21/12/13

Phục bắt sư giả

Tags: Hiệp Bình Chánh, An Giang, Báo NLĐ, Từ Quang, Đặng Minh Tuấn, Công An Phường, Quận Thủ Đức, sở công an, giấy giới thiệu, khất thực, trụ sở, trung úy, đối tượng, nhà sư, giả

Sư giả cùng tang vật ở trụ sở Công an phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức - TPHCM. Ảnh: N.Phú
Ngay sau loạt phóng sự “Vạch mặt sư giả” khởi đăng trên Báo NLĐ, Công an phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức - TPHCM đã kết hợp với phóng viên phục bắt những kẻ lừa tiền bằng chiêu thức “khất thực”
5 giờ ngày 30-7. Tôi cùng trung úy Đặng Minh Tuấn và dân phòng viên Cao Văn Phong, đều mặc thường phục, bắt đầu bước nhanh ra khỏi trụ sở Công an phường Hiệp Bình Chánh. Cách đó hơn 300 m, tại một trạm xe buýt, những nhà sư giả đầu đội mũ rộng vành, tay cầm bọc đồ lớn ngồi tụ lại, mắt ngóng xe vào TP.
Bị “tóm” lúc tinh mơ
5 giờ 10 phút, chúng tôi đi thành hàng dọc, tiến sát đến chỗ nhóm sư giả đang ngồi chờ xe. Các “sư” vẫn tỉnh bơ. “Ngồi im!”, trung úy Đặng Minh Tuấn hô lớn. Hai tay anh ghì vai, giữ bịch đồ của một người đàn bà. Bà ta gồng lên làm chiếc mũ đang đội bị lệch qua một bên lộ nửa chiếc đầu trọc. Cùng lúc, anh Cao Văn Phong giữ chặt tay một sư giả khác.
Bị tấn công đột xuất, nhóm sư giả nháo nhác. Vài người vội vã chạy trốn. Anh công an và dân phòng “tóm” hai “sư” cùng một người đàn ông liên quan đưa về trụ sở Công an phường Hiệp Bình Chánh.
5 giờ 30 phút, trung úy Đặng Minh Tuấn tiếp tục chở tôi vào thẳng nhà của hai sư giả khác ở hẻm 87, đường 16, khu phố 3. Trung úy Tuấn gõ cửa. Một “sư” thò đầu ra, trên người đang mặc bộ đồ nhà chùa nâu chuẩn bị đi “hành nghề”. Trung úy Tuấn nghiêm giọng: “Yêu cầu bà theo chúng tôi về trụ sở”. Bà ta hốt hoảng, đứng đơ người. Người con trai bà ta chừng 30 tuổi đang ở trong phòng nhìn ra cũng tím mặt lo sợ. Chuông điện thoại di động của anh ta reo lên. Điện thoại đang ở chế độ bật loa ngoài nên chúng tôi nghe rõ giọng của chị gái anh, cũng là người hành nghề “khất thực”: “Em ơi, tụi chị vừa ra đón xe buýt thì thấy công an đến bắt. Chị trốn được. Em nói mẹ đừng ra nhé”. Anh ta rầu rĩ: “Ra gì mà ra nữa, công an đang ở nhà mình...”. .
Tóm sư giả ngay trạm xe buýt ở phường Hiệp Bình Chánh. Ảnh: N. Phú
Quyết tâm giải tỏa xóm sư giả
Tại trụ sở công an, 3 sư giả bị bắt lần lượt được lấy lời khai. Người trẻ nhất là Nguyễn Thị Vân, 27 tuổi, quê Thanh Hóa. Người già nhất tên Nguyễn Thị Diễm Hương, 56 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế. Người thứ ba có hộ khẩu TPHCM, tên Trần Thị Ngọc Hoa, 52 tuổi, ở khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh.
Khi công an yêu cầu các sư mở túi hành nghề, lần lượt bình bát, áo nhà chùa màu vàng, điện thoại di động đời mới cùng những chiếc ví tiền căng phồng hiện ra. Theo lời khai của “sư” Trần Thị Ngọc Hoa, các “sư” khác mà Báo NLĐ từng phản ảnh như ông Tư, “thầy” Huề, Hùng Đại Dương... đều là láng giềng, “đồng nghiệp” của họ. Đặc biệt, Hùng Đại Dương là người cầm đầu một nhóm sư giả gồm 8 đối tượng tuổi từ 20-40. Nhóm này khét tiếng trong xóm sư giả về “thành tích” bia ôm, cờ bạc.
Thượng úy Hoàng Tuấn Hải, Phó trưởng Công an phường Hiệp Bình Chánh, khẳng định những đối tượng giả dạng nhà sư đang lẩn trốn tại phường sẽ lần lượt bị tóm. Hướng xử lý những đối tượng có hộ khẩu tại địa phương là sẽ cho viết cam kết không tái phạm, đồng thời đưa ra kiểm điểm trước dân. Những đối tượng khác, nếu có thể sẽ được chuyển vào trung tâm bảo trợ xã hội.
Bà Võ Thị Hằng, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, khẳng định: “Phường sẽ quyết tâm giải tỏa xóm sư giả. Nhưng để triệt phá tận gốc nạn giả dạng nhà sư này, rất cần sự hợp tác của người dân địa phương”.
Khất thực ở TPHCM là hoàn toàn giả mạo
Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Ban Thường trực Thành hội Phật giáo TPHCM, cho biết: Từ năm 1981, đã nêu rõ nếu sư nào muốn khất thực phải có giấy giới thiệu của ban trị sự Phật giáo tỉnh, TP. Riêng ở TPHCM, đến nay chưa có sư nào xin giấy phép đi khất thực. Hơn nữa, khất thực chỉ xin thực phẩm chứ không nhận tiền. Vì vậy tình trạng khất thực như hiện nay là hoàn toàn giả mạo. Những người đi khất thực dứt khoát không phải là nhà sư thật. Nếu toàn bộ người dân đều biết và cảnh giác thì hiện tượng sư giả sẽ chấm dứt.
An Giang: Sư giả cũng phổ biến
Giấy giới thiệu giả một ni cô mang từ An Giang lên TPHCM
Chiều 30-7, Công an phường Hiệp Bình Chánh cung cấp cho phóng viên giấy giới thiệu của một người mặc đồ ni cô tự nhận tên là Nguyễn Thị Tâm, đến TPHCM để quyên góp tiền cho chùa Từ Quang ở huyện Chợ Mới - An Giang. Giấy giới thiệu có dán ảnh chân dung của bà Tâm và đóng dấu, chữ ký của “chủ trì chùa Từ Quang: Ni sư Như Hiếu”. Tuy nhiên, thượng tọa Thích Thiện Thống, Phó Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo An Giang, khẳng định ở tỉnh này có chùa Từ Quang nhưng không có trụ trì nào tên Như Hiếu. Chùa này cũng không có ai tên Nguyễn Thị Tâm và cũng không cho đi quyên góp.
Thượng tọa Thích Thiện Thống cho biết tại An Giang mỗi năm cũng bắt được vài chục người giả dạng nhà sư đi quyên góp, khất thực. “Cái khó hiện nay là chưa có chế tài cụ thể để răn đe những đối tượng này. Cách xử lý cũng dừng lại ở việc tịch thu đồ nhà chùa, cho viết cam kết không tái phạm. Do vậy, cần có chế tài phạt thật cụ thể để công an có cơ sở giải quyết hiện tượng nhức nhối này” - thượng tọa nói.
Như Phú – Trung Thanh
Việt Báo (Theo_NLĐ)

Không có nhận xét nào: