17/1/14

Men Trung Quốc tràn ngập các lò rượu Việt Nam

Rượu gạo ngâm rắn độc và bồ cạp
Rượu gạo ngâm rắn độc và bồ cạp
RFA
Hiện tượng chết vì ngộ độ rượu ngày càng gia tăng vào dịp gần Tết, một phần do các loại rượu dầm không rõ gốc gác, phần khác, và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt cái chết vì rượu, đó là men Trung Quốc. Có thể nói rằng hiện nay, tất cả các lò rượu Việt Nam đều sử dụng men Trung Quốc, đây là loại men làm rượu từ gạo sống và cho sản lượng rượu rất cao nhưng mức độ nguy hiểm của nó thì không thể lường được.
Nguy cơ độc hại đối với sức khỏe
Ông Huy, kĩ sư hóa thực phẩm, hiện đang công tác tại một nhà máy cồn ở khu công nghiệp Bình Dương, chia sẻ với chúng tôi rằng cho đến thời điểm này, các nhà sản xuất men Việt Nam vẫn chưa thể phân tích ra được thành phần men Trung Quốc, nói như vậy không ó nghĩa là không nghiên cứu được nhưng chưa đủ kinh phí và hơn nữa, việc làm này vô bổ, bởi mục tiêu của họ là bằng mọi giá phải sản xuất ra loại men sạch, có giá thành thấp để triệt tiêu men Trung Quốc trên thị trường Việt Nam.
Bởi vì men Trung Quốc quá nguy hiểm, nó nguy hiểm theo hướng cho sản lượng cao kèm theo những chất gây tác dụng phụ của nó. Chính vì giá thành của nó quá rẻ, cộng thêm năng suất sản xuất rượu tăng gấp đôi mà lại ít tốn công, men Trung Quốc dễ dàng chiếm lĩnh toàn bộ thị trường Việt Nam. Về mặt kinh tế, đây là mối nguy hiểm lớn nhất, bởi nó đã chính thức đánh bại các loại men do Việt Nam sản xuất mà nếu như các nhà sản xuất men Việt Nam muốn tồn tại thì phải mang cùng tính năng độc hại và giá thành như nó.
Đặc điểm của men Trung Quốc là nó không loại bỏ được thành phần lipit thực vật. Bởi quá trình ủ gạo sống lên men khác xa với qui trình nấu cơm chín, trộn men, ủ cho lên rượu rồi chưng cất như cách nấu rượu truyền thống bằng men Việt Nam. Ở đây, người nấu rượu chỉ cần vo gạo qua loa để giữ lại lớp cám bên ngoài vỏ gạo, sau đó để cho ráo nước và tiến hành trộn men, ủ vài ngày cho đến lúc gạo chín thành rượu thì mang vào lò chưng cất.
Theo cách nấu hiện tại, với men Trung Quốc, người nấu rượu khỏi phải tốn công sức và nhiên liệu để nấu gạo thành cơm mà chỉ cần vo, ủ, chờ đợi và chưng cất, lại cho năng suất gấp đôi bình thường
Theo cách nấu truyền thống, mỗi ang gạo, cao nhất cũng chỉ kiểm được nửa lít rượu cồn đầu tiên còn gọi là rượu mắt mèo, có nồng độ ancol tương đương 80%. Sau đó là một lít rượu trong, không pha tạp, có nồng độ ancol từ 49% đến 52%, và sau đó là bảy đến chín lít rượu tạp, càng về cuối, rượu càng có màu trắng đục và nồng độ thấp. Nhưng theo cách nấu hiện tại, với men Trung Quốc, người nấu rượu khỏi phải tốn công sức và nhiên liệu để nấu gạo thành cơm mà chỉ cần vo, ủ, chờ đợi và chưng cất, lại cho năng suất gấp đôi bình thường.
Những đối tượng nhắm đến của men Trung Quốc. RFA
Những đối tượng nhắm đến của men Trung Quốc. RFA
Nhưng rượu nấu từ men Trung Quốc có một thứ tạp chất gây độc hại đến gan, thận, tim mạch của người uống, đó là lớp lipit thực vật nổi lên trên bề mặt của rượu trông giống như váng dầu, lấy tay gạt hết lớp này đi vẫn có lớp khác nổi lên. Chính hàm lượng lipit thực vật này vào cơ thể lâu ngày sẽ là nguyên nhân gây triệu chứng mỡ trong máu và dẫn đến các cơn đột quị, tai biến não, đó là chưa nói đến độc tố trong rượu cộng với nồng độ cồn sẽ nhanh chóng phá vỡ gan, thận, tim mạch. Hiện tại, rượu sản xuất từ men Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Việt Nam, điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ bệnh gan, thận, tim mạch, đột quị và tai biến não đang tràn ngập Việt Nam.
Một loại ma túy hạng nặng
Gọi rượu là ma túy, mới nghe tưởng như đùa, nhưng nếu xét về nguy cơ xã hội, nó còn ghê gớm hơn cả heroin và mọi thứ ma túy khác. Bởi vì heroin và các loại ma túy khác đều dễ dàng cho thấy tính nguy hiểm của nó, còn với rượu thì lại khác.
Một người tên Trung, là nạn nhân của rượu gạo, thuộc vào hàng “rượu đứng”, có nghĩa là anh ta được xếp vào tốp đầu của chứng nghiện rượu, mỗi khi thiếu rượu thì tay chân run lẩy bẩy, không thể làm được việc gì, phải chạy ra quán mua ngay một ly rượu, khỏi cần chỗ ngồi cũng được, đứng nốc ực ly rượu một cách ngon lành rồi đi làm tiếp. Ông Trung nói: Tao mà buổi chiều mà đi nhậu là tao cảm thấy tao khỏe khoắn, yêu đời lắm, nó thông minh! Nhiều khi còn học hỏi được ở bạn bè cái này cái nọ một cách tình cờ, nó hay lắm! Tối về ngủ một giấc tới sáng luôn, nó an thần, khỏe, nó thông minh bà cố luôn. Chiều mà không nhậu thì nó làm như nó trống vắng, thiếu vắng điều gì đó, nghe lạ lạ!’’
Gọi rượu là ma túy, mới nghe tưởng như đùa, nhưng nếu xét về nguy cơ xã hội, nó còn ghê gớm hơn cả heroin và mọi thứ ma túy khác. Bởi vì heroin và các loại ma túy khác đều dễ dàng cho thấy tính nguy hiểm của nó, còn với rượu thì lại khác
Một người tên Hoa, có chồng là dân rượu đứng đã than thở: Buồn bực, ức chế nhưng muốn giữ hạnh phúc gia đình nên không nói ra. Nhậu nhiều quá đâm ra bỏ bê công việc, mà người say rượu thì biết rồi, về cằn nhằn, mất tần số, xử lý sự việc không được minh mẩn.’’
Bà này nói thêm rằng trước đây chồng bà siêng năng, chỉn chu với con cái và chỉ biết lo làm ăn, thế rồi chẳng bao lâu sau đó, ông đâm ra nghiện rượu, mà nguyên nhân nghiện rượu của ông nghe ra rất buồn cười. Đó là do giá rượu rẻ. Chuyện là ông chồng của bà làm nghề thợ hồ, chiều chiều thường uống vài ly rượu giải mỏi. Thế rồi có một thời gian ông bị thất nghiệp, đó cũng là lúc rượu nấu từ men Trung Quốc lên ngôi, với giá thành rẻ bèo, rượu dễ dàng trở thành bầu bạn của người chồng thất nghiệp.
Hiện tại, chồng bà Hoa không thể nào làm việc nếu như thiếu rượu. Nhưng khi đã có rượu rồi, sức khỏe của ông cũng chẳng cải thiện hơn chút nào, ông chỉ bớt run tay run chân nhưng không thể làm bất cứ việc gì. Nhiều lần bà Hoa nghĩ đến chuyện đâm đơn ly hôn cho thoát nghiệp chướng sâu rượu. Nhưng nghĩ lại mấy đứa con còn đang học hành dở dang, bà cam chịu mọi nỗi khổ, cắn răn mà sống chung với ông hồng thiếu rượu thì run, có rượu thì mạnh miệng chửi vợ mắng con.
Rượu nấu từ men Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, đó là đại nạn, là quốc nạn, trận đại hồng thủy ma túy đã chính thức nhấn chìm xã hội Việt Nam bằng con đường rượu bia
Một nhà xã hội học
Một nhà xã hội học, yêu cầu giấu tên, chia sẻ với chúng tôi về vấn đề rượu nấu từ men Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, ông cho rằng đó là đại nạn, là quốc nạn, trận đại hồng thủy ma túy đã chính thức nhấn chìm xã hội Việt Nam bằng con đường rượu bia và những thứ ma túy khác. Nhưng dù sao thì chứng nghiện rượu cũng phổ biến và đáng sợ nhất. Bởi tính nguy hiểm của nó không rõ nét như heroin hay các loại á phiện mà nó ngấm ngầm, nó chuyển hóa từ dạng xã giao sang ham vui và lún dần thành con nghiện.
Và nguy hiểm hơn nữa là nguy cơ gây đổ vỡ gia đình do chứng nghiện rượu gây ra rất cao, bởi nó không những làm giảm mất sức lao động, biến một người trụ cột gia đình trở thành kẻ què quặt mà những cơn say sinh ra từ nó luôn là quả bom làm nổ tan tành lòng tự trọng, sự tỉnh táo và tính vị tha. Một kẻ nghiện rượu có thể biến thành vũ phu, kẻ tàn sát bất kỳ giờ nào. Một người chồng, người cha hiền từ có thể trở thành kẻ thẳng tay đánh vợ, đánh con, hạnh phú gia đình trở nên mong manh và nguy cơ đổ vỡ có thể nổ ra bất kì giờ nào… cũng đều do rượu mà ra.
Rất tiếc, Việt Nam đang là một đất nước mà đi từ Bắc chí Nam, từ thôn quê ra thành thị, từ những con hẻm nhỏ xíu ra tới đại lộ, đi đâu cũng có thể tìm thấy quán nhậu và quán nhậu vẫn mọc lên nhiều như nấm!

Không có nhận xét nào: