6/4/14

Thà đốt lên một que diêm...

Anh nhìn thẳng vào mắt tôi, nói rõ từng tiếng: “Nếu anh thương hại tôi thì xin mời hãy ra về. Ước mơ chính là đôi chân của tôi. Và tôi làm việc có nghĩa là tôi đang sống”. Người cháu tật nguyền của chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh đã mở đầu buổi trò chuyện với tôi như thế. Anh nói anh rất ghét sự đổ lỗi, và không hiểu sao bây giờ người ta hay tìm kiếm một lý do gì đó để đổ lỗi cho thất bại của mình...
Tuổi thơ bất hạnh
Hà Nội, một chiều đông rét buốt. Khách bộ hành co ro trong áo ấm vội rảo bước trên những con đường nhớp nháp vì mưa phùn. Trong căn phòng nhỏ nằm khuất sâu ở khu nhà Kim Liên, Đống Đa, một người đàn ông đang ngồi trầm tư với cuốn sách “Đạo của vật lý”. Một không gian trầm lặng, xa hẳn thế giới ồn ào, tất bật ngay bên ngoài song cửa... là một người đàn ông tóc tai, râu ria lởm chởm: Nguyễn Trung. Anh đã đi vòng quanh nhiều nước trên thế giới để kể chuyện đời mình và cất lên thông điệp từ trái tim của những người bất hạnh.
...Anh sinh ra ở miền đất cằn cỗi Điện Bàn, Quảng Nam. Cha bế anh trên tay, nhìn ngắm gương mặt góc cạnh và ánh mắt tròn to của con rồi nói: “Đời con có lẽ rồi sẽ khá hơn cha...”. Nhưng hình như số phận lại thường trêu ngươi dự đoán. Năm 2 tuổi, anh bị một trận sốt li bì, dấu hiệu của bệnh bại liệt ở trẻ em và nó đã cướp đi chức năng đôi chân của anh trong hoàn cảnh thiếu thốn thuốc men.
Rồi cha mẹ bế anh tập kết ra Bắc. Cuộc sống nối tiếp khó khăn, nhưng mẹ anh đã đúng khi quyết định cho anh đến trường bằng mọi giá. Xe lăn không có, cha đi nhặt nhạnh từng thanh sắt, mảnh gỗ, rồi đêm đêm cặm cụi ngồi chế cho anh. Đến được trường, nhưng không qua được các bậu cửa, bậc thang, thầy cô và bạn bè phải thay nhau cõng anh. Chính những tấm tình và hành động này đã đem lại tình yêu trong tâm hồn trầm uất.
Anh học hành đứng đầu lớp nhưng cũng nghịch lắm. Rồi một hôm thầy dạy sử kêu anh ở lại lớp một mình với thầy. Hai người cứ ngồi đối diện nhìn nhau, không ai hé miệng một lời. Mãi cuối cùng, thầy mới cất giọng ấm áp nói: “Rất nhiều người lành lặn chân tay nhưng thật ra là đang tàn phế. Đầu óc của họ không đi xa hơn được mái nhà, một việc làm...”.
Thật tình lúc ấy anh không đủ sức hiểu hết lời thầy, nhưng rồi dần dần cũng cảm nghiệm được một điều gì đó. Anh lao vào học hành đọc sách, khám phá điều mới lạ khắp các phương trời với những chuyến phiêu lưu kỳ thú của riêng mình. Hết phổ thông, năm 1968 anh quyết định thi vào đại học khoa ngoại ngữ một phần cũng vì niềm đam mê này.
Lần đầu tiên được đọc cuốn Những người khốn khổKhông gia đình, anh xúc động đến không thể ngủ được. Anh thấy mình dù sao cũng may mắn hơn những nhân vật trong sách rất nhiều vì còn có Tổ quốc, gia đình và bạn bè để yêu thương, chia sẻ. Anh cũng cảm phục đoạn kết của sách, những con người dù trong tuyệt vọng vẫn vươn lên chính mình...
Những ngày thử thách
Anh chọn ngôn ngữ chính là tiếng Nga, học thêm tiếng Anh, Pháp, và ra trường với kết quả giỏi. Tuy nhiên, thử thách bắt đầu ập đến. Lúc ấy, các sinh viên miền Bắc ra trường không có khái niệm đi xin việc mà là được phân công. Đối với anh mọi chuyện đều khác hẳn. Mặc dù nhà trường cũng cảm thông, viết giấy giới thiệu gởi anh đến Ủy ban Khoa học kỹ thuật VN và một số viện nghiên cứu.
Nhưng anh chưa kịp xuất trình giấy tờ đã nhận được những cái lắc đầu lạnh lùng, “phải lê lết như cậu làm sao đảm nhiệm nổi công việc ở những nơi quan trọng này”. Một hôm, thủ trưởng Thư viện Khoa học kỹ thuật đồng ý ngồi lắng nghe nguyện vọng của anh xin về làm ở phòng thư mục nhưng rồi ông không thể xây thêm một cái dốc cầu thang để anh có thể rướn xe lăn lên.
Năng lực có, nhiệt huyết tràn đầy, nhưng không thể đi làm được vì thiếu đôi chân, anh đâm ra quẫn trí như bao bạn bè lúc đó. Một đêm đông trong trạng thái tuyệt vọng anh đã lăn xe ra cầu Long Biên, nhìn xuống sông Hồng đen ngòm cuồn cuộn chảy...
Nhưng cuối cùng tình yêu cuộc sống đã chiến thắng. Anh nhớ lời thầy tâm sự, nhớ Những người khốn khổ. Và trong phút tối tăm ấy, anh chợt loé lên một con đường... Về nhà, anh lao vào dịch sách. Liên tiếp ra đời những cuốn Cuộc sống và ước mơ của tác giả Nga O. Seckov, rồi Bạn hay thù của Bella Dijur... và hàng chục tập sách về khoa học phổ thông do anh dịch.
Lãnh đạo các nhà xuất bản Thanh Niên, Kim Đồng đã rất bất ngờ khi một chàng trai nhỏ thó, ngồi xe lăn đến gõ cửa, thẳng thắn đề nghị được in sách. Sau đó, họ lại đâm quí dịch giả trẻ tật nguyền, nhưng có tốc độ làm việc rất nhanh và văn phong chuẩn xác, gãy gọn này.
Lần đầu tiên được cầm 275 đồng tiền nhuận bút cuốn Bạn hay thù trong khi mức lương trung bình lúc ấy là 45 đồng, anh đã rơi nước mắt vì mừng. “Từ đây, ta không còn là kẻ thừa thãi, bên lề xã hội nữa!”.
Vừa dịch sách, anh vừa dịch thêm cả kịch bản phim Nga cho Đài truyền hình Hà Nội. Rồi tranh thủ thời gian anh đi học thêm nghề cơ khí, sửa xe, chụp ảnh, làm buồng tối. Anh hiểu rõ những khó khăn trong cuộc sống của người khuyết tật và muốn trong hoàn cảnh nào mình cũng tồn tại được...
Năm 1975 đất nước thống nhất, anh tình nguyện vào Đà Nẵng theo tiếng gọi những người con đi xa hãy trở lại xây dựng quê hương. Tuy nhiên, thử thách vẫn tiếp tục khi các cánh cửa việc làm đều không mở ra đối với anh. Sau đó, Đà Nẵng lập Ban khoa học - kỹ thuật có nhờ anh dịch hộ một số tài liệu.
Họ rất phục khả năng của anh nhưng vẫn không nhận. Thậm chí có người còn nói thẳng: “Trên có chủ trương không nhận người khuyết tật vào làm việc ở các cơ quan nhà nước”. Thất vọng, nhưng không tin có chủ trương nghiệt ngã này, anh lăn xe đi gõ cửa các đồng chí cấp cao, kể cả ở Hà Nội để hỏi “cho ra lẽ”. Mọi người ngạc nhiên trả lời không hề biết có chuyện đó và tỏ vẻ thông cảm. Còn anh thì vẫn tiếp tục thất nghiệp...
Đầu năm 1978, trong lúc anh cứ mòn mỏi “làm hộ”, không lương thì Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch vào công tác Đà Nẵng. Tranh thủ buổi tối, ông ghé thăm nhà anh vì biết ông ngoại của anh là chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh.
Nhìn chàng trai khuyết tật đốt đèn dầu, cặm cụi ngồi giữa núi sách, tài liệu ngoại văn, ông rất xúc động. “Tôi sẽ nhận con vào làm, nhưng tôi khẳng định vẫn coi con như người bình thường. Nếu con không đáp ứng được yêu cầu thì chính tôi sẽ đuổi con ngay...”.
Anh không trả lời, chỉ nhìn thẳng vào mắt ông Thạch bởi anh đã nghe quá nhiều lời hứa. Thế nhưng vài tháng sau, chính ông Thạch đã viết thư tay gọi anh ra. Ngày đầu tiên được làm việc chính thức trong Ban thông tin của Viện Quan hệ quốc tế, anh lâng lâng như sống trên mây. “Mọi người đã coi ta là một con người”.
Thế rồi anh vừa làm vừa học tiếp. Kỷ niệm nhất là chuyện anh tiếp cận với khoa học vi tính. Khi ấy, máy vi tính còn là cái gì kinh khủng lắm. Tiếng là cơ quan của Bộ Ngoại giao nhưng cả viện không có một máy tính nào.
Khi ngài đại sứ Tây Đức miễn nhiệm về nước tặng viện một máy vi tính đen trắng cũ, mọi người mừng húm, xếp hàng đăng ký để được học thực tế trên máy này. Anh đăng ký đầu tiên nhưng trong bảy người được “sờ” đến nó lại không có tên anh. Ông trưởng phòng chỉ trả lời ngắn gọn: “Cậu tàn tật như thế học cái này để làm gì”. Thật sự thất vọng, anh lặng lẽ ra ngoài tự học. Và sau đó anh lại là một trong những người giỏi vi tính đầu tiên ở cơ quan.
Thông điệp “tình yêu cuộc sống”...
Những ngày được làm việc ở Viện Quan hệ quốc tế như là bước ngoặt lớn nhất của đời anh. Tự tin hơn, anh vui vẻ với mọi người và mạnh dạn hòa nhập với xã hội. Cũng chính giai đoạn này đã giúp anh có điều kiện tiếp cận với nhiều người khuyết tật và thật sự đồng cảm với họ. Cùng với một số bạn bè, anh đồng sáng lập nhóm “Vì tương lai tươi sáng”.
Mục tiêu của nhóm là giúp đỡ những người khuyết tật thoát khỏi khó khăn về tinh thần, vật chất, trong đó bao gồm cả dạy tin học, ngoại ngữ và chính anh cũng làm giáo viên... Sau đó, anh gia nhập thêm nhóm “Tiếp cận” để có nhiều điều kiện giúp đỡ các số phận bất hạnh hơn. Ngoài ra, anh còn tham gia dự án “Nâng cao chất lượng sống cho người khuyết tật”...
Vừa làm việc ở Viện Quan hệ quốc tế, vừa hoạt động cộng đồng, nhưng đến năm 1998 anh mở thêm xưởng chế tạo xe lăn tại nhà và làm giám đốc, kiêm kỹ sư, kiêm... công nhân. Mỗi ngày anh chỉ có vài tiếng ngắn ngủi để nghỉ ngơi. Tóc tai, râu ria anh lúc nào cũng lởm chởm, còn nước da xanh mét với đôi mắt trũng sâu.
Người có điều kiện thì anh bán để lấy tiền bù vào những chiếc tặng người khó khăn... Thế rồi, các tổ chức quốc tế biết việc làm của anh và bạn bè. Họ liên tiếp mời anh đi các nước, sinh hoạt cộng đồng với người khuyết tật, rút kết các kinh nghiệm tồn tại và niềm tin cuộc sống trong hoàn cảnh khó khăn...
Anh kể kỷ niệm nhất là tiếng cười luôn tràn ngập trong những chuyến đi. Chia sẻ từng niềm vui nỗi buồn, những con người bất hạnh cùng nhắc nhở nhau: “Thà đốt lên một que diêm còn hơn cứ ngồi nguyền rủa bóng tối”...
QUỐC VIỆT
Việt Báo (Theo_TuoiTre) 

Không có nhận xét nào: