28/3/10

Virus phi nhân tính

  Mấy ngày nay cái clip “Nữ sinh bị đánh hội đồng”, cô bé Nguyễn Quỳnh Anh bị đám nữ sinh cùng trường THCS Trần Nhân Tông đánh hộ đồng tại vườn hoa Pasteur (Hà Nội) gây xôn xao cư dân mạng, tràn xuống cả đời thường. Chuyện học sinh đánh nhau xưa nay là chuyện thường tình, con gái đánh nhau cũng không lạ, đánh hội đồng cũng chả lạ, thì ngay cả học sinh đánh cô thầy cũng không còn là chuyện lạ thì mấy chuyện kia có gì phải ngạc nhiên?

Mới đây thôi, một cậu ấm đòi thầy bật quạt đang khi trời lạnh, thầy không cho, lập tức chửi thầy, văng tục ngay tại lớp và doạ đánh thầy. Cậu còn rạch mặt ăn vạ, nhiều lần xông vào dùng dao doạ thầy, cuối cùng đánh thầy ngất đi. Chuyện này cũng không ghê bằng ba học sinh bị thầy hiệu trưởng gọi lên văn phòng viết bản tự kiểm điểm đã lén bỏ thuốc chuột vào ấm nước của thầy cho …bõ tức, may thầy phát hiện ra kịp.

Vậy thì vì sao cái clip “Nữ sinh bị đánh hội đồng” lại được dư luận chú ý, bàn tán xôn xao? Xem kĩ thì thấy trong khi cô bé Tường Vi đánh cô bé Quỳnh Anh có thể nói rất dã man thì mấy cô bé khác ngồi yên xem như xem phim, mặt mày không biểu lộ một gram cảm xúc. Cạnh đó ta thấy một vài người lớn đi qua, không ai dừng chân, mặc kệ lũ trẻ muốn làm gì thì làm.

Cái sự dửng dưng kia đã làm cho mọi người quan tâm.  Một khi cái ác diễn ra ngang nhiên trước mắt lũ trẻ và được lũ trẻ coi đấy là chuyện bình thường thì mối đe doạ về nhân tính đã lên đến đỉnh điểm.

Xưa học trò đánh nhau đều lén lút, giấu cha mẹ, giấu cô thầy, chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ. Bây giờ thì không. Cô bé Tường Vi đến đồn công an không để lộ chút sợ hãi “ Thi thoảng cô gái 17 tuổi này còn nói chuyện pha trò với cảnh sát.” ( theo vnexpress) Cô nói tỉnh bơ: “Em đánh thế đã ăn thua gì, vẫn nhẹ mà. Ở ngoài đời còn có những vụ đánh nhau ác liệt hơn thế”. Trong khi đó cô giáo khi biết đến việc này đã gần như phủi tay, cho là học trò đánh nhau ngoài trường học ấy là cô vô can.

Ở nước ngoài hành hạ một con vật cũng bị xã hội lên án, bị pháp luật trừng trị, trong khi đó ở ta bạo lực học đường không còn là chuyện lạ, dường như nó là chuyện vặt hằng ngày. Khi có chuyện xảy ra thì thầy cô giáo lập tức phủi trách nhiệm, bố mẹ lập tức tìm cách chạy tội cho con cái, một số kẻ nhân việc này lập tức tìm cách đục nước béo cò. Cuối cùng tất thảy đều rơi vào im lặng đáng sợ.

Thầy giáo Trần Minh Hảo lo lắng sau khi bị học sinh xúc phạm và đón đánh.
Sự dửng dưng trước cái ác của người lớn đã tạo cơ hội cho lũ trẻ ngang nhiên làm cái ác không chút sợ hãi. Chúng chẳng thèm giấu diếm, thậm chí  cái ác đã và đang trở thành thú vui, trò tiêu khiển của học trò.

Tôi tình cờ vào một blog của  một cô bé, cô đã đưa lên các clip quay bằng mobile của mình, cái vài ba giây cái năm bảy giây, với những các tit vui vẻ: Lớp 10 A táng nhau nè- Thụi nhau trong giờ chào cờ nè- Con gái cũng võ lâm tự nè…v.v Những comments bạn bè trong lớp cô bé cũng bình luận vui vẻ, coi như chuyện của ai đó, như là đang xem phim: Ui chời ra đòn dở ẹc ẹc- Con gái xoạc dữ hen, rách rồi em ơi… ặc ặc- Chưa máu lắm táng mạnh dzô…mấy nàng ơi…

Cho nên cái clip “Nữ sinh bị đánh hội đồng” được tung lên mạng để làm trò vui đã bị công luận phản ứng gay gắt, pháp luật thậm chí đã phải ra tay không chỉ là hành vi xâm hại thân thể và nhân phẩm của lũ trẻ mà chính là căn bệnh vô cảm trước cái ác, nó chính là vius phi nhân tính  làm huỷ hoại nhanh chóng phẩm tính người. Ở cái nơi trồng người lại nảy sinh loại virus phi nhân tính thì thật đáng sợ, nó báo trước một tương lai u ám của ngành giáo dục nước nhà.

Bài đọc thêm:

THƯ NGỎ GỬI THẦY HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT TRẦN NHÂN TÔNG – HÀ NỘI.

 Vụ việc học sinh trường TNT đánh nhau đã thu hút sự tham gia ý kiến của rất nhiều người, từ lúc clip được phát tán tới lúc nhà trường có biện pháp xử lý.

     Về phía những học sinh đánh bạn, có nhiều người muốn có hình thức xử phạt nặng hơn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và có tác dụng răn đe lớn hơn đối với các em. Tuy nhiên, qua những phân tích của thầy, tôi thấy mức kỷ luật như vậy cũng  tương đối hợp lý và mang  tính nhân văn. Về phần mình, tôi cho rằng mức độ xử lý với các em còn lại là chưa thỏa đáng, đặc biệt là việc xếp loại hạnh kiểm yếu đối với em Quỳnh Anh, nạn nhân bị bạn đánh đập nơi công cộng.

    Từ một xích mích rất nhỏ, Quỳnh Anh đã bị Ngọc Diệp tụ tập bạn bè cùng băng nhóm đánh đập và quay phim, làm tổn hại cả thể xác lẫn tinh thần. Chuyện xích mích, va chạm trong cuộc sống là điều khó tránh khỏi, quan trọng là cách xử sự của mỗi người. Quỳnh Anh dù có xô xát đôi chút với Ngọc Diệp trước đó thì lỗi ấy của em hoàn toàn không đáng bị xếp loại hạnh kiểm yếu. Theo thầy, lý do để đưa ra mức độ kỷ luật này đối với Quỳnh Anh là “em va chạm với bạn nhưng lại không báo cáo cô chủ nhiệm mà tự tìm cách giải quyết; hơn nữa, lại không thật thà khi khẳng định với cô giáo rằng mình không có mặt trong clip“.

         Lý do ấy hoàn toàn không thỏa đáng.

        Thứ nhất, sau những va chạm nói trên, trong ý thức của mình, Quỳnh Anh đã xem như khép lại vụ việc, không hề có ý gây hấn gì với bạn thì việc em không báo cáo với gv chủ nhiệm không thể xem là một “lỗi” để hạ hạnh kiểm. Người tìm cách “giải quyết” là Ngọc Diệp chứ không phải Quỳnh Anh, chúng ta không thể “buộc” lỗi vào cho em như vậy.

        Thứ hai, để hiểu vì sao em “không thật thà khi khẳng định với cô giáo rằng mình không có mặt trong clip” thì chúng ta cần phải tự đặt mình vào hoàn cảnh của em để có thể thông cảm. Khi bị đánh “hội đồng”, trước sự uy hiếp của số đông, em đã không thể phản kháng. Quá sợ hãi những người bạn hung hãn, em thậm chí còn phải giấu cả bố mẹ mình, chỉ âm thầm chịu đựng nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần thì việc em không dám thừa nhận với giáo viên chủ nhiệm cũng là điều dễ hiểu. Đó chính là sự sợ hãi quá mức vì cảm thấy mình không được bảo đảm an toàn chứ không phải vì “không thật thà” như thầy đã kết luận. Những người vì một xích mích nhỏ đã có thể hành xử dã man như vậy hoàn toàn có thể hành xử  tệ hơn nếu em thừa nhận với cô giáo khiến họ bị kỷ luật, thưa thầy!

     Xin thầy hãy nhìn lại những “người lớn” quanh em một chút.  Đã từng nhận được tin nhắn về việc các em đánh nhau,cô giáo chủ nhiệm hoàn toàn có thể xem clip để biết có phải học sinh của mình hay không chẳng mấy khó khăn. Thế nhưng khi các em phủ nhận thì cô cũng “yên tâm” rằng những nhân vật kia không phải là học sinh của mình, dù báo chí đã chỉ ra rằng trên diễn đàn của nhà trường, học sinh đã khẳng định những nhân vật trong clip là thành viên của lớp 10 A 13 do cô phụ trách. Cô giáo còn “sợ” như thế, dù cô không bị ai đe dọa thì làm sao chúng ta lại trách học trò thiếu ‘thật thà”? Không thầy cô giáo nào muốn có điều không hay xảy ra với học sinh của mình nhưng chính các thầy cô trong vụ việc này cũng không đủ khả năng “thật thà” để thừa nhận sự việc khi nó đã xảy ra thì lẽ nào chúng ta lại kỷ luật Quỳnh Anh ở mức ấy? Những học sinh của chúng ta sẽ rút ra “kinh nghiệm” gì cho mình nếu có điều tương tự xảy ra?

       Em đã bị đau đớn về thể xác, bị tổn hại rất nhiều vê mặt tinh thần, xin thầy đừng làm em bị tổn thương thêm vì quyết định kỷ luật vô lý như thế. Nếu em mất niềm tin vào lẽ công bằng, vết thương tâm hồn sẽ khó lòng khép miệng. Hạ một bậc hạnh kiểm  để em ý thức là đúng mức và hợp lý nhất, thưa thầy!

        Với các em còn lại, hình như nhà trường lại quá nương tay. Mức kỷ luật ấy quá nhẹ để các em thức tỉnh, thậm chí nó còn phản tác dụng với những em thích a dua, vô cảm hay tàn nhẫn với bạn bè. Nếu các em ấy thấy Quỳnh Anh bị người khác khống chế  và  không đi tới chỗ bạn bị hành hung thì việc chỉ hạ một bậc hạnh kiểm là hợp lý. Nhưng thực tế không phải vậy. Cả nhóm đã không chế Quỳnh Anh ra chùa Hai Bà Trưng để hành hung, lại tiếp tục đưa bạn ra vườn hoa để “xử lý” thì  trách nhiệm của những học sinh còn lại không chỉ là không can ngăn như nhận định của nhà trường. Các em này dù không bị coi là “đồng phạm” thì cũng là những kẻ đồng lõa trong việc hành hung và làm nhục bạn bè. Chắc rằng Quỳnh Anh sẽ không phải thụ động “chịu trận”từ chùa ra tới vườn hoa như thế nếu không chịu áp lực tinh thần từ những học sinh kia.

        Tôi rất nhất trí với quan điểm “răn đe và giáo dục các cháu và làm gương cho các học sinh khác” của thầy nhưng e rằng mức kỷ luật của nhà trường sẽ làm tổn thương tinh thần đối với Quỳnh Anh và khả năng “răn đe” những học sinh  thích dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn với bạn bè sẽ không đạt đươc. Trường THPT Trần Nhân Tông hoàn toàn có thể xử lý vấn đề này một cách thấu tình đạt lý và nhân văn hơn nữa. Mấy lời tha thiết, mong thầy Hiệu trưởng chịu khó lắng nghe!

(Nguồn: Blog Thạch lão gia)

Không có nhận xét nào: