15/1/14

Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 5)


Tử chiến

Đúng 10 giờ 20, bốn chiến hạm được lệnh đồng loạt khai hỏa. Như đã chuẩn bị trước, Hạm trưởng San ra lệnh "bắn", đồng thời ông cũng ra lệnh (lúc đó máy tàu đang ở vị trí stop) hai máy tiến full (bỏ qua thông lệ tiến 1, tiến 2, tiến 3); hết tay lái sang phải. Chiến hạm chồm lên phía trước và nghiêng mình sang phải nên đã tránh được loạt đại bác đầu tiên của địch.  


Tài liệu Trung Quốc về Hải chiến Hoàng Sa: Lần đầu hé lộ về vũ khí
Hình vẽ minh họa tàu săn ngầm lớp 6604 của hải quân Trung Quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa - Ảnh: ifeng.com

Chiến hạm di chuyển với tốc độ cực nhanh, khói đen bốc lên ngùn ngụt, thân tàu rung lên bần bật vì tiếng dội của các khẩu đại bác vừa khai hỏa. Hạm trưởng San ra lệnh hai máy tiến blanch hết tay lái sang trái, chiến hạm chạy uốn lượn như con rắn, hết phải rồi hết trái tránh được đạn đại bác của địch. Đạn nổ, âm thanh hỗn độn, các cột nước bốc lên chung quanh tàu, tiếng đạn rít lên sau thân tàu, trước mũi tàu, mạn trái, mạn phải ù... vèo vèo... ầm.
Một viên đại bác 85 ly trúng ống khói sát sàn tàu. Khói đen mù mịt bao phủ sàn tàu và thân tàu, hệ thống quạt hút và quạt thổi hư hỏng hoàn toàn. Trên đài chỉ huy, Hạm trưởng San vừa chạy nhìn bên trái rồi chạy vào bên trong đài chỉ huy để ra lệnh cho tổ lái. Lúc đó tàu ta và tàu địch đan xen nhau. Vì tàu quay hết sang phải rồi sang trái nên có khi thấy tàu địch bên mạn trái lại có khi thấy tàu địch bên mạn phải. Hạm trưởng San chạy đi đâu thì thượng sĩ nhất giám lộ Ry chạy theo đó để ghi nhật ký tác chiến.
 
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 6: Không quân Việt Nam Cộng Hòa lên kế hoạch giành lại Hoàng Sa
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 5: Bỏ mình vì nước
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 4: Nổ súng chống giặc
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 3: Tương quan lực lượng
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 2: Hành quân giữ đảo
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 1: Trung Quốc nuốt dần Hoàng Sa
Chúng tôi cũng di chuyển liên tục. Một mảnh đạn văng trúng đài chỉ huy. Mảnh đạn văng ra trúng chân trung úy Roa đang cố gắng theo dõi tàu địch qua màn hình ra đa. Chân màn hình ra đa cũng bị trúng đạn nên ra đa bị sụp (hư hỏng). Sĩ quan hải pháo - trung úy Long - đang liên lạc với các khẩu đội pháo thì dây nghe bị mảnh đạn cắt đứt nên không liên lạc được. Thượng sĩ nhất Ry trúng mảnh đạn nơi cánh tay trái, hạ sĩ giám lộ Phấn, xạ thủ đại liên 30 trên nóc đài chỉ huy bị thương nơi ngực, máu thấm đỏ áo. Tiếng la ơi ới của các nơi bị thương vong dồn dập báo lên đài chỉ huy qua hệ thống bộ đàm.
Chiến hạm vẫn vững vàng trong chiến đấu. Đài quan sát trên nóc đài chỉ huy báo cáo có 2 tàu địch đang bám theo. Tôi nhìn ra sau thì mạn phải HQ-5 cắt đuôi HQ-4 phóng thẳng vào 2 tàu địch. Những khối cầu lửa từ mũi HQ-5 bắn ra (đại bác 127 ly) những viên đạn đen thui bay thẳng vào tàu  địch. Lập tức HQ-4 vòng lại để cùng HQ-5 đối đầu trực diện với địch. Tàu địch bên trái bị trúng đạn nổ tung. Chiếc phải trúng nhiều loạt đạn đổi hướng quay ngang lủi vào bờ và trúng hàng loạt đạn từ HQ-4 bắn ra.
Lúc này không thấy một tàu địch nào bám theo, cũng không thấy HQ-16 và HQ-10. HQ-5 cho biết ụ tháp đại bác 127 ly trúng đạn, có 3 quân nhân tử thương, 2 bị thương nặng. HQ-5 đang quay đầu về hướng nam. HQ-4 liên lạc mãi với HQ-10 và HQ-16 không được.
Thật ra, ngay từ loạt đạn đầu tiên HQ-10 đã bị loại khỏi vòng chiến vì HQ-10 nhỏ, cũ kỹ, chỉ còn lại một máy, các khẩu đại bác xoay trở bằng tay nên bị trúng liền 2 quả 85 ly từ tàu địch. Trong bộ đàm tôi đã nghe thấy tiếng bạn tôi là trung sĩ nhất giám lộ Vương Thương báo cáo tàu đã bị trúng đạn, Hạm trưởng Thà đứt đầu, Hạm phó Trí bị thương nơi bụng. Sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ trên đài chỉ huy đều tử thương và bị thương. Riêng anh thì bị mảnh đạn cắt ngang hông trái vùng thắt lưng, máu ra nhiều nhưng vẫn còn tỉnh táo báo về soái hạm HQ-5.
HQ-10 phải đào thoát (anh cùng 23 quân nhân xuống được bè cứu sinh) và sau 2 ngày đêm bè được một thương thuyền Hà Lan cứu đưa về Đà Nẵng nhưng anh đã chết trên bè vì máu ra nhiều, loang vào nước biển không phát hiện. Anh ra đi trước ngày tổ chức làm đám cưới. Lẽ ra anh đã được đi phép cưới vợ, giấy phép đã cầm trên tay nhưng Hạm trưởng Thà động viên anh ở lại do anh đã quá rành vùng quần đảo Hoàng Sa. Anh như sói biển 12 năm liên tục từ hộ tống hạm Kỳ Hòa (HQ-9) chung đơn vị với tôi 1968-1970, đi lãnh HQ-4 ở Honolulu (Hawail) rồi về HQ-10 với chức danh hạ sĩ quan phụ tá trưởng nghành giám lộ. Anh theo tàu ra Hoàng Sa như ăn cơm bữa. Dọc miền duyên hải Việt Nam, nơi nào cũng lưu dấu bước chân anh. Nay vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc anh sẵn sàng, giờ thì anh đã ra đi, bỏ lại người vợ chưa kịp cưới nơi cố đô Huế.
HQ-16 trúng đạn gãy cột an-ten, mất hẳn liên lạc và trúng nhiều đạn nơi hầm máy, đã cố gắng rời khỏi chiến trận. HQ-10 lẻ loi nằm lại một mình nơi biển đảo. Sau 30 phút chiến đấu kiên cường, HQ-4 nhờ sự chỉ huy sáng suốt của Hạm trưởng San tổn thất ba quân nhân: một sĩ quan, một hạ sĩ và một binh sĩ Biệt hải tên Vượng bị trúng đạn tử thương nơi sân giữa. Thiếu úy Xá là khẩu đội trưởng khẩu đội đại bác 20 ly nơi boong giữa. Viên đạn đại bác 85 ly bắn hụt đài chỉ huy nhằm trúng ống khói tàu, mảnh đạn văng cắt đứt cuống họng thiếu úy Xá. Hạ sĩ vận chuyển Danh lúc bấy giờ đang ở hầm đại bác 76 ly 2 phía sau, mảnh đạn xuyên vách hầm trúng ngực lủng phổi trái, bị thương. Trung úy Vân bị trúng đạn gãy chân và hơn 10 người bị thương nặng nhẹ.
HQ-5 quay đầu về hướng nam, các khẩu đội đều có vấn đề. Sau hơn 1 giờ không còn thấy HQ-5 ở đâu. Giờ đây trên biển chỉ còn HQ-4 lẻ loi một mình, lúc bấy giờ tôi cũng không xác định được vị trí tàu vì xung quanh là biển bao la, không có một đối vật nào làm điểm tựa để xác định vị trí. Sau một hồi hội ý, anh em ngành giám lộ chúng tôi phỏng đoán theo hướng chạy và vận tốc tàu từ lúc nổ súng đến giờ, rồi trình cho Hạm trưởng một vị trí phỏng định đó là vị trí tương đối gần đảo Tri Tôn phía tây nam quần đảo Hoàng Sa. Hạm trưởng San lệnh cho chúng tôi vẽ đường hướng thẳng về đảo Tri Tôn. Đúng như dự đoán, vào lúc 13 giờ 40, ra đa đã phát hiện đảo Tri Tôn. Ngay sau đó, vị trí tàu được xác định và từ vị trí đó Hạm trưởng San vẽ một đường trực chỉ về Đà Nẵng. (còn tiếp)
Lữ Công Bảy

Không có nhận xét nào: