23/4/14

Kiến thức mới về ăn chay

Kiến thức mới về ăn chay

Kiến thức mới về ăn chay



Ngày nay ăn chay không còn giới hạn trong phạm vi tôn giáo, mà đã xâm nhập vào các tầng lớp phi tín ngưỡng, như dưỡng sinh, thể thao, võ học, y học và xã hội học …với nhiều mục đích khác nhau: ăn chay để bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật, để tăng cường sự bền bỉ  dẻo dai của cơ thể, để chữa lành những bệnh nan y, kinh niên mạn tính, mà y học chính thống bó tay, còn để chống sát sinh, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Chung quy cũng vì vấn đề an toàn thực phẩm và sức khoẻ, để con ngưòi có được cuộc sống an vui tự tại, nên hiện nay người ta đã thực sự nhận thấy sự ăn chay có rất nhiều ích lợi.

Về phương diện thể chất:
Hiện nay trong giới dưỡng sinh áp dụng ăn chay để bảo vệ sức khoẻ, phòng chống tật bệnh, tránh nhiễm độc thịt động vật. Tránh dùng nhiều chất béo trong mỡ động vật, để tránh tăng cholesterol  huyết, dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp …
Trong giới thể thao, võ học ăn chay để giúp cơ thể được nhẹ nhàng tăng cường sức chịu đựng bền bỉ dẻo dai trong luyện tập và thi đấu.
Giới y học dùng ăn chay để điều trị các bệnh nan y kinh niên mạn tính mà y học chính thống bó tay. Vào những thập niên 80 của thế kỷ trước Bác sĩ Anthony J. Sattilaro, giám đốc bệnh viện Methiodis ở Phidellaphia (Hoa kỳ) đã ăn chay trường để tự chữa lành bệnh ung thư dịch hoàn đã di căn đến sườn và não (Theo báo Life/Mỹ/tháng 8/1982 và Parimath/Pháp/tháng 10/1982).
Còn đứng về phương diện xã hội thì người ta chủ trương ăn chay để chống sát hại sinh vật, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.
Nói chung về thể chất, ăn chay sẽ tránh cho con người những tác hại sau đây:
- Tránh lượng kháng sinh tồn dư quá cao trong thịt động vật được nuôi theo công nghiệp. Một viện Khoa học Nông nghiệp đã khảo sát 26 nghìn con gà của 23 hộ chăn nuôi, nhân thấy 60% mẫu thịt có tồn dư Tetracyclin, 87.5% tồn dư mẫu Ampicilin và 100% tồn dư Chloramphénicol … Như vậy người ăn thịt động vật nuôi theo công nghiệp, phải lưu tồn một liều lương kháng sinh quá mức trong cơ thể, ngoài ra một lượng Hormon tăng trọng trộn trong thức ăn súc vật cũng tai hại không kém, còn nếu ăn rau trái thực vật sẽ tránh được tai hại này.
- Ngoài ra còn một loạt gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, cũng gây tác hại cho con người nếu ăn phải, như bệnh não xốp của bò (bò điên), trâu, bò, lợn bị dịch lở mồm long móng, gà vịt, chim chóc bị nhiễm virus H5N1, gây dịch cúm gia cầm lây lan sang người, đã làm cho cả thế giới phải tốn kém biết bao nhiêu công của để phòng chống, và phải huy động cả một lực lượng hùng hậu tham gia, như Vệ sinh phòng dịch, Thú y, Y tế, Quản lý thị trường, kể cả Công an để ngăn chặn, nhưng vẫn chưa có lối thoát. Chỉ vì con người chưa thoát ly được nhu cầu ăn thịt thú vật !!!
- Ăn chay ngoài sự tránh cho con người khỏi được sự nhiễm độc thịt, mà lại ăn được nhiều Vitamin, diệp lục tố dễ tiêu hoá, còn tránh được sự tác hại của rượu thịt làm hại cơ thể.
Ngày nay người ta nhận thấy ăn chay không có gì làm hại cho sức khoẻ mà còn phòng chống được nhiều bệnh tật. J. Michel Lecerf chuyên viên dinh dưỡng viện Pasteur Lille (Pháp) có nhận xét: “Nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng, chế độ ăn chay, ăn rau quả không ăn thịt, không có gì bất lợi cho sức khoẻ. Ăn chay có thể điều chỉnh chế độ ăn uống của người phương Tây, ăn quá nhiều thịt, nhiều chất béo, mà lại thiếu chất xơ, rau quả tươi … ”
Từ khoản thập niên 80 của thế kỷ trước trở lại đây, tại nhiều nước phát triển công nghiệp, dân chúng bắt đầu bớt ăn thịt, trước khi có dịch não xốp của bò (bệnh bò điên). Người ta bớt ăn thịt vì không có nhu cầu về năng lượng, trước kia thịt được nhiều người ưa thích vì có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp nhiều năng lượng, nhưng ngày nay người ta phát giác ra rằng ăn nhiều thịt là tiêu thụ nhiều mỡ động vật, lượng mỡ thừa tạo nguy cơ  mắc nhiều bệnh về gan và tim mạch như nhồi máu cơ tim, huyết áp cao, xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ … Do vậy mà nhiều nước trên thế giới, hiện nay người ta có khuynh hướng thiên về ăn chay:
- Ở Pháp có phong trào ăn chay để bảo vệ sức khoẻ, chống sát sinh, bảo vệ môi trường. Theo điều tra Insee (Pháp) thì 66% người không thích ăn thịt, nêu lý do vì an toàn thực phẩm và sức khoẻ. Ngày nay nói đến ăn thịt, xử dụng nhiều chất béo động vật, là người ta nghĩ ngay đến các  nguy cơ hấp thu hormon và các thuốc kháng sinh lưu tồn trong thịt, mắc bệnh bò điên, lây lan dịch cúm gia cầm do vi-rút H5 L1, hay dịch lở mồm long móng …
- Ở vương quốc Anh  hơn 20% dân chúng đã ăn rau trái thay thế thịt bò, như vậy hơn 20% dân chúng Anh đã “ăn chay” tự nguyên. ở Anh có hội ăn chay Vegetarian Society thành lập vào năm 1847, nay có được 4 triệu thành viên. Mục đích của hội là “không sát sinh, cải thiện cuộc sống, bảo đảm sức khoẻ và bảo vệ môi trường”.
Ăn chay hiện nay là một xu thế thời đại, đã biến thành một phong trào của mọi tầng lớp nhân dân trên thế giới. Ăn chay là thể hiện một cách sống nhằm bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái ( theo TS. Pham Văn Tất trên báo Thuốc & Sức khoẻ số 97 ).

Về phương diện tinh thần:Trong lãnh  vực  tinh thần ăn chay giúp cho con người đạt được những ưu điểm sau đây:
- Ăn chay giúp cho con người biết quan tâm tới sự liên đới giữa vạn linh, dùng các vật loại nuôi sống mà không lạm dụng một cách ích kỷ. Biết coi tất cả vật thực của Thiên nhiên ban cho, là để duy trì sự sống không chỉ riêng cho mình, mà cho cả vạn loại, không phải nhất thời, mà còn nuôi sự sống lâu dài.
- Ăn chay giúp cho con người biết hưởng thụ một cách vừa phải những phương tiện mà Thiên nhiên ban cho, đồng thời có bổn phận cọng tác với Thiên nhiên để bảo vệ, chăm sóc một cách trân trọng các công trình sáng tạo tuyệt hảo của Thiên nhiên. ở con người có một vị thế ưu tiên, có quyền tự do sử dụng tất cả tạo vật, nhưng phải sử dụng trong sự liên đới, với một tinh thần trách nhiệm, tôn trọng Thiên nhiên và sự Sống, nhất là không được khống chế và huỷ hoại nó.
- Ăn chay là phương pháp chủ trị phàm tâm phát huy thiện tánh, luyện tập sự tự chủ, tạo cho mình một “chủ nhân ông” trong mọi sinh hoạt, không làm tôi tớ cho những thị hiếu thấp hèn, mà thị hiếu thèm khát ăn uống vô độ là một trong những đòi hỏi mạnh mẽ nhất.
- Ăn chay là phương pháp tạo cho mình một nghị lực thâm hậu, hổ trợ cho sự tự chủ, là một phương thuốc hữu hiệu chống loại mọi sự nghiện ngập thèm khát vô độ, chống lại thị dục chiếm hữu hưởng thụ và sự đòi hỏi của thân xác. Nên những người bị nghiện ngập, nếu thực hiện ăn chay đúng cách cũng là một phương pháp cai nghiện tích cực.
Như vậy về mặt tinh thần ăn chay có những ích lợi lớn lao, mà chỉ có những người thực hiện nghiêm túc mới cảm nhận được sự hữu ích của nó. Theo kinh nghiệm của nhiều người ăn chay đúng phương pháp, đều nhận thấy rằng các nhu cầu trong đời sống rất là quân bình, cả thể xác lẫn tinh thần không còn thèm khát bất cứ thứ gì, đến nổi phải đòi hỏi sự thoả mãn. Đồng thời vẫn sống một đời sống tích cực, hăng hái trong mọi sinh hoạt, với một nội lực thâm hậu, chứ không lãnh đạm tiêu cực.
Ăn chay phải đúng phương pháp
Người ăn chay cũng phải ăn đúng phương pháp, hợp với quân bình âm dương, nếu ăn uống thiên lệch cũng tác hại cho sức khỏe và tinh thần không kém gì người ăn thịt. Vì thể chất và tinh thần có chung một bản thể cấu tạo, do đó thực phẩm nuôi sống thể xác cũng sẽ quyết định đến sự tiến hoá của tinh thần, vì nó có ảnh hưởng hổ tương hai chiều. Nói một cách khác là thể xác và tinh thần có ảnh hưởng rất lớn đối với thực phẩm mà chúng ta nuôi dưỡng nó.
Theo phương pháp Tân dưỡng sinh, thì cách dinh dưỡng nào cũng phải lưu ý đến sự quân bình âm dương, trong thức ăn hằng ngày, mới tránh được bệnh hoạn cho thể xác lẫn tinh thần. Ngay ăn chay mà không đúng phương pháp cũng dẫn đến bệnh hoạn : Theo Giáo sư Ohsawa (Nhật) thì ăn chay mà mà ăn toàn rau trái, không dùng cốc loại, hoặc dùng quá ít, thì cơ thể sẽ trở nên âm hoá, vì rau trái là thức ăn thịnh âm. Như vậy sẽ đưa đến tác hại về thể chất làm cho con người suy nhược sinh lý, liệt dương, lãnh cảm, ghét đàn bà và ngược lại … còn về tính tình cũng trở nên hẹp hòi cố chấp, tách biệt thị phi thiện ác, thiếu tha thứ, đưa đến một sự xử thế cực đoan, cũng nguy hiểm không kém gì người ăn thịt thú vật làm cho họ trở nên hung bạo và nóng nảy vậy.
Một bằng chứng: Trong thời thế chiến thư hai, Hitler tính tình càng ngày càng cực đoan, gần như mắc bệnh điên cuồng, sau này báo chí còn cho biết rằng các nhà Bác học ở gần ông nhận thấy, ông ta có nhiều biến đổi về cơ thể hầu như sắp biến thành đàn bà. Nay nghiên cứu về cách ăn uống của Hitler người ta thấy đời sống ông ta khá khắc khổ, ông thường thích ăn thảo mộc do một bà đầu bếp tin cẩn chuyên môn nấu nướng đồ chay cho ông. Ông không hút thuốc, không uống rượu, nhưng có nhược điểm đáng chú ý là thích ăn nhiều đồ ngọt : kẹo bánh mức là thức ăn rất âm. (Theo Zen Dưỡng sinh của Thái Khắc Lễ sưu tập).
Trường hợp này chúng tôi cũng đã tiếp cận với một số người ăn chay trường trong giới tu hành, nhưng họ đã ăn uống sai quân bình âm dương, không những đã làm cho cơ thể họ bệnh hoạn, mà tinh thần cũng biến đổi, hẹp hòi cố chấp, đã gây nên một số chia rẽ trầm trọng trong nội bộ, tuy rằng còn nhiều nguyên nhân khác đưa đến tình trạng cực đoan nầy, nhưng chắc chắn là vấn đề ẩm thực sai lầm đã đóng góp một phần không nhỏ.
Chúng tôi cũng đã từng chứng kiến những người hiểu lầm danh từ tịch cốc, nên chỉ ăn toàn rau trái, mà không ăn ngũ cốc, đã gây cho họ một hậu quả biến dạng cả thể chất lẫn tinh thần, tuy không tàn bạo, nhưng rất cực đoan, thiếu trung thứ, hẹp hòi, cố chấp.
Trong dinh dưỡng mà không nhận rõ âm dương, ăn nhiều thức ăn thiên âm tính, có thể gây tai hại cho thể chất và tinh thần mình mà không ngờ đến. Còn chỉ biết sự bổ dưỡng của thức ăn trên phương diện lý hoá theo hiện đại, đôi khi cũng tự đầu độc mình, hoặc làm cho bệnh tình trở nên trầm trọng mà không biết. Theo Giáo sư Ohsawa (Nhật) đã phát biểu rằng:
“Chúng ta có thể tự giết mình một cách dễ dàng nếu chúng ta ăn uống không tương xứng, và nấu nướng không đúng cách … theo đó bạn có thể tự vẫn trong ít ngày bằng cách ăn uống những món rất mỹ vị hoặc tầm thường… Bằng cách đó bạn cũng có thể giết một cách chắc chắn như giết với một khẩu súng sáu một người nào đó rất mạnh mẽ khang kiện trong một vài tuần trở lên, mà không bao giờ bị nghi ngờ…” (Theo Zen Dưỡng sinh của Thái khắc Lễ sưu tập).
Đồng với quan điểm nầy Bác sĩ Anthony J. Sattilaro sau khi ăn chay trường để tự chữa lành bệnh ung thư cho mình, cũng phát biểu tương tự như sau:
“Khổ thay các bạn cũng như tôi trước đây, nằm trong đại đa số người Mỹ ăn uống những thứ giết người, tuy rất từ tốn, nhưng chắc chắn…” (Theo Living Well Naturally / Dr. Anthonỵ. Sattylaro).
Theo Giáo Sư Ohsawa (Nhật), thì trong mọi thức ăn đều chứa Potassium (K): âm, Sodium (Na): dương. Tỷ lệ quân bình âm dương là  K / N =  5/1 là đạt quân bình âm dương.
Không có cách ăn nào làm tiêu chuẩn chung cho mọi người, mà tuỳ nơi sự thiên thắng của âm dương, ngũ hành trong thể trạng mỗi người mà tự chọn. Mỗi bữa ăn nên giữ tỷ lệ từ 40% đến 60% cốc loại, còn các thức ăn phụ như rau quả, thì nên thay đổi hằng ngày, không nên ăn đơn điệu một thứ, nhất là những món thịnh âm như măng tre, khoai tây và các loại cà …hoặc các món ăn có mùi vị chua ngọt nồng hậu đặc biệt khác.                      

Ăn nhiều cốc loại cũng dễ đạt sự quân bình âm dương: 

Theo Thần nông bản thảo thì các loại ngũ cốc như gạo, bo bo trắng (ý dĩ ), kê, bắp, đậu, mè, hạt hướng dương… và các rau quả như rau cải, bí bầu, cà-rốt… do trồng trọt hoặc hoang dã, thường có vị đạm bạc, là thức ăn dễ đem lại sự quân bình âm dương cho cơ thể, có thể dùng thường xuyên, đã không có hại mà còn ích khí dưỡng tạng, còn có thể dùng làm thuốc để chữa bệnh khi đau ốm. Ngày nay theo nghiên cứu của Ohsawa thì thức ăn cốc loại mang nhiều dương tính, mà con người là một sinh vật thích hợp với dinh dưỡng thiên về cốc loại, dễ đạt đến quân bình âm dương. Nếu con người ăn uống đúng quân bình âm dương thì sẽ có một nội lực thâm hậu, tính tình dễ dãi, vị tha, dễ thích nghi với hoàn cảnh, dễ tha thứ những tội tình của người khác, ngay cả vấn đề sinh lý cũng không suy nhược, mà cũng không bị kích động đến nổi phải tìm đến một sự thoả mãn nhục dục thấp hèn.
Mặc dầu trong dinh dưỡng chúng tôi không khuyên nên ăn toàn cốc loại, nhưng phải nhìn nhận cốc loại là một thực phẩm gần như hoàn hảo nhất. Cốc loại có thể tồn trữ hàng nhiều năm ở nơi khô mát, và là loại thực phẩm đa dụng nhất. Vì lý do nầy mà cốc loại từng tạo nên nền tảng cho hầu hết các nền văn minh tinh thần đãcó trong lịch sử nhân loại. Giáo sư Manglesdorf đã cho biết: “Không một nền văn minh xứng danh nào mà không được xây dựng trên cơ sở nông nghiệp cốc loại” (Theo Living Well Naturally của Dr. Santony J. Sattilaro/ Mỹ).
Trong dinh dưỡng, đối với người bình thường mà thay đổi đột ngột cách ăn uống từ động vật thịt cá sang rau quả, là một sự chuyển biến mạnh mẽ cả sinh lý lẫn tâm lý, một sự khó khăn đầy thử thách, nhưng nếu người có sức mạnh ý chí làm được, là một phần thưởng quý giá nhất dành cho họ. Ngay Bác sĩ Anthony J. Sattilaro, người ăn chay trường để chữa bệnh cũng phát biểu về sự khó khăn này như sau:
“Vì bệnh quá nặng, nên tôi được hướng dẫn theo một chế độ ăn uống khắt khe … không hề có thời gian chuyển tiếp. Trong nhiều tháng tôi ăn chay triệt để, không sờ đến thịt cá, kiêng cả đường và trái cây. Tôi ăn mãi cho đến khi bệnh ung thư biến mất, mới nới rộng thêm đôi chút …  Thời gian đầu tôi muốn khùng lên vì thèm đường… nhưng cuối cùng xác định rằng sự sống còn quan trọng hơn sự thoả mãn thèm muốn, và chính sức mạnh của ý chí đã cứu tôi. (Theo Living Well Naturally).
Muốn có một sức khoẻ tốt, mỗi người phải tự tìm cho mình một cách dinh dưỡng thích hợp. Nhất là khi chọn cách ăn chay trường, cần phải theo dõi tình trạng sức khoẻ, chứ không nên chấp nhất. Chủ yếu là nên ăn uống làm sao cho có một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện, để khả năng làm việc không giảm sút, hầu phục vụ cho đời sống cá nhân, gia đình và xã hội thì mớí hữu ích. Đối với người chọn cách ăn chay trường thì tuỳ theo thể trạng sức khoẻ mà quyết định, nếu bỏ hẳn thịt cá liền thì tốt, còn không thì nên có một thời gian chuyển tiếp, tập cho cơ thể quen dần với thực phẩm rau quả, bằng cách nên ăn thử một ít ngày trong tuần hoặc trong tháng, coi như là thay đổi ẩm thực để dạ dày nhẹ nhàng tránh sự quá tải thịt động vật, sau đó hãy ăn tăng dần số ngày lên.                                                                
Đặng Xuân Giang (CTQ số 91)

Không có nhận xét nào: