Tại những nước như Lào, Cao Mên, Thái Lan, khi gặp nhau người ta chấp tay để trước ngực và cúi đầu chào nhau. Trong đạo Phật, khi phật tử gặp nhau hay khi gặp tăng ni, hoặc khi giới tu sĩ gặp nhau, họ cũng chấp tay vái chào nhau. Thực ra, hành động chấp tay không phải xuất hiện từ đạo Phật, mà trước đó, đã có trong xã hội Ấn Độ cổ. Người Ấn Độ quan niệm tay phải là tay thanh tịnh, dành cho việc cúng kiếng thần thánh, trong sạch và linh thiêng, trong khi tay trái thì nhiễm ô, bất tịnh. Chấp tay, ở Ấn, tượng trưng cho sự hợp nhất giữa thanh tịnh và bất tịnh, dung thông thần thánh và trần tục. Phật giáo đã phát triển truyền thống này của Ấn Độ và gọi chấp tay là “hiệp chưởng”.
Trong đời sống tu hành hằng ngày, Phật tử cũng như giới tu sĩ, khi gặp nhau họ cũng chắp tay chào hỏi nhau. Ngoài ý nghĩa về mặt đạo, chấp tay chào nhau còn mang ý nghĩa nhân văn. Bên Tây phương, người ta bắt tay nhau, trả lễ bằng cách trao cho nhau những nụ cười. Người Nhật cúi sát đầu chào nhau, chẳng khi nào thấy cảnh người này chào người kia mà người kia lại đứng bư bư cái mặt ra coi như không, vì đáp lễ là một lịch sự tối thiểu. Đức Phật dạy, chúng sanh là Phật sẽ thành, có nghĩa, tất cả mọi người, ai cũng mang sẵn hạt giống hay chủng tử Phật, vì thế, chấp tay xá chào người là hành động thể hiện đức khiêm cung, vô ngã, mà còn tỏ thái độ cung kính một chủng tử Bồ Đề, một vị Phật tương lai.
Nếu gặp giới tu sĩ phật tử chấp tay cúi đầu chào, nhưng vị ấy chỉ ngồi im lãnh nhận mà không chịu chấp tay chào lại, thì vị ấy quả thật là ngã mạn. Quý Phật tử nên thẳng thắn nhắc nhở vị tu sĩ ấy. Nếu nhiều lần nhắc nhở vị ấy cũng không làm, kỳ tới quý phật tử không nên chấp tay hay cúi chào vị tu sĩ ấy nữa. Lịch sự tối thiểu đáp lễ mà còn không có thì phật tử chào người ấy làm gì! Nếu vị ấy nổi sân thì càng tốt, mình càng thấy rõ vị ấy chưa tu đến đâu cả. Tu tập thì phải làm sao cho cái ngã của mình ngày càng giảm đi, chứ thấy người ta chấp tay chào mà tưởng mình cao cả, thì quả thật con đường giải thoát của người ấy còn mù mịt quá. Bổn phận giới cư sĩ phải nhắc nhở giới tăng sĩ những điều như thế, ấy đích thực chính là thương ông thầy, thương ni cô, vì như thế là khuyến khích họ tu trì, để họ mau chóng được giải thoát.
Như vậy, cái việc sụp đầu sát đất lạy ông thầy thì càng phải tránh. Ông thầy đang đi tu, ông chỉ là người thế tục bước vào con đường để tu sửa bản thân mình, phật tử không nên tôn sùng họ quá, sẽ dễ tạo cho họ thêm sự ngã mạn. Riêng ông thầy, thấy phật tử sụp lạy mình, phải chạy đi chỗ khác, hay lạy lại họ, giải thích cho họ hiểu, đừng có ngồi nhăn nhở cười khoái trá, tội ngập đầu. Quý vị có biết, trong 10 vị tu sĩ, hơn 9 người tránh không khỏi hai chữ tài và danh. Tài là tiền, ngày hai bữa cơm Phật tử cúng dường chưa đủ hay sao mà còn cứ đi gom tiền bỏ đầy túi tham. Danh thì càng khó tránh, thích người ta tôn vinh mình, lạy mình. Tôi biết nhiều thầy chẳng có trình độ học vấn, nếu ở ngoài đời chắc chẳng làm gì hơn được một anh cu li. Vào chùa người ta gọi là thầy thì thấy mình cao quá, ngồi chểm chệ cho người khác lạy, thuyết pháp thì nói lung tung, ấy là vì bị mắc cái danh, đường giải thoát sao đi cho đến nơi được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét