Hù dọa bệnh nhân
Một nền y tế mà hầu như trên khắp cả nước, đi đâu cũng nghe nhân dân ta thán. Miền Trung không nằm ngoại lệ, đặc biệt, ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng, vấn đề lương tri nghề nghiệp, lương tâm của đội ngũ y, bác sĩ nghe ra có vẻ chẳng tốt đẹp hơn những nơi khác, nếu không nói rằng ở một số bệnh viện tư nhân, hiện tượng hù dọa bệnh nhân để tiểu phẫu xãy ra khá cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh, người Điện Bàn, Quảng Nam cho biết là trước đây hai tháng, em trai ông bị chứng khó thở, phải đưa đi bệnh viện, ban đầu, người em cấp cứu ở bệnh viện đa khoa Tam Kỳ, Quảng Nam, được một tuần, ông xin chuyển viện, ra nhập một bệnh viện tư nhân khá nổi tiếng ở Đà Nẵng với hy vọng bệnh viện này có thể chữa chạy tốt hơn và có trách nhiệm hơn. Thế nhưng mọi chuyện lại hoàn toàn khác.
Vừa nhập viện chưa đầy nửa giờ đồng hồ, các bác sĩ cho khám tổng quát, liền sau đó không cho bệnh nhân tự đi lại, bắt phải ngồi xe lăn, thậm chí có lúc phải nằm băng ca để khiêng. Cả gia đình ông Đinh tá hỏa vì lo lắng nhiều thứ, sợ rằng em trai mình sắp chết nên bệnh viện mới làm thế. Sau đó, một bác sĩ gọi riêng ông lên văn phòng khoa, báo cho ông biết rằng em trai ông đang bị tắt nghẽn động mạch vành, muốn sống thì phải can thiệp, có hai cách can thiệp, hoặc là thông động mạch, hoặc là phẫu thuật. Nếu thông động mạch thì hết mười tám triệu đồng, còn phẫu thuật thì mất một trăm tám mươi triệu đồng.
Ông Đinh lấy làm lạ vì mức chênh lệch quá cao của hai phương pháp điều trị, hỏi thêm thì không được giải thích gì ngoài cách nói ví von khá văn chương của bác sĩ rằng tim mạch con người cũng giống như các kênh mương trong đồng ruộng, lâu ngày, rêu đất, các chất dơ dáy, kể cả rác bám vào thành mương làm cho nó bị nghẹt, nếu không thông, sẽ chết. Nghe đến đây, ông Đinh càng lấy làm lạ vì thái độ và cách giải thích có chút gì đó không thành thật.
Sau đó, ông chuyển người em ra bệnh viện trung ương Huế, ở đây, trước khi đi, ông còn bị các bác sĩ ở bệnh viện tư Đà nẵng hù thêm rằng bệnh viện trung ương Huế giống như cái chợ Đông Ba, nhặng xị và tào lao. Nhưng ông Đinh vẫn quyết tâm đưa em trai ra Huế. Cuối cùng, tại bệnh viện trung ương Huế, sau khi khám và theo dõi, các bác sĩ ở đây kết luận người em trai ông Đinh chỉ bị suy kiệt do làm việc quá căng thẳng, không có gì để phẫu thuật và tuyệt đối không được can thiệp bằng phẫu thuật. Nằm ở Huế nửa tháng, người em ông Đinh xuất viện, khỏe hẳn ra và chỉ tốn chưa đầy mười triệu đồng.
Ông Đinh chua chát nói thêm: “ ‘Chừ cái ni tôi nói theo nông dân thôi! Anh làm đám ruộng, anh có đường mương anh đổ vô, nhưng giờ đường mương sụp rồi, nghẹt mất rồi, nước đâu chảy cho được đám ruộng này, lúa anh chết có phải anh chết không . Chừ tôi phải nâng cái mương lên, tôi phải can thiệp, tôi kiểm tra, cái mương này nghẹt ở chỗ nào, tôi nâng nó lên để nước chảy vào.’ Khốn nạn rứa đó!
Một, hai tôi nói đi là đi, rồi tôi quyết định đi, một hai, bác không kí tôi cũng đi. Cho hay không cho tôi cũng đi. Nhưng mà tôi xin cái đơn, khám ở bệnh viên tư chẳng qua tôi xin vậy. Xin trên tinh thần chứ có phải lấy bảo hiểm gì đâu. Bác có cho đi hay không, có ký hay không ký gì cũng đi.”
Sau khi tìm hiểu, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân ở các bệnh viện khu vực miền Trung, đặc biệt là các bệnh viên tư nhân ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng, chúng tôi đều có chung đáp án: Bệnh nhân bức xúc, cảm thấy mình bị vắt kiệt túi, bị xúc phạm và những người nghèo khổ cảm thấy bị khinh khi trong lúc điều trị bệnh. Rất hiếm thấy bác sĩ có y đức và lương tâm nghề nghiệp. Nhà nhà thi nhau mở bệnh viện, người người thi nhau mở phòng khám, mục đích lớn nhất của họ là làm giàu, moi tiền của bệnh nhân càng nhiều càng tốt.
Sau khi tìm hiểu, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân ở các bệnh viện khu vực miền Trung, đặc biệt là các bệnh viên tư nhân ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng, chúng tôi đều có chung đáp án: Bệnh nhân bức xúc, cảm thấy mình bị vắt kiệt túi, bị xúc phạm và những người nghèo khổ cảm thấy bị khinh khi trong lúc điều trị bệnh. Rất hiếm thấy bác sĩ có y đức và lương tâm nghề nghiệp. Nhà nhà thi nhau mở bệnh viện, người người thi nhau mở phòng khám, mục đích lớn nhất của họ là làm giàu, moi tiền của bệnh nhân càng nhiều càng tốt.
Và gần đây, hiện tượng các bác sĩ gièm nhau, bác sĩ ở bệnh viện này gièm bác sĩ bệnh viện khác, làm mất uy tín của nhau để tranh giành thị phần ngày càng nặng nề, phổ biến. Điều này làm cho những vị bác sĩ thực sự còn lương tâm, y đức cảm thấy bị xúc phạm, và những phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tư có ý hướng từ thiện trở thành đối tượng nhắm đến để gièm pha, hạ uy tín, làm cho bệnh nhân lo sợ, không dám ghé đến. Phòng khám đa khoa An Phước, ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam là một trường hợp điển hình cho hiện tượng này.
Những tấm lòng hiếm hoi
Cũng xin nói thêm về phòng khám đa khoa An Phước, đây là một phòng khám được xây dựng bởi nhóm bác sĩ hảo tâm và nó hình thành với hai mục đích, khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo và tạo quĩ giúp đỡ người khó khăn, tàn tật. Bác sĩ Thảo, giám đốc bệnh viện là một sứ giả của hội trợ giúp người nghèo khổ, bệnh tật có tên Người Tôi Cưu Mang. Xuất phát từ những lần chứng kiến các bệnh nhân nghèo không có tiền trả viện phí, không có bảo hiểm, cũng không có cơm để ăn. Nhiều lần, ông và vợ tình nguyện nấu tặng bữa cơm tình thương ở các bệnh viện tuyến huyện.
Nhưng, theo như ông nói thì sức người có hạng, mà người nghèo thì nhiều quá, ông và vợ chỉ biết xót thương mà đành bó tay. Suy nghĩ mãi, ông vận động một số bạn bè cùng góp tay để tặng bữa cơm. Thế rồi lâu dài cũng không ổn, vì kinh phí và thời gian luôn là vấn đề nhức nhối. Ông quyết định kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp góp vốn mở phòng khám đa khoa An Phước để duy trì mục đích từ thiện của mình.
Để xác minh nguồn tin về lòng từ thiện của phòng khám An Phước, nhiều lần chúng tôi đóng giả bệnh nhân đến khám và thăm dò. Ấn tượng của phòng khám An Phước để lại trong chúng tôi khá sâu, nhân viên lịch sự, nhẹ nhàng và ân cần, các bác sĩ, y tá cũng thế. Đặc biệt, giá phiếu khám chỉ tốn 15 ngàn đồng, nếu tái khám thì khỏi tốn tiền mua phiếu khám lần hai. Những y tá hướng dẫn cũng tận tụy và nhiệt tình. Bác sĩ khám xong, cho toa thuốc, khi mua thuốc, chúng tôi một lần nữa ngỡ ngàng vì giá thành ở đây. Có thể nói lượng thuốc ở phòng khám An Phước chiếm 70% thuốc nhập ngoại. Nhưng hiếm có trường hợp phải bỏ ra trên 100 ngàn đồng để mua thuốc điều trị.
Một bệnh nhân tên Hùng, nói với chúng tôi rằng mỗi khi đưa con đi khám ở An Phước, tiền thuê taxi cho đoạn đường 5km từ nhà ông đến nơi khi nào cũng đắt gấp đôi tiền khám và mua thuốc điều trị. Và thi thoảng, ông mua một nải chuối hay một ít trái ây mang tặng các bác sĩ ở đây. Bởi vì đã có nhiều lần tiếp xúc, thăm dò nên chúng tôi hoàn toàn đồng cảm với ông Hùng. Và, cứ mỗi cuối tuần, phòng khám đa khoa An Phước lại có kế hoạch nấu bữa cơm tình thương mang đến một bệnh viện huyện nào đó. Ở đó, những bệnh nhân nghèo, thiếu ăn đang chờ đợi họ.
Trong một xã hội mà hầu như mọi ngành nghề, mọi khía cạnh đều manh nha sự man trá. Ngay cả bà Bộ trường Y tế cũng có những phát biểu hết sức vô cảm, ở xã hội mà bác sĩ nhẫn tâm đến độ có thể ném xác nạn nhân xuống sông, các đồng nghiệp thả sức gièm pha nhau và thả sức moi tiền của dân nghèo… Sự hiện hữu của phòng khám đa khoa An Phước cùng với đội ngũ y, bác sĩ giàu lòng trắc ẩn và từ tâm nghiễm nhiên trở thành điểm sáng để người dân có quyền hy vọng rằng vẫn còn rất nhiều bác sĩ, rất nhiều bệnh viện luôn đặt trách nhiệm và y đức lên hàng đầu, lấy sinh mạng và sức khỏe con người làm lý lẽ hành nghề và tồn tại. Mong rằng sẽ còn nhiều nơi như thế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét