14/5/14

Trận hải chiến đầu tiên trên biển, hải quân VN chiến thắng hải quân nước ngoài.

"Hải quân" triều Nguyễn từng trừng trị đích đáng giặc biển ngang ngược

 - Khói lửa mịt mù. Khi đã áp sát mục tiêu giặc, quân ta quăng thang dây thi nhau trèo lên tàu, kẻ dùng trường thương, đoản đao mà đâm, mà chém, hoặc châm lửa đốt; người chặt bánh lái, đục thủng tàu...

Nếu tiền nhân ta đã tỏ ra rất thiện nghệ trong thủy chiến (3 lần đánh bại giặc Tàu trên sông Bạch Đằng; 2 lần đánh tan tác quân Xiêm trên sông Tiền, cụ thể là tại Rạch Gầm - Mỹ Tho năm 1785, và tại Cổ Hủ, tức Chợ Thủ, An Giang năm 1834, khiến quân Xiêm xâm lược phải từ bỏ mộng xâm lăng) thì, thuỷ quân triều Nguyễn cũng đã từng trừng trị đích đáng bọn giặc biển Hà Lan ngang ngược trên biển Đông.

Chiến công năm 1644 ấy không chỉ làm bay hồn khiếp vía tên “cường quốc biển” Hà Lan mà âm vang của nó không thể không gây kinh hoàng cho cả đế quốc Pháp và hải quân Anh, là những quốc gia được cả thế giới nể mặt là “tay anh chị trên biển” thời ấy.

Nguyên nhân hải chiến

Theo nhật ký của giáo sĩ Vachet thì trận hải chiến này lỗi tại người Hà Lan. Nguyên có một người bản xứ làm công trong một hiệu buôn, bị nghi ngờ lấy trộm hàng hóa, bọn Hà Lan chẳng những không thưa kiện, giải giao cho nhà chức trách ta xét xử, lại tự ý tra tấn đánh đập người ấy cho tới chết.

Quan Trấn thủ Quảng Nam thấy người Hà Lan lộng quyền quá quắt như thế, liền phát binh vây bọc cửa hiệu, khiêng cả hàng hóa, bàn ghế đem ra đốt ngay giữa sân, còn vàng bạc cùng các thứ gì đốt không cháy thì đem ra biển mà đổ xuống hết. Còn 9 người Hà Lan trong cửa hiệu đều bắt hạ ngục, rồi thân hành về Kinh tâu bày và xin huấn lệnh.

Chúa Nguyễn cho ông được toàn quyền tiện nghi hành sự. Ông trở về trấn, điệu 7 người ra pháp trường xử trảm, còn 2 người thì tha bổng, cho đáp thuyền khách về Batavia để tường trình công việc này cho đồng bang họ biết.

Bản đồ do Nxb. Covens and Mortier tại Amterdam (thủ đô Hà Lan) vào năm 1760 có ghi chú quần đảo Paracel (tức Hoàng Sa) bên cạnh bờ biển xứ Đàng Trong.
Bản đồ do Nxb. Covens and Mortier tại Amterdam (thủ đô Hà Lan) vào năm 1760 có ghi chú quần đảo Paracel (tức Hoàng Sa) bên cạnh bờ biển xứ Đàng Trong.

Qua đầu năm 1642, một chiến thuyền Hà Lan do Lịch Viên (Van Liesvelt) cai quản từ phía ngoài Bắc đi vào, đổ ở bến Hội An. Trên thuyền có mấy vị sứ thần chúa Trịnh phái đi Batavia, chắc là cầu viện để chống lại chúa Nguyễn.

Lịch Viên tưởng có thể che được tai mắt của Công Thượng vương, cho nên không ngần ngại ghé thuyền vào bến Hội An, một là để xem cửa hiệu tại đó năm ngoái bị đốt phá ra sao, hai là muốn xin nhà đương cuộc ta trả lại tự do cho những thương nhân thủy thủ trên hai chiếc thuyền mắc cạn ở Cù lao Chàm năm nọ, hiện đang bị nhốt trong ngục Quảng Nam.

Để lấy lòng, đoàn tùy tùng của Lịch Viên yêu cầu trói phăng sứ đoàn họ Trịnh nộp chúa Nguyễn, nhưng ông cho là làm như vậy là bất nghĩa, không ưng. Về phần Công Thượng vương hẳn là đã dọ biết trên thuyền Hà Lan có chở sứ đoàn họ Trịnh, nên chi ông lấy làm bất bình, nhất định không tha bọn lái buôn và thủy thủ mà ông cầm tù bấy lâu. Lịch Viên đành nhổ neo mà đi Batavia.

Chẳng rõ tên thuyền trưởng này về Batavia báo cáo với thượng cấp ra sao mà công ty Hà Lan quyết lấy võ lực đối phó với chúa Nguyễn để giải thoát cho những người bị giam kia.

Ngày cuối năm ấy (1642) công ty Hà Lan phái 5 chiếc thuyền chở 70 lính, 152 thủy thủ, từ căn cứ Batavia rầm rộ kéo sang Quảng Nam. Mỗi thuyền một tướng chỉ huy, trong số ấy chính Lịch Viên là một. Do Lịch Viên đã quen thuộc đường lối, nên công ty ủy nhiệm tên này làm hướng đạo, đồng thời cũng ban cho chức vụ như là chủ tướng cầm quân đi trận vậy.

Chiến hạm lớp SIGMA tối tân của Hà Lan ngày nay.
Chiến hạm lớp SIGMA tối tân của Hà Lan ngày nay.

Đến nơi, Lịch Viên tưởng chắc ngon ăn lắm, thân dẫn một đội quân lên bộ, định xuất kỳ bất ý, chiếm lấy đồn canh của ta. Không ngờ bị quân ta đón đánh dữ dội. Lịch Viên và mười mấy tên lính Hà Lan bị giết tại trận.

Muốn báo thù cho anh em, một viên tướng khác, tên là Linh Ga (Van Linga) đã chém đầu 20 người Việt Nam chẳng có một tấc sắt trong tay, mà quân Hà Lan bắt được ở các xóm chài lưới ven bể.

Linh Ga làm xong “thủ đoạn anh hùng” ấy rồi rút xuống thuyền, chứ không dám tiến sâu vào trong đất ta, vì hơn ai hết Linh Ga biết rất rõ rằng, binh lực của y đem theo ít quá, tiến sâu vào tất phải bị quân Việt tiêu diệt hết.

Khi thấy quân Hà Lan hành hung sát hại lương dân như thế, Công Thượng vương nổi giận, liền hạ lệnh xử tử một trong những lái buôn Hà Lan đang giam bị ở ngục thất, ý chừng để trả thù cho dân chài lưới chết oan kia.

Việc gì đến phải đến

Liên tiếp mấy năm có việc xung đột với người Hà Lan, chúa Nguyễn không thể không liệu trước mọi sự bất trắc, nên rất quan tâm về mặt hải phòng, và tất nhiên lúc nào cũng sẵn sàng nghênh địch.

Khoảng cuối năm 1643, từ căn cứ hải quân Hà Lan ở Jambee (Sumatra, cù lao to nhất trong nhóm Nam Dương quần đảo), chúng đem ba chiến thuyền, chứ không phải là thuyền buôn có võ trang, đến đánh xứ Nam ta để báo thù, cũng nhằm giữ lấy uy tín và thể diện một nước hùng cường phương Tây. Do Tổng tư lệnh là một viên Đề đốc, nên cả 3 tàu chiến đều được trang bị rất hùng hậu cả về quân số và hỏa lực.

Đoàn tàu chiến của Đề đốc Pierre Bacck vừa đến cửa bể thì gặp ngay 60 thuyền trận bé nhỏ của ta do Trấn thủ Quảng Nam là Thế tử Dũng Lễ Hầu xông ra, chia làm 3 đạo vây đánh.

Thuyền chiến, thuyền buồm, thuyền chỉ huy thời triều Nguyễn. (Ảnh sưu tầm)
Thuyền chiến, thuyền buồm, thuyền chỉ huy thời triều Nguyễn. (Ảnh sưu tầm)


Tàu địch khạc đạn như mưa. Mặc! Trong tinh thần quyết tử, quân ta cứ nhắm ngay tàu giặc mà tiến thẳng đến. Tiếng súng nổ, tiếng quân sĩ hò reo, tiếng trống thúc trận của Thế tử... vang động một góc trời. Khói lửa mịt mù. Khi đã áp sát mục tiêu, quân ta quăng thang dây thi nhau trèo lên tàu, kẻ dùng trường thương, đoản đao mà đâm, mà chém, hoặc châm lửa đốt; người chặt bánh lái, đục lủng tàu... Do đánh giáp lá cà nên máu của hai bên loang nhớt cả sàn tàu! Đại bác của chúng lúc này đều hóa ra vô hiệu, khiến bọn giặc kinh hoảng trốn chạy tứ tung, như chuột!

Chiếc tàu của tên đề đốc to nhất và nhanh nhẹn nhất bị quân ta chặt gãy bánh lái, cột buồm, và bám cứng vào hai bên sườn mà băm bổ, thành ra binh sĩ Hà Lan không sao tẩu thoát được. Viên đề đốc đành phải châm lửa vào thuốc súng, tự đánh chìm tàu mà chết!

Hai chiếc kia bỏ chạy. Nhưng chiến thuyền ta đuổi theo sát. Một chiếc vì chạy tán loạn, lại vì gãy cả bánh lái, cột buồm, mất sự điều khiển, chạm vào mõm đá mà vỡ đôi. Tướng sĩ còn sót trên tàu đều bị ta bắt sống. Còn chiếc kia nhờ trời tối nên mới thoát được.

“Mang đầu máu” ra Bắc, những tưởng sẽ được thương giúp, không ngờ chúa Trịnh ghét thêm – đồng minh với kẻ bại trận, quá mất mặt!

Chiến công ấy không thể không trở thành dấu ấn của người Việt Nam ở Đàng Trong, cho nên sau mấy chục năm, mỗi khi gặp người ngoại quốc, họ luôn đem ra thuật kể với tâm trạng rất đỗi tự hào. Chính vì vậy khi giáo sĩ Vachet, hoặc những thương nhân Anh Pháp, cụ thể là Bowyear và Poivre, khi nghe người dân kể lại, các ông tỏ lòng thán phục!

Các ông viết nhật ký tự thuật rõ ràng, chẳng hạn như cố Alexandre de Rhodes trong tập ký sự Divers Voyages đã viết: “Người Hà Lan đã phải thiệt thòi mà được kinh nghiệm rằng những chiến thuyền nhỏ của Việt Nam có thể công kích mà thắng nổi những tàu khổng lồ của họ; bấy lâu nhờ có tàu to ấy họ vẫn tự phụ là chúa trùm trên bể”.

Giáo sĩ Alexandre de Rhode
Giáo sĩ Alexandre de Rhode

Từ năm 1717, tên “chúa trùm” này đã từng gây kinh khiếp một Tổng binh Tàu ở Quảng Đông: “Họ hung dữ và khó chịu hơn hết mọi người. Giống như bầy hổ lang, đi đâu gieo sự khủng khiếp tới đó. Để chân vào đất nào, họ tìm đủ cách để làm chủ đất ấy. Tàu trận của họ thật là dày dạn phong ba bão táp. Trên mỗi chiếc tàu đặt trăm khẩu đại bác là ít. Chẳng ai có thể chống cự họ được”.

Với Hà Lan, “Trung Quốc vĩ đại” cũng phải bó tay, nhưng với Việt Nam thì sao? Giáo sĩ Vachet, người rất thông thạo công việc miền Nam nước ta kể tả:

“Một chiếc thuyền chiến An Nam tầm thước không có, đâu cao lớn như chiến thuyền của các nước Tây dương chúng ta. Nội dung chẳng rộng bằng mà thân hình nó cũng khác hẳn. Bên trong sơn son đỏ chói, ngoài thì sơn đen lóng lánh và thếp vàng trông rất đẹp mắt. Mỗi bên có 30 mái chèo; mái chèo cũng sơn son thếp vàng, buộc vào một khoen sắt, thành ra khi cần, người lính thủy có thể buông tay chèo mà không trở ngại gì, đặng nắm lấy khí giới để sẵn bên mình giao chiến với quân địch. Khí giới ấy gồm có một khẩu súng tay, một ngọn mác, một mã tấu, một cây cung và túi đựng tên.

Người lính thủy kiêm cả việc chèo thuyền và đánh giặc. Khi chèo, họ đứng hướng mặt về phía mũi thuyền, chăm chú nhìn theo cử động của viên chủ tướng đứng ở đấy. Chủ tướng cầm gươm tuốt trần trong tay, ra hiệu lệnh cho quân lính thế nào, lập tức họ thi hành như thế. Không cần phải truyền bảo bằng lời nói, thanh gươm huy động tức là hiệu lệnh, quân lính làm theo răm rắp, mau lẹ không thể tưởng tượng, là vì họ đã rèn tập thông thuộc lắm.

Trên mũi thuyền đặt ba khẩu thần công, hai bên sườn hai khẩu. Lâm trận, mỗi thuyền chở một cơ lính, thêm nhiều cai đội phụ theo, để chỉ huy tác chiến”.

Ấy thế mà thủy sư chiến thuyền bé nhỏ của Việt Nam, năm 1644, đã anh dũng cự lại đội thuỷ quân Hà Lan, và thắng trận!

Ông Pierre Poivre, thương nhân người Pháp.
Ông Pierre Poivre, thương nhân người Pháp.

Đại thắng trận hải chiến lịch sử này, Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi rõ trong Đại Nam thực lục tiền biên, quyển III:

Năm Giáp Thân [1644], tháng 4, Thế tử Dũng Lễ Hầu (tức là Phúc Tần, Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế) đánh phá giặc Ô Lan [tức Hà Lan] ở Cửa Eo. Bấy giờ giặc Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử tức thì mật báo với Chưởng cơ Tôn Thất Trung (con thứ tư của Hy Tông), ước đưa thủy quân ra đánh, Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết.

Thế tử đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra, Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền theo đi, đến cửa biển thì thuyền Thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng Thế tử không quay lại. Trung bèn giục binh thuyền tiến theo. Chiếc thuyền trước sau tiến nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhắm thẳng phía Đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng phóng lửa tự đốt chết. Thế tử bèn thu quân về.

Chúa mới nghe tin Thế tử đi có một mình cả sợ, bèn tự đốc suất đại binh tiếp ứng, vừa tới cửa biển, xa trông khói đen bốc mù trời, kịp ra lệnh cho các quân tiến lên. Tới khi được tin thắng trận, chúa mừng lắm, kéo quân về hải đình để chờ. Thế tử đến bái yết. Chúa giận trách rằng: “Mày làm Thế tử, sao không thận trọng giữ mình”. Lại thiết trách Trung về tội không bẩm mệnh. Trung cúi đầu tạ tội giờ lâu, rồi nhân khen ngợi oai phong anh dũng của Thế tử không ai bì kịp được.

Chúa cười nói rằng: “Trước kia tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa”. Bèn trọng thưởng cho, rồi khiến xa giá về cung.

Từ ấy chẳng những Hà Lan không lộng hành mà sau đã trở thành tình thân thiện.

Truyền thống yêu nước của người Việt Nam là như thế đó! Kẻ mạnh đừng ỷ thế mà hí hửng! Cho dù là bá chủ của biển khơi, nếu manh tâm hiếp đáp Việt Nam, trước sau gì bọn chúng cũng phải chuốc lấy thất bại thảm hại. Lịch sử đã chứng minh điều đó, và sự thật đã cho thấy rất rõ điều đó!

Không có nhận xét nào: