30/12/13

Thầy tụng!

THẦY TỤNG                                                                         
  
Phùng Nhân          Trong đời tôi chỉ có một lần may mắn, đó là làm ông thợ chụp hình cho một cái đám ma, nhờ vậy mà tôi mới có dịp ngồi nhậu chung với ông Thầy Tụng thật là cởi mở. Số là bà chị của tôi đã cỡi hạt quy tiên rời khỏi chốn dương trần, khi đã thọ qua khỏi ngưỡng cửa 90, cho nên cả dòng tộc họ hàng ai nấy cũng mừng thầm, chớ không có cái cảnh khóc than đau đớn như mấy đám ma còn trẻ.                                   
Sau hai ngày hai đêm rước ông Thầy Tụng lại nhà làm đám ma chay, cũng có lễ nhạc kèn đồng thổi vang lên nghe inh ỏi. Chòm xóm tề tựu lại đủ mặt hết trơn, người thì lo giở vách để đặt cái hàng ngay chính giữa nhà, người thì lo bắt điện để còn lo đêm tối, người thì lo xúc mái vú để đợi nước lớn xách đổ vô đặng lóng phèn, dường như là đang sửa soạn một bữa tiệc tân gia, chớ không phải là trong nhà đang có người chết chờ giờ tẩn liệm.
     Nhìn cảnh đó tôi cũng ấm lòng, khi thấy gia đình bàn cách làm đám ma, cúng thì cứ cúng chay, còn đãi cho bà con xóm chòm thì đãi mặn. Ðó là một cách đãi thông thường ở cái xóm Vàm Ðất Cả Cao nầy, chớ đãi chay từ trong ra tới ngoài thì khi chôn cất xong xuôi, thế nào cũng có người xầm xì chê là chủ nhà keo kiệt.
     Từng khổ thịt heo chợ được mua về rồi làm mấy món đơn sơ, như kho mặn, nấu canh măng, thịt vịt xào với củ sắn nữa thì kể như xong bữa tiệc. Nhưng ở trong xứ Việt Nam của mình bây giờ thanh niên họ ăn nhậu li bì, một cái đám ma đơn sơ như vậy cũng nhậu hết 30 lít rượu đế. Nếu còn mấy đám làm lớn, xác quàng lại tới ba - bốn ngày thì phải vật tới mấy con heo. Còn rượu trắng thì phải nói tới cả chục can chớ không tính lít. Có lẽ nhờ những cuộc nhậu như vậy kéo dài, nên bà con cũng phải ráng thức tới sáng đêm, chớ không thì buồn ngủ bỏ cái xác nằm giữa nhà chắc là buồn lắm!
     Hễ khi nào có ai phúng điếu, thì ban nhạc lại nổi lên, cùng với tiếng mõ lóc cóc leng keng phụ hoạ với lời kinh tụng vang lên vô cùng thảm thiết. Thời buổi bây giờ văn minh tiến bộ, cái đám ma nào, hay trong buổi thuyết pháp nào, người ta cũng có sử dụng máy Hifi và ống nói micro, nên tiếng tụng kinh vang ra khắp xóm khắp chòm, nhờ vậy mà tiếng tụng kinh của mấy ông Thầy bay xa lồng lộng. Còn tôi thì liên tiếp hai ngày liền phải ôm một cái máy hình rồi bóp liền tay, chỉ khi nào đói bụng mới bưng chén cơm ăn lót dạ.
     Ngày chị tôi chết dường như trời đất cũng ngậm ngùi, nên đổ xuống một trận mưa lầy lội. Từ nơi đầu Bờ Ngựa đi vô tới nhà chị phải băng qua một đoạn bờ dừa, bao nhiêu vật liệu để xây mả cho chị phải đổ nhờ trong cái sân nhà bà Hai Nữ rồi lấy xe Honda vận chuyển vô sau. Có nhìn thấy cảnh đó rồi mới nghĩ tới cái cảnh con người, khi còn sống ở trên dương thế thì cũng lo vất vả mưu sinh, phải ráng dành dụm cất một căn nhà, đến khi chết con cái phải lo xây mồ xây mả!
     Rồi giờ hạ huyệt cũng phải giữa đêm khuya, không biết sao ở Việt Nam cho tới bây giờ mà người ta cũng vẫn còn mê tín. Ông thầy vườn coi tuổi nói rằng phải chôn chị tôi vào lúc ban đêm, để tránh sau nầy trong nhà có cảnh chết trùng, nên mọi nghi lễ phải thực hành thật là trang trọng.
     Từng hồi trống chầu được đánh lên như để khấp báo với xóm chòm, rằng giờ tử biệt sanh ly đã điểm. Sau đó là toán đạo tỳ họ đứng xếp hàng, có một người vẽ mặt rằn ri, cầm bó nhang cháy đỏ múa qua múa lại. Chắc có lẽ là để đánh đuổi tà ma, đừng có rủ rê linh hồn người mới chết để đi đầu thai siêu thoát. Tục lệ đó được mấy ông đạo tỳ của nhà quàng tiếp tục duy trì, ví cách làm đó cũng kiếm được miếng ăn, nên nhà tang chủ phải sớt chia một số đồ ăn, cùng với một can rượu đế xách đem theo tới phần mộ. Ðể sau khi hạ huyệt chôn cất xong xuôi, thì cái đám đạo tỳ nầy, họ xách hết mấy cái thứ mồi mỡ đó đem về nhậu tiếp. Chớ họ không được phép trở vô nhà, việc kiêng cử đó từ lâu, ngày hôm nay đã trở thành tục lệ...
     Hằng chục ngọn đước được thắp lên dưới ánh sáng bập bùng, một hàng người đưa tiễn đi theo. Khi tới nơi mộ huyệt thì toán đạo tỳ nghiêng vai để cái hàng xuống hai cái chưn bò đã kê sẵn kế bên, để cho ông Thầy tụng một thời kinh lần cuối. Tiếng mõ lóc cóc hoà lẫn với tiếng trống chầu, khiến cho không khí về đêm như có một cái gì ghê rợn. Rồi từng cuốc đất tuông xuống ào ào, thế là một mạng người vừa mới lấp xong, không biết linh hồn có được siêu thăng về miền cực lạc, hay là phải chịu cảnh sa vào địa ngục để chịu bao thảm cảnh cực hình. Mà khi còn sống ở thế gian, người nào cũng sợ khi chết linh hồn sẽ bị đọa làm súc sanh ngạ qủy!
     Ba ngày sau thì mở cửa mả, có rước ông Thầy lại tụng mấy thời kinh. Rồi gia đình nấu cơm nước lo việc đãi đằng, nhưng chỉ dọn có một bàn ngoài mái hiên rồi mời ông Thầy ngồi lên dùng bữa. Hôm nay thì tôi rỗi rảnh, cũng được ngồi vào dùng bữa chung với ông Thầy, chớ còn trong hai ngày tang ma. Tôi thì lo chụp hình, còn Thầy thì ngồi ăn chung bàn với mấy ông trong ban kèn thổi đám. Nên tôi thật tình mà nói, cũng không biết Thầy dùng mặn hay chay. Bởi trong tâm tôi lúc nào cũng nghĩ rằng, đã là Thầy Chùa tụng kinh đám ma thì đâu có ông nào ăn mặn. Nếu có ăn thì phải lén lút ở chỗ nào, chớ không thể ăn uống công khai giữa ban ngày ban mặt như vầy, thì mai mốt miệng lưỡi của thế gian người ta chê cười làm sao rửa sạch!
     Nhưng tới bữa ăn tôi hơi lính quýnh, vì chỉ nhìn thấy có mấy món mặn mà thôi. Còn món ăn chay của Thầy thì không có nấu. Tới nước nầy thì tôi thấy lạ, mới đi xuống nhà dưới hỏi mấy đứa nhỏ sao không dọn đồ chay để đãi Thầy, thì mấy đứa nhỏ lại nhìn tôi cười rồi nói:
          - Tại Dượng Mười không biết, chớ ông thầy nầy ăn mặn Dượng ơi. Ổng còn nhậu rượu đế vậy thôi bà chạy nữa...
     Tôi trở lên rồi ngồi xuống đối diện với Thầy, bữa ăn bắt đầu cầm đũa. Từng món mặn được dọn lên, Thầy gắp còn nhanh tay hơn tôi nữa. Phải nói ở nhà quê, con người chất phác không có màu mè, hễ món nào hết thì kêu lên, hoặc có đứa nào giỏi dò thì chạy xuống bếp kiếm.
      Trong bữa ăn bắt đầu gợi chuyện, vì rượu vào thì lời ra đó là một việc bình thường. Tôi cũng không ngờ ông Thầy nhậu thiệt là ngon, tới tua xây vòng thì Thầy bứng lên làm nghe cái trót. Nhìn cách ông Thầy đang nhậu, phải liệt vào hàng hão hán ở đây, đã xây vòng qua hết mấy tua rồi mà gương mặt của Thầy chưa nổi chỉ. Chớ còn phần đông mấy người nhậu rượu đế, qua vài tua thì mặt mày đỏ ké hết trơn. Chỉ có một mình Thầy đang ngồi nhậu ở đây, mặt mày còn tĩnh rụi...
     Thỉnh thoảng ông Thầy còn nói:
          - Rượu nầy chắc là của thằng Tư Xanh, khi uống vô tôi đã nhận ra bài vị của nó liền. Thằng nầy kháp  uống được, hậu nồng hơi gắt mà không quá hổn. Chớ còn mấy bài vị khác, uống vô thường bị nhức đầu, nên rượu đế bây giờ trước khi mua, phải biết rượu nầy là của ai kháp mới được.
     Trong bàn thì có thằng Tài, đang hành nghề lái máy cày thỉnh thoảng cũng chạy xe ôm, nên chuyện đầu trên xóm dưới gì nó cũng đều hay biết. Nó gắp cái đùi vịt chấm vào dĩa mắm gừng, rồi bỏ vào chén của ông:
          - Kinh lão đắc thọ nghen Thầy...
     Ông cho vào miệng nhai rồi nói lại:
          - Sao hồi mới ngồi chú mầy không biết kính lão đắc thọ, để nhậu muốn tàng tịch rồi chú mầy mới bày đặc nói nho?
     Thằng Tài cũng đâu vừa nên đáp lại:
          - Bữa nay gặp trời mưa, với có ông Dượng của tui bên nước Úc mới về. Thầy nhậu với ổng một trận coi chơi, với lại công của Thầy tụng đám Dì Hai tôi hai bữa rày, thôi thì nhường cái đùi vịt lại cho Thầy cho có tình có nghĩa.
     Cái thằng coi lù mù như vậy mà ăn nói có duyên, tôi rót rượu ra bưng đưa cho Thầy, rồi hỏi:
          - Tôi hỏi cái nầy có khi không phải, xin Thầy bỏ qua cho. Chớ đây là lần đầu tiên, tôi mới thấy ông Thầy Chùa tụng xong đám ma rồi ngồi nhậu mặn...
     Ông Thầy lại cười lên hắc hắc:
          - Tôi là Thầy Tụng ông ơi, Thầy Tụng nó khác với Thầy Chùa. Chớ tôi mà làm bộ, thì mấy thằng nầy nó còn cười chọc quê tôi nữa...
     Ðây là lần đầu tiên tôi mới nghe được một câu nói thật thà, chớ còn từ trước tới nay mấy ông thầy mặc bộ đồ nâu, hay áo cà sa hễ đi đường gặp ai thì xá, lâu dần nó đã trở thành một cái thói quen, còn ông Thầy nầy cũng quen tánh thật thà, tuy chuông mõ đang bỏ vô tay nảy máng trên chiếc xe Honda tòng teng ngoài đó. Nhưng ông ta cũng là một người phàm, nên việc ăn nhậu cũng giống người ta, cho nên ông cũng ăn uống tự nhiên chớ không có gì lén lút.
     Nhậu qua vài tua nữa, rồi ông ta bưng ly rượu lên nói:
          - Làm một ly nầy nữa rồi thôi nghen. Sợ uống nhiều quá, đi về ngang xã Thới Lai bị công an thổi phạt rất là phiền phức.
     Thằng Tài liền vọt miệng nói:
          - Bữa nay nhậu cho thả cửa một bữa đi Thầy, mưa gió như thế nầy tụi nó không có chận đường đâu. Nếu có chận thì Thầy năn nỉ ỉ ôi chắc là cũng khỏi...
     Ông ta lắc đầu, rồi kể:
          - Hôm tháng trước, tôi cũng đi tụng một cái đám trên xã An Hoá trở về. Dọc đường bị công an nó thổi. Nó nói tôi nhậu xỉn mà còn ráng chạy xe, xé giấy phạt cho nhớ để lần sau tránh gây tai nạn...
     Tôi hỏi tiếp:
          - Sao Thầy không nói thiệt, là đi tụng đám ma về. Gặp gia chủ họ cũng nhiệt tình, nên tôi có nhậu chút đỉnh cho vui vậy mà. Chớ làm tới ông Thầy Chùa làm sao tôi dám say xỉn...
     Tôi nói một câu móc họng như vậy, cứ tưởng ông Thầy sẽ giận, nào ngờ ổng lại cưới rồi bưng ly rượu đế đưa lên, rồi lấy ngón tay cái bấm ngay vỏ đẻo nói lớn:
          - Tôi với ông vô cho cạn ly nầy nghen. Bây giờ lo nhậu cái đã, chớ thầy bà gì lúc nầy. Tôi cũng nói thiệt rồi năn nỉ tụi nó cũng tha, nhưng biểu phải về xã Vang Quới Tây xin một tấm giấy xác nhận là ông Thầy Chùa rồi tụi nó mới tha, còn không thì phải phạt!
     Tôi hỏi tiếp:
          - Như vậy rồi Thầy sẽ tính sao?
     Ông vui vẻ đáp:
          - Kẹt quá tôi phải về xã xin giấy xác nhận. Chớ đi tụng kinh một ngày chỉ có một trăm ngàn đồng tiền Việt Nam. Ðóng tiền phạt thì nó hết mẹ rồi còn gì mà ăn. Nhưng tôi rất là ê mặt, lên xã xin con nhỏ thơ ký văn phòng nó lên lớp dạy đời gần cả tiếng đồng hồ rồi mới cấp cho. Tới bây giờ tôi còn nhớ câu nó nói: “đã là Thầy Chùa đi tụng đám ma mà còn ăn nhậu lái Honda cho bị phạt. Thông cảm lần nầy thôi nghen, lần sau đừng lên đây xin nữa”.
     Nói xong câu đó thì gương mặt ông Thầy buồn so, bưng ly rượu đế không còn hào hứng nữa. Thấy vậy thằng Tài máy cày phụ hoạ:
          - Bữa nay trời mưa tầm tã như vầy, tụi công an chắc lo ăn nhậu, chớ công lao đâu mà lo đứng đường chờ ghi giấy phạt. Vô, vô. Tôi với Thầy vô cạn đừng kê tán hay đắp mô nghen, Thầy mà ăn gian, bắt được tôi phạt cho Thầy chết luôn tại trận đó...
     Từng tiếng cười tiếng nói xôn xao, chỉ có trong những lúc ăn nhậu như thế nầy thì con người với nhau mới mở cạn tấm lòng. Chớ còn không thì cuộc sống bí ẩn của ông Thầy từ trước tới nay, dễ gì mà tôi được biết. Phần tôi cũng nhậu hơi ngà ngà, nên không còn giữ kẻ. Tôi nhìn ông rồi hỏi:
          - Thầy đi tu lâu chưa? Có vợ con gì hôn?
     Thằng Tư Sanh đứng kế bên chờ chiết rượu, nói:
          - Ông Thầy nầy chỉ có một vợ thôi hà, còn em út bia ôm thì vô số kể...
     Tôi nói tiếp:
          - Trong khi vật giá leo thang, thứ gì cũng mắc mỏ. Ngay như thợ hồ tụi thằng Hậu đang ngồi đây, một ngày tụi nó làm cũng tơí 150.000 đồng rồi. Còn Thầy tụng một đám ma cả ngày chỉ có một trăm ngàn thì quá rẻ. Sao không biểu thiên hạ trả thêm?
     Ông Thầy lắc đầu nhìn tôi ngao ngán nói:
          - Người ta làm lao động chân tay thì giá cả hẳn hòi. Còn tôi là một ông Thầy Chùa cạo đầu bận áo nhà tu, thì làm sao ra giá cho được. Chỉ cầu mong sao gặp mấy chủ đám ma họ rộng rãi, trả thêm chút đỉnh thì cũng đủ mừng rồi. Còn việc tôi ăn mặn, hay bị người ta kêu bằng Thầy Tụng là tự người đời họ muốn phân biệt ra thôi. Chớ Thầy Tụng hay Thầy Chùa gì thì cũng là tụng đám ma, hay làm chay đàn thì cũng có một thứ kinh chớ mấy. Không phải tôi nói để khoe tài với ông, kêu mấy ông Thầy Chùa ở chỗ khác về đây tụng kình với tui đi, tôi mà tụng thua thì tui sẽ cõng ông đi giáp vòng Bờ Ngựa ở đây nữa đó...
     Trước câu nói chân tình của một người phàm mắt thịt, nhưng vì có căn duyên mà phải cạo đầu làm cho tôi cũng xúc động nguồn cơn, nên tôi nhìn ông rồi nói:
          - Sao tôi nghe nói ông thầy chùa An ở dưới Chùa Bến Cát xã Tân Ðịnh huyện Bình Ðại tỉnh Bến Tre nầy, đã có vợ và một bầy con vậy mà họ rước đám ông làm không kịp. Phải lên lịch để ký hợp đồng. Một cái đám của nhà giàu thầy An vớt trên 10 triệu bạc như chơi, chớ đâu có làm đám rẻ như Thầy làm sao sống nổi.
     Ông Thầy hớp thêm ngụm rượu rồi than vản:
          - Thì cuộc đời Thầy Tụng, hay Thầy Chùa lám đám ở đây nó cũng như ca sĩ hiện giờ. Hễ còn thời thì mấy ông bầu sô họ mời mình chạy cặp giò không kịp thở, nếu hết thời thì chẳng ai kêu. Thầy An đang lên chẳng qua là ông ta tốt tiếng, với có sẵn vốn liếng nhiều, nên đi lên Chợ Lớn Sài Gòn mua đồ vàng mã về chứa cả kho. Người nào muốn cúng quảy tới đâu, thì ông ta làm theo tới đó. Ngay như bây giờ có nhiều đám ma, hay đám cúng 100 ngày xả tang. Gia chủ đòi hỏi phải cúng chiếc Honda, với điện thoại di động đời mới nữa thiệt là khó xử. Tôi thì tay chưn làm ruộng bây giờ nó chai sần cứng ngắt hết trơn, làm sao vót nan tre mà làm sườn cho khéo được, lạng quạng làm một hồi không ra dáng chiếc Honda, mà lại ra dáng chiếc xe xích lô đạp thì mới báo. Nên đám nào có đòi hỏi như vậy tôi bèn từ chối, hoặc chỉ đi xuống rước thầy An, nhờ vậy mà ông ta mới khá giả đó chớ...
     Rồi tiệc nhậu cũng tàn, trận mưa đầu mùa cũng vẫn còn dai dẳng. Tôi nhìn ông Thầy dẫn chiếc Honda, sau đó vén vạt áo nâu sòng qua một bên để gát giò qua rồi đề máy.
     Nhìn dáng ông lái Honda chạy lất khất trên bờ dừa, làm cho tôi liên tưởng đến một người trần thế đang nhậu say, chớ làm sao biết được đó là một ông Thầy mới tụng đám mở cửa mả để vong hồn của người chết đi về chốn niết bàn, rồi bây giờ ông ta chạy xe trong một cơn say. Như vậy nếu lở ban vô gốc dừa không chết thì cũng nằm tê liệt. Nhưng đã là kiếp con người thì bổn tánh đã có sẵn từ lúc mới sanh, chớ không phải đợi tới lúc lớn khôn, hay cạo đầu đi tu rồi làm một ông Thầy Chùa rồi mới có...
     Dòng đời sẽ chảy mải không ngừng, hết ngày rồi lại tới đêm, hết tháng tới năm để tính theo tuổi con người như móc thời gian quy định. Nhưng tôi tự hỏi. Có bao nhiêu người đã thật lòng, thật tánh như ông Thầy Tụng nầy đây. Còn lại bao nhiêu ông Thầy đã dối gạt thế gian, cũng cùng một tốp đàn na thí chủ đi tới chùa lễ Phật. Người nào giàu có; thì được họ tiếp đãi lăng xăng, còn người nào nghèo khó thì chỉ đứng xớ rớ lạy Phật rồi về. Chớ còn thầy lớn, thầy nhỏ hay những người trong Ban Tổ Chức nhà chùa không ai thèm hỏi han chào đón...
     Cũng như cách nay chừng vài tuần lễ. Tôi cũng động tánh hiếu kỳ, nghe người ta đồn rằng trên đầu giếng nước chợ Vòng Nhỏ Mỹ Tho có một cái chùa Hột Xoàn (đây là tên chuà do bá tánh đặt rồi nó chết tên luôn), chớ thật ra chùa nầy cũng có một cái tên nghe rất đẹp.
     Gia đình tôi cùng đi với mấy người bạn nữa. Tổng cộng cũng tới 4 chiếc Honda, nhưng chỉ có một mình vợ tôi cúng chút đỉnh tiền nhang khói. Còn mấy người kia thì mắc lo coi tủ thờ xưa cẩn ốc sà cừ, nghe nói giá cả mỗi cây tủ hiện nay lên tới từ 20-30 cây vàng chớ không có rẻ đâu. Còn lục bình xưa, thì dựng dọc theo chưn tường vậy thôi lủ khủ.
     Trong lúc bắt chuyện với các thầy, tôi lựa lời để hỏi coi mấy cây tủ thờ nầy, với một số lục bình kia, nguyên do gì mà lại ở trong cái kiểng chùa nầy nhiều dữ vậy. Ðến khi nghe ông thầy trụ trì chủ chùa thố lộ, là cũng có một số tủ mà người chủ trước kia không biết gía trị của đồ cổ hiện giờ, nên họ bán rẻ thì thầy mua. Còn một số thì do đàn na thí chủ chở tới chùa cúng Phật. Thì ra ông Phật không có đòi hỏi phải thờ cúng ở chốn cao sang, hay những cây tủ cẩn ốc sà cừ, mà do con người trần thế ganh đua rồi sắp đặt.
     Tôi nhìn cảnh đó rồi cũng chạnh lòng, khi nhớ lại cũng ở dưới xã Lộc Thuận, huyện Bình Ðại tỉnh Bến Tre, có một gia đình đã nghèo mà lại đông con nên khổ vậy thôi hết biết. Nhưng người cha đã nuôi con bằng tất cả bổn phận của mình, một bầy con tuy không được lên đại học, nhưng đã học hết bậc trung học cấp hai, như vậy thì cái đạo làm người chắc mấy đứa con nầy đã hiểu.
     Vậy mà có một thằng con thứ ba, nó may mắn trúng số gần 2 tỷ đồng, nó cũng chẳng giúp đỡ gì cho ông bà già với mấy đứa em. Nó chỉ có ra ngoài chùa ở dưới Giồng Dài xã Lộc Thuận, rồi làm trai đàn cúng thí. Không biết trong những lần trai đàn cúng thí nó có được Phật-Trời chứng giám hay không, chớ trước mắt của nó thì bị người đời nguyền rủa...
     Không riêng gì cái chùa Hột Xoàn đó, mà ngay cái chùa Bảy Vị ở dưới Chợ Cũ Mỹ Tho hồi xưa. Bây giờ đã đổi tên lại là chùa Trường Sanh, không biết vốn liếng tiền của ở đâu, mà bây giờ họ dựng lên Bảo Tháp cao tới mấy từng thật là nguy nga lộng lẫy. Những ngày rằm lớn trong năm, của thập phương cúng thí cho chùa như gạo và đồ ăn, nước tương, xì dầu xe tải họ chở đến nườm nượp không còn chỗ chất.
     Còn dưới đó một chút thì có một cái Viện Dưỡng Lão chuyên nhốt và hành hạ những người già, có bước vào trong đó mới thấy thật thương tâm, lớp ăn uống thất thường, lớp bị mấy người cai quản ở đây hà khắc!
     Nếu khách thập phương bá tánh có thương họ cho chút đỉnh tiền dằn túi để mua đồ ăn, nhưng mấy người làm xếp ở cái trại nầy, họ ngó thấy thì biểu phải đưa số tiền đó ra cho họ giữ. Cho nên sau lần kinh nghiệm đó, vợ tôi đi thăm phải chở mì gói mới xong, còn muốn cho tiền ai, thì phải nhét lẹ dưới gối đừng để ai trông thấy...
     Như vậy thì Phật ở đâu, ở trong tâm của người hiền, hay ở trong chùa mà con người đang đi cầu khẩn. Còn những người già ở trong Viện Dưỡng Nào nầy chắc đã bị bỏ quên, nên mọi phẩm vật cứu trợ thiên hạ chỉ chở tới chùa, còn những chỗ như vầy, thì người ta nuôi sống cầm hơi, chờ giờ chết để chở đi chôn chớ không có gì là động lòng trắc ẩn./-
                                                                                                                                              Phùng Nhân



Không có nhận xét nào: