8/2/14

Có nên cúng dường tiền cho tăng ni?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta nên khách quan và công bằng trả lời câu hỏi : “Tu sĩ có cần tiền để sinh sống hay không?”
Là một tăng sĩ thuộc truyền thống Bắc tông gần 10 năm.  Đã gắn bó rất mật thiết với mọi sinh hoạt của tăng chúng khi còn ở Việt nam; hiện đang sinh hoạt với giáo đoàn truyền thống Nam tông, hay truyền thống nguyên thủy, như tăng đoàn Tích Lan, Miến Điện, tôi có thể khẳng định, một tu sĩ không cần tiền để sinh sống.
Trong kinh Di Giáo, bài thuyết pháp cuối cùng của Đức Thế Tôn với đại chúng trước khi nhập Niết Bàn, trong rừng Sa La, giữa cây song thọ.  Phật dạy : “Các thầy Tỷ kheo, sau khi Như lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Như lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy.
Giữ tịnh giới thì các thầy không được buôn bán, đổi chác, sắm sửa đất nhà, nuôi người, tôi tớ và súc vật, lo việc gieo trồng, kinh doanh tài bảo. Tất cả việc này, hãy tránh như tránh hố lửa. Kể cả việc chặt phá cỏ cây và đào cuốc đất đai. Những việc chế thuốc thang, coi bói tướng, coi thiên văn, đoán thời tiết, tính lịch số, đều không thích hợp với các thầy. Các thầy hãy tiết chế cơ thể, ăn đúng thì giờ, sống bằng cách sống trong sạch, không được tham dự thế sự, lãnh sứ mạng liên lạc. Chú thuật, thuốc tiên, giao hảo quyền quí, và thân thiết với họ, rồi hèn hạ, ngạo mạn, tất cả đều không được làm. Phải tự đoan tâm, chánh niệm cầu độ. Không được che dấu lầm lỗi, tỏ ra kỳ dị để mê hoặc quần chúng. Đối với bốn sự hiến cúng thì phải biết tự lượng và biết vừa đủ. Hễ được hiến cúng thì không nên tích trữ.” (Kinh thuộc thời đại Dao Tần, Tam Tạng pháp sư Cưu ma la thập dịch, hòa thượng Thích Trí Quang Việt dịch.)
Nhìn chung quanh, được mấy tăng ni tuân theo lời dạy của Đấng Toàn Giác?
Cá nhân tôi, tôi chưa thấy một tăng ni nào, thuộc truyền thống Bắc Tông, tuân theo lời giáo huấn của Đức Từ Phụ. Khi buôn bán, đổi chác, sắm sửa đất nhà, tăng ni đã phạm phải một điều trong Bát Chánh Đạo, đó là Chánh mạng. Theo Hòa Thượng Thích Viên Giác, thuộc Ban giáo dục tăng ni Trung ương, giảng sư chương trình giáo dục Phật giáo các cấp, trong Kinh Di Giáo lược giải, giáo án soạn để dạy tăng ni năm 1997, Hòa Thượng viết : Chánh mạng là phương tiện sinh sống chân chánh, trái lại là tà mạng, gồm: “buôn bán đổi chác, sắm sửa đất nhà, nuôi người tôi tớ và súc vật, lo việc gieo trồng, kinh doanh vàng bạc, điều chế thuốc thang, coi bói tướng, coi thiên văn, đoán thời tiết , tính lịch số đều không thích hợp.” Tôi thấy 99% các chùa Bắc Tông, cứ cuối tuần, ngày rằm, ngày lễ, Tết  v.v…. đều lấy mấy ngày này như là cơ hội để bán buôn hay bỏ mối bánh mứt tại các tiệm buôn kiếm lời.  Những ngày lễ lộc, chủ nhật cuối tuần, phật tử đi chùa cúng kiếng, mang hoa quả cúng Phật đã đành, nhưng sai lầm nhất là cúng tiền cho các thầy các ni.  Họ có biết đâu, sau cuối ngày, các tu sĩ ngồi quây quần rất hả hê, đếm tiền dâng cúng, và ngày hôm sau, thì vội vội vã vã mang tiền ra ngân hàng bỏ vào tài khoản riêng tư của mình.  Chẳng khác nào người thế tục, lòng họ chắc sung sướng lắm, khi thấy tài khoản của mình ngày càng nhiều hơn. Tôi chứng kiến nhiều tu sĩ, sau những ngày lễ Tết, họ đã ôm tiền kiếm được từ phật tử, từ những cụ ông cụ bà lệ thuộc từng đồng từng cắc từ sở an sinh xã hội, về Việt nam để phung phí tiêu xài, cho bạn cho bè, cho thân nhân, cũng chỉ để thỏa mãn cái ngã to lớn của mình, vì từ nước ngoài về có tiền để cho người này người nọ, là một thước đo sự thành công của họ ở nước ngoài, không phải về mặt đạo hạnh, nhưng về mặt thế tục.  Họ có biết, trong khi đang xum xuê khoe nhau tiền bạc, phật tử chúng ta ngày hai buổi phải đi làm, đối diện từng tháng, từng ngày với căng thẳng, cực nhọc trong cuộc sống?
Như vậy, khi mang tiền bạc cúng dường cho tăng ni, chắc chắn phật tử sẽ làm cho tăng ni hư đốn thêm ra, chứ không giúp cho họ tiến tu trên con đường giải thoát tí nào cả.  Phật tử phải có trí tuệ, phải sáng suốt, không thể làm hại con đường tu học của tăng ni được.  Quý vị phải, bằng mọi giá, góp một bàn tay, một công sức, giúp tăng ni có thêm chí tu học vững bền, xa lìa vật chất, để cuộc sống của họ ngày càng gần với tâm từ bi, tâm thiện.  Ai cũng thế, có tiền trong tay, trước sau, không ít thì nhiều, sẽ bị dính mắc với vật chất, tâm sở hữu phát sinh, tâm bất thiện sẽ ngày càng tăng trưởng.  Đó là điều không thể tránh khỏi.  Tôi biết có những vị hòa thượng, khi tôi đề cập đến điều ấy, thầy đã trả lời, trong ánh mắt tràn ngập nụ cười rất vật chất, “sắc tức thị không, không tức thị sắc. Có tiền mà tâm vẫn xả, vẫn không dính mắc, thì đâu có sao.”  Đối với tôi chưa có một loại lý luận nào, đầy xảo trá và điêu ngoa hơn, câu nói của vị hòa thượng ấy.  Thầy trần tục còn hơn cả người trần tục.  Nhưng đó là chuyện cá nhân của thầy, tôi không muốn mất thì giờ đề cập đến những người có tư cách hạ cấp như thế.
Tôi đã gặp chứ chẳng nghe từ ai kể ra cả.  Một vị Thượng Tọa đang trú trì một chùa khá lớn bên Mỹ.  Vị ấy đấu giá mua thêm đất, không phải để xây chùa, nhưng chỉ để đầu tư.  Thầy kể, thầy hay vào internet để xem nơi nào bán đất rẻ “thì mua chơi.”  Khi thấy một miếng đất tốt mà chẳng ai đấu giá vì đắc quá, thầy nói, thầy muốn đấu giá thử xem sao, và thầy đấu giá gần 500 nghìn đô.  Vài hôm sau chẳng ai đặt giá cao hơn, thầy bắt buộc phải mua, và thầy cười ha hả, tưởng có người đặt cao hơn mình nào ngờ, thôi kệ mua luôn cho vui con ạ, đầu tư ấy mà.  Thầy xem việc bỏ 500 nghìn như một trò đùa, trong khi những cụ bà, cụ ông, những phật tử đầu tắt mặt tối đi làm ngày trên 8 tiếng, có người phải đi làm hai, ba công việc.  Cuối tuần đến chùa, mang tiền cúng cho thầy, cho cô, để mong tích lũy được tí phúc đức.
Thường, khi phật tử mang tiền cúng dường tăng ni, trong trí óc, họ nghĩ, họ đang tích lũy công đức cho bản thân, cho gia đình, con cháu, thân nhân của họ. Nếu họ không hưởng được ngay kiếp này, ít ra con cháu của họ, đời sau, sẽ được hưởng. Có lẽ họ khó có thể tưởng tượng được, đồng tiền họ mang cúng dường tăng ni chẳng mang cho họ công đức gì cả. Có chăng là người nhận tiền hả hê cảm ơn người dâng cúng, và tỏ ra quý hóa người đã mang tiền dâng cho họ.  Chúng ta còn nhớ, khi Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Quốc truyền đạo, dưới thời vua Lương Võ Đế?  Ai có công trong việc xây dựng chùa chiềng, đúc tượng Phật, yểm trợ sự tu tập của tăng đoàn bằng vị vua này? Theo tài liệu “Các Đế Vương với Phật Giáo” do Vương Chí Bình viết, Đào Nam Thắng dịch và Lê Đức Niệm  hiệu dịch, đăng trên trang nhà Tu viện Quảng Đức, vua Lương đã cho đúc một bức tượng gồm 10 khối vàng và một bức tượng gồm 10 khối bạc ở chùa Đồng Thái, một bức tượng Phật Di Đà bằng đồng cao một trượng tám (quãng 6m) ở chùa Quang Trạch, tạc một bức tượng bằng gỗ chiên đàn cao một trượng tám ở chùa Đại Ái Kính v.v… Tuy vậy, khi vua hỏi tổ Đạt Ma, rằng trẫm đã xây dựng không biết bao nhiêu chùa chiềng, đúc không biết bao nhiêu tượng Phật, nuôi dưỡng không biết bao nhiêu tăng ni, trẫm có công đức gì không?  Bồ Đề Đạt Ma đáp “ngài chẳng có công đức gì cả.”
Nhân nói về Lương Võ Đế, tôi xin phép được mở ngoặc, nói thêm về bộ kinh Lương Hoàng Sám mà phật tử chúng ta, đã tưởng rằng kinh này do chư Phật dạy cách lạy sám hối.  Vào thế kỷ thứ 6 Tây Lịch, chính vua Lương Võ Đế đã yêu cầu chư tăng soạn ra bộ kinh Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp, để cầu siêu cho hoàng hậu Hy Thị.  Bộ kinh này sau đó được đưa vào tam tạng giáo điển và còn được truyền tụng đến ngày hôm nay và được gọi tắt là Lương Hoàng Sám.
Công đức của vua Lương Võ Đế, mà chúng ta tưởng rằng không thể nghĩ bàn, không có gì sánh kịp, vẫn bị Tổ Đạt Ma phán, là “chẳng có công đức chi cả.”  Vậy thử nghĩ, số tiền mà chúng ta cúng dường chư tăng ni có được bao nhiêu công đức? Đó là chưa nói đến số tiền mà phật tử cúng, chỉ giúp chư tăng ni đem đi tiêu xài, khoe khoang với bạn đồng tu, như là một thước đo sự thành công trong cuộc đời tu tập của họ.  Chúng ta đồng ý rằng, nhiệm vụ của người Phật tử cũng phải nên đóng góp một tay, trang trải chi phí trong việc xây dựng, trùng tu, phát huy một ngôi chùa.  Nhưng chúng ta phải sáng suốt, phải có trí tuệ, phải biết nhận xét, có cần thiết phải có thật nhiều chùa như hiện nay chúng ta đang thấy hay không?  Lấy Ottawa làm một ví dụ.  Dân số tại nơi đây được bao nhiêu người Việt, để chúng ta cần đến hơn 5 ngôi chùa?  Có vị cho rằng phải có chùa để truyền bá đạo Phật?  Lúc Đức Thế Tôn còn tại thế, ngài đâu cần chùa chiềng để truyền bá chánh pháp đâu?  Ngài giảng đạo dưới mấy cội cây.  Ăn ngủ cũng dưới cội cây.  Chúng ta nhìn thử lượng tín đồ theo ngài xem?  Ngày càng đông.  Bây giờ chúng ta có thật nhiều chùa, thử hỏi có vị tăng ni nào làm được cái công việc truyền giảng chánh pháp của Đức Thế Tôn ra bên ngoài cho người địa phương không? Hay những công việc như thế đều nằm trong khả năng của người cư sĩ?  Giới tăng ni làm được gì ngoài cái việc cúng kiến hàng tuần, cầu an, cầu siêu, hốt cốt đưa đám, nhận tiền thù lao cất giữ hài cốt.  Cốt thờ thân nhân, để càng cao thì càng phải trả nhiều tiền hơn, để dưới thấp thì rẻ hơn. Rồi lễ lộc đến, họ làm được gì ngoài cái việc kêu gọi phật tử đến chùa chui vào bếp, rồi bỏ vốn cho phật tử nấu nướng, kiếm lời?  Trong luật xuất gia, hai lần, một lần tại Trúc Lâm tịnh xá, khi sư A La Vi dạy người cất thất cho mình có bề dài quá 12 gang tay và bề ngang quá 7 gang.  Lần thứ nhì, gần thành Kosambi, khi Tỳ kheo Channa tạo thất lớn quá mực thước, đức Phật đã ra luật cấm không cho tu sĩ được tùy tiện xây dựng nơi ở riêng tư cho mình.  Tôi chứng kiến nhiều lắm, không sao kể cho hết, mỗi tăng ni sau khi thọ xong giới Tỳ kheo, thay vì sống thành đoàn thể để cùng nhau tu tập, mỗi người đều muốn xây riêng cho mình một ngôi chùa.   Đối với thành phần tại gia, sau một thời gian đi làm, họ vẫn muốn sắm cho mình một căn nhà riêng, ấm cúng, cho vợ, cho con.  Căn nhà càng lớn, càng nói lên sự thành đạt.  Một vị tăng ni cũng thế, ngôi chùa càng lớn, nó càng nói lên sự thành đạt của họ, và từ đó có lý do để nhận tiền do phật tử cúng dường càng nhiều. Tăng ni như thế, chiếc áo khoác bên ngoài, tước vị đại đức, thượng tọa, hòa thượng, sư cô, có khác gì một nghề nghiệp như người tại gia đâu?
Dĩ nhiên trong cuộc sống hiện nay, mỗi nơi, chúng ta cũng cần phải có một ngôi chùa để phật tử đến tu học, nhưng Phật tử phải biết đóng góp ý kiến, vì chính mình đóng góp tiền bạc thì mình phải biết góp ý, dĩ nhiên ý kiến mang tính xây dựng, chứ không phải đả phá, hay chỉ trích.  Không phải tăng ni nói gì thì mình đều phải nghe, đôi khi mình cũng phải trao đổi với họ, nếu đó là những tăng ni có kinh nghiệm sống không được dồi dào, hay tăng ni mang tâm địa tham lam.  Không phải cứ họ đòi xây chùa thì mình phải móc túi ra dâng cúng, vì xây chùa cho nhiều để họ dùng chùa khoe khoang nhau, riêng Phật tử, mình chẳng được một tí công đức nào cả.  Phật tử phải mạnh dạn, yêu cầu chư tăng ni thành lập một ban quản trị.  Tất cả mọi tiền bạc chi tiêu đều phải được ban quản trị lo toan.  Tăng ni, ngoài việc tu học, làm gương cho Phật tử, hướng dẫn Phật tử tu hành, không có lý do gì lại đi có tài khoản riêng, có tiền bạc riêng.  Họ phải là những người không mang một hành trang nặng nề nào trên đôi vai.  Họ chỉ là người ngày ngày trao dồi và thanh lọc bản tâm để tiến tu trên con đường giải thoát.  Tôi thấy nhiều tăng ni, vì không được ban cho quyền kiểm soát tiền bạc trong chùa, nên đã bỏ đi, tìm cho mình một cơ ngơi khác.  Mục đích chẳng có gì khác hơn là họ muốn chính họ phải là người được kiểm soát tiền bạc, phải sở hữu nguyên một ngôi chùa.
Dĩ nhiên dục vọng ấy, sẽ chận con đường tu học của họ.  Tiếp xúc với vật chất tiền bạc, không thể nào tâm được thanh thản.  Đức Phật dạy: “Tất cả việc này, hãy tránh như tránh hố lửa.”
Các vị tu sĩ nên nhớ, bằng mọi giá chúng ta phải tránh ôm giữ tiền tài, vật chất làm của riêng.  Hòa thượng Thích Đổng Minh trước khi viên tịch, đã dặn dò đệ tử: “các ông nên nhớ đừng bao giờ đụng đến tiền bạc, vì tiền bạc như con rắn độc.”  Trong kinh Pháp cú, Phẩm Ngu (Balavaggo), câu số 62, Phật dạy: “Đây là con ta, đây là tài sản của ta”, kẻ phàm phu thường lo nghĩ như thế, nhưng chẳng biết chính “ta” còn không có, huống là con ta hay là tài sản ta.”  Tăng ni chúng ta không thể là những kẻ phàm phu được, chính vì thế chúng ta đã chọn màu áo lam, màu áo nâu sòng.
Riêng với chư Phật tử thân thương của giới tu sĩ chúng tôi, nếu không có sự quyết tâm và trí tuệ của quý vị, chúng tôi sẽ khó mà thành tựu trên con đường đạo nghiệp.
Tùy sự nhận xét có chánh kiến, và hành động của chư Phật tử.
Sư Huệ Quang – Tháng 7 ngày 28, 2012

Không có nhận xét nào: