19/4/14

Thứ Tư LỄ TRO 2014 - Bài giảng/Suy niệm

Thứ Tư LỄ TRO 2014 - Bài giảng/Suy niệm

In
1. Bụi tro sẽ trở về bụi tro
Hãy nhớ đến ý nghĩa và nguồn gốc của chính ta: "Người là tro bụi và sẽ trở về bụi tro"(Gen 3:19) Lời đầu tiên Thiên Chúa đã báo cho Ađam khi vừa phạm tội. Hôm nay Giáo Hội cũng lặp lại những lời ấy với mỗi Kitô hữu về hai chân lý nền tảng này " Là hư vô và chết là thực hữu".
Ngày nay có rất nhiều người khi chết đã dùng phương pháp hỏa táng thi hài, lấy tro giữ lại. Đây là một bài học cụ thể cho chúng ta về thân xác hay hư nát. Bạn hay tôi với một thân xác to béo khỏe mạnh 150 pounds hoặc ốm yếu 80, 90 pounds. Sau khi nhắm mắt xuôi tay chỉ còn lại một nắm tro tàn. Tro ở đây diển tả rất đúng sự hư vô của con người. Câu Thánh vịnh 38:6 đã kêu lên: "Chúa ơi, khoảng đời con là hư vô trước nhan Chúa". Cần phải nắm chắc chân lý này: "Trong ta tất cả là hư vô". Tất cả những văn bằng, những chức tước, của cải, danh vọng có nghĩa gì đối với linh hồn của chúng ta sau khi chết? Một câu hỏi rất lớn cho bạn và tôi: "Đời của chúng ta chỉ kết thúc ở đây sao? Chết có phải là hết không?" Vậy trong nắm tro tạm gửi này, chúng ta hãy ăn năn hoán cải tâm hồn, sám hối trọn vẹn. Với lòng trong sạch ngay thẳng, ta sẽ luôn có sự bình an thật. Hãy làm mọi việc không có tà ý và với cái nhìn luôn hướng về Chúa. "Làm vinh danh Chúa".
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa muốn nhấn mạnh với chúng ta: khi thực hành bố thí hãy thực hành theo tinh thần Bái ái, Phục vụ và Khiêm tốn. " Đừng phô trương công đức trước mặt người đời" (Mt 6:1)
Có những việc thiện chúng ta làm có lẽ chỉ là khoe khoang tự phụ trá hình dưới lớp vỏ của đức ái. Chỉ dùng hành vi thiện hảo như một nhãn hiệu. Có những cử chỉ nhân đức do lòng ích kỷ chỉ vì mục tiêu phô trương hơn là lòng săn sóc đích thực. Người thực thi bác ái không đòi hỏi phải được trả ơn, báo đền, được tuyên dương công trạng trên báo chí hay nơi công cộng, hoặc danh tiếng mình phải được mọi người biết đến. Chúng ta nên dừng lại và tự vấn: "Lý do nào đã làm tôi không tham gia vào các sinh hoạt của cộng đồng? Lý do nào đã làm tôi không tích cực cộng tác giúp đỡ những vị chủ chăn, với ban Quản Trị Hội Đồng Giáo Xứ nữa? Hoặc tôi chỉ có thể làm việc được với người này mà không làm việc được với người kia?"
Lời Chúa đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ: "Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm" (Mt 6:3). Trong Cộng đoàn, công xưởng và gia đình, nhiều người rất cần đến những sự trợ giúp, lời khuyến khích an ủi tinh thần và thái độ thông cảm của chúng ta. Khi chúng ta gạt bỏ ra ngoài tất cả những thái độ, tư tưởn ích kỷ riêng tư, những lời dèm pha thiếu xây dựng, hoặc thái độ không được ăn thì đạp đổ, hoặc những cách ăn nói thích được trọng kính nơi công cộng, được ngồi chỗ cao trong các hội đường. Như thế, chúng ta mới có thể hãnh diện được mình là những môn đệ của Chúa Kitô, sống kiếp làm người để cứu chuộc con người.
"Lạy Chúa, xin ban cho con một quả tim trong sạch và niềm vui ơn cứu độ" (TV 50:12,14)
Sr Julianna Thư, CMR
++++++++++++++++++++++++
2. Đừng để tay trái biết việc tay phải làm
Trình thuật Tin mừng hôm nay vạch rõ khuôn vàng thước ngọc cho ta ba việc lành phước đức chính yếu của tín hữu Công giáo, đặc biệt trong Mùa Chay Thánh. Đó là: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Mỗi khi làm bất cứ việc lành nào, phải làm sao để "tay trái không biết việc tay phải làm!"
Đừng để tay trái biết việc tay phải làm. Lời khuyên thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại không dễ thực hành! Bởi lẽ, ai ai cũng muốn mình được xem là trung tâm vũ trụ, đỉnh cao trí tuệ của loài người! Ai ai cũng muốn mình được danh thơm tiếng tốt, được chúc tụng ngợi khen. Đặc biệt, khi thi hành được dăm ba công việc đạo đức nào đó như: dâng cúng tiền của xây cất thánh đường, chuyên cần đi lễ hằng ngày hằng tuần, hoặc giữ chay mọi ngày thứ Sáu suốt trong mùa Chay Thánh.
Tính tự nhiên của con người là thế. Nhưng Chúa Giêsu khuyên dạy người tín hữu phải sống siêu nhiên, ưa chuộng lối sống khiêm tốn, chọn lựa những việc làm ẩn kín: Đừng để tay trái biết việc tay phải làm.
Xin đan cử mẫu gương của bà góa nghèo, trong trình thuật Tin mừng theo thánh Mác-cô: Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc La Mã. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: Thầy bảo thật anh em: Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà góa này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống (Mc 12: 41-44).
Hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc La Mã. Nhưng nếu tính ra Mỹ kim hoặc bất cứ một đồng bạc nào khác, thì hai đồng tiền kẽm này cũng cho thấy một số tiền thật nhỏ nhoi, quá nhỏ nhoi, gần như vô dụng, vô nghĩa! Thế nhưng, trước mắt Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn thì hai đồng tiền kẽm của bà góa nghèo lại có một giá trị vô cùng to lớn! Bởi lẽ, hai đồng tiền kẽm này là tất cả tài sản của bà.
Xin đan cử một thí dụ khác. Trong tập sách nhỏ tựa đề Những người quá cố - Căn nhà của mọi người, Cha Giuseppe Tomaselli, người Ý, dòng Don Bosco, viết:
Một linh mục nói với tôi: "Tôi đã già và đã từng đi khắp các đại lục Âu, Á và Phi châu. Tôi gặp gỡ và quen biết nhiều linh mục cùng Giám mục. Nhưng vị thánh thiện nhất mà tôi đã được hân hạnh tiếp xúc, có lẽ là Đức Cha Marengo, Giám mục Giáo phận Carrara, miền Bắc nước Ý. Cũng có thể vì quá quảng đại xả thân phục vụ tha nhân nên ngài sớm từ giã cõi đời, khi tuổi chưa cao. Ngài qua đời ngày 22-10-1921. Ngài ra đi để lại niềm thương tiếc cho các tín hữu. Họ thường âu yếm nhắc đến ngài như một vị thánh".
Bảy năm dài trôi qua, người ta bắt đầu quên và không còn nhắc đến tên Đức Cha Marengo nữa. Thế rồi, vào một buổi chiều chạng vạng tối, nơi tu viện các nữ tu Salésiennes, hay cũng còn gọi là các Nữ Tử Đức Bà Phù Hộ, ở Nice, miền Nam nước Pháp, nữ tu coi cổng bắt đầu đóng tất cả các cửa ra vào. Chị đang đứng nơi hành lang tu viện. Bỗng chị kinh ngạc nhận ra bóng dáng một giáo sĩ đang đi bách bộ gần nơi cỗng ra vào. Đầu vị giáo sĩ hơi cúi xuống, trong tư thế của một người vừa đi vừa suy gẫm.
Nữ tu canh cổng thắc mắc tự hỏi: Ai vậy kia? Và làm sao vào tu viện được, khi tất cả các cổng và cửa ra vào đều đã đóng kín? Chị liền từ từ đến gần vị khách lạ. Khi đến nơi, chị kinh ngạc nhận ra vị giáo sĩ không ai khác mà là Đức cha Marengo! Chị cuống quít hỏi dồn dập: "Thưa Đức Cha, sao Đức Cha lại ở đây? Không phải Đức Cha đã chết rồi sao"? Đức Cha Marengo liền trả lời: "Chị em và mọi người đã bỏ quên tôi nơi Luyện ngục! Tôi đã làm việc giúp đỡ cho tu viện này rất nhiều, vậy mà không ai còn nhớ cầu nguyện cho tôi nữa"? Chị nữ tu ngạc nhiên hỏi lại: "Ngài còn ở Luyện ngục sao? Một Giám mục thánh thiện như ngài mà vẫn còn ở luyện ngục hay sao?" Đức cha Marengo buồn bã trả lời: "Chỉ thánh thiên trước mặt người đời thôi chưa đủ, còn phải thánh thiện thật trước mặt Thiên Chúa nữaXin chị em nhớ cầu nguyện cho tôi." Nói xong câu nầy, Đức cha Marengo biến mất.
Chỉ thánh thiện trước mặt người đời thôi chưa đủ, còn phải thánh thiện thật trước mặt Thiên Chúa nữa. Lời quả quyết của vị Giám mục quá cố được mọi người ca tụng là thánh thiện một lần nữa minh chứng rằng: phán đoán của loài người không phải là phán đoán của Thiên Chúa: Đấng thấu suốt mọi bí ẩn. Và chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa mới thưởng công tương xứng với từng việc lành phước đức con người làm.
Vậy thì, mỗi năm khi làm bất cứ việc lành nào như bố thí, cầu nguyện và ăn chay, đừng bao giờ tìm kiếm lời khen của người đời, nhưng phải làm sao để tay trái không biết việc tay phải làm!
Sr Jean B. Minh Nguyệt
++++++++++++++++++++++++++
3. Thứ Tư Lễ Tro
ĐỌC LỜI CHÚA
· Ge 2,12-18: (12) Đây là sấm ngôn của Đức Chúa: "Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van". (13) Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ. (14) Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu anh em có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em. 
· 2Cr 5,20-6,2: (20) Nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. (21) Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người. 
· TIN MỪNG: Mt 6,1-6,16-18
Bố thí cách kín đáo
(1) "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Cầu nguyện nơi kín đáo
(5) "Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. 
Ăn chay cách kín đáo
(16) "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh".
Câu hỏi gợi ý:
1. Trong các tôn giáo, đặc biệt trong Ki-tô giáo, ăn chay có những ý nghĩa và tác dụng nào?
2. Ăn chay như thế nào mới đẹp lòng Thiên Chúa? Mới đem lại ích lợi đích thực cho tâm linh ta? Hình thức ăn chay và tinh thần chay tịnh, cái nào quan trọng hơn?
3. Tại sao nên ăn chay và cầu nguyện một cách kín đáo?
Suy tư gợi ý:
1. Ăn chay trong đời sống tâm linh và tôn giáo
Bất kỳ tôn giáo nào cũng đề cao việc ăn chay và cầu nguyện, vì ăn chay và cầu nguyện có nhiều tác dụng tốt đẹp về mặt tâm linh.
a. Trước hết, ăn chay - thường đi đôi với hãm mình - là để tỏ lòng thống hối và đền tội, làm hòa với Thiên Chúa, quyết tâm trở về với đường ngay nẻo chính, với công lý và tình thương. Câu chuyện thành Ni-ni-vê là một điển hình (x. Gn 3,1-10). Đây là một thành phố tội lỗi, Thiên Chúa dự định trừng phạt bằng cách phá hủy thành. Dân thành biết vậy nên đồng lòng ăn chay và quyết tâm thống hối. Vì thế, Thiên Chúa đã hủy bỏ dự định phá hủy thành ấy.
b. Ăn chay - phối hợp với những việc thực thi công bình và bác ái - là một cách thể hiện lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, muốn chia sẻ những nỗi thống khổ mà Đức Giê-su hay người nghèo, người bị áp bức phải chịu. Đây là một việc làm rất đẹp lòng Thiên Chúa. Người ăn chay nên dùng tiền tiết kiệm được do việc ăn chay để thực hành đức ái: giúp đỡ người nghèo túng, ủng hộ những việc làm từ thiện, những công trình cải thiện xã hội hoặc Giáo Hội…
c. Ăn chay - phối hợp với cầu nguyện, tĩnh tâm, chiêm niệm - để có một sức mạnh tâm linh. Khi ăn chay, ta phải chống lại sự đòi hỏi của bản năng thèm ăn, nhờ đó sự tự chủ lên cao, sức mạnh tâm linh cũng tăng lên. Ăn chay cũng lôi kéo ơn Chúa và sức mạnh thần linh xuống trên ta. Nhờ đó ta có thể thực hiện những việc làm hay những tiến bộ về tâm linh. Điều đó được Đức Giê-su đề cập đến qua câu nói: "Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện" (Mt 17,21). Vì để trừ quỉ, cần có một sức mạnh tâm linh rất cao, tức sự thánh thiện, và để đạt được sức mạnh ấy, ăn chay cầu nguyện là một phương cách hữu hiệu.
Chính Đức Giê-su đã ăn chay 40 đêm ngày trước khi bắt đầu cuộc đời công khai của mình. Đó là một mẫu gương cho ta: khi bắt đầu thực hiện hay quyết định một việc gì quan trọng về tâm linh, ta nên ăn chay và cầu nguyện để được nhiều ơn Chúa hầu quyết định sáng suốt và thực hiện công việc có hiệu quả.
2. Tinh thần chay tịnh
Cốt yếu của việc ăn chay không nằm trong việc nhịn ăn, kiêng ăn hay ăn ít đi, mà nằm trong tinh thần mà việc ăn chay muốn biểu lộ. Ăn chay chỉ là một hình thức cụ thể để biểu lộ tâm tình bên trong: thống hối, muốn đền tội, quyết tâm trở về với Thiên Chúa, hay muốn thể hiện tinh thần bác ái, thông cảm với những người đau khổ, hay muốn tăng cường sức mạnh tâm linh… Nếu không có những tâm tình bên trong ấy làm nội dung, thì việc ăn chay chỉ là một hình thức trống rỗng, không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a cho biết Thiên Chúa không đoái hoài đến việc ăn chay theo kiểu thuần hình thức ấy: "Chúng có ăn chay, cầu khẩn, Ta cũng chẳng thèm nghe tiếng; có dâng lễ toàn thiêu và lễ phẩm, Ta cũng chẳng tỏ lòng xót thương" (Gr 14,12).
Như vậy ăn chay cốt yếu là một việc làm trong nội tâm, không ai thấy được hơn là việc thể hiện ra bên ngoài ai cũng thấy được. Ngôn sứ Giô-en trong bài đọc 1 hôm nay cũng nhấn mạnh đến cái cốt tủy bên trong của việc chay tịnh: "Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em" (Ge 2,13). Điều quan trọng là trở về với Thiên Chúa hơn là ăn chay bên ngoài.
Ngôn sứ I-sa-i-a lại nhấn mạnh đến cốt lõi của việc ăn chay là tinh thần yêu thương và tôn trọng công lý, chứ không phải là hình thức khổ chế bên ngoài: "Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa? Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?" (Is 58,3-7). Như vậy, ăn chay bằng những việc làm bác ái, bằng việc lên tiếng cho công lý, để đập tan những bất công, để bênh vực kẻ nghèo khổ, sống ngoài lề xã hội, những kẻ bị áp bức, thì thực tế và đẹp lòng Thiên Chúa hơn là việc nhịn ăn một cách hình thức.
Nói như thế không có nghĩa là không cần ăn chay mà chỉ cần đối xử với nhau cho có tình nghĩa, hay chỉ cần thực hiện công lý và bác ái thôi. Thiên Chúa muốn rằng "các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ" (Mt 23,23). Vì hình thức và nội dung phải đi đôi với nhau: hình thức đòi buộc phải có nội dung, nhưng nội dung cũng đòi hỏi phải có hình thức. Vì thế, khi ăn chay, chúng ta vừa nhịn ăn hoặc ăn ít để thực hiện mặt hình thức, mà vừa phải có những tâm tình thâm sâu bên trong, được thể hiện cụ thể bằng việc thực thi công bằng và bác ái để thực hiện mặt nội dung.
3. Ăn chay và cầu nguyện một mình với Thiên Chúa
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nhấn mạnh đến sự kín đáo khi ăn chay và cầu nguyện. Ăn chay và cầu nguyện là những hành vi đối thoại với Thiên Chúa, vì thế, nó cần được thực hiện một cách riêng tư, trong thầm lặng với Ngài. Nó củng cố tình thân hay sự thân mật giữa ta với Thiên Chúa. Thật ngược đời và quái dị nếu sự thân mật riêng tư giữa vợ chồng hay bạn bè với nhau lại được phơi bày ra trước mặt mọi người. Cũng vậy, sự thân mật riêng tư giữa ta với Thiên Chúa thì chỉ nên giữa Thiên Chúa với ta biết với nhau, không nên cố ý thực hiện trước công chúng để ai cũng biết. Cố ý ăn chay và cầu nguyện trước mặt mọi người thì đó không còn là sự đối thoại thật sự với Thiên Chúa nữa, mà nó đã bị biến chất thành một hành vi đóng kịch. Như thế có khác gì hai người hôn nhau để người khác chụp hình.
Càng muốn cho mọi người thấy tình yêu riêng tư của mình thì tình yêu ấy chỉ là "tình yêu biểu diễn", "có vẻ yêu thương", mang nặng tính hình thức và giả dối, chứ không phải tình yêu đích thực. Chỉ những người đạo đức giả mới thích biểu diễn việc ăn chay và cầu nguyện của mình trước mặt người khác. Trái với tinh thần giả hình ấy, Đức Giê-su khuyên ta nên cố ý dấu không cho người khác biết mình ăn chay, thậm chí nên đánh lạc hướng để người khác không thể đoán ra hay nghi ngờ mình ăn chay: "Khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo".
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, hôm nay là ngày mở đầu mùa Chay, Cha muốn con ăn chay trong mùa này như thế nào? Suy gẫm lời của ngôn sứ I-sa-i-a, con biết rằng lối ăn chay mà Cha thích nhất nơi con, đó là con biết quan tâm đến hạnh phúc và đau khổ của tha nhân, đến những vấn đề xã hội, đến những người nghèo khổ, người bị áp bức chung quanh con. Cha muốn con ăn chay bằng cách làm một điều gì đó thật cụ thể và thực tế để những người đang đau khổ ấy được hạnh phúc hơn, giảm được phần nào đau khổ của mình. Cha muốn con ăn chay bằng cách nỗ lực làm cho xã hội trở nên công bằng và tốt đẹp hơn, bằng sự lên tiếng, can thiệp, hỗ trợ… trong khả năng của mình. Xin cho con quảng đại và can đảm thực thi tinh thần ăn chay ấy trong mùa chay này, để chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su, Con Cha trong những tháng sắp tới. Amen.
JKN
++++++++++++++++++++++
4. Hãy yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng một tình yêu đích thực
Câu hỏi gợi ý:
1.   Khi làm điều gì tốt đẹp mà ta muốn mọi người đều biết, thì mục đích của ta là gì? Như vậy, ta làm điều đó vì ta, hay vì Thiên Chúa?
2.   Nếu ta làm điều gì tốt đẹp mà ta chỉ muốn một mình Thiên Chúa biết thôi – vì nếu để mọi người biết thì ta không còn công nghiệp gì trước mặt Thiên Chúa – hầu Thiên Chúa trả công cho ta, ân thưởng ta, thì ta làm điều đó là vì ta, hay vì yêu mến Thiên Chúa?
3.   Người con hiếu thảo với cha mẹ, khi làm điều gì cho cha mẹ, có mong cha mẹ trả công cho mình không? Nếu mong cha mẹ trả công thì ta hành xử có khác gì một người thợ làm thuê không? Cũng vậy, người yêu mến Thiên Chúa thật sự có mong Ngài trả công cho những gì mình làm vì Ngài không?
Suy tư gợi ý:
1.   Hai khuynh hướng tâm lý
Trong đời sống gia đình và xã hội, ai cũng đều đối diện với hai thực tại căn bản này, là «mình» và «người khác». Dựa trên hai thực tại căn bản này, người ta có hai khuynh hướng tâm lý khác nhau:
– khuynh hướng vị kỷ: coi «cái tôi» của mình là quan trọng, là trên hết, là mục đích cho mọi hoạt động của mình. Vì thế, cũng coi hạnh phúc hay đau khổ của mình, ý kiến hay ước muốn của mình là quan trọng. Tính vị kỷ có thể là thô thiển mà cũng có thể rất vi tế. Người vị kỷ cách thô thiển thì ai cũng nhìn vào cũng thấy họ vị kỷ, vì họ chỉ làm những gì trực tiếp có lợi cho họ mà thôi. Còn người vị kỷ cách tinh vi là người dấu kỹ bản tính vị kỷ của mình dưới vẻ bên ngoài vị tha. Người ta thấy họ hy sinh cho người khác khá nhiều, nhưng thật ra nếu có hy sinh cho người khác thì họ cũng đều nhắm sự hy sinh ấy cuối cùng phải có lợi cho mình thì mình mới hy sinh.
– khuynh hướng vị tha: coi người khác và sự đau khổ hay hạnh phúc của người khác là quan trọng; ngược lại, coi bản thân mình và đau khổ hay hạnh phúc của mình không quan trọng bằng. Vì thế, người có khuynh hướng vị tha sẵn sàng hy sinh cho tha nhân một cách vô vị lợi.
2.   Hai thứ tình yêu
Từ hai khuynh hướng căn bản trên phát sinh hai thứ tình yêu: tình yêu vị kỷ và tình yêu vị tha.
– Tình yêu vị kỷ là một tình cảm hướng đến người khác nhưng cuối cùng lại quy về chính mình. Người đời, ai cũng bị hấp dẫn bởi những cái hay, cái đẹp, cái có lợi cho mình nơi sự vật hoặc nơi người khác, khiến cho mình thích thưởng thức cái hay, đẹp, có lợi ấy để được vui thú, hạnh phúc hơn. Tình yêu vị kỷ là sự gắn bó với một vật hay một người để có thể thưởng thức cái hay, đẹp, có lợi cho mình nơi vật hay người đó. Chẳng hạn, ta thích tiếng hót của một con chim vì nó làm ta thích thú, quên đi sầu não. Vì thế, ta nuôi nó, trìu mến nó, vì nó có lợi cho ta. Chung quy ta gắn bó với nó cũng vì nhu cầu của hay hạnh phúc của ta. Khi ta yêu một người chỉ vì người ấy đẹp, người ấy dễ thương, vì ở bên người ấy thì ta dễ chịu, thoải mái, và vì người ấy thỏa mãn được một số nhu cầu (tình cảm, kinh tế, v.v…) của ta. Tình yêu đó là một tình yêu vị kỷ.
– Tình yêu vị tha là một sự dấn thân của ý chí tự do hơn là một tình cảm tự nhiên. Nó là sự thúc đẩy của lương tri, của lương tâm khiến ta gắn bó và hy sinh cho một đối tượng nào đó. Đối tượng này có thể không có được những cái hay, cái đẹp, cái có lợi cho ta. Và ta yêu họ không phải chỉ vì những cái hay, cái đẹp, cái có lợi ấy. Thậm chí họ có thể là cái gì bất lợi cho ta, làm hại ta. Ta yêu họ chỉ vì ta nhận thức được họ là hình ảnh hay hiện thân của Thiên Chúa, cũng là «cái tôi nối dài» của ta trong Nhiệm Thể của Thiên Chúa. Sự hy sinh của ta cho họ là vô vị lợi, vì hạnh phúc của họ chứ không phải của ta. Đó mới chính là tình yêu mà Thiên Chúa muốn ta có. Và với tình yêu này thì yêu tha nhân cũng chính là yêu Thiên Chúa.
3.   Hai khuynh hướng đạo đức
Từ hai thực tại căn bản nói trên – là «mình» và «người khác» –, và từ hai thứ tình yêu nói trên, phát xuất ra hai khuynh hướng đạo đức khác nhau: đạo đức vị kỷ và đạo đức vị tha.
– Đạo đức vị kỷ là thứ đạo đức của người có khuynh hướng vị kỷ, và có tình yêu vị kỷ. Mọi việc làm đạo đức của họ đều lấy chính họ làm mục đích. Họ chỉ làm những việc tốt đẹp khi nào việc ấy có lợi cho họ, cho hạnh phúc của họ, hoặc ở đời này hoặc ở đời sau. Họ phải «yêu Chúa», «yêu tha nhân» – tạm gọi như vậy – vì luật Chúa đòi hỏi như vậy: nếu không yêu Chúa, không yêu tha nhân thì không được lên thiên đàng. Làm việc gì thì họ cũng đều phải nghĩ đến chuyện Chúa sẽ trả công bội hậu cho công việc ấy, ở đời này hoặc đời sau. Nếu Chúa mà không trả công thì làm làm gì cho mệt? Đó là những người đạo đức vị kỷ kiểu vi tế.
Còn những người đạo đức vị kỷ kiểu thô thiển thì họ thực tế hơn nhiều, họ không nhắm Chúa trả công cho bằng được người khác hay được mọi người “trả công”. Chẳng hạn khi làm một việc tốt lành nào thì họ muốn mọi người đều biết để khen ngợi, nể phục họ, để họ được tiếng là thánh thiện, đạo đức, tốt lành, nhân hậu, biết thương người, v.v… Nhờ vậy, họ có uy tín trước mặt người đời, được mọi người trọng vọng, và có thể vì thế mà họ được nhiều cái lợi khác về mặt xã hội: làm ăn dễ dàng hơn, dễ thăng quan tiến chức, dễ có những địa vị cao ngoài xã hội, trong Giáo Hội. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mô tả thứ đạo đức này và khuyên ta nên vượt lên trên.
Tóm lại, người đạo đức vị kỷ kiểu thô thiển hay vi tế, trong các hoạt động của họ, đều không thể có một động lực nào khác hơn lợi ích của chính bản thân họ.
– Đạo đức vị tha là thứ đạo đức của người có khuynh hướng vị tha và có tình yêu vị tha. Họ yêu Chúa là vì Chúa, yêu tha nhân là vì tha nhân, không cần một sự trả công hay phần thưởng nào cho những hy sinh hay hoạt động của họ, cho dù ở đời này hay đời sau. Tình yêu tự nó là động lực duy nhất thúc đẩy họ làm tất cả cho người mình yêu. Họ đúng là người thật sự quên mình, từ bỏ mình như Đức Giêsu đòi buộc đối với những ai theo Ngài. Tuy dù họ không làm vì ích lợi cho họ, nhưng họ chính là người có khả năng hy sinh nhiều nhất cho Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, tuy dù họ chẳng cần một phần thưởng hay sự trả công nào cả, nhưng họ mới chính là những người đáng thưởng nhất, và phần thưởng dành cho họ sẽ là bội hậu nhất. Vì họ mới chính là người yêu thật sự.
Hôm nay chúng ta bước vào mùa Chay, thiết tưởng đây là thời điểm thuận tiện nhất để ta sám hối, để ta suy nghĩ về tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân. Hãy nghiêm túc phản tỉnh, hồi tâm, xét lại xem tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân có đích thực là tình yêu hay không? Hay đó chỉ là một tình yêu giả hiệu, tình yêu vị kỷ: có vẻ như ta yêu Thiên Chúa và tha nhân, nhưng thực ra là ta chỉ yêu chính bản thân ta thôi. Và đạo đức của ta là thứ đạo đức gì? Đạo đức vị kỷ hay đạo đức vị tha? Muốn biết được tình yêu và đạo đức của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân có đích thực hay không, khi làm điều gì tốt đẹp, hãy tự hỏi: Nếu tôi làm việc tốt lành này mà không ai biết tới, mà Thiên Chúa không trả công cho tôi, thì tôi có còn muốn làm hay không?
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, yêu Cha và yêu tha nhân bằng một tình yêu đúng nghĩa thật là khó. Hồi tâm phản tỉnh lại, con nhận ra rằng tình yêu con dành cho Cha và tha nhân chỉ là thứ tình yêu vị kỷ. Nghĩa là xét cho cùng, con chỉ yêu bản thân con thôi, chứ chưa thật sự yêu Cha và yêu tha nhân chung quanh con. Và thứ đạo đức con đang có chỉ là thứ đạo đức vị kỷ. Nhưng con thường nghe được tiếng Cha mời gọi con yêu thương bằng một tình yêu đích thực, vị tha, như tình yêu mà Cha yêu thương con, yêu thương nhân loại. Con biết rằng chỉ khi con yêu được như vậy, con mới trở nên hình ảnh trung thực của Cha.
Joan Nguyễn Chính Kết
+++++++++++++++++++++++++

5. THỨ TƯ L TRO

Tại các miền vẫn giữ được lòng mộ đạo của thời trung cổ thì các tín hữu rất sốt sáng tham dự phụng vụ lễ tro. Chúng ta vẫn có thể còn thấy ngày hôm nay tại các nhà thờ miền Bắc Việt Nam người ta lũ lượt tuốn về như trong ngày hội vào dịp lễ này. Sự kiện ấy có thể không đủ để là dấu chỉ của lòng tin chân thực, nhất là một phần trong số họ lại không tham dự Tam Nhật Vượt Qua, tuy nhiên nó vẫn nói lên một điểm cốt lõi của Tin Mừng "Anh em hãy ăn năn sám hối, vì Nước Trời đã gần đến", đó cũng là sứ điệp các thế hệ môn đồ của Ðức Kitô như chúng ta đọc được trong thư thánh Phaolô "Nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa". Cũng trong thư này, Ngài còn khẳng định sứ vụ Tông Ðồ cũng chính là sứ vụ hòa gỉai "Thật vậy, trong Ðức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người.Người không còn chấp tội nhân lọai nữa, và giao chúng tôi công bố lời hòa gỉai."Thánh Phêrô ngay trong những bài "truyền đạo" tiên khởi cũng đã khẳng định "Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân lọai, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ." Nghi thức xức tro phải đưa mỗi người hiệp thông vào mầu nhiệm của Ðức Kitô.
Mầu nhiệm Ðức Kitô mà nghi thức này muốn bày tỏ đó là một CON NGƯỜI ÐANG VỀ VỚI CHA. Ðiều ấy có thể thấy qua hành trạng đời sống Người vẫn giữ được sự hiệp thông sâu xa không gì tách lìa được với Thiên Chúa Cha, "Ðấng ngự nơi kín ẩn." Luôn chỉ trông đợi nơi Cha phần ân thưởng cuối cùng. Ðối với Người, cuộc sống là ân huệ của Cha, và Người không để "ân huệ ấy ra vô ích", và hơn thế nữa mọi thời gian đều là "Dịp thuận tiện", là "ngày giải thóat" của Thiên Chúa. Tiên tri Joel ngay từ xa xưa đã trình bày ý nghĩa, mục đích của các việc chay tịnh như thế: "Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van." "Hãy trở về với Thiên Chúa là Thiên Chúa các ngươi". Kể từ khi đầu thai trong lòng Mẹ, cho đến lúc giã từ trần gian, đời sống của Ðức Giêsu luôn bao trùm dấu ấn của mầu nhiệm "Vượt Qua", mầu nhiệm "Tôn Vinh Cha" như thánh Gioan thường nói như thế.
Tuy nhiên, người ta cũng không thể tách rời việc "trở về với Thiên Chúa" ra khỏi việc "ở lại cùng anh em", bởi vì như Tin Mừng Gioan viết "Thầy đi dọn chỗ cho anh em.thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó". Joel cũng đã chẳng nói rằng Thiên Chúa mà chúng ta được kêu gọi trở về là Thiên Chúa "nhân lành và từ bi, nhẫn nại và giàu lòng thương xót." đó sao? Một Thiên Chúa đã gắn bó một cách không thể tách rời với Dân Chúa, mà tiêu biểu chính là Số Sót, là Những Người Nghèo, Những Người Phận Nhỏ. Vì thế sự trở về của Ðức Kitô lại cũng chính là sự hiến tặng chính mình Người cho anh em. Việc chay tịnh hàm chứa tình yêu không giới hạn.
Ðã có nhiều Giáo Phận có truyền thống quyên góp cho Qũy Bác Ái với chiến dịch mùa chay trong giáo phận mình, và đó là một hình ảnh chân thực nhất của chay tịnh Kitô Giáo.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên
+++++++++++++++++++++++++
6. Sám hối muộn màng
Những trận so găng giữa Mike Tyson và Evander Holyfield đã đi vào huyền thoại của môn boxing. Có lẽ không ai quên vụ cắn tai đáng nhớ trong trận chiến ở Las Vegas vào ngày 28/6/1997. Tyson đã bị xử thua trong trận đấu đó sau khi cắn đứt một vành tai của Holyfield.
Sau 16 năm tai tiếng vành tai bị Tyson ngoạm đã được trả lại cho chủ nhân Holyfield. Cả hai đã ôm lấy nhau thân tình để hóa giải toàn bộ hận thù trước đây. Tất nhiên đây chỉ là vành tai tượng trưng và clip này cũng chỉ là tượng trưng cho sự tha thứ và hòa giải của cả hai nhân vật boxing nổi tiếng thế giới.
Hành vi sám hối của Tyson là hành vi đầy dũng cảm. Anh đã dám đối diện với sự thật để sám hối, để ăn năn, để sửa lại lỗi lầm. Anh đã dám cho sự kiện sám hối của mình được công khai trên truyền hình, truyền thanh trong lần trả lại vành tai.
Nếu thế gian ai cũng biết can đảm đối diện với sự thật để sửa sai thì tốt đẹp biết bao! Phạm tội, hay vướng mắc lỗi lầm dường như ai cũng có. Điều quan yếu là dám nhìn vào sự thật để sửa đổi và làm lại cuộc đời. Không ai sinh ra đã thánh. Con người thường là tội nhân được Thiên Chúa tha thứ và anh em bao dung. Là người ai cũng lớn lên trong tình thương tha thứ của Thiên Chúa và đồng loại. Thế nên, hành vi sám hối dường như là một phần tất yếu cuả cuộc sống, vì ai cũng cần phải chuộc lỗi lầm và canh tân.
Mùa chay nhắc nhở chúng ta: "Của lễ đẹp lòng Ðức Chúa Trời là tâm thần đau thương tan nát vì tội". Hãy nhớ mình là tội nhân. Hãy can đảm quay bước trở lại với tâm thần đau thương đó để được Ngài tiếp nhận. Ðiều Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta không chỉ là sự tha thứ mà còn biến đổi con người chúng ta nên hoàn hảo hơn. Vua Ða-vít đã từng cầu nguyện: "Lạy Ðức Chúa Trời! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng." "Dựng nên" và "làm cho mới lại" nói đến một cái gì hoàn toàn mới, và mới tận bên trong. Mỗi người chúng ta sẽ có kinh nghiệm đó khi ăn năn quay trở lại với Thiên Chúa bằng tấm lòng đau thương thống hối. Khi ấy, chúng ta sẽ cảm thấy hoan lạc tận đáy lòng, và niềm  vui sẽ trọn vẹn tâm hồn chúng ta.
Như vậy, sám hối là điều cần thiết để làm mới lại con người. Nhờ sám hối mà con người tìm được sự tươi trẻ, niềm vui và hạnh phúc. Thân thể cần phải tắm rửa thì tâm hồn cũng cần được thanh tẩy bằng hành vi sám hối. Sám hối trong tinh thần ky-tô còn là dịp để chúng ta tắm gội trong nguồn ân sủng dồi dào của Thiên Chúa. Chính ân sủng của Thiên Chúa sẽ làm cho tâm hồn chúng ta được đổi mới, được tinh tuyền.
Có người nói rằng mình không có tội tại sao cần sám hối? Thực ra, nếu con người phàm hèn mà so với sự thánh thiện của Thiên Chúa  thì con người đều là tội nhân. Con người luôn cảm thấy mình bất xứng trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa của yêu thương, của lòng nhân từ, thế nên không có tội nào Chúa không thể tha thứ. Ngài có giận thì giận trong giây lát nhưng yêu thương thì vô bờ. Vấn đề là chúng ta có nhận ra tội lỗi của mình mà ăn năn quay lại với Chúa hay không?
Nhìn vào xã hội hôm nay dường như lòng sám hối đã không còn. Người ta vẫn phạm tội và tội chồng chất. Có những người ra vào tù như cơm bữa. Có những kẻ xì ke, ma túy, cờ bạc đến thân tàn ma dại mà cũng chẳng chừa. Có những bạn trẻ nghiền net, nghiền game mà lãng phí cả tương lai. Có cả những quan chức hối lộ, tham nhũng để có tiền, có quyền và địa vị. Họ phạm tội thành lối mòn đến hóa quen nên chẳng thấy sai để sửa, thấy bẩn để làm mới. Họ ở lì trong tội vì thiếu ý thức về tội nên thiếu lòng sám hối ăn năn.
Con người vì thiếu lòng sám hối nên vẫn “chứng nào tật ấy”. Con người vẫn đi vào con đường cũ, lối mòn của tội lỗi khiến tâm hồn cằn cỗi, già nua. Giá như họ biết sai để sửa, biết bẩn để lau thì thế gian sẽ bớt đi những kẻ làm hại người, hại đời. Giá như họ biết hậu quả của việc thiếu lòng sám hối sẽ cắn rứt lương tâm, khiến đau buồn lo sợ thì họ sẽ can đảm đối diện với sự thật để canh tân sửa đổi đời sống.
Hôm nay ngày lễ tro, từng đoàn người lũ lượt lên xức tro, nhưng liệu có mấy ai có tâm hồn tan nát khiêm cung? Xức tro là biểu hiện lòng sám hối. Xức tro chỉ đem lại sự tươi trẻ tâm hồn khi chúng ta quyết tâm từ bỏ tội lỗi, tránh xa cám dỗ và làm lại cuộc đời. Xức tro lên đầu nói lên thân phận yếu đuối của con người và cần đến lòng thương xót của Chúa. Chúng ta nại đến lòng thương xót của Chúa để được ơn thứ tha, đồng thời nhờ nguồn ân thánh của Chúa sẽ làm mới lại cuộc đời chúng ta.
Ước gì tâm hồn chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui khi biết sám hối ăn năn. Xin đừng ở lì trong tội khiến tâm hồn chúng ta già nua, thiếu sức sống. Tội lỗi, yếu đuối là bản tính mỏng dòn của con người nhưng tình yêu và lòng bao dung tha thứ là đặc tính của Thiên Chúa. Con người cần phải can đảm trở về tắm gội trong đại dương tình yêu bao la của Thiên Chúa. Xin đừng vì lối mòn tội lỗi mà làm chúng ta xa rời Thiên Chúa và đánh mất sự tươi trẻ trong tâm hồn. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
+++++++++++++++++++++
7. Thân phận Con Người
Bước vào Mùa Chay, nghe ca khúc “Thân phận người” của nhạc sĩ Tuấn Kim như một tâm sự để suy niệm. Giai điệu và lời ca thiết tha ngân nga những thao thức, nhắc nhở mỗi người về thân phận của mình, về cõi nhân sinh: “Phù du là phận người, trăm năm như chớp mắt thôi. Công danh như nước trôi qua cầu, đời con trôi về đâu?”.
Phù du là phận người. Mọi sự chỉ là phù vân. Sách Giảng Viên viết rằng: "Tất cả chỉ là phù vân". Phù là trôi nổi, huyền ảo. Vân là mây. Phù vân là bèo dạt mây trôi, là hay thay đổi, mau qua, tàn phai. Mọi của cải vật chất trên trần gian này, kể cả cuộc sống của mỗi người đều là phù vân.
Phù du, phù vân diễn tả thân phận bụi tro: "Người ơi hãy nhớ, mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về tro bụi". Con người, dù trẻ hay già, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù hay quyền thế hay dân thường, dù tài giỏi hay bình thường…thì một mai cũng lìa khỏi  thế gian này trở về cát bụi. Đó là định luật muôn thuở!
Trong nghi thức khai mạc Mùa Chay, các tín hữu từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân, mọi người đều khiêm hạ nhận lấy một chút tro trên đầu. Người giàu cũng như người nghèo, người già cũng như người trẻ, ai cũng nhận mình là thân phận bụi đất. Nghi thức xức tro thật cảm động, vừa diễn tả lòng sám hối, vừa nói lên nguồn gốc tro bụi của đời người.
Lần lượt mỗi người, từ cụ ông cụ bà đến trẻ nhỏ bước lên để thừa tác viên rắc tro trên đầu. Nghi thức và cử chỉ ấy giúp con người ý thức thân phận mong manh và giới hạn của mình. “Hãy nhớ ngươi được tạo dựng từ bụi tro, và sẽ trở về với bụi tro”. Đó là lời Thiên Chúa đã phán với Ađam Evà. Đó là lời Chúa nói với từng người khi lên xức tro.
Ý thức thân phận giới hạn mong mong của mình, để làm gì?
Để biết rằng tôi không sống mãi trong cuộc đời này, sớm muộn gì cũng đến lúc tôi trở về với Chúa, và tôi sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về cuộc đời của mình. Con người có sinh có tử, có hợp có tan, có khởi đầu sẽ có kết thúc.
Nghĩ về sự chết để mà sống sao cho “đẹp” đời trần thế. Làm sao để tôi sống cuộc đời này cách ý thức hơn, với tinh thần trách nhiệm hơn, để khi đến trước mặt Chúa tôi có thể đến trong niềm vui, chứ không phải trong sự sợ hãi!
Vì thế, cử chỉ xức tro còn hàm chứa một lời mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”; hãy nhìn nhận những tội lỗi thiếu sót, những bất tất trong cuộc đời của mình và hãy cố gắng để sửa đổi những gì còn thiếu sót đó để sống hợp với thánh ý Thiên Chúa hơn.
Đó là lời mời gọi mà Chúa gởi đến từng người qua nghi thức xức tro rất đơn sơ nhưng giàu ý nghĩa và thật xúc động.
Thứ Tư Lễ Tro mở cửa vào Mùa Chay Thánh 40 ngày. Đây là thời gian giúp chúng ta ý thức về sự mong manh giới hạn của đời người, sống lời mời gọi sám hối và trở về với Tin mừng. 40 ngày Chay Thánh nhằm chuẩn bị cho chúng ta sống mầu nhiệm cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, đón nhận cái chết và mừng ngày Phục sinh của Người.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở về thân phận mỏng dòn của con người, đồng thời mời gọi chúng ta hoán cải nội tâm trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
Tiên tri Gioel đã kêu gọi :Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ” (Ge 2,13). "Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo… Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta!” Đó là ý nghĩa cơ bản và sâu xa nhất của sự hoán cải. Cần phải thay đổi cái nhìn, thay đổi tư tưởng và ước muốn sao cho phù hợp với giao ước tình yêu của Thiên Chúa. Sự biến cải nội tâm ấy được biểu lộ bằng những hành động cụ thể, như từ bỏ thói quen xấu, kìm hãm con người xác thịt, thực hành chay tịnh, tất cả là để tái tập thế quân bình giữa hồn và xác.
Thứ Tư Lễ Tro khởi đầu Mùa Chay Thánh, mỗi người cố gắng thực hành những việc đạo đức như Giáo Hội mời gọi.
- Hòa giải với Chúa và với nhau.
Do tội lỗi, con người bị cắt đứt khỏi nguồn mạch sự sống và bị dìm vào tình trạng bi thảm của sự chết. Thiên Chúa mời gọi con người trở về với Ngài, giao hòa trong tình con thảo và sống trong niềm vui ân sủng.
Sự giao hoà phải là một lời cầu nguyên khiêm tốn : "Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con đã xúc phạm đến Chúa". Đó là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa, diễn tả tâm tình khiêm tốn tin cậy nơi lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Theo gương Thánh Giuse sống thinh lặng nội tâm và đón nhận Bí Tích Hòa Giải. Cần rút lui vào thinh lặng của tâm hồn, hãy sống kín đáo với Chúa trong tâm hồn mình. Đó là mục đích của những cuộc tĩnh tâm Mùa Chay. Có một người lâu năm không xưng tội, bỗng một ngày kia anh cho vợ con đi về nhà ngoại chơi một tuần; một mình anh ở nhà, xét mình để chuẩn bị xưng tội. Anh đến tòa giải tội với một cuốn tập viết đầy từ đầu chí cuối. Chỉ trong thinh lặng, người ta mới thấy mình được rõ hơn.
Hòa giải với tha nhân. Đó là điều Chúa Giêsu đã xác quyết : "Nếu người dâng của lễ nơi bàn thờ và ở đó nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, ngươi hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em ngươi trước đã rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của người". Bởi vậy, xin ơn giải hòa với Thiên Chúa, chúng ta cũng hãy tìm mọi cách xóa đi những xích mích, bất hòa hờn giận với người khác.
- Hy sinh hãm mình.
Truyền thống Giáo Hội từ xa xưa giữ chay 40 ngày, nhưng vì hoàn cảnh và sự yếu đuối của con người, Giáo Hội đã giảm bớt tối đa chỉ buộc giữ chay hai ngày : thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh. Dù vậy, tinh thần hãm dẹp xác thịt lúc nào cũng không thể bỏ qua được. Do đó "mỗi người hãy cố giữ đời sống hoàn toàn trong sạch, lợi dụng những ngày thánh này để gột rửa những sơ suất trong các mùa khác, bằng cách chế ngự các thói hư, gia tăng cầu nguyện, siêng năng đọc sách, thành tâm thống hối, để tâm hồn được vui mừng mong đợi Lễ Phục Sinh". (Tu luật Biển Đức).
Mùa Chay là một thời gian thuận tiện để rèn luyện tâm hồn. Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta chương trình ba điểm để rèn luyện trong Mùa Chay. Đó là ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.
Ăn chay là một phương thế hữu hiệu để rèn luyện tâm hồn. Cầu nguyện càng sâu xa chúng ta càng thân thiết với Chúa, ai siêng năng cầu nguyện sẽ được sức mạnh cần thiết để chiến thắng các cơn cám dỗ. Làm việc bác ái, tình yêu Chúa thực sự sẽ được thể hiện trong tình yêu mến anh em đồng loại.
Mùa Chay là những ngày thánh: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ”. Thiên Chúa lúc nào cũng sẵn sàng ban ơn cứu độ với điều kiện con người phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin Chúa giúp chúng con trong Mùa Chay Thánh này, biết ý thức thân phận của mình, thực thi việc phải làm là được hòa giải với Thiên Chúa, với chính mình và với anh em.
Xin Thánh Giuse hướng dẫn chúng con trong cuộc hành trình này, để chúng con có thể hoán cải bản thân và nghiệm thấy ân sủng của Thiên Chúa luôn tuôn đổ trên mỗi người chúng con, giúp chúng con được biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
++++++++++++++++++++++++++++
8. Phải làm việc lành trong khiêm hạ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 6,1-6,16-18
(1) Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (5) Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: Chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (16) Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: Chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.
2. Ý CHÍNH:
Sau khi trình bày về sự công chính mới trong việc tuân giữ các giới răn, Đức Giê-su đề cập tới việc canh tân các việc lành thế nào cho phù hợp với tinh thần mới của Người. Theo Đức Giê-su điều cốt yếu khi làm các việc đạo đức là phảilàm theo tinh thần khiêm tốn và vâng phục thánh ý Chúa Cha: Tránh làm các việc đạo đức hình thức theo người biệt phái như khua chiêng đánh trống khi bố thí để được người ta khen, cầu nguyện ngay giữa chốn đông người để cho người ta thấy, làm bộ mặt rầu rĩ thiểu não khi ăn chay để được người ta nể phục.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-2: + Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng. Chớ có phô trương cho thiên hạ thấy: Đức Giê-su đòi hỏi các môn đệ của Người phải tránh thói đạo đức giả hình của các người Pha-ri-sêu (Biệt phái), là những kẻ “nói mà không làm”, “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (x Mt 23,3.5). + Bố thí: Thời Đức Giê-su, bố thí được coi là việc công chính bậc nhất (x Hc 7,10). Hình như người ta ưa làm việc bố thí công khai, nên dễ đưa tới thái độ phô trương bề ngoài để được nhiều người ca tụng.+ Đừng có khua chiêng đánh trống: Rất có thể những người Pha-ri-sêu thời Đức Giê-su dùng chiêng trống để thông báo cho những người ăn xin tập trung đến nhận quà. Tuy nhiên, không thấy bản văn nào nói đến việc này. Do đó, ta có thể coi đây chỉ là một kiểu nói phóng đại để làm nhấn mạnh tinh thần khiêm tốn, mà Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người phải có khi làm các việc đạo đức. + Chúng đã được phần thưởng rồi: Lời khen của người đời đã là phần thưởng cho những kẻ làm việc bố thí để tìm hư danh, nên họ sẽ không được hưởng phúc thiêng liêng trước mặt Chúa Cha trên trời.
- C 3-4: + Đừng “cho tay trái biết việc tay phải làm”: Là một kiểu nói có nghĩa là phải giữ kín không nói ra cho người khác biết việc lành mình đang làm.
- C 5-6: + Cầu nguyện: Chính Đức Giê-su đã nêu gương và dạy các môn đệ về sự cầu nguyện (x. Mt 14,23). Theo các huấn thị của Người rải rác trong các Tin Mừng thì cách cầu nguyện đúng đắn phải mang những đặc tính sau: Phải cầu nguyện cách khiêm tốn trước Thiên Chúa (x Lc 18,10-14) và người đời (x Mt 6,5-6); Lời cầu phải chân thành, phát xuất tự đáy lòng (x Mt 6,7); Phải tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa Cha (x Mt 6,8; 7,7-11) và kiên trì nài xin (x Lc 11,5-8; 18,1-8). Lời cầu nguyện chỉ được Thiên Chúa chấp nhận nếu cầu xin với lòng tin (x Mt 21,22); Phải cầu nguyện nhân danh Đức Giê-su (x. Mt 18,19-20); và phải tin chắc Chúa sẽ thương ban điều tốt cho mình (x Mt 7,11). + Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy: Ở đây Đức Giê-su không đả kích việc cầu nguyện công khai và mang tính cộng đồng (x Mt 18,19-20), nhưng Người chỉ muốn môn đệ tránh cầu nguyện với ý muốn phô trương công đức để được ca tụng. + Hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện cùng Cha của anh: Đức Giê-su gợi lại cách thức cầu nguyện của ngôn sứ Ê-li-a khi ông cầu xin cho một đứa bé mới chết được sống lại (x 2 V 4,33). Cách thức cầu nguyện kín đáo này trái với lối phô trương của những người biệt phái. Cầu nguyện là sự gặp gỡ Thiên Chúa. “Vào phòng” là sự hồi tâm, đặt mình trước mặt Thiên Chúa nhờ đức tin. Thiếu điều này sẽ không còn là sự cầu nguyện đích thực nữa.
- C 16-18: + Ăn chay: Đã từ rất lâu, dân Ít-ra-en có tục lệ ăn chay mỗi khi có tang chế (x 2 Sm 3,35) và khi cầu xin Chúa ban ơn đặc biệt (2 Sm 12,16). Ăn chay theo luật Mô-sê là nhịn ăn uống trong thời gian 12 giờ ban ngày. Trong thời gian ăn chay, người ta sẽ không tắm rửa, để râu tóc mọc dài, và phải mặc một loại quần áo vải thô đặc biệt. Thời Đức Giê-su, dân Do Thái chỉ buộc phải ăn chay trong lễ Xá Tội nhằm ngày mùng mười tháng Bảy lịch Do thái, tức khoảng cuối tháng Chín dương lịch (x. Lv 16,29-31; Cv 27,9), trong ngày kỷ niệm Đền thờ bị tàn phá và những khi gặp phải thiên tai. Khi ấy việc ăn chay sẽ do các đầu mục Do thái quyết định. Riêng người Pha-ri-sêu còn tự nguyện ăn chay mỗi tuần hai lần (x. Lc 18,12), nhưng việc chay tịnh của họ mang tính hình thức nhằm để phô trương (x Mc 2,18), nên Đức Giê-su không chấp nhận sự khổ chế này của họ (x Mc 2,19-20). + Còn anh, khi ăn chay…: Đức Giê-su muốn môn đệ của Người phải ăn chay trong sự kín đáo và khiêm tốn: thay vì rắc tro lên mặt, để râu tóc bù xù, quần áo dơ bẩn… thì họ cứ việc rửa mặt, chải dầu thơm giống như thường làm khi phải đi ra đường, mục đích để cho người khác không biết họ đang ăn chay.
4. HỎI ĐÁP:
HỎI 1) : Khi Đức Giê-su nói: “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (c. 4b.6b.18b), phải chăng Người muốn cổ võ một thứ luân lý vụ lợi: “Cho đi để được nhận lại” ?
ĐÁP:
Thực ra không phải vậy. Vì nếu có ý khích lệ người ta làm việc thiện để được lợi cho mình, thì Đức Giê-su đã hứa ban những lợi ích thuộc về trần gian như tiền của, sức khỏe, sự thành công… Nhưng ở đây Người không cho biết phần thưởng của Chúa Cha sẽ ban là gì. Nơi nhiều đoạn khác, phần thưởng được hứa hầu như luôn là Nước Trời đời sau hoặc hoa trái thiêng liêng của Nước Trời là sự sống muôn đời (x. Mt 25,46; Mc 10,30). Các môn đệ sẽ được tham dự vào quyền làm chủ vũ trụ của Người (x. Lc 22,28-29), được xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en trong ngày tận thế (x. Mt 19,28). Ở đây, phần thưởng Đức Giê-su hứa cho những kẻ làm việc lành phải được hiểu theo nghĩa Cánh Chung, và mang tính vô thường, nghĩa là: được Chúa ban không vì việc làm đó đáng thưởng, nhưng chỉ vì tình thương và lòng nhân hậu vô biên của Người (Dụ ngôn đầy tớ vô dụng: Lc 17,7-10). Hơn nữa, phần thưởng ở đây còn được hiểu là chính Thiên Chúa. Những ai làm việc thiện trước mặt Thiên Chúa, với ý hướng muốn làm đẹp lòng Ngài và để tôn vinh Ngài, thì sẽ được gặp Ngài, được xem thấy Ngài và sẽ tìm thấy hạnh phúc cho bản thân sau này.
HỎI 2): Việc ăn chay muốn đẹp lòng Thiên Chúa xứng đáng nhận được nhiều ơn lành của Ngài, người môn đệ ăn chay như thế nào ?
ĐÁP:
Muốn cho việc ăn chay có giá trị trước mặt Thiên Chúa, thì cần tránh cách ăn chay hình thức đã từng bị Đức Chúa quở trách, và phải kèm theo những việc tốt xứng đáng được Đức Chúa chấp nhận, như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm lời Chúa như sau: “Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn…”. Nào, cách ăn chay mà Đức Chúa ưa thích chẳng phải thế này đó sao: “Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm… Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ. Thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ ngươi kêu lên Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: “Có Ta đây!” (Is 58,6b-9a).
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Khi bố thí đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3).
2. CÂU CHUYỆN: CHỖ NÀO TRONG NHÀ THỜ LOÀI CHUỘT ÍT BỊ QUẤY RẦY NHẤT
Có một con chuột cống sống trong một ngôi nhà thờ cổ ở miền quê nước Pháp. Một hôm khi đi lang thang trong nhà thờ kiếm cái gì ăn cho đỡ đói, bỗng nó gặp một con chuột khác cũng đang đi tìm thức ăn. Hai con chuột làm quen và hỏi thăm về chỗ ở của nhau. Con thứ nhất tâm sự: “Tớ đang sống chui rúc dưới gầm tòa giải tội trong nhà thờ này, nhưng chẳng mấy khi được yên thân. Vì lúc nào cũng có người đến xưng tội làm mất giấc ngủ của tớ !”. Nghe vậy, chuột thứ hai tỏ ra thông cảm với bạn liền nói: “Vậy thì bạn hãy dọn đến ở chung với tớ. Chỗ tớ đang ở vừa ấm áp sạch sẽ, lại vừa yên tĩnh và ít bị quấy rầy !” Chuột thứ nhất ngạc nhiên nói: “Có một chỗ ở như thế trong nhà thờ thật ư ? Hãy cho tớ biết chỗ đó là chỗ nào vậy ?”. Chuột thứ hai đáp: “Đó là thùng quyên góp giúp đỡ người nghèo ở cuối nhà thờ này đấy !”.
3. SUY NIỆM:
1) Việc ăn chay cầu nguyện mang lại những ích lợi nào trong đời sống đức tin:
- Một là ăn chay là một cách thế tỏ lòng sám hối giúp tránh được sự trừng phạt của Thiên Chúa. Ni-ni-vê là một thành phố tội lỗi lẽ ra đã bị Thiên Chúa tiêu diệt do tội qua nhiều. Nhưng khi nghe được lời ngôn sứ Gio-na rao giảng, dân thành đã cùng nhau ăn chay hãm mình để bày tỏ lòng sám hối nên cuối cùng đã được Thiên Chúa tha tội và Người đã bỏ ý định trừng phạt cả thành (x. Gn 3,1-10).
- Hai là ăn chaykết hợp với cầu nguyện sẽ mang lại sức mạnh để xua trừ ma quỷ và tội lỗi. Khi ăn chay là chúng ta thực tập làm chủ sự thèm ăn của bản thân, nên cũng sẽ làm chủ được tính xác thịt. Ăn chay còn giúp chúng ta đón nhận được nhiều ơn Chúa để xua trừ ma quỷ như Đức Giê-su đã cho các môn đệ biết lý do các ông không trừ được ma quỷ như sau: “Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (Mt 17,21). Chính Đức Giê-su đã nêu gương ăn chay cầu nguyện suốt 40 đêm ngày trước khi đi loan báo Tin Mừng để dạy các môn đệ rằng: khi làm một công việc về đức tin mà muốn đạt kết quả, chúng ta cần phải ăn chay cầu nguyện để được Chúa ban ơn trợ giúp mới hy vọng được thành công.
- Ba là ăn chay phải gắn liền với việc thực thi công bình bác ái mới đẹp lòng Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ của Ngài. Do đó chúng ta cần phải gắn bó sự ăn chay với việc bác ái chia sẻ cơm bánh cho người nghèo đói, hoặc góp phần vào các công trình phúc lợi xã hội hay việc xây dựng Hội thánh.
2) Phải ăn chay thế nào mới đẹp lòng Thiên Chúa?
Cốt yếu của việc ăn chay không phải là sự nhịn ăn, nhưng là tâm tình thống hối tội lỗi và quyết tâm quay về làm hòa với Thiên Chúa và tha nhân, muốn được thêm ơn sủng của Thiên Chúa… Nếu không có những tâm tình ấy, việc ăn chay sẽ chỉ là một hình thức và không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã tuyên sấm như sau: “Chúng có ăn chay, cầu khẩn, Ta cũng chẳng thèm nghe tiếng; có dâng lễ toàn thiêu và lễ phẩm, Ta cũng chẳng tỏ lòng xót thương” (Gr 14,12).
Ăn chay cũng là một việc làm nội tâm và không cần cho người khác biết. Ngôn sứ Giô-en đã tuyên sấm lời Đức Chua như sau: “Ðừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Ðức Chúa là Thiên Chúa của anh em” (Ge 2,13). Ðiều quan trọng là phải trở về với Thiên Chúa hơn là chay tịnh bề ngoài cho người ta thấy. Về phần Ngôn sứ I-sai-a, ông cũng nhấn mạnh điều quan trọng của việc ăn chay phải đi đôi với sự thuẹc thi công bình bác ái như sau: “Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn… Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Ðức Chúa? Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? (Is 58,3-7).
3) Chúng tôi phải làm gì ?:
- Như vậy phải chăng chúng ta không cần phải ăn chay mà chỉ cần đối xử tốt với nhau, thực hiện công lý và bác ái thôi hay sao? Thực ra Chúa muốn chúng ta “các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ” (Mt 23,23). Hình thức và nội dung phải đi đôi với nhau. Vì thế, khi ăn chay, chúng ta vừa nhịn ăn hoặc ăn ít để thực hiện khổ chế về hình thức, nhung cũng phải kèm theo nội dung là sự thực thi công bình bác ái nữa.
- Một việc đạo đức chúng ta cần thực hiện trong Mùa Chay là sự bố thí, quảng đại chia sẻ cơm bánh vật chất cho những người nghèo đói đang cần sự trợ giúp của chúng ta. Thánh Phao-lô đã khuyên các kỳ mục ở Ê-phê-xô: “Và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Thánh Gia-cô-bê cũng dạy các tín hữu phải thể hiện đức tin bằng hành động bác ái như sau: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích gì ?” (Gc 2,15-16).
- Việc bố thí chia sẻ giúp chúng ta ý thức giá trị tương đối của đồng tiền, biết dùng đồng tiền để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi anh em, giúp chúng ta bớt đi lòng dính bén với những của cải vật chất đời này như Đức Giê-su đã khuyên chàng thanh niên giàu có muốn nên trọn lành như sau: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà chia cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21).
- Cuối cùng Bố thí còn là cách đền tội hữu hiệu trong Mùa Chay này. Sứ thần Ra-pha-en đã khuyên cha con nhà Tô-bi-a thực hành sự bố thí như sau: “Bố thí đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn có của mà ở bất công. Làm phúc bố thí thì đẹp hơn là tích trữ vàng bạc. Việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi. Những người làm phúc bố thí sẽ được sống lâu” (Tb 12,8-9).
4. HỎI ĐÁP:
HỎI: Trong Mùa Chay, ngoài những việc đạo đức thường lệ, ta nên làm thêm các việc đạo đức nào khác phù hợp tinh thần chay tịnh? 2) Hiện nay ta cần xét xem mình đang có mối tội đầu (thói hư tật xấu) nào và ta phải làm gì để tu sửa?
ĐÁP:
1) Việc đạo đức: Dự lễ và rước lễ hằng ngày, mỗi ngày cố gắng làm vài ba việc hãm mình hay việc bác ái để đền tội, quyết tâm tu sửa một thói hư như: Chửi thề tục tĩu, lười biếng đọc kinh tối gia đình, trốn trách nhiệm khi không đưa tiền về góp phần chi tiêu trong gia đình…
2) Hãy tập làm các việc tốt đối lập với thói hư, kèm theo một lời nguyệt tắt như: “Lạy Chúa Giê-su. Trong Mùa Chay này, xin giúp con quyết tâm chừa bỏ thói hay nói xấu kẻ con không thích, bằng cách mỗi ngày tìm ra một điểm tốt của họ và kể ra để khen họ với người thứ ba. Nhờ đó hy vọng con sẽ ngày một nên hoàn thiện giống nhú Chúa Cha trên trời nhiều hơn”.
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cùng với toàn thể Hội Thánh, con bước vào Mùa Chay. Con xin tạ ơn Chúa đã cho con có được một thời gian thuận tiện để duyệt xét lại cuộc đời của con, hầu phát huy những điều tốt và chấn chỉnh những sai lỗi thiếu sót nơi bản thân con. Xin chiếu dọi ánh sáng Lời Chúa để con nhận ra con người thật với những yếu hèn của con. Nhất là xin đổ Thần Khí của Chúa để nâng đỡ con. Chỉ nhờ ơn Chúa giúp con mới có thể mau mắn trỗi dậy trở về giao hòa với Chúa và ngày một trở nên con người mới theo ý Chúa muốn.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
Lm Đan Vinh - HHTM






Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Không có nhận xét nào: