16/3/10

Hương thơm thần bí từ xác ướp cổ

Hương thơm thần bí từ xác ướp cổ                                                                                  
                                                                                    * Thi hài vua Lê Dụ Tông khi mới mở quan tài

- Một bí ẩn kỳ lạ nhất của xác ướp VN là đã được bảo quản rất tốt, dù không phải giải phẫu lấy nội tạng như nghệ thuật ướp xác ở Ai Cập cổ đại hay xây lăng tẩm nguy nga.



● Mời quý vị độc giả Bấm Vào Đây để theo dõi câu chuyện ly kì, hấp dẫn về bí ẩn của những xác ướp Việt Nam
Ngay thi hài vua Lê Dụ Tông ở Bái Trạch, Thanh Hóa cũng chỉ yên giấc ngàn thu trong cỗ quan tài và quách mộ mà bề ngoài chẳng có gì đặc biệt so với táng thức đương thời.
Mùi hương kỳ lạ
“Nhiều người nghĩ xác ướp sẽ nặng mùi, nhưng kỳ lạ là lại bốc mùi thân mộc thơm thoang thoảng. Đặc biệt có một vài xác ướp hơi bị nặng mùi do bom đạn hay đào bới xâm phạm làm vỡ quách, hư áo quan để không khí và nước lọt vào trong lâu ngày” - nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật tâm sự về cảm giác đầu tiên khi đánh thức giấc ngủ ngàn thu của xác ướp.
Thậm chí, ông Truật từng nhắm mắt, nếm chất nước đọng dưới đáy quan tài để thử phân tích bằng chính giác quan mình. Và ông khẳng định nó không hôi tanh khó chịu mà lại thơm như nhựa thông.
Nhiều xác ướp còn nằm yên nghỉ ngập trong dầu thông. Một số xác ướp dầu ít hơn nhưng vẫn giữ lại mùi hàng trăm năm sau. Nhiều ý kiến cho rằng loại dầu này chính là tinh chất gỗ ngọc am mà người Trung Quốc gọi là san mộc.
Theo cố giáo sư - bác sĩ Đỗ Xuân Hợp, người xưa biết kết hợp nhiều yếu tố để giữ xác ướp không bị thối rữa thành cát bụi như thường tình.
Nghiên cứu thi hài vua Lê Dụ Tông, giáo sư Hợp ghi chép: “Dầu thông đã được đổ nhiều vào trong quan tài nên khi mở ra thấy chăn bông, vải liệm, áo mặc, giấy bản đẫm dầu và mỡ. Chất thơm ngấm vào da, và qua da vào các tạng nên sực mùi thơm...”.
Ngay thi hài vua cũng nhớp nháp dầu thông. Chính loại dầu thân mộc này là một yếu tố quan trọng góp phần bảo quản được xác tiền nhân. Thậm chí những miếng trầu, cau chôn theo hàng trăm năm còn xanh tươi như vẫn có thể dùng được.



* Ông Đỗ Đình Truật với cục tinh dầu đặc lại cùng các chất khác trong quan tài xác ướp - Ảnh: Quốc Việt

Đặc biệt, thi hài vua sau đó được đặt ở tầng hầm Bảo tàng Lịch sử VN suốt 46 năm vẫn không hư hỏng. Khí hậu miền Bắc khắc nghiệt chỉ làm thi hài nhà vua co lại, chứ không thối rữa theo thời gian...
Giáo sư Hợp từng nghiên cứu nhiều xác ướp còn rất tốt khác cũng đậm dấu vết dầu thông. Đó là mộ bà phi dòng họ Trịnh (bia mộ đề thời gian chôn cất thuộc niên hiệu Vĩnh Trị 1676 - 1680) ở Thanh Hóa đã bị lộ thiên cả tháng trước khi các nhà khảo cổ và bác sĩ về nghiên cứu năm 1957.
Trước đó, người ta tình cờ đào lên thấy xác của bà vẫn còn nguyên vẹn trong chiếc quan tài bằng gỗ ngọc am. Hành trang về suối vàng của bà không biết có bị lấy trộm gì không, nhưng các nhà khảo cổ về vẫn thấy sáu chiếc áo gấm thêu kim tuyến, xiêm y còn rất tốt dù đã bị người đào phá rách.
Ấn tượng nhất là xác ướp của bà tuy đã bị đưa ra khỏi quan tài, vùi lấp tạm bợ trên cánh đồng ba ngày, rồi chôn lại trong quan tài ngập nước gần một tháng mà vẫn còn nguyên và bốc mùi thơm nhựa thông. Thậm chí sau đó bà được tắm lại bằng năm lần nước sạch vẫn không hết mùi thơm.
Và dấu vết bảo quản xác của dầu thông còn lan ra ngoài, khi vùng đất quanh mộ cũng nhiễm mùi thơm.
GS Đỗ Văn Ninh cho rằng việc xử lý thi hài rất quan trọng để giữ xác. Người xưa thường quàn xác rất lâu (thậm chí tới hàng năm) trước khi chôn nên chú trọng việc chống thối rữa.
Ngoài dầu thông thường được đổ vào quan tài, người sắp qua đời thường được uống thuốc “hồi dương” có quế nóng giúp tăng tuần hoàn máu để nấn ná sự sống, chờ đợi con cháu. Sau đó lại dùng rượu quế (có thể rượu trắng) tắm rửa cho người mất cũng làm sạch được phần nào trong và ngoài thi hài để giảm sự phân hủy do vi khuẩn.
Đặc biệt, khi nhập liệm người xưa thường chèn nhiều chăn, gối, quần áo, giấy bản, bông vào quan tài có rải gạo rang, chè khô bên dưới. Ngoài ý nghĩa tùy táng mang về thế giới bên kia, các thứ này còn hút ẩm và đẩy không khí ra ngoài để hạn chế môi trường vi khuẩn hại xác.
Thậm chí trước khi nhập liệm, người ta còn đốt nến trong quan tài như là một lễ thức, nhưng cũng góp phần tạo môi trường chân không và sát khuẩn.
Bảo vệ giấc ngủ ngàn thu
Tìm kỹ thuật bảo quản xác tiền nhân, nhà khảo cổ cũng phát hiện xác ướp vua Lê Dụ Tông, Phạm Thị Nguyên Chân, Bùi Thị Khang, Trịnh Phi, Trịnh Dung quận chúa, Trịnh Quý Thị, Đinh Văn Tả... đều yên nghỉ trong quan tài gỗ quý hiếm ngọc am.
Hàng trăm năm trong lòng đất, quan tài gỗ này vẫn không hư và thoang thoảng mùi thơm thân mộc khi khai quật. Những thi hài dù không được ướp dầu thông thơm cũng không thể ám mùi hôi vào gỗ quan.
Các nhà nghiên cứu khảo sát thi hài Trịnh Dung quận chúa ở Hoằng Đức, Thanh Hóa, thấy quan tài gỗ ngọc am vẫn thơm, trong khi tấm thất tinh đục bảy lỗ hình chòm sao đại hùng tinh lại nặng mùi thối vì không phải gỗ ngọc am. Thậm chí tấm thất tinh này sau được ngâm trong vũng nước mưa nhiều ngày vẫn nặng mùi. Còn quan tài ngọc am phơi mưa nắng lại giữ được mùi thơm.
Theo GS Ninh, ngọc am cũng có tên hoàng đàn rủ, loại cây gỗ trong bộ thông, thuộc họ hoàng đàn, sống trên vùng núi đá vôi ở Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng... Người Trung Quốc gọi nó là san mộc (shamou) và hay sang VN mua về làm quan tài. Gỗ quý này bền thơm và có tính sát khuẩn cao nên góp phần bảo quản thi hài.
Đặc biệt, người xưa còn biết làm quan tài rất kín chắc với các mộng ghép chặt chẽ và trét kín bằng sơn sống có trộn mạt cưa hoặc nhựa thông nhào hồ nếp. Thậm chí có quan tài được đóng hai lớp gỗ dày cả 10cm mà nhiều người khiêng không nổi.
Chính những yếu tố này đã ngăn chặn không khí và nước thấm vào để góp phần quan trọng bảo quản thi hài.
Kể chuyện bí quyết ướp xác người xưa, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật xòe bàn tay chai sần trong quá trình đục phá quách mộ.
Ngoài kỹ thuật xử lý xác và gỗ quan tài thì phần quách bảo vệ rất quan trọng để giữ xác. Hầu như tất cả xác ướp phát hiện đều được bảo vệ bằng loại quách hợp chất kiên cố làm từ vôi, cát, mật, thậm chí còn gia cường độ bền của hợp chất này bằng keo vỏ cây dó, giấy bản và vỏ sò nung nóng rồi giã nhuyễn.
Quách bao kín các mặt quan tài, kể cả đáy với độ dày có khi lên đến nửa mét để bảo vệ quan tài và xác ướp bên trong khỏi bị tác hại của nước và không khí lọt vào.
“Ở bãi biển Thụy Xuân, Thái Bình có mộ hợp chất mà lâu ngày sóng biển làm nhẵn thín như đá. Dân không biết cứ lên đó ngồi chơi cho đến khi phát hiện, khai quật được xác ướp một cô gái vẫn còn nguyên hình hài...” - nhà khảo cổ già lộ rõ sự thán phục bí quyết ướp xác tiền nhân.





Thứ Sáu, ngày 05/03/2010, 09:15



* Danh phận của xác ướp dần được hé lộ qua những trang kinh cổ xưa
- Nằm đìu hiu dưới gò đống hoang tàn nhưng xác ướp này có lẽ không phải là dân thường với táng thức trong mộ hợp chất và quan tài bằng gỗ ngọc am công phu và tốn kém. Tiền nhân đã chủ ý bảo quản thi hài này không về với cát bụi. Đặc biệt, hàng trăm đồ vật táng theo cũng chứng tỏ danh phận bà không đơn giản. Nhưng bà là ai?
Đằng sau trang Đại tạng kinh
Trong chiếc quan tài gỗ ngọc am còn rất tốt, các nhà khảo cổ đã phát hiện xác ướp được mặc đến 35 chiếc áo thụng bằng gấm, lụa, có cái được thêu cả kim tuyến cầu kỳ. Để về với thế giới bên kia, bà còn được mặc 18 chiếc váy vải, lụa.
Ngoài hàng chục chiếc gối chèn lớn nhỏ, bà mang theo những thứ thiết thân trong cuộc sống phụ nữ bấy giờ như quạt nan giấy 18 nan gỗ, túi trầu bằng gấm thêu với 10 miếng trầu đã têm và 10 miếng cau tươi cùng túi gấm đựng thuốc lào, khăn lau miệng bằng lụa, mũ lụa.
Trong miệng xác ướp ngậm một đồng tiền Khang Hi thông bảo và hai đồng Hồng Hóa thông bảo để “trả tiền đò qua sông âm phủ”...
Hầu như tất cả đều còn trong tình trạng nguyên vẹn, chưa bị hư hỏng. Bước đầu những táng vật này đã nói lên được người đàn bà đó giàu có, ít nhất trong giai đoạn cuối đời.

Tiền nhân đã chủ ý bảo quản thi hài này không về với cát bụi. Đặc biệt, hàng trăm đồ vật táng theo cũng chứng tỏ danh phận bà không đơn giản. Nhưng bà là ai?

Đằng sau trang Đại tạng kinh

Trong chiếc quan tài gỗ ngọc am còn rất tốt, các nhà khảo cổ đã phát hiện xác ướp được mặc đến 35 chiếc áo thụng bằng gấm, lụa, có cái được thêu cả kim tuyến cầu kỳ. Để về với thế giới bên kia, bà còn được mặc 18 chiếc váy vải, lụa.
Ngoài hàng chục chiếc gối chèn lớn nhỏ, bà mang theo những thứ thiết thân trong cuộc sống phụ nữ bấy giờ như quạt nan giấy 18 nan gỗ, túi trầu bằng gấm thêu với 10 miếng trầu đã têm và 10 miếng cau tươi cùng túi gấm đựng thuốc lào, khăn lau miệng bằng lụa, mũ lụa.
Trong miệng xác ướp ngậm một đồng tiền Khang Hi thông bảo và hai đồng Hồng Hóa thông bảo để “trả tiền đò qua sông âm phủ”...
Hầu như tất cả đều còn trong tình trạng nguyên vẹn, chưa bị hư hỏng. Bước đầu những táng vật này đã nói lên được người đàn bà đó giàu có, ít nhất trong giai đoạn cuối đời.



* Một trang Đại tạng kinh chôn theo là đầu mối tìm danh phận xác ướp.

Đặc biệt cùng với chuỗi hạt nhà Phật được kết từ 101 hạt gỗ đen, trên ngực xác ướp còn được đặt trang trọng một túi gấm đựng hai quyển Đại tạng kinh và Tu tinh thổ tiệp kinh. Từ những quyển kinh này, GS Ninh đã tạm xác định danh phận người đàn bà không chỉ giàu sang, mà có thể còn thuộc gia đình quan quyền.
Ngày xưa, nhiều vua quan nước Việt và thân nhân đã chọn đường tu cuối đời. Xác định được niên đại an táng khoảng đầu thế kỷ 18 và xác ướp là người quyền quý, tu hành, các nhà khảo cổ tiếp tục lần giở sử sách nhà Hậu Lê để trả lại tên tuổi cho người đã khuất.
Chẳng có ai vô danh trên cõi đời này. Hàng trăm năm sau, xác ướp vẫn còn đó, chẳng lẽ lại không tìm được danh phận bà?
GS Ninh cùng đồng nghiệp đã bám sát đầu mối là những chữ “Đặng thượng phụ y phu nhân Phạm Thị Nguyên Chân...” trên tấm minh tinh. Đã chắc người này là vợ người chức sắc hoặc vai trò lớn với triều đình, nhưng họ vẫn phân vân. Có người nghĩ đó là vị quan họ Đặng làm chức thượng thư triều Hậu Lê. Nhưng cũng có diễn giải khác rằng chữ “thượng phụ” không nhất thiết nghĩa thượng thư.
Sử Trung Quốc, Văn Vương nhà Tây Chu đầu thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên đã mời Khương Tử Nha (Lã Vọng) về làm thượng phụ. Đó không phải chức quan mà là danh tặng người có vai trò quan trọng, cố vấn vua, và ở hàng tuổi tác ngang cha vua.
Thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, từ “thượng phụ” cũng xuất hiện khi vua Cao Tôn, nhà Ân mời người đẩy xe đất về làm thượng phụ, cố vấn mình.
Từ đó, nhà khảo cổ biết thêm chi tiết quan trọng vị thượng phụ họ Đặng, phu quân xác ướp, có tuổi ít nhất cũng tương đương cha đẻ vua chúa cùng thời. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi rõ có một dòng họ Đặng hơn 200 năm vinh hoa phú quý, hơn cả họ các công thần khởi đầu từ Nghĩa quận công Đặng Huấn.
GS Ninh kể ông cùng đồng nghiệp đã lần truy gia phả họ này và phát hiện đây thật sự là một dòng họ lẫy lừng. Khởi đầu là Nghĩa quận công Đặng Huấn mất năm 1583 đến Hà quận công Đặng Tiến Vinh, rồi con cháu nhiều đời cũng đều làm quận công hoặc hiền trung hầu, thống lĩnh.
Khoanh trấn Sơn Nam, địa danh cũ nơi chôn xác ướp và loại suy những người họ Đặng khác thời, nhà khảo cổ lần ra được mấy người cùng làm quận công vùng này là Đặng Đình Tướng, Đặng Đình Giám, Đặng Đình Lân.
Trong họ, Đặng Đình Tướng tham dự sâu triều chính, đối tượng gần nhất với chữ “thượng phụ”. Ông sinh năm 1649, tên nguyên Đặng Thụy, hiệu Trúc Trai, đỗ đồng tiến sĩ năm 1670, được sung chức phó sứ sang nhà Thanh năm 1697. Cuộc đời ông đã trải nhiều chức vụ, vai trò quan trọng trong triều đình như võ đô đốc, ứng quận công, thái phó, quốc lão, đại tư mã...
Ông mất lúc 87 tuổi, năm 1735, được phong phúc thần.
Như vậy, các diễn giải lịch sử và chứng cứ khảo cổ đã tạm giải mã được bí ẩn danh phận của xác ướp. Phạm Thị Nguyên Chân có thể chính là phu nhân thượng phụ Đặng Đình Tướng.
Nhưng một bất ngờ nữa lại hé lộ ...

Lời giải từ xác ướp thứ hai

...Ba năm sau, mùa hè1971, bom Mỹ làm bật tung một bia đá mộ cổ ở gò Lăng Dứa, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Tây. Mặt trước bia khắc chữ Hán: “Đặng công quận phu nhân Bùi Thị chi mộ”. Mặt sau có hàng chữ “Vĩnh Thịnh thập niên mạnh xuân thượng nhật lập”.
Bí ẩn xác ướp Vân Cát có thể được trả lời chính xác từ mộ cổ thứ hai này ở cách hàng chục kilômet.
Khi khai quật, mọi người ồ lên khi thấy tấm minh tinh có ghi rõ rằng bà là Bùi Thị Khang, chính thất ứng quận công họ Đặng, và năm lập mộ chí là “Vĩnh Thịnh thập niên”, 1714, triều vua Lê Dụ Tông.
Như vậy, dù hai xác ướp phụ nữ khác biệt thời gian táng, nhưng đều có thể là vợ Đặng Đình Tướng.
Các nhà khảo cổ đã về làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, Hà Tây, tìm đọc Đặng phả và ngỡ ngàng thấy 13 đời Đặng quận công đều được chép tỉ mỉ trong Đặng thế gia phả ký.
Ứng quận công Đặng Đình Tướng là đời thứ 9, lập bà Bùi Thị Khang làm chính thất. Sau đó, ông lập tiếp Phạm Thị Đằng, cháu bà Khang, làm thứ thất. Là con gái út Uyên thái hầu, bà Đằng gọi bà Khang là cô.
Từ đây, bí ẩn mộ cổ ở Vân Cát đã trở nên rõ ràng bằng lời giải từ xác ướp Bùi Thị Khang. Xác ướp Phạm Thị Nguyên Chân ở Vân Cát chính là bà Phạm Thị Đằng (Nguyên Chân là tên thụy lúc chết, còn tên húy là Đằng).
Cùng táng thức bằng quách hợp chất bao bọc quan tài gỗ quý ngọc am, nhưng thi hài bà Bùi Thị Khang không còn tốt như thi hài bà Phạm Thị Đằng. Khảo cổ học đã tìm hiểu kỹ và xác định nguyên nhân do nấm mộ của bà Khang bị bom đạn làm nứt vỏ quách.
Những đồ vật táng theo bà Khang cũng ít hơn bà Đằng chứng tỏ bà mất lúc Đặng Đình Tướng chưa làm quan lớn. Còn bà Đằng mất sau, vào lúc phu quân đã công thành danh toại lẫy lừng cuối đời nên đồ vật gửi cho vợ sang thế giới bên kia cũng dày dặn, sang trọng hơn.
Hồi tưởng chuyện xưa, nhà khảo cổ già Đỗ Văn Ninh mỉm cười thanh thản: “Giải mã bí ẩn xác ướp đâu chỉ là kỹ thuật chôn cất, mà còn góp phần làm sáng tỏ nhân tình thế thái xã hội đương thời, để con cháu nước Việt đời sau không quên tổ tiên mình”.


Thì thầm một đêm trong ngôi mộ cổ


- Bí ẩn những xác ướp kèm những huyền thoại và thông điệp từ một quá khứ thẳm sâu nào đó luôn tạo nên thách thức cho hậu thế trong những cuộc kiếm tìm, giải mã.

Hàng trăm năm qua, tấm thân những dân thường, công hầu, vua chúa... với sự bảo quản tình cờ hay chủ ý của tiền nhân, đã tồn tại yên bình và nguyên vẹn trong giấc ngủ ngàn thu. Chính giấc ngủ của họ đã thành trang sử đặc biệt để hậu thế có thể minh định rõ những ẩn khuất của dân tộc trải qua bao cuộc dâu bể thăng trầm...
Hà Nội. Một chiều rét. GS.TS Đỗ Văn Ninh sống lại ký ức ngôi mộ cổ đặc biệt từng khai quật. Ngược thời gian 42 năm trước, đó là gò đất ở thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà (giờ là Nam Định).



* Chuỗi hạt nhà Phật theo bà hàng trăm năm dưới lòng đất vẫn còn nguyên vẹn - Ảnh tư liệu.

 
Phủ Vân, đền thờ chúa Liễu Hạnh, gần đó quanh năm thu hút người dân hương khói nên gò đất hoang này trông càng đìu hiu, cô quạnh hơn. Rồi một ngày dân địa phương đào gò lấy đất đắp đường. Và ngôi mộ cổ bí ẩn phát lộ.

Cuộc đào mộ trong đêm

Có ý kiến thi hài còn trong mộ hợp chất VN có gọi xác ướp? Theo giáo sư - bác sĩ nổi tiếng Đào Xuân Hợp đã nghiên cứu sâu các trường hợp này, người Việt xưa biết kỹ thuật giữ được xác và có thể coi như một xác ướp về khoa học.
Được tin địa phương báo lên, GS Đỗ Văn Ninh cùng đồng nghiệp háo hức chuẩn bị ngay việc khai quật. Ông nhớ cảm giác hồi hộp khi biết mộ nằm trên vùng đất cổ khởi phát nền văn minh sông Hồng đã trải qua bao biến động lịch sử. Giải mã những bí ẩn mộ cổ này sẽ góp phần làm rõ thêm trầm tích lịch sử, văn hóa nước Việt.
Cuộc khai quật bắt đầu từ ngày 4 đến 8-11-1968. Họ thắp đèn làm đêm, đặc biệt là phần khai lộ quan tài để tránh sự hủy hoại của nắng trời và người dân tò mò. Suốt ngày đêm địa phương phải cử dân quân bảo vệ hiện trường. Tuy nhiên, chính việc làm đêm hôm lại khiến người dân tò mò hơn. Họ theo dõi sát sao xem xác ướp và báu vật dưới mộ cổ. Nhưng cũng có những người xem người đã mất là tổ tiên và muốn rõ sự thật về tiền nhân.
Phần ngoài mộ cổ này được bảo vệ một cách chắc chắn và bí mật như các ngôi mộ Hán cổ tìm thấy ở nước Việt. Khi xây xong mộ, đất được đắp trùm lên thật nhiều để hậu thế nhầm tưởng là gò đồi tự nhiên. Người nằm dưới có thể yên giấc ngàn thu mà tránh được lòng tham của kẻ trộm mộ cũng như sự đào phá của người thù.
Sau này, người ta lần ra được đầu mối bằng cách tìm kiếm ao vũng gần đó. Nếu cạnh gò đất mà có ao vũng cũng xa xưa như vậy thì có thể đó là gò mộ. Người xưa muốn đắp điếm che giấu mộ thì phải đào đất. Điều này thường thấy ở các mộ Hán cổ.
Trong trí nhớ chính xác của giáo sư Ninh, mộ cổ Vân Cát nằm trong gò đất vuông cạnh khoảng 11m và cao hơn mặt ruộng 1,5m. Người già địa phương kể ngày xưa gò đất này lớn hơn nhưng đã bị người dân đào lấy dần. Mộ chính xây bằng hợp chất vôi, cát nằm giữa gò đất, đầu quay về hướng nam chếch tây khoảng 20 độ. Lớp đất ngoài được đào tung, nhưng vẫn không tìm thấy bia đá ghi danh tánh người mất như các mộ cổ khác thường khắc trên bia đá tự nhiên bền bỉ với thời gian. Bí ẩn ngôi mộ cổ càng thêm bí ẩn!
Qua lớp đất, nhóm khảo cổ tiếp tục khai mở phần quách. Việc này khó khăn và mất nhiều công sức nhất vì nó được làm bằng hợp chất rất dày, cứng chắc hơn cả bêtông. Chưa có ximăng, người xưa dùng vôi, cát, mật để xây dựng. Thậm chí người ta còn nung vôi từ các vỏ sò giã nhuyễn. Hợp chất làm quách (thay cho bêtông ngày nay) không chỉ rất cứng, bền, mà còn mịn dẻo để chống sự nứt nẻ, bở mục theo thời gian.
Hầu hết xác ướp phát hiện ở VN đều được loại quách đặc biệt này bao quanh. Chính nó góp phần quan trọng gìn giữ thi hài bên trong. Nhóm khảo cổ Vân Cát khó khăn lắm mới phá vỡ được vỏ quách dày gần 0,3m bao quanh quan tài và được đổ kiên cố bằng 13 mẻ hợp chất. Sau hàng trăm năm, dấu vết 13 mẻ đổ quách vẫn còn lại với các lớp nối tiếp sậm, nhạt không đồng màu.

Giấc ngủ hàng thế kỷ

Đêm khai quật cuối, đàn hương nghi ngút khói để chuẩn bị mở nắp quan tài. Người dân im phăng phắc trong cảm giác sờ sợ lẫn tò mò. Còn các nhà khảo cổ thì hồi hộp, xúc động. Bí ẩn của tiền nhân và lịch sử xã hội hàng trăm năm trước đang nằm sau tấm gỗ sắp lộ thiên. Quan tài lớn, dày gần 10cm, gồm hai loại gỗ ghép lại với nhau mà bên ngoài là gỗ hiếm ngọc am (hay còn gọi san mộc), mặt trong bằng gỗ lim.
Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật, cộng sự của GS Ninh, nhớ như in khoảnh khắc 42 năm trước: “Chúng tôi từng khai quật nhiều xác ướp, nhưng vẫn sửng sốt khi nhìn bà như người bệnh đang say ngủ trong lòng quan tài bốc mùi thơm thảo mộc thoang thoảng. Gương mặt bà vẫn mịn màng, thanh thoát nét đài các, dịu dàng”.
Ông kể nếu thay quan tài là giường, mọi người sẽ nghĩ bà đang mê man giấc ngủ bình yên. Đó là người phụ nữ khoảng 60 tuổi, tóc dài chớm hoa râm. Lúc mới lộ thiên, làn da toàn thân bà vẫn trắng mịn, mềm mại. Các khớp chân, tay có thể co duỗi dễ dàng. Mô ngực vẫn còn hình hài mà chưa xẹp xuống hoàn toàn. Đặc biệt, hốc mắt vẫn còn rõ lòng đen, trắng. Hai hàm răng nhuộm đen cũng chưa rụng chiếc nào...
Ông Truật kể lúc đó mình còn trẻ đã vô tư nhờ một phụ nữ địa phương trạc tuổi người đã mất đến gần thi hài người chết để so sánh “ai đẹp hơn ai”. Trong quan tài, người phụ nữ được đặt nằm trên tấm thất tinh, phía dưới là lớp gạo rang dày 20cm rồi mới đến đáy quan tài. Tấm thất tinh là miếng gỗ đục thủng bảy lỗ theo hình chùm sao đại hùng tinh Bắc đẩu được người xưa tin là thuật phép đạo Lão. Nó “quản lý” vong hồn người chết và bảo vệ họ khỏi tà ma, yêu quỷ phá phách.
Thực tế tấm thất tinh này còn có tác dụng thoát nước xuống lớp gạo rang bên dưới để bảo quản thi hài.
Cùng hàng trăm vật táng tạm xác định khoảng đầu thế kỷ 18, các nhà khảo cổ trăn trở mãi với tấm minh tinh trên quan tài có dòng chữ Hán: “Đặng thượng phụ y phu nhân Phạm Thị Nguyên Chân, giáo hùng tuệ đức tôn linh...”. Đó là đầu mối giúp họ đi tìm thân phận xác ướp để giải mã bao điều còn ẩn khuất trong lịch sử tiền nhân.

Không có nhận xét nào: