Chiêm ngưỡng 8 cây cầu siêu độc của châu Á
Những cây cầu ở Iran, Myanmar và cả Việt Nam sẽ khiến bạn choáng ngợp với độ hùng vĩ và kiến trúc đẹp lạ lùng.
1. Khaju - Iran
Hay còn được gọi là Pol-e-Khajoo, cầu Khaju là một cây cầu đặc biệt cả về kiến trúc lẫn chức năng khi kiêm thêm nhiệm vụ làm con đập và là nơi hội họp công cộng. Cây cầu được xây dựng vào năm 1650, bắc ngang qua con sông Zayandeh. Nó dài 133 mét, rộng 12 mét và có tất cả là 21 nhịp, được làm hoàn toàn từ đá.
Cây cầu được xem là một trong những “tượng đài” về kiến trúc ảnh hưởng bởi Ba Tư hiện còn tồn tại trên đất nước Iran.
2. Chengyang - Trung Quốc
Cây cầu bắc ngang qua sông Linxi là nét tinh hoa về nghệ thuật kiến trúc của dân tộc thiểu số Động (Trung Quốc). Nó còn có một cái tên gọi khác khá thú vị là “cây cầu gió và mưa”, là biểu tượng cho cộng đồng dân tộc này nhằm tránh khỏi các yếu tố thiên nhiên khắc nghiệt.
Tuổi thọ của nó hiện giờ đã trên 100 tuổi, tuy nhiên cây cầu gỗ này vẫn đứng vững với thời gian. Điều đặc biệt hơn cả là toàn bộ công trình được kết nối với nhau không cần đinh tán hay bất kì vật liệu kết dính nào.
Cây cầu dài 64,4 mét và rộng 3,4 mét, nối liền hai làng đông dân nhất của khu vực này.
3. Langkawi Sky - Malaysia:
Được đánh giá là một trong những cây cầu có thể khiến bạn thót tim nhất thế giới, Langkawi Sky cũng đem đến cho mọi người những trải nghiệm cực thú vị và độc đáo.
Nằm ở độ cao trên 700 mét so với mực nước biển, công trình gây ấn tượng mạnh bởi kiến trúc hiện đại và đầy kiểu cách này đang toạ lạc trên hòn đảo Pulau Langkawi xinh đẹp. Tuy nhiên, có thông tin rằng nó sẽ bị đóng cửa để sửa chữa từ giữa tháng 1/2014 mà chưa biết rõ ngày hoàn tất.
4. U Bein - Myanmar
Đây là cây cầu làm bằng gỗ tếch dài và cổ nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. U Bein có chiều dài hơn 1.200 mét bắc qua hồ Taungthaman ở cố đô Amarapura. Nó được xây dựng vào khoảng năm 1800 với 1.000 cột trụ nâng đỡ và hàng ngàn tấm ván gỗ để làm mặt cầu.
Ngày nay, một số trụ nâng đỡ đã được bê tông hoá để tăng độ an toàn cho người đi qua nó. Thời điểm lý tưởng nhất để thăm thú cây cầu đặc biệt này là vào buổi chiều. Nơi đây còn được đánh giá là một trong những điểm đón hoàng hôn đẹp nhất tại Myanmar nhờ vào khung cảnh tuyệt vời, mặt hồ yên tĩnh và thời tiết mát dịu.
5. Nanpu - Trung Quốc
Cây cầu là kết quả của sự hợp tác giữa Viện Thiết kế Kỹ thuật, trường Cao đẳng Xây dựng và Viện Thiết kết xây dựng đô thị của Thành phố Thượng Hải cùng sự hỗ trợ từ công ty Holger S. Svensson. Nó có một nhịp chính dài 428 mét, được đánh giá là một trong 57 cầu dây văng dài nhất thế giới.
Cây cầu được xem là một thiết kế xoắn ốc hết sức sáng tạo nhằm tiết kiệm không gian và chi phí giải toả những công trình kế cận, so với việc làm những cây cầu phẳng bình thường.
6. Chùa Cầu - Việt Nam
Đây là cây cầu duy nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới có một ngôi chùa bên trong. Cây cầu là biểu tượng về sự giao thoa văn hoá giữa đất nước Việt Nam và Nhật Bản tại khu đô thị cổ Hội An bên dòng sông Hoài. Do đó, nó còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản.
Được xây dựng vào khoảng đầu những năm 1600, hiện nay, chùa Cầu là điểm thu hút du khách độc đáo và được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
7. Akashi Kaikyo - Nhật Bản
Cây cầu nối hai thành phố Kobe và Awaji (quần đảo Honsu) hay còn gọi là cầu Ngọc Trai - Akashi Kaikyo, là cây cầu dây văng dài nhất thế giới. Chiều dài của nó vào khoảng 1.992 mét.
Trước khi xây dựng, eo biển giữa hai thành phố này là một con đường thuỷ nguy hiểm khi có rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra. Điều đó khiến dân chúng Nhật Bản phẫn nộ và yêu cầu chính quyền gấp rút xây dựng một cây cầu tại đây. Vào năm 1998, cây cầu được hoàn thành sau 10 năm.
8. Helix - Singapore
“Kiệt tác đương đại” là một mỹ từ xứng đáng dành cho cây cầu Helix tại thành phố cảng Singapore xinh đẹp. Nó được xây dựng dựa trên một thiết kế đã giành giải thưởng quốc tế trước đó vào năm 2006.
Với kiến trúc vòng cung độc đáo cùng hàng ngàn ánh đèn LED đổi màu liên tục, cây cầu khiến khung cảnh giữa hai vịnh Marina trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết. Tại đây bạn có thể ung dung ngắm nhìn toàn cảnh Singapore vì đây là cây cầu dành riêng cho người đi bộ.
Mạnh Vũ
Ảnh: Tumblr
Ảnh: Tumblr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét