Những cuộc bố ráp trấn áp tội phạm ma túy ngày càng được tăng cường trong toàn khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tại Thái Lan. Thế nhưng, những kẻ mua bán ma túy tại vùng Tam giác vàng vẫn không hề lùi bước. Những cuộc truy bắt lớn gần đây cho thấy việc triệt phá tận gốc thuốc phiện trong vùng Tam giác vàng vẫn chỉ là một ước muốn, và những kẻ buôn bán thứ hàng chết người này ngày càng quỷ quyệt hơn. Kỳ 1: Vương quốc thuốc phiện Nằm trong một vùng núi khó bị chính quyền các nước kiểm soát, khu vực Tam giác vàng đã và đang là một thiên đường của ma túy. Đây là khu vực trồng cần sa lớn nhất thế giới trải dài dọc theo biên giới Myanmar, Thái Lan và Lào. Xứ sở của những người Wa do Bao Youxiang cai quản nằm ở ngay trung tâm của vùng và cũng là nơi có sức ảnh hưởng lớn nhất. Phần lớn diện tích Tam giác vàng nằm trong vùng núi có độ cao 1.000m rất phù hợp với việc trồng ma túy. Những cánh rừng bạt ngàn có rất ít tuyến đường giao thông và một vị trí đặc biệt khiến vùng nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ cả ba nước đã mang lại điều kiện lý tưởng cho việc trồng cần sa. Cần sa chiếm hơn một nửa diện tích đất trồng, thậm chí tại một số nơi tỷ lệ này lên tới 80%. Với chất lượng cao, phần lớn thuốc phiện sản xuất tại Tam giác vàng đều được chế biến tại chỗ thành bạch phiến. Bạch phiến của khu vực Đông Nam Á có nhãn hiệu hai con sư tử bao vây địa cầu, điều này cũng đồng nghĩa với hàng trắng chất lượng cao và được tiêu thụ trên toàn thế giới. Tờ Waitan Huabao của Trung Quốc cho biết cứ 10 kg nha phiến bán tại vùng sản xuất có giá từ 1.700 đến 2.000 euro (1 euro tương đương 20.000 đồng VN) và có thể tạo ra 1 kg bạch phiến với giá 3.000 euro ngay tại Tam giác vàng. Một khi hàng được tuồn sang Trung Quốc đến Vân Nam, giá bán có khi lên đến 4.000 hoặc 6.000 euro, còn tại Thượng Hải hoặc Bắc Kinh là 15.000 euro. Tại Hồng Kông giá bán lại còn khủng khiếp hơn, 500.000 đô la Hồng Kông (53.000 euro) và dao động trong khoảng 80.000 đến 150.000 USD (66.000 - 120.000 euro) tại Mỹ. Lợi nhuận cao ngất thu được qua những lần mua qua bán lại khiến nhiều người gia nhập hàng ngũ những kẻ buôn lậu ma túy có trang bị vũ khí. Trung Quốc chính là mục tiêu mới của những kẻ buôn lậu vì ở sát ngay Tam giác vàng. Theo báo cáo thường niên năm 2005 của Chương trình kiểm soát ma túy quốc tế của Liên hiệp quốc, trong năm 2003, Trung Quốc đứng hàng thứ ba trên thế giới sau Pakistan và Iran về các vụ thu giữ ma túy, đặc biệt là bạch phiến, với 9,6 tấn, chiếm 9% lượng ma túy bị thu giữ trên toàn cầu và 77% lượng ma túy bị thu giữ tại Tây Á và Đông Nam Á. Tại huyện Dehong thuộc tỉnh Vân Nam, 1.928 kẻ bị tình nghi người Trung Quốc và nước ngoài đã bị bắt trong 1.809 vụ buôn bán thuốc phiện trong 5 tháng đầu năm 2005, tăng 45% số vụ so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng 940 kg ma túy đã bị thu giữ. Huyện Dehong ở sát biên giới Tam giác vàng và người ta ước tính hằng năm có hơn 20 tấn ma túy các loại đã quá cảnh tại đây bằng con đường Mujie (Myanmar) - Ruili - Côn Minh. Đảo Hải Nam, Trung Quốc cũng trở thành một chặng quan trọng trên con đường buôn lậu ma túy. Cảnh sát Hải Nam thống kê có 291 vụ buôn lậu ma túy trong 6 tháng đầu năm 2005. Cuộc truy bắt thuốc phiện ngày 19.3 vừa qua, một trong những đợt truy quét vô tiền khoáng hậu tại Đông Nam Á, đã khẳng định điều mà cảnh sát Thái Lan vẫn thường cảnh báo với chính phủ nước này đó là với những băng đảng ngày càng tinh vi hơn, tổ chức quy củ hơn và táo tợn hơn, thì việc buôn bán ma túy có nguy cơ vẫn là một căn bệnh mãn tính trong toàn khu vực. Mafia Trung Quốc đã làm cảnh sát phải sửng sốt khi bạo gan vận chuyển 546 kg bạch phiến theo đường biển từ vùng Tam giác vàng (biên giới Myanmar, Thái Lan và Lào) sang Hồng Kông qua ngả Thái Lan. Nhưng kế hoạch của chúng đã bị lộ, cảnh sát đường biển của Thái Lan đã bắt gọn 5 tên ngay gần biên giới Campuchia. Để đánh được mẻ lưới này, cảnh sát đã mất hơn một năm theo dõi và cuối cùng biết chắc rằng bọn buôn bán ma túy đã mở lại một tuyến đường gần như bị bỏ quên từ 30 năm nay. Trong những năm 1970, Lo Hsing-han, một trong những tên trùm ma túy lớn nhất Đông Nam Á cùng những đối tác của hắn tại Hồng Kông và Bangkok đã giao cho các ngư dân Thái theo con đường này, vận chuyển nha phiến đến tận thuộc địa cũ của Anh, và tại đây nha phiến được lọc và tinh chế thành bạch phiến. Sau đó, Lo và những kẻ kế thừa "ngai vàng" của hắn, đặc biệt là Khun Sa, đã quyết định đưa các nhà hóa học đến hẳn vùng Tam giác vàng để sản xuất bạch phiến tại chỗ. Điều này cho phép giảm thiểu chi phí cũng như rủi ro vận chuyển chất trắng gấp 10 lần, bởi vì để có được 1 kg bạch phiến thì cần phải chế biến 10 kg nha phiến. Hiện nay, việc buôn lậu ma túy được đặt dưới sự thao túng của cái gọi là Quân đội thống nhất của "Quốc gia Wa" (UWSA) - nhóm cai quản một trong những vùng sản xuất chính của Myanmar - và hội tam hoàng 14K, đặt tại Hồng Kông - một tổ chức mafia có rất nhiều chân rết ở Bangkok và các nước khác trên thế giới. UWSA chế biến bạch phiến rồi xuất thẳng sang Trung Quốc ngay tại biên giới với Myanmar. Sau đó ma túy sẽ đi theo con đường quen thuộc từ 12 năm qua - đó là trung chuyển tại Vân Nam rồi rẽ ra làm hai ngả: một là Bắc Kinh, Thượng Hải; hai là Quảng Châu, Hồng Kông. Như vậy với UWSA, việc sản xuất và buôn lậu ma túy vẫn không ngừng được tiếp diễn tại Tam giác vàng.
Nhật An (Theo Courrier International) |
16/10/10
Tam giác vàng và đường dây ma túy xuyên quốc gia
Số phận của một nữ đao phủ Nga trong thế chiến thứ 2
Cuộc chạy trốn hơn 30 năm
Trong nhiều năm sau chiến tranh, Ủy ban an ninh nhà nước Liên xô tiếp tục thực hiện kế hoạch truy tìm Antonina Makarova với quyết tâm bắt ả phải đền tội. Trong quá trình truy tìm, KGB đã phát hiện và xác minh tới 250 phụ nữ có tên Antonina Makarova với độ tuổi phù hợp nhưng vẫn không tìm được nữ đao phủ mà họ cần bắt. Tuy nhiên, các nhân viên KGB vẫn không chịu bỏ cuộc vì họ tin rằng Antonina Makarova sẽ không thể biến mất mãi mãi. Một số nạn nhân may mắn sống sót sau các vụ hành quyết của Makarova nói rằng luôn thấy ả xuất hiện trong các cơn ác mộng của họ và tin tưởng ả vẫn còn sống.
Thật ra, Makarova may mắn trốn chạy an toàn trong bao nhiêu năm chỉ vì các nhân viên KGB đã không truy tìm ả theo đúng tên thực là Antonina Parfenovs mà lại truy tìm theo tên thầy giáo làng năm xưa đã đặt cho ả. Tuy nhiên, "lưới trời lồng lộng", năm 1976, Antonina đã tình cờ bị phát hiện ra dấu vết trong một vụ việc rất bình thường. Trong một lần khai báo thủ tục để làm thị thực đi nước ngoài, nội dung bản khai của một quan chức Moscow có tên Viktor Ginsburg về phần vợ, ông ta đã làm các nhân viên an ninh chú ý: người vợ Ginsburg trước khi kết hôn với ông có tên là Antonina Makarova. Tuy nhiên, bà này lại sinh ra trong một gia đình có họ Parfenovs! Kết quả thẩm tra ban đầu cho thấy: Antonina Makarova kết hôn với cựu chiến binh Viktor Ginsburg năm 1945 khi hai người gặp nhau tại một bệnh viện quân đội. Sau khi chiến tranh kết thúc, cặp vợ chồng cựu chiến binh này chuyển về Lepel (Belarus), quê hương của Ginsburg để sinh sống. Ở đây, họ đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với hai cô con gái và được kính trọng vì đây là những chiến binh đã cống hiến máu xương trong những năm chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Các nhân viên KGB đã hết sức thận trọng vì không muốn phạm phải sai lầm với những nhân vật đang được xã hội kính trọng như thế này nên đã bí mật bố trí những nạn nhân còn sống sót, một kẻ đã tham gia hành quyết các thường dân Nga cùng Makarova và một trong những tình nhân của ả trước đây đến Lepel để bí mật nhận diện. Kết quả cho thấy, tất cả những nhân chứng này đều khẳng định rằng Makarova Ginsburg chính là Antonina Makarova, nữ đao phủ tại Lokot trước đây. Đến lúc này, KGB đã chính thức bắt giữ Makarova Ginsburg vì tội giết người hàng loạt trước đây.
Đền tội
Ngay khi bị bắt, Makarova đã phản ứng quyết liệt như thể rằng đây là một sự nhầm lẫn của KGB. Người chồng Viktor Ginsburg còn dọa sẽ kiện lên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc vì cho rằng việc bắt giữ vợ ông là vi phạm nhân quyền. Thế nhưng, sau khi Makarova thú nhận tội ác của ả thì ông đã gần như sụp đổ hoàn toàn.
Trong trại giam, Makarova không hề viết một dòng thư nào cho chồng và các con gái. Điều khiến các điều tra viên ngạc nhiên là ả không hề cho rằng mình đã phạm một tội ác khủng khiếp khi sát hại chừng ấy thường dân Xô viết. Makarova đã khai báo chi tiết từng vụ hành hình với một thái độ rất thản nhiên. Và để bào chữa cho hành vi của mình, ả cho rằng bản thân phải thực hiện hàng trăm vụ hành hình như vậy theo lệnh quân đội Đức chỉ để cứu lấy tính mạng ả! Makarova đã được giải về Lokot để phục vụ điều tra, nơi trước đây ả đã có nợ máu với hơn một nghìn đồng bào của mình. Cuối cùng, Tòa án Tối cao Liên bang Xô viết đã tuyên án tử hình Makarova Ginsburg (tức Antonina Makarova) với hình thức xử bắn. Sau đó, mặc dù Makarova Ginsburg làm đơn xin tha tội chết nhưng đã bị Moscow bác bỏ. Ngày 11.8.1978, Makarova Ginsburg đã bị tử hình để đền tội cho những tội ác của ả, kết thúc cuộc đời của nữ đao phủ duy nhất trong lịch sử Thế chiến thứ 2 đồng thời là nữ tử tù đầu tiên bị thi hành án tại Liên Xô đến thời điểm bấy giờ.
Hoàng Lê
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)