hung, lại tiếp tục đưa bạn ra vườn hoa để “xử lý” thì  trách nhiệm của những học sinh còn lại không chỉ là không can ngăn như nhận định của nhà trường. Các em này dù không bị coi là “đồng phạm” thì cũng là những kẻ đồng lõa trong việc hành hung và làm nhục bạn bè. Chắc rằng Quỳnh Anh sẽ không phải thụ động “chịu trận”từ chùa ra tới vườn hoa như thế nếu không chịu áp lực tinh thần từ những học sinh kia.

        Tôi rất nhất trí với quan điểm “răn đe và giáo dục các cháu và làm gương cho các học sinh khác” của thầy nhưng e rằng mức kỷ luật của nhà trường sẽ làm tổn thương tinh thần đối với Quỳnh Anh và khả năng “răn đe” những học sinh  thích dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn với bạn bè sẽ không đạt đươc. Trường THPT Trần Nhân Tông hoàn toàn có thể xử lý vấn đề này một cách thấu tình đạt lý và nhân văn hơn nữa. Mấy lời tha thiết, mong thầy Hiệu trưởng chịu khó lắng nghe!

(Nguồn: Blog Thạch lão gia)

Văn hóa cám ơn


Hai tuần trước là ngày kỉ niệm ngày 22 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa của Việt Nam. Theo truyền thống đạo lí của người Việt chúng ta phải ghi ơn những người đã nằm xuống trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền đất nước. Nhưng rất tiếc hình như trong giới quan chức ít ai nhớ đến ngày này, đến nổi báo chí không thấy nhắc đến cụ thể.

Cám ơn và xin lỗi đôi khi trở thành một đề tài xã hội. Khoảng 2 năm trước đây, viết trên báo Tuổi Trẻ, một người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam “phàn nàn” rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Tiếp theo đó là một thư khác của bạn đọc người Việt chỉ ra rằng chẳng những ít nói xin lỗi, mà người Việt còn ít nói cám ơn. Điều này có vẻ mâu thuẫn với truyền thống đạo lí của người Việt, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo,ghi ơn tiền nhân. Nhưng có lẽ trong cuộc sống bề bộn của thời thực dụng kinh tế, không ít người Việt, trong đó có cả những quan chức, quên nói lời cám ơn. Và, sự thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến quốc thể và gây ấn tượng không đẹp ở người nước ngoài về người Việt.

Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây còn cho thấy hình như trong một số quan chức, thể hiện sự tri ân vẫn còn khá khó khăn. Anh là một kĩ sư người Đức, do cơ duyên nào đó, lấy vợ Việt Nam và quê vợ ở một làng nghèo thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có lẽ để làm một nghĩa cử đẹp cho quê vợ, anh về Đức quyên tiền, và đem số tiền đó về quê vợ xây một bệnh xá cho người dân nghèo. Người dân trong làng ai cũng nhớ anh ta trực tiếp chỉ huy việc xây dựng, rất quan tâm đến chất lượng đến nổi cẩn thận gõ từng viên gạch để đánh giá xem thật hay dỏm. Kết quả là một bệnh xá khang trang và có chất lượng cao. Đến ngày khai mạc, các quan chức trong làng đua nhau cám ơn Đảng và Nhà nước, nhưng không có đến một lời cám ơn chàng rể người Đức dù anh có mặt trong buổi lễ khánh thành bệnh xá.

Một câu chuyện “quên” cám ơn khác có liên quan đến Giáo sư Bùi Trọng Liễu, người vừa mới qua đời khoảng 10 ngày trước ở Paris. Gs Liễu là một người rất tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, đóng góp hàng trăm bài viết để cải tiến giáo dục và chuẩn mực giáo sư. Gs Liễu cũng là một trong những người sáng lập ra Đại học dân lập Thăng Long, nay là Đại học Thăng Long. Sau 1 tuần Gs Liễu qua đời, tôi tò mò vào trang web của Đại học Thăng Long xem ban giám hiệu có lời nào về sự ra đi của Gs Liễu. Hoàn toàn không. Tôi rất ngạc nhiên. Nhưng nay thì tôi không còn ngạc nhiên nữa.

Câu chuyện bên Úc mà tôi thuật ở đây cho thấy người phương Tây có cách thể hiện sự tri ân một cách thiết thực. Viện nghiên cứu y khoa Garvan của chúng tôi có nhu cầu thành lập một phòng thí nghiệm mới chuyên về phân tích di truyền, và may mắn thay, chúng tôi được một “đại gia” trong ngành bảo hiểm tài trợ để trang bị phòng óc và các thiết bị quan trọng. Hội động quản lí của Viện quyết định lấy tên của nhà tài trợ đặt tên cho phòng thí nghiệm. Ngày khai mạc, chúng tôi mời nhà tài trợ, phu nhân và con của ông đến tham dự, phát biểu ý kiến, và cắt băng khánh thành. Tôi để ý thấy chẳng những phòng thí nghiệm mang tên ông, mà ngay cả trước phòng thí nghiệm còn có một bảng đồng khắc một đoạn văn ghi ơn ông đã hỗ trợ tài chính cho việc thành lập phòng thí nghiệm. Đó là một cách ghi ơn của người phương Tây.

Thật ra, trong xã hội Âu Mĩ, việc ghi nhận đóng góp của các nhà từ thiện được xem là một đặc điểm của văn minh. Ở các đại học, thỉnh thoảng các thương gia tài trợ cho một ghế giáo sư hay ghế chủ nhiệm một bộ môn khoa học, trường đại học thường lấy tên nhà tài trợ đặt cho chức danh giáo sư. Do đó, thỉnh thoảng chúng ta thấy một số giáo sư Âu Mĩ, chẳng hạn như ông bạn tôi kí tên là “Rebecca Cooper Professor of Medicine” để cho thấy người giữ chức danh giáo sư y khoa đó là do bà Rebecca Cooper tài trợ.

Ngay cả trong các hội nghị khoa học có sự tài trợ của các công ti dược, ban tổ chức còn gửi thư nhắc nhở các nghiên cứu sinh hay các nhàn nghiên cứu trẻ đến quầy của các công ti dược để nói một tiếng cám ơn. Nếu không có tài trợ của các công ti đó, chắc gì các nghiên cứu sinh được đi dự hội nghị. Lời cám ơn ở đây rất quan trọng, vì đó không chỉ là một cách tri ân người hỗ trợ, mà còn là một cử chỉ bày tỏ rằng ở trên đời mọi người đều phải tùy thuộc nhau mà sống.

Có thời người Việt chúng ta có cảm nhận không đúng với người phương Tây. Hồi còn nhỏ, tôi thỉnh thoảng nghe người ta nói người phương Tây tuy bề ngoài tỏ ra lịch sự nhưng tâm thì họ vô đạo đức lắm, vô ơn lắm. Nhưng khi có dịp sống và làm việc chung với người Mĩ, Anh, Úc và Âu châu nói chung, tôi thấy quan điểm đó quá sai. Tôi thấy cám ơn và xin lỗi gần như là một nét văn hóa của người phương Tây. Ngày tôi mới sang Úc, tôi thấy hai chữ “thank you” (cám ơn) và “sorry” (xin lỗi) giống như là những chữ nằm lòng. Thật ra, ngay từ ngày mới vào học tiếng Anh, người ta dạy khi được hỏi “How are you today” (Hôm nay anh khỏe không), thì câu trả lời lúc nào cũng kèm theo hai chữ cám ơn –thank you. Phải có chữ cám ơn đằng sau. Đi chợ mua hàng, sau khi trả tiền, người bán hàng cũng “cám ơn”, và mình (người mua hàng) cũng “cám ơn” lại. Bên Mĩ, họ còn lịch sự hơn nữa: cám ơn, và chúc ông/bà một ngày tốt đẹp.

Ở xã hội Âu Mĩ, trẻ em ngay từ lúc còn rất nhỏ đã được dạy phải có trách nhiệm xã hội, phải biết nói “cám ơn” và “xin lỗi”, và nói thật lòng chứ không nói qua quít. Khi lớn lên, họ chẳng những trở thành những người rất lịch sự mà còn rất có đạo đức, có trách nhiệm với cộng đồng. Họ không bao giờ quay mặt với một tai nạn để cho nạn nhân nằm chết trên đường lộ như ở Việt Nam ta.

Ngược lại với Âu Mĩ, ở Việt Nam, tôi thấy hình như tần số của hai chữ “cám ơn” còn khá thấp. Dự nhiều hội nghị trong nước tôi ít thấy khi nào diễn giả cám ơn cộng sự hay nghiên cứu sinh, làm như tất cả slides và dữ liệu là tự họ sáng tạo ra vậy (một điều không thể)! Vào quán ăn, ăn uống xong và được nhân viên phục vụ, khách hàng chỉ việc tính tiền (hay cho thêm tiền “tip”), nhưng không hay ít nói lời cám ơn. Viết đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện của Mahatma Gandhi rằng khi ông ăn trưa trong một quán ăn bình dân, sau khi trả tiền ông nói với người phục vụ lời nói cám ơn, và người phục vụ tâm sự: "Thưa ông, tôi sẽ nhớ ông mãi vì hơn 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe ai nói cám ơn".

Trong thời buổi hội nhập quốc tế, tôi thiết nghĩ chúng ta nên thực hành văn hóa cám ơn. Thật ra, văn hóa này chẳng xa lạ gì với người Việt Nam. Như nói trên, người Việt có câu “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” để ghi ơn những người đi trước đã tạo nên nền móng cho ngày nay. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời có nói một câu đơn giản mà nổi tiếng: sống trên đời cần phải có một tấm lòng, phải sống tử tế với nhau. Sống tử tế với nhau cũng có nghĩa là ghi nhận sự đóng góp và giúp đỡ của người khác. Cám ơn chẳng những tỏ lòng tri ân người mình thọ ơn mà còn là một cách tôn trọng nhân phẩm của người đó.

NVT
Posted by Nguyễn Văn Tuấn

Nhân chứng



1. Tôi sinh ra bên một đám cây dại mục nát, nằm bẹp dí dưới chân cha mẹ tôi. Hối ấy, tôi ốm yếu quặt quẹo đến nỗi một hôm trái gió trở trời, tôi nghe mẹ tôi than thầm với cha tôi : “Nó yếu quá, không biết có lớn nổi không nữa, hay là mình hy sinh nó, lấy chỗ cho thằng ba, con tư đón nắng, nghe gió…?”. Ý chừng mẹ tôi muốn nhổ phứt tôi ra khỏi miếng đất dưới chân để bớt đi một kẻ hút các chất dinh dưỡng của đất, nắng và không khí giúp cho anh ba và chị tư tôi mau lớn. Nhưng may là cha tôi không đồng ý. Ông gạt đi: “Không sao đâu. Nó sẽ vượt qua thôi mà, nếu sống được, nó sẽ là thân gỗ tốt đó bà à!”.

Có lẽ nhờ sự tin tưởng đó mà tôi lần hồi lớn lên lúc nào không hay. Năm tôi lên tám tuổi, người tôi đẫy đà trông thấy, tóc tôi lòa xòa, phủ trùm cả lên một góc sân trước nhà ông chủ, tay chân tôi căng đầy cơ bắp, mạnh khỏe hơn sự mong muốn trước đây của cha tôi. Ông tự hào nói với mẹ tôi: “Bà thấy không? Nó đã trưởng thành rồi đó. Không sớm thì muộn, nó sẽ giúp ích cho ông chủ…”. Qủa vậy, chỉ non hai tuần lễ sau, ông chủ ra sân ngắm nghía tôi rồi nói với cậu chủ: “Con à, hôm kia bà chủ khách sạn dưới phố mới đặt mua thêm mấy cái giường đó, ba thấy thằng này dư sức làm trọn bộ giường à nghen, con lo vụ này giùm ba…”. Như chỉ chờ có thế, cậu chủ nhanh chóng giải quyết tôi liền, đám thợ mộc ùa vào tôi, chưa đầy hai tuần lễ, tôi đã trở thành một chiếc giường sang trọng, có nhiều hoa văn uốn lượn, “đẹp đến từng cen-ti-mét” với thân hình được đánh vec-ni sậm màu, bóng loáng. Tôi được đưa ngay vào căn phòng đẹp nhất của khách sạn, cùng đi với tôi là đám đèn ngủ, tủ trang điểm, tủ đựng quần áo…tất nhiên, chúng chỉ là phần phụ của căn phòng, tôi-chiếc giường- mới là nhân vật chính. Tôi nhớ ông chủ sau khi quan sát tôi cả buổi sáng, đã dặn dò cậu chủ: “Con nhớ nói với người ta khi giao hàng rằng đây là hàng độc, phải biết bảo quản, đúng định kỳ phải xịt thuốc chống gián và mối mọt thì mới xài được lâu nghen!”

Từ hôm ấy, cuộc đời tôi bước sang trang mới, tôi được nâng niu hết mực trước khi đưa vào sử dụng chính thức trong phòng khách sạn. Khoác lên người tôi là một tấm áo rất dày, nghe đâu là làm từ loại niệm cao su đắt giá nhất thành phố, xung quanh người tôi là mùi nước hoa thoang thoảng, gợi cảm. Thật hãnh diện biết bao, trong sự sung sướng ấy, tôi chợt nhớ ánh mắt cha tôi nhìn mẹ tôi khi tôi chia tay, về nhà ông chủ: “Bà thấy chưa? Tôi biết là nó sẽ thành tài mà…”

2. Một buổi sáng, phòng tôi bỗng có khách, hai vị khách đầu tiên của tôi là một cặp tình nhân chênh lệch tuổi tác. Người đàn ông trạc ngoài năm mươi, mập phệ với vòng bụng to hơn bình thường rất nhiều, sở dĩ tôi chú ý nhiều đến ông bởi chỉ riêng tấm thân phì nộn trên trăm ký của ông, đã khiến thân hình tôi phải chịu đựng sức nặng oằn đi, mệt đơ người, đã vậy, thỉnh thoảng ông còn hay nhún nhún để xem độ chắc chắn của giường khiến tôi phải giật nãy người theo. Người nữ trạc ngoài hai mươi, dáng cao ráo, nước da trắng hồng, gương mặt xinh đẹp e thẹn ngồi sát mép giường. Khi ông choàng tay qua vai cô gái thì cô phản ứng bằng cách ngồi dịch ra xa. Tôi nghe ông nói, giọng rù rì: “Em à, chắc em chưa biết đó thôi, anh thương nhân viên lắm, ai tốt với anh thì anh sắp xếp lương thưởng hậu hĩ, lên lương rất nhanh...”. Cô gái: “Chú ơi...cháu sợ...chú... đừng làm gì cháu...”. Ông cười nhẹ: “Chú... à mà anh không làm gì tổn hại đến em đâu. Em coi, anh sẽ sắp xếp cho em đi nước ngoài tu nghiệp, trời đất, ai mới đi làm chưa đầy tháng mà được ưu tiên này? Mà em biết một suất tu nghiệp Nhà nước lo bao nhiêu tiền hông? ...”. Rồi tiện thể, ông choàng nhanh tay qua vai cô gái, cô trùng trình một chút, sau đó đành để yên. Mà cô để yên cũng phải, bởi những lời hứa hẹn kia dường như có sức nặng ngàn cân trì kéo cánh tay cô khiến chúng không thể nào nhấc lên nổi để kháng cự. Đột ngột, có tiếng sột soạt, âm thanh này tôi nghe rất lạ, rồi tiếng giày rơi xuống đất đánh “bộp” rõ to, sau đó là tiếng động rất khẽ-như tiếng da thịt chạm vào nhau. Thân hình tôi đột ngột bị cong lên, oằn xuống theo đà nhún của ông già kia. Không biết ông ta làm gì, nhưng tôi nghe cô gái kêu đau và khóc rấm rứt, còn ông ta thì thở hồng hộc như bọn thợ cưa xẻ gỗ. Chừng độ nửa giờ sau, tôi lại nghe ông tỉ tê: “Em à, em thấy đó, chuyện có gì đáng sợ đâu. Lát về, anh sẽ ký ngay quyết định tăng lương em lên bậc 2…”. Cô gái rụt rè hỏi: “…Vậy còn chuyện đi nước ngoài?”. “Ậy, gấp gáp gì em. Cái gì cũng vậy, gấp quá không tốt, hỏng việc như chơi, để anh ký quyết định rút em lên làm phó phòng nhân sự cái đã, sau đó nâng lương thì mới hợp lý. Và sau các bước ấy thì duyệt cho em đi tu nghiệp nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước, vậy người ta sẽ không có cớ bắt bẻ, gièm pha…”-ông nói rồi cười hềnh hệch, đắc ý.

Sở dĩ tôi chú ý đến ông già, vì sau này ông đã trở thành khách hàng quen thuộc của tôi. Từ sau cuộc gặp lần đầu tiên ấy, mỗi tuần, ông ta đến thăm tôi một lần, cũng với cô gái ấy. Bẵng đi vài ba tháng, ông lại đến, nhưng là với người khác, người khác và người khác nữa…đều là những cô gái mới xin vào cơ quan mà ông là sếp. Người mới, nhưng những lời ông ta nói thì đều lặp lại như cũ, rất cũ…vậy mà không hiểu sao những lời cũ rích ấy lại được các cô gái nghe răm rắp. Và không phải cô nào ông cũng cất công dụ dỗ ngon ngọt như cô gái hôm đầu tiên tôi bắt đầu làm việc; bởi có cô, khi vừa vào phòng, đã hiểu ngay sự việc, thế là họ nhanh chóng mượn lưng tôi làm nơi đổi chác. Có hôm, ông ta đến trước, đốt điếu thuốc phì phà ngồi đợi, chốc chốc lại chửi thề: “Đ.M, con Hiền bên tài vụ, nhìn tướng tá mảnh mai, thơ ngây, mình tưởng phen này trúng quả; ai ngờ…nó thuộc loại cáo. Hóa ra, nó đi làm mấy công ty rồi, qua tay năm sáu thằng rồi, còn nước non gì nữa!”. Nhưng có hôm, để tránh người ta nhìn ngó, sau khi xong việc, ông cho cô gái đi cùng ra về trước, còn mình nằm nghỉ lại chút rồi về sau; tôi nghe ông ta cười khục khặc trong cổ họng: “Trời, bữa nay Tổ đãi. Con Hà lao công, nhìn tay chân thô kệch, da ngăm ngăm, mặt xấu xấu vậy mà còn…zin mới ngon chớ!”. Ông là khách quen của tôi, đồng thời cũng là mối ruột của mấy chị phục vụ phòng. Có lần, tôi nghe ông dặn dò: “Hễ thấy tui đến là biết phải đưa lên phòng này nghen. Phòng này có cái giường hết ý. Mà hình như nó có huôn giữ gìn phong độ đàn ông hay sao ấy, dzô đây lúc nào tui cũng thấy mình khỏe như cọp…”. Tôi sướng rơn người khi nghe ông già khen cơ thể mình; nhưng cũng hơi mắc cỡ lúc nghe mấy chị phục vụ phòng bĩu môi sau khi ông vừa khuất dưới chân cầu thang: “Thằng cha già dịch, già rồi mà còn không nên nết, toàn dụ gái tơ vô khách sạn. Vô đây còn đòi nằm giường xịn nữa. Tội nghiệp, chắc thằng chả ép uổng gì người ta đó, em thấy có bữa ra về con nhỏ áo tím tím mắt đỏ hoe…”. Chị bếp bồi thêm: “Chớ gì nữa. Có chức, có quyền mà. Thôi em ơi, kệ họ, mình đi làm kiếm cơm, hơi đâu để ý. Mấy người làm ác, trời trả báo chẳng sớm thì muộn hà em ơi…”. Tôi không thấy ông già ác chỗ nào, ổng dẫn người vô đây nằm một chút rồi về, có hành hạ, đánh đập gì ai đâu mà gọi là ác? Với lại, nhiều người nằm trên thân mình, tôi còn cảm thấy tự hào vì mình hữu dụng nữa là khác.

Ngoài ông già, tôi còn có vô số khách quen. Có hôm, mới 11 giờ trưa, phòng tôi đã đón một cặp nam nữ trạc gần bốn mươi tuổi. Họ gọi cơm lên phòng ăn luôn. Người nam tóc hoa râm vừa ăn, vừa hỏi: “Hồi nãy, em đi, tụi cùng phòng có biết em đi đâu không?”. “Không. Em nói, nhức đầu quá, ra ngoài mua thuốc.”-người nữ đáp. “Vậy được. Mấy đứa đó tò mò lắm”- Người nam nghiêm mặt dặn dò. Sau khi ăn cơm trưa xong, họ ngay lập tức quấn quýt bên nhau. Tôi nghe người nữ cười rúc rích nói; “Mới ăn xong, làm vậy, đau bao tử chết nghen!”. Người nam cười, giọng còn to hơn: “Thì kệ, ai sợ!”. Sau đó, hình như họ đùa giỡn mạnh tay nên phát ra những tiếng động rầm rập. Người tôi run lên bần bật theo sự hoạt động của họ, tấm nệm trên lưng tôi cũng thở ken két theo. Lát sau, khi mọi việc im ắng trở lại, tôi nghe người nữ đấm thùm thụp vào lưng người nam: “Đồ quỷ, sao bữa nay anh khỏe dữ vậy?”. “Khỏe gì, anh luôn mạnh mẽ mà. Với lại sao em nói muốn đẻ con cho anh?”. “Thì là nói vậy mà hoài, có được đứa nào đâu? Không biết tại anh…yếu hay tại anh không dám cho em đẻ nữa?”. “Bậy nè, anh là bác sĩ thường xuyên kiểm tra sức khỏe của mình, yếu sao được…Có điều, thằng con anh nói, bố muốn gì muốn, miễn sao phải để con học hết đại học mới được. Giờ, đẻ ra làm sao nuôi đây? Vợ anh mà biết là em toi mạng…”. “Sao mà không nuôi nổi. Bộ anh tưởng em không biết bác sĩ các anh ngoài lương Nhà nước ra, còn biết bao nhiêu nguồn thu nhập không tên nữa như: khám bệnh ngoài giờ, khám tư, và ấm nhất là khoản các công ty Dược bồi dưỡng cho việc ghi toa sử dụng sản phẩm mới…”-người nữ lật tẩy. “Hà hà, giỏi để ý quá ta. Nhưng…anh không rùng mình, làm sao em đẻ được?”-người nam cười cười nói. Họ lại cười. Tôi biết là họ đùa. Nhưng…một lát, tôi lại nghe người nữ khóc rấm rứt: “Em đã nói là em sẽ tự nuôi rồi mà. Em đâu có đòi hỏi phải chu cấp hàng tháng đâu mà anh sợ? Anh sợ vợ anh biết chớ gì. Anh chỉ nghĩ được phần anh. Sao không nghĩ mai mốt em già, anh chán, anh bỏ em, em cô đơn một mình, có một đứa con hủ hỉ, đỡ buồn chớ?”. Lần này, tôi đoán là cô không đùa. Không nghe người nam trả lời câu nào. Họ còn đến nhiều lần nữa, và lần nào cuối cuộc vui cũng là câu chuyện về đề tài…đẻ con, nhưng lần nào kết cục vẫn vậy.

Có hôm, mới sáng sớm, bảnh mắt ra, tôi đã phải đón một đôi nam nữ còn non choẹt, trên ngực áo còn mang phù hiệu trường học và cặp sách dấm dúi ở góc phòng. Hai đứa cứ rù rì chuyện làm thế nào để vượt qua kỳ kiểm tra sắp tới, nghe đâu sẽ được dùng cộng điểm trung bình cuối năm. Một lát, tôi nghe đứa con gái nói: “Đừng Chương, má biết là chết đó!”. Im lặng. Một lát sau, có tiếng sột soạt, đứa con gái lại nói như cũ; nhưng lần này đứa con trai gạt phắt đi: “Hồng không nói, sao má biết được. Lớp mình tụi nó làm vầy hoài có sao đâu?”. “Sao Chương biết tụi nó có làm?”. “Dễ ợt. Bữa sinh nhật con Hằng hôm 28 nhớ hông? Thằng Quân và con Thúy lẻn ra sau vườn cây làm chuyện đó, thằng Tú rình thấy, nháy thêm Chương với mấy đứa khác ra coi, đã con mắt…”. “Trời, thiệt hả?”. “Chứ gì. Mà đâu chỉ thằng Quân, con Thúy; đám thằng Sĩ, thằng Minh, con Lan, con Tuyết cũng…làm rồi. Y như phim, có gì đâu mà sợ!”. Có vẻ như đứa con trai đã thuyết phục được đứa con gái, nên lát sau, tôi bắt đầu nghe tiếng sột soạt của quần áo, rồi những tiếng động quen thuộc khác mà tôi đã nghe chán chê mấy tháng nay. Tụi nhỏ mà đã biết làm những chuyện của người lớn. Nhưng không chỉ vậy, lúc sau, tôi còn nghe đứa con trai hỏi: “Hổm rày, cô Thanh dạy Gíao dục công dân đã hết đì Hồng chưa?”. “Thì…hết rồi. Nhờ Chương chỉ giùm mánh mua vải áo dài tặng cô ta đó. Cô ta cười tươi lắm…”. Không chỉ hai đứa này, phòng tôi còn đón-không nhớ xuể-rất nhiều cặp đôi học sinh, sinh viên đến thuê phòng khách sạn để làm chuyện người lớn.

Ban đầu, tôi còn tự hào vì mình được nhiều người để mắt đến, và trở thành một trong những phòng đắt khách nhất của một khách sạn loại trung bình như khách sạn này. Nhưng…ở đời chuyện gì cũng có mặt trái, một nghịch lý dễ thấy nhất mà tôi không nhìn ra: tôi càng được sử dụng nhiều thì người tôi càng xuống cấp. Từ ông già lãnh đạo cơ quan cho đến người bác sĩ, cặp tình nhân học trò, và sau này là các cặp đôi mua bán dâm cũng được đưa vào phòng tôi, nằm lên người tôi. Sang trọng, trí thức, văn nghệ sĩ, người lao động, dân thất học, giang hồ, đĩ điếm…tôi đều phải gồng mình chịu đựng cả. Mà đâu phải người nào cũng có nhu cầu sử dụng giống nhau.

Ông già lãnh đạo tuy có thân hình mập phì, nhưng quá mức chỉ là việc số ký lô khổng lồ trên người ông nhún lên, nhún xuống thôi, chứ ngoài ra, ông rất yêu quí tôi, ví dụ như bao giờ ông cũng tháo giày, vớ ra, và đập đập hai chân vào nhau để xoa bớt bụi cát trước khi lên giường. Có hôm, mới bước vào phòng, ông đã móc trong túi ra chai nước hoa, rắc lên người tôi, và cười hì hì, nói, “vậy mới lãng mạn chứ!”, khiến người tôi thơm phưng phức. Đó là chưa kể ông còn thường xuyên dùng lưng tôi làm những việc khá trí thức như: ký hợp đồng kinh tế, ký giấy giới thiệu công tác, ký quyết định nâng lương, ký quyết định bổ nhiệm cán bộ…(Dĩ nhiên là sau khi đã xong việc với đối tác). Nhưng đâu phải ai cũng đối xử với tôi được như ông. Cặp tình nhân bác sĩ thì khỏi phải nói, vì tuy là làm việc trong ngành bảo vệ sức khỏe, nhưng người nam cứ liên tục hút thuốc lá như ống khói thợ rèn, cứ bước vào phòng là anh ta đốt thuốc, khi cặp đôi này xong việc, ra về, bao giờ trên đầu tôi cũng là chiếc gạt tàn đầy ắp những mẩu thuốc lá gãy vụn. Có bữa, gấp quá, anh ta còn vứt bừa tàn thuốc lá đang cháy ra đầu giường khiến người tôi đau điếng vì bị cháy xém. Đó là chưa kể cặp đôi này thường hay đến vào buổi trưa và gọi cơm lên tận phòng để ăn luôn, nên việc thức ăn rơi vãi, hay nước mắm rớt xuống đầu giường là chuyện thường xảy ra. Dẫu sau khi họ trả phòng, các chị dọn phòng đều có lau rửa, xong mùi hôi vẫn quanh quẩn, phảng phất rất nhiều ngày mới hết. Với các cặp tình nhân-học trò thì càng khổ hơn; sau khi xong việc, chúng thường dùng chìa khóa rạch mạnh vào người tôi để…ghi lại kỷ niệm đầu đời, đại loại như: “Tuấn love Hằng, lần đầu Chương gặp Hồng, yêu là cho và nhận…” rồi bôi lên đó bằng chính loại mực mà chúng lôi ra từ trong cặp sách đi học hàng ngày. Dần dà theo thời gian, gương mặt xinh đẹp của tôi chứa đầy những mụn nhọt, tàn nhang, vết sẹo ngang dọc do tàn thuốc lá, bút mực, móc khóa, và cả thức ăn, nước mắm gây ra. Cuối cùng, kinh khủng nhất vẫn là những cặp đôi mua bán dâm. Để thỏa mãn sở thích riêng, có người nam còn dí điếu thuốc lá đang cháy vào người nữ, tàn thuốc rơi xuống nệm, bắt vào vải, cháy âm ỉ, loang cả một góc giường; hoặc có đôi đánh nhau toét mắt, máu phun ướt cả nệm gối; có cặp bị bệnh xã hội, bôi bẩn cả máu mủ, phẩm bệnh, khạc nhổ ngay chính trên chiếc giường mình đang nằm-tức là lên người tôi.

Nên không có gì ngạc nhiên khi chỉ sau một năm phục vụ, người tôi hôi hám, đầy sẹo, rệu rã, cứ có người nằm lên là lại phát ra tiếng kêu ken két, chân tôi rung rinh, không còn đứng vững mỗi khi người ta làm việc. Lượng khách đến phòng tôi thưa thớt dần, và họa hoằn lắm mới có người đến rồi lại xin đổi phòng, hoặc sau đó phàn nàn với tiếp tân là phòng này, giường này xuống cấp lắm rồi. Một hôm, tôi thấy ông chủ lên tận phòng tôi xem xét, sau đó nói với đám thợ mộc: “Nó yếu nhớt. Thôi, tụi mày khiêng xuống, coi làm được gì thì làm, hay bán thanh lý cũng được…”. Tôi biết số phận của mình thế là hết!
*
3. Do người tôi đầy sẹo nên bên cửa hàng thanh lý đồ gỗ trả giá rẻ quá khiến ông chủ nỗi giận không thèm bán tôi cho họ, tôi bị mang đi vứt trong đêm tối. Tôi nghe mấy nhân viên khách sạn nói với nhau: “Kiếm chỗ vắng, bỏ nó xuống rồi dzọt lẹ nghe, kẻo mấy ông Vệ sinh bắt lại phạt tiền là tụi mày chết với ông chủ đó!”. Họ vứt tôi trên triền đồi ven đường. Tôi than thầm: “Chắc là đống rác. Thôi, tiêu đời mình rồi…”.

Sáng hôm sau, tôi còn đang ngủ mê mệt thì đã nghe giọng quen thuộc của mẹ tôi, lay tôi dậy. Mừng húm. Hóa ra, do kiếm chỗ vắng nên họ chở tôi ra tuốt ngoại thành, quẳng tôi đúng vào nhà của cha mẹ tôi ven đường. Ông bà tuy có già đi, thân xộc xệch, ít lá, những chiếc còn lại thì đã khô và chuyển sang màu vàng nhiều hơn, nhưng cha mẹ tôi vẫn khỏe. Tôi buồn rầu kể chuyện mình bị sa thải, nói hết về những công việc mình làm và cả những điều mình đã nghe được trong khi phục vụ con người. Mẹ tôi an ủi: “Thôi con ạ. Vậy mà hóa hay, vì cha mẹ còn có cơ hội gặp con, chứ ở đấy hàng ngày, hằng giờ tiếp xúc với những chuyện u ám; liệu con có còn là con của cha mẹ nữa không?”. Bà ngưng nói rồi cười, khiến tôi thấy nhẹ lòng, và bất giác ngước nhìn lên bầu trời xanh trên cao…/.

Chó đẻ

Tựa đề của truyện ngắn là “Chó đẻ”. Hơi sốc. Nhưng truyện ngắn này viết về câu chuyện chung quanh con chó tên Trung Kiên đẻ con. Chủ con Trung Kiên là ông Ba Mãn, bí thư xã. Nhân dịp chó đẻ, các quan chức thuộc cấp của ông bí thư chạy đôn chạy đáo để lấy lòng sếp:

“Thằng Ân, văn thư ủy ban, nó nói con Trung Kiên nhà anh Ba nay mai sẽ đẻ. Tụi mình coi tới thăm chớ…”- Năm Lê thả giọng nhẹ hều. Hai Hùng cười cười: “May quá, con này đẻ thiệt đúng lúc. Hổm rày muốn ghé ảnh quá trời mà kiếm hổng ra lý do.”. Hai người nháy mắt nhìn nhau ra cái điều “bất chiến tự nhiên thành” và “tư tưởng lớn gặp nhau”, cụng ly đánh cốp một tiếng rồi mới ực một phát cạn ly. Uống xong, Năm Lê bóc điện thoại ra hào hứng gọi: “Ê, Bảy Phát hả? Phải Bảy Phát tàu cá hông? Tao, Năm Lê nè. Mày hú Chín Qùy chủ đất, Hai Tâm bán điện thoại, Bảy Qúi xe tải, Tám Nhơn máy cày…ra gấp làng nướng Hương Đêm nghen. Hả? Có việc quan trọng, thằng nào không ra kỳ này, coi như chuyện làm ăn của tụi nó bỏ đi. Ờ, tao nói vậy là biết rồi đó!”. Năm Lê kết thúc cú điện thoại, giọng chắc nịch.

Cốt truyện tuy là hư cấu, nhưng đọc sao cứ như là “chuyện thường ngày ở huyện”. Phải khen Phạm Thanh Phúc. Ước gì có nhiều tác giả như Phúc phản ảnh tình hình ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đọc xong truyện ngắn tôi nghĩ chắc các bạn sẽ thốt lên: “Chó đẻ”. Hai chữ đó bây giờ không còn là câu chuyện hay tựa đề nữa, mà là một lời chửi của tác giả.
Tuan's blog
===============================
Chó đẻ

Phạm Thanh Phúc

Sinh năm 1964, quê gốc Trà Vinh,
Hiện làm việc tại TP. Hồ Chí Minh;
Hội viên Hội nhà báo Việt Nam

===

Sáng nay, thằng Tròn nói với ba nó:
- Ba, con Trung Kiên nhà mình sắp đẻ rồi?
- Chừng nào? Sao tụi bây không cho biết sớm?
- Dạ, khoảng vài ba ngày nữa. Tại bữa nào ba cũng họp hành liên miên về trễ, mà lại sỉn lút cán nên đâu có khi nào nói được…
- Tụi mày cứ vậy không hà, đợi sát đít mới báo. Thôi, để tao tính!

Tròn là con thứ sáu của Ba Mãn. Ba Mãn là bí thư xã. Theo qui định của trên thì cán bộ có chức vụ như ba Mãn không được đẻ quá hai con, nhưng có lẽ ở vùng nông thôn này còn nhiều cây lá rậm rạp, ánh sáng nghiêm khắc của chủ trương chung chưa rọi tới hết từng chân cây, cỏ lá nên không chỉ Ba Mãn mà nhiều cán bộ thường thường bậc trung khác cũng đều đẻ con vượt kế hoạch. Thằng con đầu của Ba Mãn là thằng Gộc, tên khai sanh là Góc, nhưng tướng tá nó từ hồi mới đẻ đã xù xì, gồ ghề, nên trong nhà quen miệng gọi là Gộc, từ đó chết danh luôn. Từ ngày lấy vợ rồi vào làm việc ở ngân hàng huyện, Gộc ít về nhà. Không biết do nó quá bận bịu công tác, hay là ngán về cái xã nghèo chỉ có hơn mười sáu cái nhà tường, đường đi sình lầy bám bánh xe, nhậu toàn rượu đế với cóc ổi, bói cũng không tìm ra được chỗ bán bia. Tất nhiên, đó là chuyện của tám năm về trước, khi chưa có Khu Công nghiệp Tân Dung được thành lập; còn sau này, gia đình nào ở đây vốn từng nghèo rớt mùng tơi, cũng đều có tiền xài rủng rẻng nhờ nhận tiền đền bù đất đai. Xã đã nhanh chóng ngói hóa với hàng loạt các căn nhà 2, 3 tầng đồ sộ mọc lên, bảy tám căn biệt thự hạng sang chen chúc nhau ở mặt tiền đường hướng ra quốc lộ, mà một trong số đó là nhà của Ba Mãn. Biệt thự của gia đình Ba Mãn lớn nhất xã, riêng phần nhà rộng đến 800 mét, được xây kiên cố 4 tầng, với một sân thượng có lan can dát đồng ánh lên màu vàng chóe mỗi sáng khi mặt trời mọc, lúc những ánh nắng đầu tiên rọi vào. Nhưng đó chỉ mới là phần xây dựng nhà, chứ trong khuôn viên rộng hơn 2000 mét ấy, Ba Mãn còn rước thợ ở Sài Gòn về làm một hồ bơi 40 mét, lát gạch men màu xanh da trời đẹp mắt, gắn dàn đèn chìm để có thể bơi đêm, hệt như hồ bơi chính qui ở các trung tâm thể thao; phía trái là nhà để xe lợp tole với chiếc Innova màu đen nhánh được che bên trên bởi tấm bạt màu đỏ nhạt; phía phải biệt thự, Ba Mãn bày một chiếc bàn đá mặt vuông, có 6 ghế đá cố định, bên trên là mái lều hình vòm, tất cả được che bằng lá cọ kết lại- dĩ nhiên, công năng chính của nó là dùng để…gầy bàn nhậu cho sang đúng theo kiểu các đại gia ở Sài Gòn; cuối khuôn viên biệt thự, Ba Mãn cho đào một ao hơn 200 mét trồng sen, thả cá, giữa ao là nhà thủy tạ có cầu gỗ bắc ngang được sơn hai màu đỏ, vàng như trong phim Tàu. Sang trọng là vậy, nhưng dân trong xã ít ai tường tận, vì bao quanh khuôn viên biệt thự, Ba Mãn cho xây tường cao đến 3 mét, bên trên có chăng dây kẽm gai và miểng chai, uy nghi, kín đáo như một dinh thự thứ thiệt. Tất cả- theo như Ba Mãn từng nhiều lần trình bày với các anh bên ủy ban kiểm tra tỉnh ủy mỗi khi có đơn tố cáo nặc danh- đều là tài sản hợp pháp, có đầy đủ chứng cứ hợp pháp và các tài sản đó có được chủ yếu từ tiền Nhà nước đền bù phần đất đai bị trưng dụng vào khu công nghiệp Tân Dung. Kết quả xác minh của bên bảo vệ chính trị nội bộ cho thấy đúng như vậy, mà như vậy thì quá tốt, nói như lời một vị lãnh đạo trưởng đoàn kiểm tra, bởi làm Bí thư mà gia đình giàu có hợp pháp- điều đó chứng tỏ sự đúng đắn của việc đi theo Đảng, sự hài hòa của việc phục vụ Nhà nước và lợi ích cá nhân. Và điều đặc biệt hơn cả là chính sự giàu có đó sẽ khiến những kẻ xấu, có ý định xấu, ví dụ như muốn…đưa hối lộ chẳng hạn, sẽ chùn tay lại; người dân thì an tâm hơn khi nghĩ: “Ổng giàu như vậy, đâu có thèm ăn hối lộ làm gì!”. Tiếng lành đồn xa, nên nghe đâu nhiều khả năng nhiệm kỳ tới, Ba Mãn sẽ trúng thường vụ huyện ủy không chừng.

Kế Gộc là thằng Cạnh, con Xéo, con Nhọn, thằng Vuông…đều có nghề nghiệp ổn định, lập gia đình, ra ở riêng, có nhà cửa đàng hoàng, đứa nào cũng được Ba Mãn cho miếng đất, xây cho căn nhà bê tông ngon lành. Nhà cửa đề huề, con cái ổn định, đường công danh lên như diều gặp gió, nhưng những lúc trà dư tửu hậu với chiến hữu, lính tráng, Ba Mãn tiếc rẻ: “Mẹ, sao hồi đó ngu quá, đặt tên con toàn hình học không hà, giờ không sửa giấy khai sanh được, tên nghe quê thấy mẹ!”. Có lẽ để sửa sai cho chuyện đó nên sau này tên của bất kỳ gia súc nào trong nhà cũng được Ba Mãn đặt hết sức văn hoa, trang trọng, Trung Kiên hóa ra lại là tên của con chó cái sắp đẻ mà thằng Tròn đã nhắc Ba Mãn hồi sáng.

Trung Kiên được Ba Mãn mua cách nay nửa năm tại chợ chó Cầu Móng trong một chuyến đi họp dài ngày ở Sài Gòn. Hồi đó, nó còn nhỏ xíu, xác xơ lông và lốm đốm ghẻ, do ít được chăm sóc cẩn thận. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn có may mắn được về “làm con” trong gia đình này, Trung Kiên đã nhanh chóng thay da đổi thịt, lột xác thành một con chó quý tộc đúng kiểu. Mỗi sáng, Trung Kiên được chị Năm, người ở cho gia đình Ba Mãn, pha sẵn đĩa sữa Ông Thọ, sau đó là một miếng bít- tếch thịt bò nạc, mua ở quầy bà sáu mập đầu chợ. Bữa trưa của nó là một đĩa cơm trộn trứng chiên, thực đơn buổi chiều cũng tương tự, nhưng có thêm tô xí quách mua từ quán hủ tiếu ngoài quốc lộ 1. Chỉ riêng “tiền ăn” hàng ngày của con Trung Kiên đã gấp 4 lần tiền công nhật của chị Năm. Được chăm sóc kỹ lưỡng như vậy nên Trung Kiên sớm béo tốt, lông óng mượt, và…lọt ngay vào tầm săn bạn tình của mấy con chó đực nhà hàng xóm. Kết quả là từ ngày nó mang bụng lặc lè, đi đi, lại lại trong nhà, chị Năm và mấy người làm công đã phải: “Cực như…chó. Mẹ hồi, chăm nó như chăm trứng mỏng, còn hơn cả đàn bà đẻ nữa, đ.mẹ, kiếp sau mình đầu thai làm chó nhà giàu cho sướng thân!”- vừa hốt đống cứt mà con Trung Kiên mới xả ra, chị Năm vừa chửi xéo.

*

Buổi chiều hôm đó, Năm Lê, chủ tịch mặt trận tổ quốc xã đang ngồi lai rai với Hai Hùng, trưởng ban nông nghiệp xã thì chợt điện thoại di động reo lên.

- A lô, ai vậy?

- Dạ em, Ân nè anh Năm

- Có gì mày nói lẹ đi rồi ra đây, tao đang ngồi với Hai Hùng ở làng nướng Hương Đêm nè…

- Em kẹt chờ lấy cái công văn trên mới gởi hồi trưa rồi ra ngay.

- Trên nào?

- Dạ, Ban xóa đói giảm nghèo huyện, mừng lắm, mình được phân bổ tới 19 chỉ tiêu hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết, anh à. Khé khé, ấm ghê…

- Ấm mẹ gì, được bi nhiêu đâu, không thối lại, sức mấy mà có. Tưởng chuyện gì quan trọng!

- Dạ, còn chuyện này, em nghĩ anh cần biết sớm: con Trung Kiên nhà anh Ba sắp đẻ rồi…

- À, Ừm, vậy mày coi kết lẹ lẹ cái công văn đi rồi ra anh em mình tính gấp, gì chớ vụ đó không để lâu được…

Hai Hùng nháy mắt hỏi Năm Lê, ra dấu, ai vậy?. “Thằng Ân, văn thư ủy ban, nó nói con Trung Kiên nhà anh Ba nay mai sẽ đẻ. Tụi mình coi tới thăm chớ…”- Năm Lê thả giọng nhẹ hều. Hai Hùng cười cười: “May quá, con này đẻ thiệt đúng lúc. Hổm rày muốn ghé ảnh quá trời mà kiếm hổng ra lý do.”. Hai người nháy mắt nhìn nhau ra cái điều “bất chiến tự nhiên thành” và “tư tưởng lớn gặp nhau”, cụng ly đánh cốp một tiếng rồi mới ực một phát cạn ly. Uống xong, Năm Lê bóc điện thoại ra hào hứng gọi: “Ê, Bảy Phát hả? Phải Bảy Phát tàu cá hông? Tao, Năm Lê nè. Mày hú Chín Qùy chủ đất, Hai Tâm bán điện thoại, Bảy Qúi xe tải, Tám Nhơn máy cày…ra gấp làng nướng Hương Đêm nghen. Hả? Có việc quan trọng, thằng nào không ra kỳ này, coi như chuyện làm ăn của tụi nó bỏ đi. Ờ, tao nói vậy là biết rồi đó!”. Năm Lê kết thúc cú điện thoại, giọng chắc nịch.

*

Con Trung Kiên “vượt cạn” vào buổi khuya. Có tất cả sáu con chó con xinh xắn ra đời, nằm ngang bâu chặt lấy bầu vú nhỏ xíu nhưng dài lỏng thỏng của mẹ nó. Cuộc “vượt cạn” hết sức hoàn hảo và không gặp bất kỳ khó khăn nào, bởi thằng Tròn đã chặt chẽ tuân theo sự chỉ đạo kịp thời và sáng suốt của ba nó, là gọi điện thoại báo cho chú Út Hoàng, Trưởng trạm y tế xã; và ngay lập tức, chú Út Hoàng đã cử ngay bác sĩ Hạnh, phụ trách hộ sinh của trạm y tế đến theo dõi. Cả nhà đã căng mắt ra chờ đợi sự kiện trọng đại này từ chập choạng tối, nên bác sĩ Hạnh cũng một phen toát mồ hôi, làm đủ mọi thủ thuật y tế, kể cả chích một mũi thuốc khỏe để con Trung Kiên sanh cho dễ. Đến khi thấy cái đầu đỏ hỏn của con chó nhỏ từ từ chui ra, bác sĩ Hạnh mới thở phào nhẹ nhõm- “Nó mà có mệnh hệ nào là mình coi như…tiêu!”. Vợ Ba Mãn giúi vào tay cô phong bì hai trăm ngàn, gọi là bồi dưỡng công sức khó nhọc, nhưng cô kiên quyết từ chối: “Dạ, đây là việc nhỏ mà chị. Có làm được chuyện gì cho anh Ba là tụi em mừng rồi, đời nào dám cầm cái đó. Dạ…chỉ cần ảnh họp với bên ủy ban, ảnh nói một tiếng, chỉ đạo hỗ trợ vật chất thêm cho trạm là tụi em ơn biết để đâu cho hết…”. Khi bóng bác sĩ Hạnh vừa khuất sau cánh cổng, đám cháu ngoại, cháu nội của Ba Mãn ùa tới, đứa xoa đầu, đứa nắm chân mấy con chó mới đẻ, tíu tít tươi cười rôm rả, cả nhà vui như tết, khiến vợ Ba Mãn hối chị Năm bắt con gà nấu cháo ăn khuya cho vui nhà vui cửa.

Mà vui thiệt. Mới sáng bảnh mắt ra, nhà Ba Mãn đã phải mở cửa tiếp khách, dẫn đầu đoàn khách đầu tiên trong ngày, dĩ nhiên là Năm Lê và các chủ doanh nghiệp có máu mặt trú đóng trên địa bàn xã.

- Dạ, mấy anh em nghe con Trung Kiên đẻ nên tới thăm…

Năm Lê cười cười, mở lời giải thích lý do làm phiền gia đình Sếp vào buổi sáng sớm. Ba Mãn, vẫn gác một chân lên ghế salon, buông một câu hỏi bâng quơ:

- Gì mà đông quá, chỗ đâu ngồi cho hết bây?

Có vẻ đó là một câu hỏi tu từ nên không ai bảo ai, sau câu hỏi đó, mọi người đã nhìn quanh quất, tự tìm ra được chỗ ngồi của mình. Chờ mọi người yên chỗ, Ba Mãn hắng giọng ra sau nhà:

- Đứa nào dưới bếp, châm bình trà coi!

Một bình trà lập tức được mang lên, hệt như kẻ ăn người ở trong nhà đã chuẩn bị sẵn từ hồi nào. Nhưng bình trà mang lên cũng chỉ cho có lệ, bởi số khách quá đông nên quây quần bên cái bàn salon vỏn vẹn có vài người- chức sắc trong xã- là được cầm tách trà, số còn lại ngồi xa xa, mắt hướng về góc phòng, nơi con Trung Kiên đang nằm ổ với ánh mắt rất chi là ngoại giao. Thấy Năm Lê nháy mắt ra dấu, Hai Hùng cười hềnh hệch, xổ một tràng:

- Nói thiệt, trong đời em, chưa thấy con chó nào đẻ sáu đứa hết, toàn hai, hoặc bốn không hà! Bởi vậy con Trung Kiên đẻ sáu con là trong nhà phước đức lắm đó mới được. Mấy ông coi, lông tụi nó ngắn mà mướt rượt, có xoáy trên lưng giống như chó Phú Quốc kìa, mũi dài đưa ra đằng trước nữa, trời, tụi này mà lớn, bắt chuột bá cháy nghen! Anh Ba, nghe con Trung Kiên đẻ, em mừng quá, thôi thì hổng có gì, em…mang…cái này tới…gởi anh lấy thảo…

Lúng túng, Hai Hùng đặt chai X.O lên bàn, và do trước đó có lẽ sợ người nhận cũng như quan khách không thấy được giá trị của chai rượu nên Hai Hùng để nó trơ ra chớ không thèm gói giấy kiếng xanh xanh đỏ đỏ như mấy lần đi đám tiệc khác nữa. Phát súng đầu tiên đã nổ, cổng đã mở toang nên những người còn lại không khó khăn gì để nhập cuộc. Thì kia, Bảy Phát chủ tàu đánh cá rụt rè đặt lên bàn bộ vi cá mập, Tám Nhơn máy cày bày ra bộ tách và bình quý làm bằng thủ công của gốm sứ Minh Long, Hai Tâm điện thoại mang đến một màn hình ti vi mỏng dính kiểu tinh thể lỏng…Qùa nào cũng có trọng lượng riêng không ai kém cạnh ai. Nhưng…trong lúc mọi người đang làm cho xong những chuyện quan trọng nói trên thì bỗng nghe có tiếng la thất thanh ở góc phòng:

- Trời, cha mẹ ơi, quý tướng, quý tướng…

Mọi ánh mắt đổ dồn về nơi con chó cái đang nằm với bầy chó con. Chín Qùy chủ đất đang ngồi bệt dưới nền gạch men, miệng xuýt xoa:

- Thầy Tư nước lạnh ở Châu Đốc nói con chó nào mà có đốm đen trên đầu là “Vượng phát gia chủ”, tui nhất quyết phải nuôi con này mới được!

Chỉ tay vào con chó bé xíu, Chín Qùy năn nỉ:

- Anh chị Ba thương em thì để lại cho em con này. Qúy lắm, quý lắm, trên Sài Gòn cả mấy chục triệu cũng không mua nổi đâu. Dạ, giận em chịu chớ chị Ba để lại em đi, em gửi liền chục triệu…
Vừa nói, tay Chín Qùy móc trong túi quần ra gói giấy bọc kín, đưa cho vợ Ba Mãn. Qúa bất ngờ, vợ Ba Mãn lúng túng đưa mắt nhìn chồng:

- Ông…thấy sao?

Ba Mãn ho một tiếng, nghiêm giọng:

- Chó đẻ, tao định nuôi chớ không bán chác gì đâu. Bộ tụi mày tưởng nhà tao không đủ cơm nuôi hả?

Chín Qùy rối rít:

- Dạ, anh Ba, em đâu có ý đó. Tại em ham quá, em nghe thầy nói có nó trong nhà mới làm ăn được, chị Ba nói giúp em một tiếng…

Vợ Ba Mãn đưa mắt nhìn chồng lần thứ hai. Ba Mãn gật gù:

- Thiệt, hết nói tụi bay, nghe thầy bà gì cho mệt. Mà thôi, mày năn nỉ quá tao thấy không đành, có gì hai chị em bây bàn với nhau nghen…

Chín Qùy cười mãn nguyện. Mà không mãn nguyện sao được, bởi sau Chín Qùy, thì Bảy Qúi xe tải và thêm mấy người nữa được nước xúm lại năn nỉ vợ Ba Mãn bán mấy con chó con còn lại, dĩ nhiên là không con nào dưới giá chục triệu đồng.

Chừng đám đông giãn ra một chút, Ba Mãn mới lên tiếng:

- Tụi bây…à, anh em đến thăm thì tui cảm ơn. Thôi chớ tới rồi phải ngồi lại lai rai. Chị Năm ơi, chạy ra lộ lấy gấp cho tui cái gì về nhậu coi, kêu thằng Lai con bà sáu mang bia vô, nước đá luôn rồi tính sau…

Lần đầu tiên, Năm Lê dám phát biểu chặn ngang họng Sếp:

- Khỏi anh, tụi em chở theo cả xe bia ngoài kia kìa, thằng Ân văn thư nó còn kêu sẵn con heo sữa quay chỗ thằng Thanh ba Tàu, giòn lắm. Mồi màng cây nhà lá vườn, mình có cái gì chơi cái đó trước đi rồi hẵng tính nữa…

Thế là mấy anh em kéo nhau ra chỗ cái chòi lá cọ ngoài vườn.

* * *

Cuộc nhậu rôm rả, mà không rôm rả sao được khi ai cũng vui trong lòng vì đã đạt được mục đích riêng của mình, nên chẳng mấy chốc, chục thùng bia hết veo. Hai Hùng đang điện thoại kêu nhà hàng Hương Đêm mang bia vào thêm thì ngoài cổng nhà Ba Mãn có tiếng chuông gọi cửa. Hai Hùng lật đật bước ra: “Cha, bữa nay tụi này làm ăn ngon quá ta, mới điện thoại vừa xong, bia đã mang tới ngay, lẹ thiệt!”. Nhưng…cửa mở, ngoài cổng là hai người một già, một trẻ, mặt lạ hoắc. Hai Hùng hất hàm:

- Kiếm ai đây?

Người đàn ông già, rụt rè:

- Dạ…kiếm chú Ba bí thơ.

- Anh Ba đang bận tiếp khách, có chuyện gì cứ nói luôn với tui đi rồi tui báo cáo lại với ảnh sau!

- Dạ…kẹt gấp quá, nhà thằng Út ghẻ cách đây bảy tám căn có con vợ mới đẻ xong, bị băng huyết, phải tiếp máu mới mong cứu sống được. Mà nhà nó thì nghèo nhứt xóm này, không kiếm đâu ra ba triệu đồng chú ơi, nên…định tới trình bày với chú Ba bí thơ, nhờ chú giúp đỡ…

- Út ghẻ là ai? Thằng này hả? Nghèo sao hổng chịu nín mà đẻ làm chi cho mệt vậy? Thôi, chờ ở đây nghen…

- Dạ, chú làm ơn nói giùm qua là Chín Nếp, tổ phó an ninh ấp này, thằng Út ghẻ là con bà Mười Liên, Mẹ Việt Nam Anh Hùng, mà mỗi dịp lễ kỷ niệm, chú Ba bí thơ có mời lên nhận quà đó…

Hai Hùng quày quả trở vô báo cáo với Sếp. Cả bàn nhậu lao xao. Năm Lê phát động:

- Thôi, tui nói vầy mấy ông coi được hông? Tụi mình của ít lòng nhiều, giúp người ta để đức cho con cháu, tui xung phong góp ba chục ngàn, anh em góp thêm tùy hỉ…

Cuộc quyên góp, nhờ sự phát động kịp thời của chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc xã nên diễn ra khá nhanh chóng, người năm chục, kẻ một trăm, kết thúc được một triệu bảy trăm ngàn đồng. Vẫn chưa đủ con số mà sản phụ đang cần. Ba Mãn khoát tay:

- Để anh đưa thêm ba trăm cho chẵn hai triệu.

Hai Hùng cười cười:

- Rồi, cứ coi như anh Ba đóng góp ba trăm, còn chuyện thực tế, cứ để em lo. Ba mươi giây là xong…
Người thanh niên tên Út ghẻ rạng rỡ hẳn nét mặt khi nghe Hai Hùng cho biết con số quyên góp được. Nhưng người tổ phó tổ an ninh già còn tần ngần:

- Chú ơi, đã thương thì thương cho trót, còn một triệu đồng nữa, biết lấy đâu ra?

Hai Hùng trừng mắt:

- Ông biết điều một chút đi. Tự dưng, kiếm đâu ra hai triệu, vậy mà giờ có rồi, còn đòi hỏi gì nữa? Mà nhờ ơn đức anh Ba chớ hổng phải tự dưng có đâu, người ta nể uy tín ảnh, người ta mới quyên góp giúp mấy người đó, đừng có được voi, đòi tiên…

Út ghẻ kéo tay ông già:

- Được rồi bác Chín, vậy là quá tốt rồi bác, mình về kiếm chỗ khác, bí quá thì để con đi mượn nóng thằng Cường xã hội đen ngoài đầu chợ cũng được…

- Một triệu, trả góp một ngày ba chục ngàn, mầy trả nổi hông?

- Thì phải rán vậy, mình về đi chú Chín

Cánh cửa đóng sập “rầm” một tiếng, mấy khoen sắt lâu ngày cạ vào nhau phát ra âm thanh chan chát, làm nổi da gà người nghe. Một già, một trẻ dìu nhau về. Cách cánh cổng sắt vài bước chân là con đường nhỏ cắt về nhà Út ghẻ. Con đường đất thịt, mấp mô từng mảng, hai bên cỏ dại mọc đầy, tưởng như dài ra đến tận chân trời…/.