Mùa Đông, những gian hàng quần áo bành thời vụ mọc lên khắp các nẻo thôn quê từ Nam chí Bắc. Đặc biệt, với người miền Trung có mức thu nhập thấp, chủ yếu là lao động phổ thông và nông nghiệp, quần áo bành trở thành một thứ bầu bạn quen thuộc bởi nó vừa rẻ lại vừa bền, hợp với công việc nặng nhọc, không sợ bị rách mà nếu có rách thì cũng không tiếc lắm vì có thể mua chiếc khác thay thế. Chung qui, quần áo bành rất có duyên với thị trường miền Trung. Thế nhưng mùa Đông năm nay, quần áo bành ế ẩm lạ thường. Vô hình trung, thị trường quần áo bành trở thành nhiệt kế phân cực giàu nghèo và thước đo thị trường.
Phân cực giàu nghèo quá rõ
Chị Ly là người bán quần áo bành ở chợ Tuy Phước, Bình Định khá lâu năm, chị cho chúng tôi biết là năm nay tình hình buôn bán của chị quá ế ẩm. Với mọi năm, đến thời điểm đầu tháng 11 âm lịch, lượng hàng của chị đã sắp cạn, chị phải tiếp tục mua hàng mới về để bán. Thế nhưng năm nay, cho đến thời điểm này, lượng hàng của chị chỉ hết mới được 10%, sức mua giảm gấp bốn, gấp năm lần so với năm trước.
Chị Ly nói thêm rằng sở dĩ áo quần bành năm nay bán không chạy vì hai lý do: kinh tế èo ọp và phân cực quá lớn. Nghĩa là năm nay thu nhập của người nông dân, người lao động tụt xuống mức rất thấp so với mọi năm, chị ngồi chợ hằng ngày, nhìn vào sức mua và sức bán cũng dễ dàng nhận ra điều này. Mà một khi thu nhập thua sút, thì chuyện sắm cái ăn hằng ngày cũng đủ mệt bở hơi tai, còn sức đâu mà nghĩ đến áo quần. Năm nay mùa Đông lạnh hơn so với mọi năm, thế mà áo gió, áo ấm của chị vẫn không bán được, hàng tồn kho la liệt.
Tình hình mua bán dạo này ế lắm! Người ta bây giờ ít mặc đồ Sida, người ta không mặc đồ Sida không phải đời sống khá hơn mà năm nay sự phân hóa giàu nghèo nó quá rõ.
-Một người bán hàng
Chị Ly giải thích thêm về vấn đề phân cực giàu nghèo bằng cách dẫn chứng về nguồn gốc áo quần bành. Chị nói rằng áo quần bành có nguồn gốc từ Campodia, nó vốn dĩ là áo quần từ thiện do các tổ chức quốc tế, tổ chức Sida và các nước phương Tây cứu trợ cho nhân dân Campodia trong giai đoạn chiến tranh 1979. Nguồn hàng cứu trợ này không được phát cho nhân dân mà rò rỉ ra ngoài, tuồn sang Việt Nam theo nhiều đường bằng những bành, những kiện. Quần áo bành còn có tên gọi khác là quần áo Sida cũng vì lẽ này.
Đến những năm 1990, quần áo bành từ các kho cứu trợ Campodia cạn kiệt nhưng nghề buôn đồ bành ở Việt Nam chính thức ra đời, nguồn hàng bị lỗi ở các khu công nghiệp Việt Nam đóng vai trò thay thế quần áo Sida trên thị trường. Và đây cũng là giai đoạn sự phân cực giàu nghèo thêm rõ nét, lao động nghèo thì quanh năm suốt tháng mặc quần áo bành, người giàu có thì mặc đồ hiệu mua từ các shop. Có khi giữa hai giới giàu và nghèo cùng mặc chung một mẫu áo, cùng một hãng nhưng lại có giá chênh lệch nhau rất xa.
Nếu người giàu mua chiếc áo có thương hiệu với giá vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng trong các shop thời trang thì chiếc áo bành của người lao động cùng chủng loại nhưng đã bị loại bỏ do may lỗi chỉ tốn có vài chục ngàn đồng là đã có để mặc. Và người nghèo thì ít ai để ý đến đường kim múi chỉ có mấy, miễn sao nó lành lặn, mặc vừa người và cũng có cái hiệu trên áo là quá đủ. Nhưng về sau này, để giữ uy tín và đẳng cấp cho giới nhà giàu, các hãng may tên tuổi dứt khoát hủy tất cả hàng bị lỗi nhằm đảm bảo đẳng cấp cho người sở hữu thời trang của họ, làm như thế có thể nâng giá thành sản phẩm lên một chút mà vẫn bán chạy vì khách hàng giàu có hài lòng.
Và sự phân cực giàu nghèo cũng dễ nhận biết hơn bao giờ hết, nhất là trong mùa Đông này, áo quần có đằng cấp ở các shop thời trang vẫn bán chạy bình thường, lượng hàng tiêu thụ hầu như không suy giảm nhưng áo quần bành bán không chạy. Chị Ly nói rằng hiện tại, những người nhà giàu, cán bộ, quan chức nhà nước vẫn mua sắm mạnh tay, chỉ có dân lao động là co cụm, không dám mua sắm vì tình hình chung quá bi đát.
Một mùa Đông lạnh
Một người bán áo quần bành khác ở chợ Tây Sơn, Bình Định, yêu cầu giấu tên, đưa ra nhận xét: “Tình hình mua bán dạo này ế lắm! Người ta bây giờ ít mặc đồ Sida, người ta không mặc đồ Sida không phải đời sống khá hơn mà năm nay sự phân hóa giàu nghèo nó quá rõ. Người có tiền thì họ mua đồ ở siêu thị hay shop thời trang. Còn như em với những người lao động nghèo thì lụt lội liên miên, tiền ăn không có lấy đâu ra tiền mua quần áo. Theo em biết thì có những nơi người dân mất trắng bởi vì sau đợt lũ vừa rồi, hoa màu người ta chuẩn bị đón Tết thì đã bị cuốn đi sạch, Tết năm nay không biết họ sẽ xoay trở như thế nào! Em thấy trên tivi cũng nói là vừa rồi, nhiều doanh nghiệp thua lỗ trên hai ba chục tỉ vì lũ lụt. Nói chung tình hình kinh tế năm nay ở Bình Định là bi đát. Chắc chắn người dân sẽ đón một cái Tết thiếu hụt và lạnh lẽo.”
Anh này nói thêm rằng với thâm niên hơn mười năm bán áo quần bành, anh thừa biết là ít có chiếc áo hay chiếc quần bành nào có thể đủ bền để mặc trong điều kiện lao động chân tay được một năm. Chính vì thế, vào mùa mưa, khi công việc lao động nhàn rỗi, người nông dân thường tranh thủ đi sắm chiếc áo, chiếc quần kaki để mặc cho năm sau và cũng là để đón Tết.
Nhưng năm nay có vẻ như bà con nông dân quyết định mặc lì bộ đồ cũ. Ngay cả thời tiết lạnh cắt da cắt thịt như hiện tại, áo ấm bán vẫn không chạy. Như vậy, người ta sẽ mặc lại áo ấm cũ của những năm trước. Với thanh niên và trung niên thì không sao, nhưng với người già và trẻ em thì lại khác. Vì nếu như người già mặc không đủ ấm sẽ nguy hiểm đến sức khỏe, hơn nữa với điều kiện dinh dưỡng nhà nghèo, không đủ năng lượng để chống chọi với cái lạnh sẽ có nguy cơ chết cóng. Còn với trẻ em ngày càng lớn ra, mặc lại chiếc áo ấm cũ chật ních, giấu đầu lòi đuôi như vậy cũng chẳng mấy đảm bảo cho sức khỏe.
Người đàn ông này mỉa mai nói rằng đừng nghĩ kinh tế Việt Nam tụt dốc, nó hoàn toàn không bị xuống dốc, nó vẫn đang đi ngang, lượng tiền cho cung và cầu trên thị trường không hề giảm, nó chỉ chuyển từ khu vực này đến khu vực khác mà thôi, anh khẳng định thêm rằng với kiến thức của một người từng tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị kinh doanh loại khá, sau đó thất nghiệp và đi bán đồ bành, anh dễ dàng nhận ra điều anh vừa nêu.
Ví dụ như lượng tiền dành cho cung và cầu trong một khu vực huyện Hoài Nhơn chẳng hạn, năm ngoái là một ngàn tỉ đồng, thì năm nay vẫn là một ngàn tỉ đồng, thậm chí có nhích lên chút đỉnh. Nhưng nếu như năm ngoái, một ngàn tỉ đó được phân ra ở các giới giàu, nghèo. Thì năm nay, nó nằm gọn trong tay giới giàu có và quyền lực, sức tiêu thụ của người nghèo teo tóp, thoi thóp thấy rõ.
Kinh tế Việt Nam hiện tại giống y con rắn đói nuốt con chuột. Chỗ có con chuột phình to ra chính là khu vực mua bán của nhà giàu, quan chức. Còn hầu hết phần cơ thể ốm o của con rắn là sức mua bán của dân nghèo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét