Ở Sài Gòn trong một hai năm nay nở rộ lên những tiệm hớt tóc và gội đầu mà nhìn từ ngoài không giống các tiệm hớt tóc thường chút nào. Dọc theo đường Bùi Thị Xuân, đường Sương Nguyệt Ánh và các quận ngoại thành như Bình Tân (tách ra từ huyện Bình Chánh cũ) mọc lên nhan nhãn những dịch vụ với cái tên khá nhạy cảm như “Hớt tóc gội đầu nam”. Thoạt đầu mới nhìn thấy tôi thắc mắc chẳng hiểu tại sao chỉ hớt tóc mà còn gội đầu, mà lại chỉ dành cho nam giới! Hỏi mấy thằng bạn thì thằng nào cũng nói để đó từ từ tụi tao dẫn mày đi thực tế cho biết, giải thích mệt lắm.
Và cái ngày đi thực tế đã đến. Hôm đó là một ngày làm việc trong tuần. Mới đi họp xong, về khách sạn vào buổi trưa, đang đọc một cuốn sách hấp dẫn, thì có điện thoại từ một tay bạn học cũ nay là một “đại gia” trong ngành kinh doanh đồ điện tử ở Việt Nam. Nó hỏi: Đang làm gì đó, rảnh hông, tao và thằng B định dẫn mầy đi gội đầu đây, đây là cách cho mầy đi lấy thông tin rồi tha hồ viết phóng sự, chịu hông? Đi thì đi, xa hông? Không, cách chỗ mầy ở chỉ một con đường thôi, chờ 5 phút nghen. Cúp máy.
Đúng năm phút sau hai thằng bạn tôi trong bộ cánh business có mặt tại khách sạn, chúng nó bỏ xe tại đó, và đi bộ cùng tôi qua đường Bùi Thị Xuân và Sương Nguyệt Ánh rất đẹp, với hai hàng cây sao cao vút. Hai bên đường khá yên tĩnh là khách sạn, nhà hàng, tiệm bán đồ điện tử và máy tính (hình như khu này là thủ đô của máy vi tính), và khá nhiều tiệm gội đầu hớt tóc cho nam giới. Chưa kịp chụp một tấm hình làm kỉ niệm thì đã đến “điểm hẹn”. Đó là một tiệm ba tầng lầu, nhìn từ ngoài rất sang trọng, đèn điện (dù ban ngày) và cửa kính sáng choang, cùng với màu sắc rất “upmarket”, chứng tỏ đây là nơi lui tới của những người lắm tiền nhiều của. Tiệm rất tiêu biểu ở thành phố này: chiều rộng khoảng 6 thước và chiều dài thì hun hút, khó đoán được bao nhiêu thước. Phía dưới lầu là một dãy ghế hớt tóc chắc cũng khoảng 10 cái, một số đã có khách đang hoặc hớt tóc, hoặc lim dim nằm gội đầu.
Điều đầu tiên làm tôi chú ý là đội ngũ phục vụ toàn các cô gái tuổi chỉ đôi mươi, xinh như mộng, mặc đồng phục áo trắng, và váy màu xanh da trời. Đồng phục gì mà bó sát thân hình các cô như là những cave chính hiệu! Thế nhưng tiếp chúng tôi là một cô tiếp viên mặc áo dài nghiêm chỉnh, cũng đẹp như tiên, cô hỏi chúng tôi có yêu cầu gì. Vì tôi chẳng biết oong đơ gì ráo nên để cho thằng bạn thương nhân nói chuyện. Đại khái là hớt tóc, gội đầu, massage mặt (trời ạ, có cả xoa bóp mặt đấy!), và nghỉ giải lao. Cô hỏi tiếp là chúng tôi có cần nhân viên nào cụ thể, hay là để cho cô ấy chọn cho. Hai thằng bạn tôi nêu đích danh hai cô mà chúng nó muốn phục vụ, rồi quay sang chỉ tôi nói: Anh này chưa biết em nào, vậy em nhớ tìm cho ảnh một em chăm sóc tận tình dùm anh nghen. Cô tiếp viên nhoẻn miệng tươi cười chỉ cho chúng tôi mỗi người an tọa vào một ghế, rồi lập tức có ngay một em khác đến hỏi tôi muốn uống gì. Cho anh li trà đá, cám ơn.
Một phút sau đã có một em đến phục vụ cho tôi. Em tự giới thiệu bằng cách chỉ vào cái ID trên ngực với cái tên Thu Thủy, và nói rằng em là người sẽ phục vụ cho tôi hôm nay. Tôi nhìn thoáng qua Thu Thủy và đoán em chắc chỉ 18-19 tuổi, người cao chắc cũng 1,65 m và không quá 45 kg, tóc ngắn gọn gàng có nhuộm màu nâu, em có đôi mắt như lúc nào cũng cười, và tay phải đeo một vòng vàng khá nhiều. Nghe em nói tiếng miền Trung, tôi tò mò hỏi em chắc là người miền “ngoài” vào đây. Thu Thủy nói em là người Phan Thiết. Tôi bắt chuyện: Ngoài đó lúc này ra sao? Cũng thường, nhưng nghèo lắm. Ủa, sao lạ vậy, anh tưởng có nhiều đầu tư và du lịch nên khá lắm chứ. Em cười nói: Em cũng không biết nữa. Em làm nghề này lâu chưa? Hơn 2 năm. Tôi đùa: Vậy là anh yên tâm trao đầu cho em há. Em hỏi lại: Chắc anh là Việt kiều? Tôi cố dấu cái căn cước của mình, nên nói: Anh là dân Kiên Giang mới lên đây công tác nên tiện việc theo bạn ghé qua đây hớt tóc, gội đầu ... Câu chuyện bị đứt ngang đó, khi em yêu cầu tôi ngồi yên để em hớt tóc.
Ở nước ngoài tôi đã quá quen với kiểu hớt tóc trong vòng 10-20 phút, nên chưa quen với cách hớt tóc ở tiệm này. Phải nói Thu Thủy có tay nghề hớt tóc rất khá, em chỉ nhìn qua mà có thể phân tích tóc tôi thuộc loại gì, và phê bình người hớt trước đã làm sai chỗ này, không cân đối chỗ kia, v.v… làm tôi cảm thấy như mình đã giao thân cho đúng người. Em dùng cả hai máy cắt tóc điện và tong-đơ cũ để hớt. Trong khi em hớt thì lại có một em khác đến tự giới thiệu làm … cắt móng tay! Hai em làm việc rất nhẹ nhàng, nói chuyện như thủ thỉ, làm tôi rất dễ bị … ngủ. Thỉnh thoảng em hỏi tôi có đau không, có khó chịu gì không để em điều chỉnh tong-đơ. Đến khi xong, tôi xem đồng hồ mới biết cái công đoạn hớt tóc không đã mất gần 40 phút.
Công đoạn kế tiếp là gội đầu. Thu Thủy hỏi tôi muốn dùng xà bông shampoo loại nào (mùi bạc hà, hay mùi hoa bưởi, hoa lan …), rồi áp dụng một loại dầu gội đầu rất dễ chịu trên tóc. Tôi có cảm giác bàn tay em nắn nót từng vùng đầu, quan tâm đến từng cọng tóc, gội đi gội lại, thỉnh thoảng lại cho thêm loại dầu gì đó mà lúc này tôi không thấy được. Trong tiếng nhạc nhẹ du dương, tôi cảm thấy mình bềnh bồng trong cái thế giới kì quặc mà độc đáo này. Chỉ gội đầu khô vậy mà cũng tốn ngót nghét 20 phút!
Công đoạn thứ ba là gội đầu ướt, tức là xả nước. Thu Thủy mời tôi vào một phòng khác phía trong. Phòng này nhỏ hơn, đèn tối hơn. Trong phòng có khoảng 5 cái giường mà khách chỉ nằm ngửa và cái đầu thì quặp ngửa xuống một cái bồn nước. Bồn nước có vòi nước di động dùng cả hai loại nước nóng và lạnh. Khách chỉ việc nằm đó để nhân viên gội đầu, làm sạch tất cả xà bông. Cái công đoạn này cũng tốn khoảng 20 phút. Xong công đoạn này cô phục vụ bỏ tôi nằm đó đọc báo, rồi bỏ đi trước khi dặn dò cô đồng nghiệp một cách đùa cợt: Nè các chị nhớ chăm sóc ông xã của em một chút nghen, em phải đi chuẩn bị phòng đây.
Công đoạn sau cùng là xoa bóp mặt, và tôi được chuyển đi một phòng khác. Lần này là một phòng trên lầu 1 của tiệm. Phòng này được thiết kế sáng sủa hơn, trang trọng hơn, nhưng cũng kín đáo hơn, được trang bị máy lạnh và trang trí khá mĩ thuật. Mỗi phòng chỉ có một khách và một nhân viên. Cái công đoạn massage mặt này quả là công phu, vì nhân viên dùng tay một cách nhuần nhuyễn và dầu gì đó để làm cho da mặt nóng lên, rồi dùng một loại dầu khác để làm cho da mềm lại và bắt đầu xoa bóp mặt, hút mụn (nếu có). Cách chăm sóc da mặt kiểu này quả là độc đáo mà tôi chưa từng biết trước đây.
Vì là nơi kín đáo nên khách và nhân viên có thể trò chuyện với nhau. Thu Thủy tỏ ra bạo dạng hơn với tôi bằng những động tác có thể xem là gợi cảm. Em choàng qua người tôi để cố tình cọ quẹt ngực vào người tôi, rồi làm như vô tình và tỏ lời xin lỗi. Qua Thu Thủy tôi mới biết các tiệm gội đầu loại này còn là những nơi thư giản một hai giờ của các đại gia, doanh nhân, và công tư chức thành phố. Trong hai giờ nghỉ trưa, họ đến đây để được gội đầu và nằm ngủ trong phòng có máy lạnh, và có người thủ thỉ tâm sự. Thành ra, tiệm rất đông khách trong lúc từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Tôi hỏi Thu Thủy: nằm ngủ như vầy có gì đâu mà gọi là thư giản? Anh nói nghe lạ nhỉ, ngủ có người tâm sự nằm chung mà anh nói là “có gì đâu”, có người nghiền vào đây đó. Như cái anh bạn của anh đó, ảnh hay vào đây ngủ trưa với chị Hà hoài đó; chị Hà chiều ảnh lắm. Chiều là chiều như thế nào? Là ví dụ như anh bo cho em năm chục ngàn thì anh nằm ngủ với em nhưng không được sờ mó, còn một trăm ngàn thì thoải mái ...
Tôi tiếp tục câu chuyện còn dở dang lúc dưới tầng trệt, bằng cách hỏi Thu Thủy về hiện tại và tương lai. Em làm ở đây bao lâu rồi? Khoảng 6 tháng. Anh nghe nói thu nhập khá lắm phải không? Cũng tùy anh ơi, mỗi ngày có một hay hai khách thì em sống được, nhưng có ngày chẳng có khách nào, nhưng nói chung em dư khoảng 2 triệu mỗi tháng. Thế lương bổng ra sao? Đâu có lương gì anh, chỉ nhờ vào bo của khách thôi. Có bao nhiêu tiếp viên ở tiệm này? Khoảng 20 người. Chắc người từ vùng ngoài như em? Không phải đâu, phần đông các chị là dân miền Tây, em là người Trung duy nhất ở đây. Dịch vụ gội đầu này có từ bao giờ? Em cũng không biết, nhưng chỉ mới đây thôi, chủ yếu là phục vụ cho công chức, du khách, và Việt kiều. Em thích làm nghề này? Không, chỉ vì hoàn cảnh em mới làm, chứ nhục lắm anh ơi, ai cũng nghĩ em là đĩ điếm. Tôi cảm thấy đau nhói khi nghe câu trả lời quá thẳng thắn và chua xót, nên tôi cố nhìn mặt em xem có gì thay đổi không, nhưng tuyệt nhiên không thấy em biểu hiện một xúc động nào. Tôi hỏi: Sao vậy? Vì phần lớn những người làm nghề này thường bay đêm, chứ hớt tóc gội đầu chỉ là cái bình phông mà thôi. “Bay đêm” có nghĩa là gì? Tôi giả vờ hỏi. Anh khéo giả bộ quá, đàn ông các anh biết cả rồi, cần gì em phải trả lời chứ? Anh không biết thật mà. Thì bay đêm có nghĩa là làm vợ chồng một đêm đó. À ra thế, vậy em có hay bay đêm không? Em cười và ngượng nghịu nói: Thỉnh thoảng cũng có, nhưng phải được sự đồng ý của bà chủ mới được, chứ ở đây thì không. Em không sợ bị bệnh à? Sợ chứ, nhưng số phận cả anh ơi. Tại sao em không làm nghề khác? Nghề gì hả anh, em có nghề hớt tóc rồi, à anh là ai mà cứ hỏi em hoài vậy? Tôi đùa: Ủa, chứ em không nhớ anh là chồng hai giờ của em sao? Thu Thủy mỉm cười nói: Anh khéo nói quá há, thôi ngủ đi!
Gần hai giờ đồng hồ, tính từ lúc hớt tóc đến phần cuối của công đoạn này, tôi mới biết thêm một cái nghề lạ lùng nổi lên ở Sài Gòn, mà tôi chưa biết đặt tên là gì cho ngắn gọn. Ngủ ôm? Gội đầu ôm? Bất cứ thuật ngữ gì đi nữa thì nó vẫn là một nghề lạ. Rất lạ. Mà đau xót. Nhưng đó là thực trạng của cuộc sống. Có lẽ chỉ có Việt Nam mới có. Và nó phát triển ngấm ngầm, gây nhức nhối cho xã hội. Viết những giòng chữ này mà tôi vẫn thấy ... đau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét