Cho dù chính mình là một tăng sĩ, tôi vẫn muốn đưa ra câu hỏi này.
Sau đây là quan điểm của riêng tôi.
Tu sĩ, tăng hay ni, với chức vị như sa di, đại đức, thượng tọa, hòa thượng, ni cô, sư bà v.v… cũng chỉ là một con người, như bao con người khác. Nếu có khác, chỉ vì bộ đồ họ khoác trên thân thể. Nói đến bộ đồ che thân, châm ngôn Pháp có câu “L’habit ne fait pas le moine.” Có nghĩa, chiếc áo không làm nên ông thầy tu. Hay một câu tương tự khác, cũng trong ngôn ngữ Pháp: “L’apparence peut être fausse, elle peut tromper les gens.” Bề ngoài có thể khiến thiên hạ lầm.
Ngẫm lại cuộc sống 60 năm, tôi thấy không phải là vô lý khi tự dưng lại có những châm ngôn như thế. Tôi là một chú điệu, được mẹ cho vào chùa từ năm 8 tuổi. 17 tuổi, tôi rời cuộc sống tu viện, sau đó, trở thành một sĩ quan trong quân lực Việt Nam cộng hòa. Suốt 9 năm sống trong nhiều chùa chiềng khác nhau tại miền Nam, tôi đã chứng kiến nhiều, rất nhiều nữa là khác. Nhiều vị xuất gia, khoác chiếc áo nhật bình, để tránh khỏi phải cầm súng, đánh nhau với Việt cộng, cho dù đánh để bảo vệ sự tự do của miền Nam, nơi chính họ đã sinh ra và đã trưởng thành. Có nhiều vị, phẩm trật khá cao trong giáo hội, mặc dù không phải họ đi tu để trốn tránh việc lính tráng, nhưng nhờ chiếc áo màu vàng, đã tỏ lòng từ bi vô biên giới của mình, khi ôm ấp nhiều tín nữ, cả thiện nam, trong đôi tay. Và rồi cũng đắp y, đăng đàn giảng thuyết cho đại chúng, nào đừng tà dâm, nào đừng nói dối v.v… Dĩ nhiên, không phải ai cũng thế. Chắc chắn cũng phải có những người tu hành chân chính, đạo hạnh, một mực giữ gìn giới luật nghiêm minh để bảo vệ màu áo mình đang mặc. Nhưng thành phần này ẩn tu nơi nào thì tôi chưa có dịp nhận diện được, nhưng trước mắt thì ít ơi là ít, chưa kịp đếm đã hết. Do đó, một phật tử phải rất thận trọng khi tôn thờ, phục vụ một vị tăng, hay ni, với lý do, vì vị ấy mặc chiếc y vàng.
Tôi biết rất rõ nhiều tăng ni hiện nay, họ xem việc tu hành của họ như một công ăn việc làm, một nghề nghiệp để kiếm sống. Nếu phải ra đời lặn lội kiếm kế sinh nhai như bao nhiêu con người khác, chắc họ chỉ có thể đi bắt giun bắt dế, hay cũng chỉ đi làm lao động đổi lấy miếng cơm manh áo. Tiếng anh thì họ nói chẳng rành để làm công việc hoằng pháp lợi sanh trong cộng đồng người Tây phương. Tiếng Việt thì cũng thuộc thành phần ít được cắp sách đến trường. Lúc chưa cạo đầu đi tu, họ chỉ là những cô gái buông gánh bán bưng, ngày qua ngày, quảy đôi gánh ra chợ, mua đi bán lại vài nải chuối sống qua ngày. Vậy mà sang đây, khi mặc chiếc y, cô lại được mọi người xì xà xì sụp lạy, xưng hô con con, cô cô. Chiếc áo cũng làm tăng giá trị của cô lên nhiều đấy chứ? Khi đứng trước đại chúng, cô chẳng có một tư cách hay khả năng gì trong việc diễn giảng, vừa nói vừa cười, bài thuyết pháp thì chẳng đầu chẳng đuôi. Tôi nghe, chính bằng đôi tai của mình, hai cô phật tử trên đường ra xe, đã chúm chím cười với nhau. Một cô nói, “sư cô này tưởng ai cũng ngu như bà ấy.” Tôi nghe mà lòng đau lắm. Lúc chưa đi tu, tôi đã thường tự mình đồng hóa với giới tu sĩ rồi, nên nghe những lời phê bình ấy, tôi không khỏi ngậm ngùi. Tôi cũng chứng kiến một vị thầy, từ Âu châu sang thăm bạn bè đồng tu tại Ottawa, mà tôi là một. Trong lúc được quý cụ bà tay chân khẳng khiu, lụm khụm đôi lưng còng, nấu từng buổi ăn, lúc dọn mâm, thấy thiếu ớt, thầy đã la lớn, chắc phải đầu trên xóm dưới đều nghe, “ớt, ớt đâu, ớt đâu.” Nhưng hay lắm quý vị ạ, vẫn có cụ bà đi như chạy, lấy một đĩa ớt, hai tay dâng lên thầy. Thầy là bạn từ xưa của tôi, nên tôi đưa thầy đi ăn ngoài, đến tiệm pizza, thầy chê hết món này đến món khác, đòi đi ăn cơm Ấn, tôi đưa đi, cũng chê. Vậy mà sau thời thuyết pháp, một cụ ông đáng tuổi cha thầy, quỳ xuống, “con đại diện đại chúng xin lạy thầy ba lạy, tạ ơn thầy đã ban cho chúng con một bài pháp nhũ.” Vượt ngoài mức tưởng tượng của tôi, thầy ngồi im, nhận mấy lạy, và cười hề hề. Chưa hết, tôi cũng có một quan hệ rất gần với một vị, vừa được tấn phong hòa thượng cách đây không lâu. Tôi hay đến thăm thầy, giúp thầy một tay, làm vài việc lặt vặt trong chùa và trên tu viện của thầy. Tôi đến với thầy bằng một suy tư rất đơn giản, mình cần một tăng đoàn để học hỏi trên con đường tu tập. Một hôm, thầy nhờ tôi chở ra Costco để mua ít đồ về sửa chữa tu viện. Tôi thấy thầy cứ hốt đồ bỏ vào xe đẩy, chẳng suy nghĩ, chẳng tính toán số lượng cần mua là bao nhiêu. Tôi hỏi, sao thầy mua chi nhiều vậy, làm sao thầy biết cần mấy ống. Thầy nhìn tôi, cười lớn, “lo làm chi con, tiền chùa mà, hết rồi lại có.” Tôi chìm vào im lặng, “tiền chùa mà”. Nghe sao xót xa. Nghe sao nhẫn tâm. Nếu không phải chính tôi nghe được, chắc tôi sẽ đổ lỗi cho người nào kể lại cho tôi, tội vu khống thầy. Tôi hình dung hình ảnh các cụ ông, cụ bà, hàng tháng chờ đợi cheque đến từ sở an sinh xã hội. Ăn chẳng dám phung phí, áo quần thỉnh thoảng mới mua cho mình một bộ. Bao nhiêu tiền dành dụm đem đi cúng chùa. Và ngài hòa thượng thì bảo “tiền chùa mà.” Khắp nơi trên tu viện, dụng cụ đắc tiền vất ngổn ngang, vật liệu chưa dùng xong đã bỏ, chẳng tội tình gì phải chùi cất, vì “tiền chùa mà.” Như vậy, chư tăng ni, chỉ là những kẻ trần tục. Họ chọn cuộc đời đi tu là để tạo cơ hội cho mình tránh xa những phiền não trong cuộc sống, để sữa đổi tâm tính, để tu chỉnh cho hoàn hảo bản thân, và cuối cùng là đi trên con đường giải thoát. Con đường họ chọn rất lý tưởng, mang tính hy sinh rất cao cả. Trước, giải thoát cho chính bản thân mình. Sau, đem kinh nghiệm thực chứng của mình chỉ dạy lại cho đại chúng. Phật tử hay có khuynh hướng làm hư các vị tu sĩ. Chúng ta phải tích cực và bằng trí tuệ, giúp cho họ thành công trên con đường đạo nghiệp. Họ theo con đường mà Đức Thế Tôn đã đi qua. Mục đích cuối cùng là thể nghiệm được vô thường, khổ và vô ngã. Lạy những người đang trên con đường tu tập, tìm giải thoát, sẽ mang đến cho họ một cảm giác ngã mạn. Dọn mâm riêng cho họ ngồi chểm chệ ăn một mình một cõi, khiến họ mang ảo giác họ là vua một cõi, trong khi “tưởng” (một yếu tố trong danh sắc) bản chất vốn vô ngã, như Đức Phật đã dạy, trong Kinh Trung Bộ, Tiểu kinh Saccaka số 35 (Culasaccakasuttam). Mang tiền bạc, vật chất, xe cộ đến dâng cúng cho họ, sẽ làm họ ngày càng dính mắc với vật chất, ngày càng quên đi tính vô thường của vạn pháp. Chúng ta phải mạnh dạn giúp quý thầy, quý tăng ni, bằng lòng từ bi, bằng ái ngữ, yêu cầu họ ngồi ăn cơm chung với mọi người, để có được sự bình đẳng với đại chúng. Họ cũng phải tự nấu mà ăn. Họ cũng phải tự rửa chén bát sau khi ăn xong. Tu mà cách xa mọi người thì đi tu làm gì? Chúng ta cần mạnh dạn nhắc nhở cho họ phải hành trì giới luật một cách nghiêm minh. Tôi có vào một chùa tại Montreal để tu tập 1 tuần. Nổi khổ nhất của tôi là 3 giờ sáng rồi, trong khi 5 giờ tôi phải dậy để đi tu chuông, kế phòng tôi ngủ, hai vị tỳ kheo trẻ đi chơi khuya về, họ đi xem phim và sau đó thì đi uống cà phê, để nhạc hát ỏm tỏi lên, nào Thanh Tuyền, rồi Duy Khánh v.v… Họ chẳng xem giới luật ra gì cả. Tôi định ngày hôm sau sẽ đưa ý kiến lên hai vị trú trì, nhưng khi bước vào phòng hai thầy, thì hai vị đang bận rộn đánh game tennis trên màn truyền hình. Tướng họ trông trần tục, chỉ khác là bộ đồ màu vàng họ đang mặc . Thượng bất chánh thì hạ tắc loạn thôi! Thảo nào trong chùa, tăng ni cứ cãi vả nhau như thù địch. Tôi kiếm cớ, ôm xách tay chuồn lẹ. Tôi có thể khẳng định, tôn thờ các vị thầy sẽ không giúp phật tử về niết bàn được. Phê bình trên tinh thần xây dựng, giúp họ thấy lỗi của họ, không tôn thờ để giúp họ thấy sự vô ngã, vô thường, khổ, sẽ là một nhân tốt giúp phật tử đến gần hơn với niết bàn. Thấy họ sai mà mình không nói, tức mình đã làm việc bất thiện. Giúp nâng cao sự ngã mạn của họ, mình đã tạo thêm một bất thiện khác. Giúp họ thấy được vô ngã, giúp họ bớt dính mắc với vật chất, mình đã làm một điều thiện. Phật tử phải có cái nhìn chánh kiến. Giúp những vị mà tôi đã nêu ra như những ví dụ tiêu biểu ở trên, mà thành phần này nhiều, nhiều lắm, quý vị đã tạo một công đức lớn trên con đường tu tập. Mang của ngon vật lạ đến dâng quý thầy, xì sụp lạy quý thầy, tâng bốc quý thầy, quý vị không tạo cho mình một công đức nào cả. Quý vị không phải là đệ tử khôn ngoan của Đức Thế Tôn, vì quý vị đã không giúp gì cho trưởng tử của Như Lai trên con đường đi tìm giải thoát.
Khi gặp một tăng ni, chúng ta chỉ nên chắp tay chào theo nghi thức của đạo Phật, không khác với cách chúng ta chắp tay chào cung kính một người đồng đạo. Chúng ta không nên cung kính một cách khúm núm chỉ vì bộ áo vạc hò, hay chiếc y vị ấy khoác lên người. Bất kỳ ai, trẻ em, người lớn, cụ già, tu sĩ, họ phải tự “gầy dựng” cho mình lòng tôn kính từ người khác qua phẩm chất và đạo đức sống của người ấy. Không ai có thể buộc người khác phải tôn kính mình chỉ vì tuổi tác hay địa vị của người ấy. Ví dụ thiền sư Thích Thanh Từ. Chưa bao giờ ngài bảo đại chúng phải tôn thờ hay kính lạy ngài. Tuy nhiên, qua phong cách sống, nhiều người đã sụp lạy khi diện kiến dung nhan ngài, phong thái thanh thoát của ngài, đạo hạnh của ngài. Ngược lại, có vị khi gặp tôi, chưa kịp chào nhau đã vung vít tuyên bố, thầy vừa được tấn phong hòa thượng rồi con ạ. Bây giờ con phải đưa thầy đi tìm mua một cái điện thoại di động, vì phẩm chức này thì nhiều người sẽ gọi thầy lắm. Tại phòng bán máy, thầy đã chọn cho mình một chiếc máy tối tân nhất, cho dù tôi đã khuyên can, đề nghị thầy chọn cái nào vừa túi tiền, đủ để liên lạc. Thầy lại cười, không sao đâu con, “tiền chùa mà.”
Ngôn ngữ dùng trong đạo Phật cũng cần phải đơn giản hóa. Đức Thế Tôn có dùng ngôn ngữ phức tạp, rắc rối, đao to búa lớn khi nói chuyện hay khi nói pháp cho đại chúng đâu? Chúng ta không cần phải bị ảnh hưởng bởi văn hóa quyền uy của Trung quốc khi nói về quý vị tu sĩ. Chúng ta chỉ cần đơn giản mời thầy lên chánh điện làm lễ, thay vì, “cung thỉnh chư tăng ni quang lâm chánh điện”. Chúng ta chỉ cần kết thúc lá thư thăm hỏi những tu sĩ bằng cách chúc thầy khỏe luôn, thay vì “chúc thầy pháp thể an khang, chúng sanh dị độ”, những ngôn ngữ rỗng tuếch, bắt chước một cách vô ý thức từ người láng giềng Trung quốc. Nếu thầy chia sẻ kinh nghiệm sống với đại chúng như một phần việc tu tập của thầy, chúng ta chỉ cần thay mặt đại chúng cảm ơn thầy, thay vì “cảm tạ thầy đã ban cho chúng con pháp nhũ.”
Nói sao cho hết những điều mà từ xưa đến nay, chúng ta đã gián tiếp đưa tăng ni đi vào lục đạo, thay vì tiến tu trên đường giải thoát.
Để kết thúc phần quan điểm và nhận định, tôi đề nghị quý phật tử nên tìm hiểu thêm phong cách sống của một tu sĩ theo truyền thống nguyên thủy (Theravada tradition), để xem sự khác biệt giữa hai tầng lớp tu sĩ trong truyền thống Bắc tông và Nam tông như thế nào. Người Việt chúng ta biết rất ít về truyền thống Nam tông, chỉ sau năm 1945, có người gọi là Tiểu thừa, có người gọi là đạo Phật khất sĩ, có người gọi là đạo Phật nguyên thủy. Mặc dù những truyền thống này có những dị biệt, như chính tên gọi của chúng. Phật tử chúng ta ai cũng có tâm đạo và một cái tâm mong muốn được phục vụ, nhất là các cụ, rất muốn được phục vụ chùa chiềng, phục vụ chư tăng ni. Nhưng nếu phục vụ một cách thiếu trí tuệ, chẳng những không giúp ích gì được cho chính bản thân mình, mà còn như đang tiếp sức, như trong trò chơi kéo neo, đưa cả thầy lẫn trò đi vào con đường bất thiện.
Sư Huệ Quang – 16/07/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét