4/3/14

Tôi muốn thấy một Giáo hội bị bầm dập, tổn thương và dơ bẩn

Tác giả : Minh Thạnh

“Tôi muốn thấy một Giáo hội 
bị bầm dập, tổn thương và dơ bẩn"  
Minh Thạnh

Quan liêu hóa là quá trình người khất sĩ trở thành ông quan tu sĩ nhiều quyền lực, lần lần tách biệt với tín đồ và đồng đạo, có thể dễ dàng lạm quyền. Điều đó, tất nhiên gây tai hại cho đạo Phật.
Tựa đề của bài viết này là một phần trích từ lời của Giáo hoàng Phanxicô viết trong “Tông huấn Niềm vui của tin mừng”, văn bản được coi là cương lĩnh của triều đại giáo hoàng mới.
Câu trích dẫn là một trong số những câu được giới tôn giáo chú ý nhiều nhất. Toàn văn câu trích như sau: “Tôi muốn thấy một Giáo hội bị bầm dập, tổn thương và dơ bẩn vì sống lê la trên các đường phố, chứng không phải là một Giáo hội “xanh xao vàng vọt” vì sống đóng khung và bám víu vào chu vi hàng rào an ninh của riêng nó” (Trích theo Trần Mạnh Trác: “Bản cương lĩnh của triều đại Giáo hoàng Phanxicô, nguyệt san “Công giáo và Dân tộc số 228, tháng 12/2013).
Đó là một cách diễn đạt mạnh mẽ và hình tượng về nguy cơ quan liêu, xơ cứng của Giáo hội đạo Ca tô La Mã, điều mà Giáo hoàng tân nhiệm đang coi là mục tiêu hàng đầu phải giải quyết. Trong các bản văn của giáo hoàng cũng như các lời phát biểu của ông, việc người tu sĩ Ca tô La Mã quan liêu, xơ cứng không phải chỉ là một nguy cơ, mà đã là một tệ nạn phải giải quyết; không phải là một mối đe dọa, mà đã là một vấn đề phải đối phó.
Người tu sĩ đạo Ca tô La Mã đang quan liêu hóa như thế, còn người tu sĩ Phật giáo thì sao? Có vấn đề như thế chăng? Nếu có thì đến mức nào và giải quyết ra sao?
Khác với đạo Ca tô La Mã tổ chức thành một giáo triều, một kiểu triều đình, có “giáo hoàng” có “giáo dân” thì phải có “giáo quan”, thì đạo Phật khởi nguyên tổ chức người tu sĩ thành đoàn thể những người ăn xin. Xem thế, thì có vẻ môi trường của đạo Phật ít làm quan liêu hóa người tu sĩ, so với triều đình của đạo Ca tô La Mã.
Nhưng thực ra, qua diễn biến lịch sử, thực tế ngày nay cho thấy người tu sĩ Phật giáo cũng lâm vào trình trạng quan liêu hóa, và Phật giáo cũng cần một giáo hội “bầm dập, tổn thương và dơ bẩn”, theo cách nói của Giáo hoàng Phanxicô.
Không những tại Việt Nam, mà ở nhiều nơi trên thế giới, người tu sĩ Phật giáo đã chuyển từ vị trí một người ăn mày, một khất sĩ, lên vị trí một tăng lữ, thầy Bà La Môn, chuyên lo việc tế tự. Người tu sĩ Phật giáo đã dần dần đánh mất qua thời gian vị trí và tư duy người ăn xin, mà thay vào đó vị trí và tư duy của một tầng lớp bên trên. Ở Việt Nam, thời gian gần đây, quá trình này bộc lộ rõ. Tuy không hẳn là quan tâm linh, nhưng cũng thành một kiểu dịch vụ bậc cao. Đây là một biểu hiện của tiến trình quan liêu hóa.
Tuy không thành một triều đình toàn cầu như đạo Ca tô La Mã, nhưng xu hướng triều đình hóa vẫn có với những từ như vua sãi, tăng vương, pháp vương… Có vương, có vua ở trên thì ắt sẽ có quan ở cấp trung gian.
Nhưng dù không thành một bộ máy triều đình, “xanh xao vàng vọt” vì sống đóng khung và bám víu vào chu vi hàng rào an ninh của riêng nó”, môi trường Phật giáo lại có những yếu tố khác thúc đẩy tiến trình quan lại hóa người tu sĩ.
Trước hết, việc trụ trì thường biến ngôi chùa thành một nhiệm sở suốt đời trong thực tế, dù về lý thuyết việc bổ nhiệm trụ trì có thể có thời hạn. Trong khi đó, người linh mục, giám mục đạo Ca tô La Mã phải luân chuyển bổ nhiệm ở các giáo xứ, giáo phận, rồi cũng về hưu khi đến tuổi. Trong Phật giáo, môi trường trụ trì cố định đã làm cho người tu sĩ dễ quan liêu hóa hơn và điều này tỷ lệ thuận với thời gian trụ trì ở một ngôi chùa.
Nếu ở trên chúng ta xét không gian trụ trì, thì tiếp đây sẽ xét thời gian trụ trì. Người tu sĩ Phật giáo trụ trì là một người tại nhiệm suốt đời, cho đến khi từ trần. Trong thực tế thời gian qua, thì tại nhiệm suốt đời không phải chỉ là đối với công việc trụ trì, mà ở nhiều vị, còn là chức vụ giáo hội. Khi đã trụ trì thì hầu như là trụ trì vĩnh viễn. Hơn thế, khi được suy cử một chức vụ giáo hội, thì gần như cũng là suy cử vĩnh viễn, cá biệt mới có sự thay đổi. Nhiệm sở và niên nhiệm suốt đời đó là môi trường quan liêu hóa người tu sĩ.
Yếu tố tính chất toàn quyền của công việc trụ trì cũng góp phần vào môi trường quan liêu hóa người tu sĩ Phật giáo. Đối với linh mục đạo Ca tô La Mã, bên cạnh còn có hội đồng mục vụ giáo xứ. Họ có quy chế kiểm soát chức sắc từ tín đồ, từ người tín đồ. Sự kiểm soát đó có thể chặt chẽ, có thể lỏng lẻo tùy địa bàn nhưng là có. Còn phía Phật giáo, trừ những trường hợp riêng, phần lớn không có cơ chế kiểm soát từ tín đồ. Vì vậy, xem ra, người tu sĩ trụ trì chùa Phật giáo có quyền hạn rất lớn. Chính quyền hạn ít được kiểm soát này sẽ trở thành tác nhân quan liêu hóa.
Quan liêu hóa là quá trình người khất sĩ trở thành ông quan tu sĩ nhiều quyền lực, lần lần tách biệt với tín đồ và đồng đạo, có thể dễ dàng lạm quyền. Điều đó, tất nhiên gây tai hại cho đạo Phật. Mà không chỉ riêng cho đạo Phật, khi người tu sĩ quan liêu hóa thì cả tôn giáo đều diễn tiến theo kiểu “xanh xao vàng vọt” mà giáo hoàng Phanxicô đã nói.
Cụm từ “xanh xao vàng vọt” của giáo hoàng đạo Ca tô La Mã là rất chính xác và gợi hình, không chỉ cho đối với đạo Ca tô La Mã. Trong Phật giáo, sự “xanh xao vàng vọt” thể hiện rõ ở những vị lãnh đạo già nua, chân đứng không vững, bước từng bước phải có người dìu đỡ, nhưng vẫn nắm lấy quyền lực, tổ chức chỉ huy công việc.
Tình trạng như thế cũng có, nhưng ít thấy hơn nhiều ở đạo Ca tô La Mã. Ấy vậy mà họ đã cảnh báo tình trạng xanh xao vàng vọt.
Còn tình trạng những phiên họp với chiếc ghế bỏ trống, có bảng tên nhưng không có người, nhưng vẫn để ghế, coi như vẫn có. Quyền lực của chiếc ghế trống như thế còn đáng sợ hơn nhiều so với quyền lực của những vị đã phải dìu đỡ không khác gì bệnh nhân trong bệnh viện. Quyền lực của chiếc ghế trống dường như chỉ có ở Phật giáo, một kiểu siêu quyền lực suốt đời, và cũng là một kiểu siêu “xanh xao vàng vọt” tôn giáo!
Giáo hoàng Phanxicô “muốn thấy một giáo hội bị bầm dập, tổn thương và dơ bẩn vì sống lê la trên các đường phố” chính là ông muốn thấy một giáo hội khỏe, trẻ và cật lực hoạt động. Ngoài vấn đề quan liêu hóa còn có vấn đề này. Một giáo hội già nua, bô lão thì lấy đâu ra sức để “bầm dập, tổn thương và dơ bẩn”, để “lê la trên các đường phố”. Do vậy, ngoài môi trường quan liêu hóa còn có vấn đề sức khỏe và tuổi tác. Khi không có sức khỏe, không còn trong tuổi làm việc nữa, nhưng vẫn tại vị, là góp thêm yếu tố vào quá trình quan liêu hóa.
Nhiệm sở suốt đời, chức vụ suốt đời, quyền hạn suốt đời, nếu không quan liêu hóa thì mới là chuyện lạ.
Điều cuối cùng mà giáo hoàng Phanxico lo lắng và đặt vấn đề chính là sự phát triển của tôn giáo mà ông lãnh đạo. Đặt lại vấn đề ở đây từ vị trí Phật giáo cũng chính là vì mục tiêu đó. Đạo Ca tô La Mã như thế, mà còn còn cảnh báo “xanh xao vàng vọt” thì đối với Phật giáo Việt Nam chúng ta, với những đặc điểm đã phân tích ở trên, thì còn “xanh xao vàng vọt” đến mức độ nào?
Có những điều hầu như khó có thể điều chỉnh được như đặc điểm, tính chất của công việc trụ trì. Nhưng cũng có những điều đang điều chỉnh như tương quan chức vụ và tuổi tác. Khi nào những nhà lãnh đạo Phật giáo thôi không còn cảnh dìu đi như người bệnh trước ống kính camera truyền hình, ống kính máy ảnh và trước những con mắt quan sát thực tế của tăng ni Phật tử, thì lúc đó, Phật giáo Việt Nam chỉ mới chớm thoát ra khỏi cảnh “xanh xao vàng vọt”.
Chứ còn bây giờ, khi tôn giáo khác phấn đấu giải quyết chuyện “xanh xao vàng vọt” còn Phật giáo lại tự mãn trong cảnh siêu “xanh xao vàng vọt” thì quả thật đến bao giờ, Phật giáo mới có được một giáo hội theo kiểu “bầm dập, tổn thương và dơ bẩn vì sống lê la trên các đường phố”, mà có thể là “xanh xao vàng vọt” vô hạn định.
Mà “xanh xao vàng vọt” không phải là chuyện có thể có mãi mãi, mà đó là tình trạng báo trước cái chết. Vì vậy, nên hết sức thận trọng khi đã có cảnh báo “xanh xao vàng vọt”!

Minh Thạnh
(Phật Tử Việt Nam)



Đạo Quang 02/03/2014 23:09:34
Đạo Phật nguyên thủy không có chế độ trụ trì, mà tất cả mọi sinh hoạt đều do Tăng đoàn quyết định ngang qua yết ma. Khi Phật giáo truyền qua các xứ khác, thì theo chế độ chính trị bản xứ mà Phật giáo cũng ứng dụng theo, nhất là Phật giáo Trung Hoa. Còn về giáo quyền thì ban đầu đức Phật đã phủ nhận: “Đạo ta chỉ có giới học – Định học và Tuệ học. Tăng già thực hành Giới _ Định – Tuệ để hướng đến cứu cánh là giải thoát, giác ngộ. Ta không chấp nhận giáo quyền. Nếu ta chấp nhận giáo quyền thì tương lai bọn ma vương sẽ sử dụng giáo quyền để hủy diệt đạo ta.”. Tôi tán thành ý kiến của bạn Minh Thạnh, là một số Tỳ kheo ngày này đã biến thành “quan Phật giáo” không ngoài quyết định tối hậu của sợi chỉ đỏ???

Nguyễn Xuân Giang 03/03/2014 14:15:42
Đạo Phật khác với những tổ chức khác. Người được đề cử trụ trì thường có nhiều công hạnh, nếu vị nào trước có công hạnh sau mất thì tự nhiên Phật tử sẽ không đến ngôi chùa đó. Phật giáo dựa trên "nhân quả", ai đi tu và nhất là trụ trì cũng sẽ hiểu rõ vấn đề này. Nếu làm theo nhiệm kỳ, không tránh khỏi theo kiểu "tư duy dành dụm". Ví dụ thầy A lên nắm trụ trì, chỉ có 5 năm sau đó phải thầy B hay C gì đó lên nắm, thiết nghĩ sẽ xảy ra tình trạng quý thầy lần lượt dành dụm cất túi riêng mà không lo xây dựng sửa chữa.

thienminh minh 03/03/2014 15:31:58
Trụ trì ko phải là chức vụ .chức sắc mới là chức vị. trụ trì là sản phẩm của thiết chế xã hoi định hình. ví dụ : vợ chồng cưới nhau thì sinh con bình thường. ngươi muốn xuất gia thì phải tìm phương trượng , trụ trì để cầu đạo. đây là thiển ý cá nhân. chư vi thiên huu tri thuc tiep tuc nào. đê tài bac minh thanh rất hót.

Người Ăn Mày Thế Kỷ 03/03/2014 17:23:11
Bài viết và bài bình của Đạo Quang quá hay. Vâng, Đạo Phật trong thời kỳ MẠT PHÁP nầy nếu không có cuộc CHẤN HƯNG - PHỤC HƯNG sớm thì sẽ biến thành ĐẠO TRẬT do làm quan trong chiếc ÁO mượn ĐẠO TẠO TIỀN "Đời" của một số Đạo Sĩ TRÁ HÌNH trong hàng TĂNG SĨ.
Kinh Đại Bát Niết Bàn đức Thế Tôn dạy: Ai thấy Xá Lợi của Ta là thấy Kim thân, thấy kim thân Phật là thấy PHÁP, thấy PHÁP là thấy TĂNG, thấy Tăng là thấy NIẾT BÀN. Niết Bàn là thanh tịnh VÔ TRỤ "Vô Trượt". Thế mà ngày nay vì TRỤ TRÌ THÙNG PHƯỚC SƯƠNG mà các Đạo Sĩ BÁM vào đó, BUỘC vào và TRÓI vào các chức vụ và một số tín đồ nhận làm quyến thuộc Thầy - Trò để nương tựa nhau như một gia đình không khác.

chánhkhai 19 hours 57 minutes ago
THẬT TÌNH TÔI CHỈ MONG GIÁO HỘI PG VIỆT NAM PHẢI ĐỔI MỚI CÁC VỊ LÃNH ĐẠO TẠO VỊ NGÀY CÀNG TRẺ TUỔI NHƯ PG BÌNH DƯƠNG,LONG AN...THAY ĐỔI RÕ RỆT HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ.HY VỌNG ANH MINH THẠNH NGÀY CÀNG CÓ NHIỀU BÀI VIẾT VỀ HOẠT ĐỘNG VESAK SẮP TỚI CỦA PG TP HỒ CHÍ MINH

MINH CHANH 19 hours 3 minutes ago
Sao các vị không thấy rằng: "Kính lão đắc thọ" nhân quả đấy các bạn ah! Ta cũng se già nua, cũng sẽ có người đá gậy ta thôi..... bởi vì mình đã từng đá gậy những người đi trước...???

Tổ chức đầu tiên của Phật Giáo

Trong thời đức Phật Thích Ca còn tại thế thì các tu sĩ Phật giáo được tập hợp trong tổ chức được gọi là Tăng đoàn, trực tiếp chịu sự hướng dẫn của Thích Ca về giáo lý và phương cách tu tập. Tăng đoàn là tổ chức thống nhất, bình đẳng giữa mọi thành viên không phân biệt giới tính, tuổi tác, địa vị xã hội và có mục tiêu tối cao là đem lại giác ngộ cho mọi thành viên. Nhờ vào tổ chức có tính bình đẳng và qui củ nên Tăng đoàn tránh được nhiều chia rẽ.
Kỷ luật của giáo hội dựa trên nguyên tắc tự giác. Trong các kì họp, giới luật được nêu lên, sau đó thành viên tự xét và nhận vi phạm nếu có. Những điều lệ chính được đề cập là nhẫn nhục, hành thiện tránh ác, tự chủ và kiềm chế trong ăn nói và tinh tấn.
Ngoài những người xuất gia, Phật còn có rất nhiều đệ tử tại gia (hay cư sĩ). Giới cư sĩ cũng được Phật thuyết giảng và ngược lại tham gia ủng hộ tăng đoàn về nhiều mặt.
Sau khi Phật nhập niết bàn thì Tôn giả Ma-ha-ca-diếp (Maha Kassapa) thay phần lãnh đạo giáo hội. Giáo hội giữ nguyên các hoạt động truyền thống của mình cho đến kì kết tập kinh điển lần thứ hai.
(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Không có nhận xét nào: