ÐÔI ÐIỀU CẦN BIẾT KHI DÙNG TAM THẤT
Tác giả : DS. TRẦN XUÂN THUYẾT
Tam thất còn có tên kim bất hoán, có nghĩa là vị thuốc rất quý, vàng không đổi được. Người xưa đã ghi lại vị thuốc này có tác dụng quý, chữa khỏi được nhiều bệnh. Y học hiện đại cũng đã chứng minh những dược tính giá trị của tam thất, trong đó có công sức đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam.
TÊN KHOA HỌC
Tên khác: Ðiền tam thất, xuyên tam thất, sâm tam thất, kim bất hoán.
Tên khoa học: Panax noto ginseng (Burk) F.H. Chen.
Panax pseudo ginseng Wall (Dược điển VN tập II/ 1991), họ nhân sâm (Araliaceae).
Ý nghĩa về tên: Tam thất: Tam là 3, thất là 7 để chỉ:
- Số lá chét: Năm đầu mỗi lá có 3 lá chét, những năm sau có 7 lá chét.
- Chế độ ánh sáng trong chu kỳ sinh trưởng: 3 phần nắng, 7 phần râm.
- Chu kỳ sản xuất:
+ Từ gieo hạt đến ra hoa 3 năm.
+ Từ gieo hạt đến thu hoạch 7 năm.
- Công sản xuất: 3 năm trồng trọt, 7 năm chăm sóc.
ÐẶC ÐIỂM THỰC VẬT
Tam thất là một loài cỏ sống lâu năm. Lá mọc vòng, mỗi lá có 1 cuống dài 3-7cm. Mỗi cuống có từ 3-7 lá chét. Lá chét hình mác, mép có răng cưa nhỏ. Cụm hoa hình tán mọc ở đầu cành (mỗi cụm có từ 150-400 nụ). Từ năm thứ 2 trở đi bắt đầu có hoa. Mỗi hoa có 5 cánh màu xanh nhạt. Quả mọng, khi non màu xanh, khi chín màu đỏ, trong có 2 hạt hình bầu dục dài 5-7mm, đường kính 4-6mm, màu vàng sáng.
ÐỊA LÝ PHÂN BỐ
Trên thế giới, tam thất chỉ thấy ở Trung Quốc, mọc hoang và được trồng từ lâu đời tại các miền ôn đới có độ cao trên 1.200m (so với mặt biển), như các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tây, Quảng Tây và Vân Nam. Trong đó Vân Nam là vùng trồng tam thất lớn nhất và có chất lượng cao nhất. Vào thập kỷ 90 (thế kỷ XX) đã thành lập Sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật Tam thất ở châu Văn Sơn, nghiên cứu trồng "Tam thất sạch" theo tiêu chuẩn GAP (Good Agriculture Practice) cho sản phẩm có tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn của Dược điển Trung Quốc.
Ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ XIX, tam thất được di thực từ Trung Quốc sang trồng ở một số tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, như Hà Giang có 4 huyện trồng tam thất, nhiều nhất là Ðồng Văn, thị trấn Phí Bảng, xã Xà Phìn, Phố Cáo, Sủng Là, Lũng Thất, Lũng Cáo, Tù Lùng. Lào Cai có 3 huyện trồng tam thất là Mường Khương, Bát Xát, Phà Lùng. Cao Bằng cũng có nhiều nơi trồng tam thất.
BỘ PHẬN DÙNG LÀM THUỐC
Các loại thương phẩm chính (có tiêu chuẩn):
Rễ: Có rễ chính và rễ nhánh. Thu hoạch khi cây trồng được 5-7 tuổi (Gọi là "đầu", không gọi là "củ").
Hoa: Thu hoạch ở cây trồng 2-3 tuổi trở đi.
Thân lá: Thu hoạch hàng năm vào đầu mùa đông, khi cây bắt đầu tàn lụi hoặc khi đào củ.
Loại không tiêu chuẩn, có bán trên thị trường: Quả non phơi khô.
TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG
Theo Dược điển Việt Nam tập III/2002. Chỉ quy định: Thủy phần không quá 13%. Phần mô tả ghi: Rễ củ dài 1,5-4cm, đường kính 1,2-2cm.
Theo tiêu chuẩn tam thất sạch chất lượng cao Văn Sơn - Vân Nam (DB 53055.1-1999):
- Rễ chính dài 1-6cm, đường kính 1-4cm (đầu).
- Rễ nhánh gồm có: Nhánh con (cân điều) dài 1-6cm. Ðường kính đầu trên 0,8cm, đường kính đầu dưới 0,3cm. Nhánh phụ (mao căn) đường kính đoạn giữa dưới 0,4cm.
- Phân làm 3 loại: Loại 1: Xuân tam thất loại ưu; Loại 2: Xuân tam thất; Loại 3: Ðông tam thất.
- Có 12 quy cách: 20 đầu, 30 đầu, 40 đầu, 60 đầu, 80 đầu, 120 đầu, 160 đầu, 200 đầu (Là số củ/ 500g), vô số đầu, nhánh phụ, nhánh con, mao căn.
Chất lượng tam thất được quyết định bằng hàm lượng tổng saponin và hàm lượng saponin nhân sâm đơn thể (Rb1 và Rg1) - xem bảng 1.
Mặt khác còn qui định cụ thể: Dư lượng thuốc trừ sâu DDT và 666 (mg/kg). Kim loại nặng: Cu, Pb, Cd, Hg, As (mg/kg). Thủy phần 12-13%. Tổng tro: 5-6%.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
- Các saponin là chất tác dụng chính của tam thất. Hàm lượng saponin quyết định phẩm cấp của tam thất. Loại thấp nhất là 2,5% và cao nhất là 9,5% trong rễ củ, 12% trong nụ hoa. Trong đó có saponin nhân sâm (Gensenosid) và saponin tam thất (Notoginsenosid).
- Dencichin 0,9% là chất có tác dụng cầm máu.
- Các acid hữu cơ: Octanoic, Nonanoic, Palmitic, Acetic v.v...
- Các Flavonoid.
- Các acid amin: Aspartic, Glutamic, Lysin, Acetic...
- Tinh dầu: tạo mùi thơm đặc trưng của tam thất.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
- Ðộc tính: Tam thất không độc. Thả cá vàng vào dung dịch 1/1.000 đến 1/500 sau 24 giờ không thấy hiện tượng trúng độc.
- Noto ginsenosid có tác dụng bảo vệ tim chống lại những tác nhân gây loạn nhịp. Giãn mạch, ngăn ngừa vữa xơ động mạch. Tăng khả năng chịu đựng của cơ thể khi bị thiếu oxy (tránh choáng khi mất nhiều máu). Ức chế khả năng thẩm thấu của mao mạch. Hạn chế các tổn thương ở vỏ não do thiếu máu gây ra.
- Tác dụng cầm máu: rút ngắn thời gian máu chảy, máu đông, chống lại các chất làm giảm prothrombin trong máu (liều cao kém tác dụng so với liều thấp).
- Tác dụng tiêu máu: Cù Nhẫn Nại và cộng sự đã sử dụng chế phẩm tam thất cho 304 bệnh nhân chảy máu trong mắt. Nhận thấy: Tam thất có tác dụng tiêu máu rõ và nhanh với các trường hợp chảy máu do chấn thương. Các trường hợp khác có tác dụng nhưng kém.
- Tác dụng kích thích miễn dịch không đặc hiệu. Ðặng Hanh Phức và cộng sự đã chứng minh khả năng kích thích miễn dịch không đặc hiệu của một số cây thuốc họ Nhân sâm (Araliaceae) Nhận thấy: Ðinh lăng, tam thất thể hiện tác dụng kích thích mạnh miễn dịch không đặc hiệu. Ðó là cơ sở khoa học chứng minh tác dụng của tam thất trong những bài thuốc của y học cổ truyền chữa ung thư các loại và các bệnh suy giảm miễn dịch do virus, vi khuẩn.
- Tác dụng với thần kinh: Dịch chiết rễ tam thất có tác dụng gây hưng phấn thần kinh. Nhưng dịch chất chiết lá tam thất lại có tác dụng ngược lại: Kéo dài tác dụng của thuốc an thần.
- Tác dụng giảm đau: Dịch chiết của rễ, thân lá, tam thất đều có tác dụng giảm đau rõ rệt.
- Tác dụng hướng sinh dục trên súc vật cái: Ðoàn Thị Nhu và cộng sự đã chứng minh: Rễ củ tam thất có tác dụng gây động dục rõ rệt trên chuột nhắt cái thiến. Tỷ lệ súc vật có động dục tăng khi tăng liều tam thất. Rễ con và lá tam thất cũng có tác dụng nhưng yếu hơn (Tuy nhiên liều dùng 5g rễ tam thất/kg cho súc vật thí nghiệm không thể áp dụng được cho người).
CHẤT LƯỢNG TAM THẤT TRÊN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
Ngày 17/12/2001, Cục Quản lý Dược Việt Nam có Công văn số 7399/QLD-HN thông báo tình hình tam thất kém chất lượng của một số công ty kinh doanh Trung Quốc (có dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc kích thích cao - bắn găm đạn chì, đạn gang vào ruột củ để tăng trọng lượng). Không bán được ở thị trường thế giới nên tìm cách nhập vào Việt Nam. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc phải cảnh giác và kiểm tra chặt chẽ chất lượng tam thất trước khi nhập khẩu - sản xuất.
Thực ra từ năm 2000, trên thị trường Ðông dược, tam thất Trung Quốc đã tràn sang ta theo đường tiểu ngạch với giá rất rẻ (15.000 đồng/100g loại I), làm cho người trồng tam thất ở Việt Nam điêu đứng. Còn người tiêu dùng không biết thứ nào tốt, thứ nào xấu để chọn lựa.
CÔNG DỤNG - CÁCH DÙNG - LIỀU DÙNG
Theo Ðông y, tam thất vị ngọt hơi đắng, tính ôn; Vào các kinh, can, thận, có tác dụng hóa ứ, cầm máu, tiêu sưng, giảm đau. Tam thất được xếp vào các loại thuốc lý khí, nhóm cầm máu, song tác dụng hóa ứ của tam thất mới là cơ bản.
Hóa ứ, cầm máu, tiêu sưng: Chữa các trường hợp chảy máu do chấn thương (kể cả nội tạng). Bên cạnh tác dụng cầm máu, giảm phù nề còn có tác dụng tiêu máu ứ (do phẫu thuật, đụng dập gây bầm tím phần mềm). Tam thất đóng vai trò chủ công còn các vị thuốc khác là phụ trợ. Dạng thuốc dùng chủ yếu là thuốc bột, liều dùng thấp, từ 1-3g tam thất/ngày để cầm máu trước và 4-6g/ngày để tiêu máu ứ sau khi đã cầm máu chắc chắn. Riêng với trường hợp phụ nữ sau sinh, dùng tam thất 5g/ngày hầm với gà ác (gà chân đen) vừa có tác dụng cầm máu, tiêu máu ứ và bồi bổ cơ thể.
Hóa ứ giảm đau: Ứ, đau là nguyên nhân và triệu chứng của các bệnh tim mạch như: Thiểu năng tuần hoàn não, nhũn não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, vữa xơ động mạch v.v... và các bệnh ung thư. Những bài thuốc chữa hoặc hỗ trợ điều trị ung thư thường phối hợp với nhiều vị thuốc khác, tùy từng loại ung thư và từng thời kỳ mà gia giảm. Vai trò của tam thất ở đây là: giảm đau, tăng sức đề kháng của cơ thể, giảm tác hại của tia xạ khi kết hợp xạ trị, giảm tác hại của hóa trị với gan và thận, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, cầm máu trong trường hợp có chảy máu.
Hóa ứ tiêu nhọt: Tam thất có tác dụng tiêu nhọt, giảm đau trong các trường hợp ung nhọt sưng đau, loét và chữa rắn độc cắn. Vừa dùng trong (uống bột tam thất từ 1-1,5g) vừa bôi ngoài (mài tam thất với dấm để bôi không kể liều lượng).
KIÊNG KỴ
- Người huyết hư không ứ, không dùng tam thất.
- Riêng trường hợp dùng tam thất để cầm máu, trong thời gian dùng thuốc không dùng tỏi, gừng và các chế phẩm có chứa tỏi, gừng (trừ thán khương).
MỘT SỐ BÀI THUỐC
- Hóa huyết đan: Bột tam thất 7g, bột hoa nhị thạch nung 25g (1), bột huyết dư thán 10g (2). Tất cả trộn đều. Liều dùng: Mỗi ngày uống 2 lần x 10g bột thuốc, chiêu với nước ấm. Công dụng cầm máu, giảm đau, chống phù nề. Chữa các trường hợp như: băng huyết (khi hành kinh hoặc sau khi sinh), chảy máu cam, ho ra máu, nôn ra máu, tiêu ra máu, tiểu ra máu, chảy máu dạ dày, chảy máu do chấn thương (kể cả trong mắt).
- Tam thất bột: Công dụng cầm máu, giảm đau, tiêu máu ứ, tiêu sưng.
Chữa thống kinh (đau bụng trước kỳ kinh), ngày uống 1 lần x 5g, chiêu với cháo loãng hoặc nước ấm.
Phòng và chữa đau thắt ngực: Ngày uống 1 lần 3-6g, chiêu với nước ấm.
Chữa thấp tim: Ngày uống 3 lần x 1g, mỗi lần cách nhau 6-8 giờ, chiêu với nước ấm. Liều dùng 30 ngày.
Chữa các vết bầm tím do ứ máu (kể cả ứ máu trong mắt): Ngày uống 3 lần, mỗi lần từ 2-3g. Cách nhau 6-8 giờ, chiêu với nước ấm.
- Tam thất - hồng sâm: Bột tam thất và bột hồng nhân sâm lượng bằng nhau trộn đều.
Chữa đau thắt lưng: ngày uống 2 lần x 2g thuốc bột, cách nhau 12 giờ, chiêu với nước ấm. Ngoài ra còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho người suy nhược thần kinh, phụ nữ sau sinh, người mới ốm dậy.
- Tam thất - hồng sâm - mạch đông: Gồm có bột tam thất 15g, bột hồng nhân sâm 30g, bột mạch môn đông 30g, trộn đều. Mỗi lần uống 3-6g thuốc bột tùy thể trọng - chữa đau thắt ngực thể khí âm hư kiêm ứ.
- Ðương quy xuyên khung thang: Chữa bạch cầu cấp và mạn tính. Ðương quy 15-30g, xuyên khung 15-30g, xích thược 15-20g, hồng hoa 8-10g, tam thất 6g, sắc uống.
- Ngưu hoàng tiêu thũng phương: Chữa ung thư vú. Ngưu hoàng 10g, tiên linh tỳ 60g, bột tam thất 60g, hà thủ ô đỏ 60g, hạ khô thảo 60g, ý dĩ nhân 60g, tử hoa địa đinh 60g, nga truật 60g, hoàng kỳ 30g, sơn từ cô 30g, hương duyên 30g, sao tam tiên 30g, nhũ hương chế 15g, một dược chế 15g, hải long 15g. Chế thuốc hoàn với nước. Liều dùng: ngày uống 2 lần x 3g thuốc hoàn cách nhau 10 giờ.
- Thiệt tiết linh thang: Chữa ung thư lưỡi. Uống 130 thang, khối u sẽ tiêu. Thang gồm 20 vị, trong đó tam thất 6g.
- Hóa ứ chỉ thống thang: Chữa xuất huyết não dưới màng nhện. Chứng ứ huyết nội trở. Trong đó có bột tam thất 6g uống với thuốc sắc.
- Thông lạc hóa ứ: Chữa nhũn não. Trong công thức có 40% là tam thất...
DƯỢC PHẨM CÓ TAM THẤT BÁN TRÊN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
- Bột tam thất lọ 50g và 100g do Công ty Dược phẩm Phúc Hưng, Hà Tây sản xuất.
- Bột tam thất sạch gói 250g do Công ty cổ phần TRAPHACO sản xuất.
- Trà tan tam thất túi 3g.
- Viên nén Nhân sâm - Tam thất, vỉ 12 viên do Công ty cổ phần TRAPHACO sản xuất.
- Viên Ðan sâm - Tam thất, vỉ 20 viên do Công ty cổ phần TRAPHACO sản xuất.
- Viên hoàn cứng CADEF. Hộp 10 gói x 5g viên hoàn cứng do Công ty cổ phần TRAPHACO sản xuất.
LỜI BÀN
1. Kiêng kỵ và quy kinh của tam thất:
- Dược điển Việt Nam tập III/2002 ghi: Tính vị quy kinh: Cam vi khổ, tính ôn vào các kinh can, vị. Kiêng kỵ: Người có thai kiêng dùng.
- Sổ tay các bài thuốc thường dùng trong lâm sàng của Ðại học Ðông y Hồ Nam, Trung Quốc (Bản dịch của Thư viện Y học TW - Hà Nội 1975) ghi: Vị ngọt hơi đắng, tính ôn vào các kinh can, thận. Kiêng kỵ: Người huyết hư không ứ, không dùng.
Chúng tôi suy xét: Tam thất là sản vật của Trung Quốc từ lâu đời. Tài liệu của Ðại học Ðông y Hồ Nam là tổng hợp kiến thức y học Trung Hoa, vì vậy sẽ chuẩn xác hơn tài liệu của Việt Nam về tam thất. Mặt khác lại thấy có bài thuốc dùng cho người có thai nhưng sinh hoạt tình dục quá độ ảnh hưởng đến thai nhi. Trong đó có vị tam thất.
- Tác dụng hướng sinh dục trên súc vật cái nếu vận dụng cho người, tính ra liều 1 lần uống cho người 50kg phải là 250g củ tam thất mới có tác dụng. Do đó liều thường dùng không thể có tác dụng này. Vì vậy viết kiêng dùng cho người có thai là chưa chuẩn xác.
2. Chất lượng của dược phẩm "Tam thất bột"
Trên nhãn thuốc không thấy ghi hàm lượng tổng saponin. Người dùng không biết tam thất bột được sản xuất từ loại nguyên liệu nào? Vì tam thất củ theo tiêu chuẩn của Viện nghiên cứu Văn Sơn, Vân Nam có 8 loại, 24 mức độ. Mức độ 24 là 2,5% saponin. Mức độ 1 là 9,5% saponin và chất lượng là "Tam thất sạch" hay "Tam thất chợ"? Những điều nêu trên làm cho người mua thuốc ngần ngại. Do đó nếu không thật cần cấp, nên mua tam thất củ rồi thuê xay bột cho "chắc ăn".
3. Nhu cầu về dược phẩm "hóa huyết đan"
Với tác dụng cầm máu, tiêu sưng, giảm đau, nếu bài "hóa huyết đan" được sản xuất thành dược phẩm bán tại các nhà thuốc sẽ rất thuận tiện và cứu được nhiều người bị chấn thương do tai nạn; Nhất là tai nạn giao thông ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng. Có thể sản xuất dạng thuốc bột đóng lọ nhỏ 60g thuốc bột (liều dùng trong 3 ngày). Mong các công ty sản xuất thuốc lưu tâm đến vấn đề này.