16/10/10

Tam giác vàng và đường dây ma túy xuyên quốc gia

Tam giac vang va duong day ma tuy xuyen quoc gia
Trồng cần sa là hoạt động chính nuôi sống người dân "Quốc gia" Wa 
Những cuộc bố ráp trấn áp tội phạm ma túy ngày càng được tăng cường trong toàn khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tại Thái Lan. Thế nhưng, những kẻ mua bán ma túy tại vùng Tam giác vàng vẫn không hề lùi bước. Những cuộc truy bắt lớn gần đây cho thấy việc triệt phá tận gốc thuốc phiện trong vùng Tam giác vàng vẫn chỉ là một ước muốn, và những kẻ buôn bán thứ hàng chết người này ngày càng quỷ quyệt hơn.
Kỳ 1: Vương quốc thuốc phiện
Nằm trong một vùng núi khó bị chính quyền các nước kiểm soát, khu vực Tam giác vàng đã và đang là một thiên đường của ma túy.
Đây là khu vực trồng cần sa lớn nhất thế giới trải dài dọc theo biên giới Myanmar, Thái Lan và Lào. Xứ sở của những người Wa do Bao Youxiang cai quản nằm ở ngay trung tâm của vùng và cũng là nơi có sức ảnh hưởng lớn nhất. Phần lớn diện tích Tam giác vàng nằm trong vùng núi có độ cao 1.000m rất phù hợp với việc trồng ma túy. Những cánh rừng bạt ngàn có rất ít tuyến đường giao thông và một vị trí đặc biệt khiến vùng nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ cả ba nước đã mang lại điều kiện lý tưởng cho việc trồng cần sa. Cần sa chiếm hơn một nửa diện tích đất trồng, thậm chí tại một số nơi tỷ lệ này lên tới 80%.
Với chất lượng cao, phần lớn thuốc phiện sản xuất tại Tam giác vàng đều được chế biến tại chỗ thành bạch phiến. Bạch phiến của khu vực Đông Nam Á có nhãn hiệu hai con sư tử bao vây địa cầu, điều này cũng đồng nghĩa với hàng trắng chất lượng cao và được tiêu thụ trên toàn thế giới. Tờ Waitan Huabao của Trung Quốc cho biết cứ 10 kg nha phiến bán tại vùng sản xuất có giá từ 1.700 đến 2.000 euro (1 euro tương đương 20.000 đồng VN) và có thể tạo ra 1 kg bạch phiến với giá 3.000 euro ngay tại Tam giác vàng. Một khi hàng được tuồn sang Trung Quốc đến Vân Nam, giá bán có khi lên đến 4.000 hoặc 6.000 euro, còn tại Thượng Hải hoặc Bắc Kinh là 15.000 euro.
Tại Hồng Kông giá bán lại còn khủng khiếp hơn, 500.000 đô la Hồng Kông (53.000 euro) và dao động trong khoảng 80.000 đến 150.000 USD (66.000 - 120.000 euro) tại Mỹ. Lợi nhuận cao ngất thu được qua những lần mua qua bán lại khiến nhiều người gia nhập hàng ngũ những kẻ buôn lậu ma túy có trang bị vũ khí. Trung Quốc chính là mục tiêu mới của những kẻ buôn lậu vì ở sát ngay Tam giác vàng.
Theo báo cáo thường niên năm 2005 của Chương trình kiểm soát ma túy quốc tế của Liên hiệp quốc, trong năm 2003, Trung Quốc đứng hàng thứ ba trên thế giới sau Pakistan và Iran về các vụ thu giữ ma túy, đặc biệt là bạch phiến, với 9,6 tấn, chiếm 9% lượng ma túy bị thu giữ trên toàn cầu và 77% lượng ma túy bị thu giữ tại Tây Á và Đông Nam Á. Tại huyện Dehong thuộc tỉnh Vân Nam, 1.928 kẻ bị tình nghi người Trung Quốc và nước ngoài đã bị bắt trong 1.809 vụ buôn bán thuốc phiện trong 5 tháng đầu năm 2005, tăng 45% số vụ so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng 940 kg ma túy đã bị thu giữ. Huyện Dehong ở sát biên giới Tam giác vàng và người ta ước tính hằng năm có hơn 20 tấn ma túy các loại đã quá cảnh tại đây bằng con đường Mujie (Myanmar) - Ruili - Côn Minh. Đảo Hải Nam, Trung Quốc cũng trở thành một chặng quan trọng trên con đường buôn lậu ma túy. Cảnh sát Hải Nam thống kê có 291 vụ buôn lậu ma túy trong 6 tháng đầu năm 2005.
Cuộc truy bắt thuốc phiện ngày 19.3 vừa qua, một trong những đợt truy quét vô tiền khoáng hậu tại Đông Nam Á, đã khẳng định điều mà cảnh sát Thái Lan vẫn thường cảnh báo với chính phủ nước này đó là với những băng đảng ngày càng tinh vi hơn, tổ chức quy củ hơn và táo tợn hơn, thì việc buôn bán ma túy có nguy cơ vẫn là một căn bệnh mãn tính trong toàn khu vực.
Mafia Trung Quốc đã làm cảnh sát phải sửng sốt khi bạo gan vận chuyển 546 kg bạch phiến theo đường biển từ vùng Tam giác vàng (biên giới Myanmar, Thái Lan và Lào) sang Hồng Kông qua ngả Thái Lan. Nhưng kế hoạch của chúng đã bị lộ, cảnh sát đường biển của Thái Lan đã bắt gọn 5 tên ngay gần biên giới Campuchia. Để đánh được mẻ lưới này, cảnh sát đã mất hơn một năm theo dõi và cuối cùng biết chắc rằng bọn buôn bán ma túy đã mở lại một tuyến đường gần như bị bỏ quên từ 30 năm nay. Trong những năm 1970, Lo Hsing-han, một trong những tên trùm ma túy lớn nhất Đông Nam Á cùng những đối tác của hắn tại Hồng Kông và Bangkok đã giao cho các ngư dân Thái theo con đường này, vận chuyển nha phiến đến tận thuộc địa cũ của Anh, và tại đây nha phiến được lọc và tinh chế thành bạch phiến. Sau đó, Lo và những kẻ kế thừa "ngai vàng" của hắn, đặc biệt là Khun Sa, đã quyết định đưa các nhà hóa học đến hẳn vùng Tam giác vàng để sản xuất bạch phiến tại chỗ. Điều này cho phép giảm thiểu chi phí cũng như rủi ro vận chuyển chất trắng gấp 10 lần, bởi vì để có được 1 kg bạch phiến thì cần phải chế biến 10 kg nha phiến.
Hiện nay, việc buôn lậu ma túy được đặt dưới sự thao túng của cái gọi là Quân đội thống nhất của "Quốc gia Wa" (UWSA) - nhóm cai quản một trong những vùng sản xuất chính của Myanmar - và hội tam hoàng 14K, đặt tại Hồng Kông - một tổ chức mafia có rất nhiều chân rết ở Bangkok và các nước khác trên thế giới. UWSA chế biến bạch phiến rồi xuất thẳng sang Trung Quốc ngay tại biên giới với Myanmar. Sau đó ma túy sẽ đi theo con đường quen thuộc từ 12 năm qua - đó là trung chuyển tại Vân Nam rồi rẽ ra làm hai ngả: một là Bắc Kinh, Thượng Hải; hai là Quảng Châu, Hồng Kông. Như vậy với UWSA, việc sản xuất và buôn lậu ma túy vẫn không ngừng được tiếp diễn tại Tam giác vàng.

Tam giac vang va duong day ma tuy xuyen quoc gia Ky 2 Ma tuy cung va cau
Cảnh sát Trung Quốc đốt ma túy nhân ngày Quốc tế chống ma túy 26/6/2005
Tam giác vàng cạn kiệt?
Một vài quan chức cao cấp tự hỏi, có phải việc trồng cần sa trong vùng Tam giác vàng đang cạn kiệt dần hay người ta đang chuyển đổi sang một phương thức buôn lậu ma túy mới trong khu vực?
Theo các chuyên gia Ủy ban Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (ODC), việc trồng cần sa sẽ phải sớm biến mất khỏi Tam giác vàng. Thái Lan đã bắt đầu truy quét được một thời gian; năm nay Lào cũng đã thành công trong việc giảm một diện tích trồng ma túy khá lớn; và Myanmar cũng đang đi theo hướng này. Một cuộc điều tra chung do các nước trong vùng và Myanmar thực hiện năm vừa qua cũng cho thấy diện tích trồng cần sa đã giảm được một phần ba, còn lại khoảng 30.900 mẫu. ODC đã khẳng định, nhịp độ hiện nay và việc giảm sản xuất ma túy hằng năm trong vùng cho phép dự đoán khả năng hoạt động sản xuất ma túy sẽ biến mất tại vùng Tam giác vàng, khép lại chương bi thảm nhất trong lịch sử.
Đó hẳn là một tin tốt lành. Thế nhưng, không phải tất cả các dự đoán đều lạc quan như thế. Thực sự, nhu cầu sử dụng ma túy vẫn còn rất lớn tại châu Á. Cũng theo ODC, trong năm 2004, sự khan hiếm nha phiến và bạch phiến tại Tam giác vàng gần như đã làm giá của mặt hàng này tăng gấp đôi trong khu vực. Trong những năm vừa qua, UWSA và hội Tam hoàng 14K có thể đã lập những kho dự trữ bạch phiến lớn, nhờ đó hiện nay bọn chúng có khả năng cung cấp hàng trắng cho một thị trường béo bở đang khát hàng. Và vì vậy các cuộc truy quét vẫn tiếp diễn. Vào tháng giêng, hải quan Campuchia đã bắt được một tên buôn lậu ma túy từ Singapore với 8kg ma túy bó chặt quanh đùi. Cũng cùng thời điểm đó, Myanmar đã bắt tên trùm ma túy Ma Sunshu và giao hắn cho chính quyền Trung Quốc. Yang Fengrui, người phát ngôn của Bộ Công an Trung Quốc đã khẳng định hiện nay đất nước này có 1,14 triệu con nghiện bạch phiến và các loại ma túy tổng hợp. Số liệu này cho thấy, buôn lậu ma túy và những siêu lợi nhuận từ nó vẫn luôn đầy hấp lực và dường như không bao giờ kết thúc.
Thị trường Đông và Nam Á - những con số biết nói
Đối với những kẻ buôn lậu ma túy, châu Á đang trở thành một thị trường tiêu thụ ngày càng hấp dẫn.
Với thời gian, Thái Lan đã trở thành thị trường quan trọng nhất, đặc biệt là métamphetamine, một loại ma túy tổng hợp. Tờ Bangkok Post cho rằng yaba (thuộc nhóm thuốc lắc) hay còn được gọi là viên nén Thái khét tiếng đã gây ra nhiều tác hại trong một đất nước mà phần đông dân số, đặc biệt là thanh niên, tìm cách thoát khỏi sức ép xã hội rất lớn mà họ phải chịu đựng. Chính vì lý do này mà Chính phủ Thái Lan đã tuyên chiến với bọn buôn lậu ma túy vào năm 2003. Trong những chiến dịch được thực hiện năm đó, cảnh sát đã bắt giữ khoảng 40 triệu viên nén Thái và đưa 750 kẻ buôn lậu ra hầu tòa, 92.500 con nghiện phải xộ khám. Không dưới 1.300 quan chức đã bị bắt vì phạm tội đồng lõa trong những vụ buôn lậu béo bở này. Những chiến dịch trấn áp dường như cũng có chút hiệu lực, thế nhưng, các quan sát viên nhận thấy cơn khát "hàng" trên đất nước đầy biến động này vẫn còn rất lớn.
Tại các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, sức tiêu thụ cũng tăng rõ rệt. Ở Philippines, thuốc lắc ecstasy bán rất chạy trong các câu lạc bộ và quán rượu tại những thành phố lớn, đối tượng tiêu thụ chủ yếu là thanh niên. Ở Indonesia, việc buôn lậu ma túy do người Nepal và châu Phi nắm giữ, họ nhập một phần hàng trắng từ Thái Lan.
Trung Quốc cũng là một thị trường tiêu thụ ma túy khổng lồ. Theo những nguồn chính thức do báo chí Trung Quốc thống kê, năm 2004, Trung Quốc có 791.000 người sử dụng các chất gây nghiện, tăng 7% so với năm trước đó. Hơn 70% người nghiện dưới 35 tuổi, mất 2,7 tỉ euro/năm vào bạch phiến. Vân Nam và Quảng Đông là nơi sức thống trị của ma túy hùng mạnh nhất.
Từ Tam giác vàng đến Lưỡi liềm vàng
Tam giác vàng không chiếm vị trí độc tôn trong mạng lưới cung cấp ma túy toàn cầu vì nó còn phải chia thị phần cho những vùng khác, nhất là Lưỡi liềm vàng - gồm bộ ba Afghanistan, Iran và Pakistan với địa hình núi non là một đường cong lưỡi liềm trên bản đồ. Nước đầu tiên trong khu vực này, Afghanistan, hiện nay là nguồn thuốc phiện chủ yếu của thế giới với mức sản xuất năm 2004 đạt 4.200 tấn. Hai nước còn lại trong khu vực làm địa bàn quá cảnh cho thuốc phiện. Theo các chuyên gia về ma túy, vùng Lưỡi liềm vàng chỉ thật sự đi vào hoạt động vào khoảng năm 1979, thời điểm xảy ra cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran và quân Liên Xô cũ được triển khai tại Afghanistan.
Việc sản xuất thuốc phiện tại khu vực này đã phát triển hết sức nhanh chóng theo một quy mô lớn. Ấn Độ là mắt xích quan trọng giữa Tam giác vàng và Lưỡi liềm vàng. Ma túy, gồm bạch phiến (chủ yếu đến từ Afghanistan) và cocain (từ châu Mỹ Latinh) đã được quá cảnh tại đây để sang Sri Lanka, Trung Đông, Maldives và các nước khác. Tuy nhiên, nước này cũng có "cổ phần" sản xuất riêng trong "vành đai thuốc phiện" bao gồm các vùng Madhya Pradesh, Rajasthan và Đông Uttar Pradesh. Theo nhật báo The Hindu, trước tình hình tiêu thụ cocain ngày càng gia tăng và với nguồn dự trữ bạch phiến dồi dào ở Afghanistan, các tay buôn lậu thuốc phiện nước này đang chuyển sang hình thức trao đổi bạch phiến với thị trường Mỹ hoặc châu Âu để lấy cocain (1kg cocain đổi được 5kg bạch phiến).
Không chỉ chuyển qua xuất bột trắng sang Trung Quốc, nơi sức tiêu thụ không ngừng gia tăng, bọn buôn bán ma túy còn đa dạng hóa việc cung cấp bằng cách sản xuất các loại ma túy tổng hợp, đặc biệt là metamphetamine, trong những phòng thí nghiệm đặt tại các vùng núi Myanmar dưới sự bảo vệ của đội quân riêng của chúng.
Metamphetamine - mỏ vàng mới
Nếu một vài người trong giới chuyên môn hỉ hả rằng việc sản xuất thuốc phiện đang giảm dần tại Myanmar, Thái Lan và Lào nhờ triển khai các chính sách do chính quyền địa phương đề ra trước sức ép của cộng đồng quốc tế, thì một số khác lại gióng lên hồi chuông báo động về sự thay đổi chiến thuật của các trùm ma túy. Tại Lào, thu hoạch nha phiến năm 2004 đã giảm xuống 45% so với năm trước, tương đương với khoảng 43 tấn bạch phiến sau khi chế biến. Xu hướng này cũng diễn ra tại Myanmar. Nhưng theo Asia Times Online, sự thay đổi tích cực này có thể sẽ không kéo dài vì một khi sự hỗ trợ quốc tế có nguy cơ suy giảm trong những tháng sắp tới thì những cố gắng của chính quyền Myanmar trong cuộc chiến chống ma túy cũng có thể sẽ giảm đi. Hiện nay, tiền tài trợ chủ yếu được rót cho nông dân để khuyến khích họ rời bỏ ma túy. Thiếu tiền thì cũng đồng nghĩa với sự sụp đổ của những nỗ lực này. Tuy nhiên, theo Bangkok Post, điều đáng lo ngại nhất chính là việc đổi hướng kinh doanh của những tên trùm ma túy: bỏ bớt một phần buôn lậu bạch phiến để chế biến metamphetamine vì sẽ thu được lợi nhuận cao hơn.
Các tổ chức chống ma túy hiện nay dường như không có khả năng đưa ra những con số chính xác về số lượng metamphetamine được "quốc gia Wa" sản xuất ra. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết rằng quân đội Wa đã triển khai lực lượng hơn 1.000 tên dọc theo biên giới Thái Lan vào tháng 4.2005 vừa qua với tổng số hàng là hơn 30 triệu viên nén yaba và 2 tấn bạch phiến để xuất thẳng sang Hồng Kông và các nước Đông Nam Á - nơi nhu cầu không ngừng gia tăng. Nhiều nhà chuyên môn chắc chắn rằng sự chuyển đổi qua sản xuất metamphetamine tại vùng Tam giác vàng đang rất thuận buồm xuôi gió !
Thủ lĩnh Bao Youxiang
"Quốc gia Wa", chỉ là một điểm bé tí tẹo trên bản đồ thế giới. Quân đội của nó (UWSA) do Bao Youxiang đứng đầu, có khoảng 20.000 lính chuyên nghiệp và 40.000 nhân viên dân sự, đồng thời sở hữu một cơ sở vật chất đã lạc hậu. Chính phủ Mỹ xem Bao như một "kẻ đứng đầu một tổ chức khủng bố thứ ba cần phải triệt hạ sau bin Laden và Saddam Hussein". Cái đầu của hắn được treo giá 3 triệu USD và những kẻ buôn lậu ma túy nếu muốn gặp hắn phải bỏ ra 6.000 USD - xem như phí bảo lãnh.
Tam giac vang va duong day ma tuy xuyen quoc gia Ky 3 Cuoc chien den hoi ket thuc
Tại vùng Tam giác vàng
Bao Youxiang là con thứ sáu trong số tám người con của gia đình một trưởng bộ tộc Wa. Cùng với anh cả là Bao Youyi và bác là Bao Sanban, hắn lập ra một phong trào chiến tranh du kích chống chính phủ và tạo nên danh tiếng bằng sức mạnh của súng đạn. Năm 1989, hắn thành lập quân đội riêng và đạt được thỏa thuận hòa bình với Chính phủ Myanmar. Đứng đầu 40.000 binh sĩ, Bao thành lập nhà nước tự trị Wa và sau các cuộc thanh toán đẫm máu, Bao Youxiang trở thành ông trùm mới của vùng Tam giác vàng từ năm 1996. Cuối tháng 1.2005, Bao Youxiang và 3 kẻ thân tín khác cùng với Wei Xuegang, kẻ được xem là một trong những trùm ma túy quốc tế nguy hiểm nhất đã bị tòa án New York xử vắng mặt về tội sản xuất bạch phiến và amphetamine, buôn lậu ma túy trá hình dưới các hoạt động thương mại bình thường để đưa các chất này vào Mỹ cũng như các nước khác.
Người Wa từ bỏ thuốc phiện?
Nếu tin vào lời hứa từ nhiều năm nay của Bao Youxiang, thì vụ thu hoạch năm nay sẽ là vụ cuối cùng tại "quốc gia Wa". Như vậy, tháng 10 năm nay sẽ không còn cảnh nông dân gieo trồng cần sa như những năm trước. Sau khi có lệnh cấm trồng cần sa, Bao Youxiang hy vọng biến Tam giác vàng thành một khu du lịch và kinh tế. Hiện Bao Youxiang đã đưa dân di cư xuống phía nam. Chính quyền Wa đã phát miễn phí hạt giống lúa mạch cho nông dân và dạy họ cách gieo trồng. Chính quyền cũng đã đưa ra một chương trình trồng cây cao su và cây ăn trái trong vùng này.
Tuy nhiên, cuộc di dân này lại đặt ra một vấn đề khác. Nhiều người cho rằng thật phi nhân đạo khi dùng súng ống để cưỡng ép người dân rời khỏi tổ ấm và mảnh đất thân quen của mình. Một khi xa rời nguồn cội, họ dễ bị tổn thương hơn nhất là khi xuống đồng bằng; những căn bệnh như thương hàn và kiết lỵ đã cướp đi sinh mạng của 1.500 người. Ngoài ra, báo chí cũng nghi ngờ rằng cuộc di dân cưỡng ép này thật ra là để che giấu ý định mở rộng các điểm buôn lậu "ice", một loại thuốc lắc dưới dạng tinh thể trắng, vào lãnh thổ Thái Lan.
Nếu đúng như vậy, kế hoạch này cùng với những thay đổi chiến lược buôn bán hàng trắng của các ông trùm sẽ khiến thời điểm kết thúc cuộc chiến chống ma túy vẫn chỉ là câu hỏi và lịch sử buôn bán ma túy ở Tam giác vàng vẫn chưa thể kết thúc.
Nhật An
(Theo Courrier International)

Số phận của một nữ đao phủ Nga trong thế chiến thứ 2

Cuộc chạy trốn hơn 30 năm
Trong nhiều năm sau chiến tranh, Ủy ban an ninh nhà nước Liên xô tiếp tục thực hiện kế hoạch truy tìm Antonina Makarova với quyết tâm bắt ả phải đền tội. Trong quá trình truy tìm, KGB đã phát hiện và xác minh tới 250 phụ nữ có tên Antonina Makarova với độ tuổi phù hợp nhưng vẫn không tìm được nữ đao phủ mà họ cần bắt. Tuy nhiên, các nhân viên KGB vẫn không chịu bỏ cuộc vì họ tin rằng Antonina Makarova sẽ không thể biến mất mãi mãi. Một số nạn nhân may mắn sống sót sau các vụ hành quyết của Makarova nói rằng luôn thấy ả xuất hiện trong các cơn ác mộng của họ và tin tưởng ả vẫn còn sống.
Thật ra, Makarova may mắn trốn chạy an toàn trong bao nhiêu năm chỉ vì các nhân viên KGB đã không truy tìm ả theo đúng tên thực là Antonina Parfenovs mà lại truy tìm theo tên thầy giáo làng năm xưa đã đặt cho ả. Tuy nhiên, "lưới trời lồng lộng", năm 1976, Antonina đã tình cờ bị phát hiện ra dấu vết trong một vụ việc rất bình thường. Trong một lần khai báo thủ tục để làm thị thực đi nước ngoài, nội dung bản khai của một quan chức Moscow có tên Viktor Ginsburg về phần vợ, ông ta đã làm các nhân viên an ninh chú ý: người vợ Ginsburg trước khi kết hôn với ông có tên là Antonina Makarova. Tuy nhiên, bà này lại sinh ra trong một gia đình có họ Parfenovs! Kết quả thẩm tra ban đầu cho thấy: Antonina Makarova kết hôn với cựu chiến binh Viktor Ginsburg năm 1945 khi hai người gặp nhau tại một bệnh viện quân đội. Sau khi chiến tranh kết thúc, cặp vợ chồng cựu chiến binh này chuyển về Lepel (Belarus), quê hương của Ginsburg để sinh sống. Ở đây, họ đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với hai cô con gái và được kính trọng vì đây là những chiến binh đã cống hiến máu xương trong những năm chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Các nhân viên KGB đã hết sức thận trọng vì không muốn phạm phải sai lầm với những nhân vật đang được xã hội kính trọng như thế này nên đã bí mật bố trí những nạn nhân còn sống sót, một kẻ đã tham gia hành quyết các thường dân Nga cùng Makarova và một trong những tình nhân của ả trước đây đến Lepel để bí mật nhận diện. Kết quả cho thấy, tất cả những nhân chứng này đều khẳng định rằng Makarova Ginsburg chính là Antonina Makarova, nữ đao phủ tại Lokot trước đây. Đến lúc này, KGB đã chính thức bắt giữ Makarova Ginsburg vì tội giết người hàng loạt trước đây.
Đền tội
Ngay khi bị bắt, Makarova đã phản ứng quyết liệt như thể rằng đây là một sự nhầm lẫn của KGB. Người chồng Viktor Ginsburg còn dọa sẽ kiện lên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc vì cho rằng việc bắt giữ vợ ông là vi phạm nhân quyền. Thế nhưng, sau khi Makarova thú nhận tội ác của ả thì ông đã gần như sụp đổ hoàn toàn.
Trong trại giam, Makarova không hề viết một dòng thư nào cho chồng và các con gái. Điều khiến các điều tra viên ngạc nhiên là ả không hề cho rằng mình đã phạm một tội ác khủng khiếp khi sát hại chừng ấy thường dân Xô viết. Makarova đã khai báo chi tiết từng vụ hành hình với một thái độ rất thản nhiên. Và để bào chữa cho hành vi của mình, ả cho rằng bản thân phải thực hiện hàng trăm vụ hành hình như vậy theo lệnh quân đội Đức chỉ để cứu lấy tính mạng ả! Makarova đã được giải về Lokot để phục vụ điều tra, nơi trước đây ả đã có nợ máu với hơn một nghìn đồng bào của mình. Cuối cùng, Tòa án Tối cao Liên bang Xô viết đã tuyên án tử hình Makarova Ginsburg (tức Antonina Makarova) với hình thức xử bắn. Sau đó, mặc dù Makarova Ginsburg làm đơn xin tha tội chết nhưng đã bị Moscow bác bỏ. Ngày 11.8.1978, Makarova Ginsburg đã bị tử hình để đền tội cho những tội ác của ả, kết thúc cuộc đời của nữ đao phủ duy nhất trong lịch sử Thế chiến thứ 2 đồng thời là nữ tử tù đầu tiên bị thi hành án tại Liên Xô đến thời điểm bấy giờ.
Hoàng Lê

28/3/10

Cuộc đời đức Phật (The Life of Buddha)


 
budhha

Bộ phim này là sản phẩm hợp tác của truyền hình BBC và Discovery. Bộ phim mô tả cuộc đời của Hoàng tử Tất-Đạt-Đa, quá trình Ngài thành Phật – Đáng Giác Ngộ. Bộ phim còn giới thiệu những di chỉ khảo cổ liên quan đến cuộc đời của Đức Phật cũng như giáo lý của Người.

Phụ đề TV: Hồ Đắc Phương, Trần Thị Phương Thúy, Đào Minh Thư
Hiệu đính: Vương Quang Vũ

THUỞ ẤY HỌC TRÒ



THUỞ ẤY HỌC TRÒ

Ta cũng có một thời xưa áo trắng
Nhưng xa rồi, đã xa lắm người ơi
Cũng nón nghiêng nghiêng che mái tóc thề
Ôm ấp phút thần tiên nghe nắng vỡ

Ta cũng có những nụ cười rạng rỡ
Bên hiên trường sau mỗi tiếng trống vang
Cũng hay lang thang nương hàng phượng vĩ
Nhặt hoa rơi làm dáng tuổi học trò 

Cái thuở  đó hồn nhiên lòng mở ngõ
Có biết gì những nghiệt ngã mai sau
Đời nở rộ trên từng trang sách quý
Mộng hoa niên tô thắm má môi hồng 

Nhớ một lần trên đường về gió lộng
Bỗng tiếng ai tha thiết gọi tên mình
Không phải Anh, giọng nghe chừng là lạ
Chút ngỡ ngàng ta vội vã bước nhanh 

Âm thanh ấy bây chừ qua năm tháng
Lạc đi đâu trong cõi mịt mù sương
Có còn vương trong tơ chùng nắng hạ
Hay đã tan vào dĩ vãng phôi pha! 

Đôi guốc mộc, bài ca dao đẹp quá
Vẫn gõ đều trên phiến đá thời gian
Trái tim ta chưa già như ta tưởng
Chợt mơ về một thoáng dạ Hoàng Lan... 



Kim Thành
December 2008

THUÝ VINH DIỄN NGÂM
 
TÌNH THƠ


Chúng mình quen nhau từ dạo ấy
Mùa thu bao nhiêu lá vàng bay
Là bấy nhiêu tình yêu tha thiết
Nao nức lòng anh em có hay

Đã mấy mươi năm lặng lẽ qua
Nhịp tim rung động vẫn chưa già
Tình thơ kết thành chùm phượng vĩ
Đỏ thắm trong ta suốt một đời

Hôm nay trở về thăm làng cũ
Hàng dừa ngày đó lá thêm xanh
Cây xoài trước ngõ thêm trái ngọt
Cây ổi nhà em lộc trĩu cành

Dấu vết ngày xưa vương đó đây
Con đường đi học mộng vơi đầy
Hương cau thơm ngát thời niên thiếu
Ta đã rong chơi suốt tháng ngày

Tất cả cho anh mối tình thơ
Là nguồn hạnh phúc tự bao giờ
Gọi nắng tìm về ôm ký ức
Cho đời đẹp mãi một màu tươi

Tôn Thất Phú Sĩ


Lại bàn về phôi bằng của Bộ GDĐT

Sau khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài đặt vấn đề phôi bằng do Bộ GDĐT ban hành, hôm nay thấy Bộ đã có phản hồi. Ghé qua trang nhà của Bộ GDĐT thì thấy họ đã giải thích tại sao không có dòng chữ “Đọc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Nhưng tôi e rằng cách giải thích của Bộ không thuyết phục. Tôi có vài dòng bình luận thêm như sau:

Bằng cấp có phải là tài liệu pháp lí? Bộ GDĐT cho là không, nên họ giải thích như sau: “Bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng không phải là văn bản quy phạm pháp luật hay công văn hành chính. Vì vậy, mẫu bằng tốt nghiệp đại học, bằng tốt nghiệp cao đẳng không thể hiện thể thức trình bày theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật hoặc công văn hành chính.” (chữ in nghiêng là nhấn mạnh của Bộ). Thú thật, tôi không phân biệt được thế nào là “văn bản quy phạm pháp luật”; tôi vẫn nghĩ văn bằng tốt nghiệp mang tính pháp lí. Ở Úc và các nước mà tôi biết như Mĩ chẳng hạn, bằng cấp được xem là tài liệu pháp lí. Chẳng hạn như trường Đại học UTS (Đại học Công nghệ, Sydney) viết rõ ràng rằng” “A testamur is a legal document issued under the seal of the University and is issued in original form only once for each specific award conferred.”

Theo chuẩn mực quốc tế? Bộ giải thích thêm “Bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng còn được cấp cho người nước ngoài học tập tại Việt Nam,” cho nên không cần dòng chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Thoạt đầu nghe cũng … có lí, nhưng không nhất quán. Nếu muốn theo chuẩn mực quốc tế, thì (a) không cần tên nước; (b) không cần tiêu ngữ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; (c) không nên ghi hạng tốt nghiệp; (d) không cần hình; (e) tiếng Anh phải chuẩn. Nhưng rất tiếc là tiếng Anh trong phôi bằng lại có vài chỗ sai sót nghiêm trọng như Nguyễn Vạn Phú đã chỉ ra trước đây.

Ngoài ra, như tôi viết hôm nọ, trên thế giới không có cái gọi là “Degree of Associate”, mà có “Associate Degree”. Xin nhắc lại rằng có 3 loại bằng cấp chính: certificate, diploma, và degree. Certificate thường dành cho trung học, hay học nghề; Diploma dành cho cao đẳng và đại học; còn degree thường chỉ bằng đại học. Mỗi cấp (certificate, diploma, và degree) còn có từ bổ nghĩa associate, như “Associate Certificate”, “Associate Diploma”, hay “Associate Degree”. Vì thế, cách viết “Degree of Associate” mà Bộ GDĐT viết trên phôi bằng là không đúng, chẳng giống ai trên thế giới cả.

Một phôi bằng đã cấp cho sinh viên. Chú ý dòng chữ "Principal of INFORMATION TECHNOLOGY COLLEGE, HOCHI MINH" đã không ổn về nội dung lẫn tiếng Anh. Cá nhân hiệu trưởng đâu có quyền cấp bằng (đâu có luật nào qui định hiệu trưởng có quyền như thế); trường mới là nơi "kết nạp" (admit) ứng viên vào một học vị nào đó. Ngay cả chữ Ho Chi Minh mà viết cũng không chuẩn! Tại sao không là HO CHI MINH mà là cải biên thành HOCHI MINH? Thật là hết biết! (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Do đó, Bộ GDĐT khẳng định rằng phôi bằng “hoàn toàn không sai” cần phải xem lại. Theo tôi thì rõ ràng là có sai. Còn sai lớn hay nhỏ thì còn tùy vào cảm nhận và đánh giá của từng cá nhân. Riêng tôi thì cho rằng những sai lầm về tiếng Anh là khó chấp nhận được, nhất là mang danh Bộ Giáo dục và Đào tạo!

Hôm nay, một bạn đọc chắc là từ miền Trung nhân đọc entry về tiếng Anh trong phôi bằng tốt nghiệp cao đẳng có giới thiệu tôi phôi bằng đại học của Trường Đại học Đà Nẵng, và lại hỏi … ý kiến. :-) Xem qua thì tôi cũng có ý kiến, nhưng tôi chỉ giới hạn ý kiến về phần tiếng Anh thôi. Những ý kiến này có thể xem là bổ sung cho những ý kiến và đề nghị trong entry trước.

Một phôi bằng của Đại học Đà Nẵng
(đang xin ý kiến)

Thứ nhất là dòng chữ tên nước. Phôi bằng viết là “SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM” theo tôi là chưa chuẩn, vì thiếu chữ THE. Phải viết trang trọng là “THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM”.

Thứ hai là dòng chữ “Independence – Freedom – Happiness”. Theo tôi là không cần. Không cần chẳng những do theo quốc tế (như Bộ giải thích) mà vì nó không đúng với thực tế. Cách tốt nhất là bỏ đi dòng chữ này.

Thứ ba là đại học trong đại học: THE UNIVERSITY OF DANANG (UNIVERSITY OF TECHNOLOGY). Thật là rối rắm. Tại sao không viết là THE UNIVERSITY OF DA NANG?

Thứ tư là mấy dòng chữ “This is to certify that” đọc cứ như là giấy … chứng nhận. Khi người ta giới thiệu ai, hay chứng nhận ai đó từng làm trong bộ môn, người ta viết [chẳng hạn như] “This is to certify that Dr. Steven Johnson has been a postdoc fellow in my laboratory”. Trong văn bằng không ai viết như thế cả. Người ta dùng chữ “confer” trang trọng hơn.

Thứ năm là sai văn phạm trầm trọng. Câu “having fullfilled the requirements of the University Program for regular students (2001-2006) under Statute (25/2006/QD-BGDDT) issued by the Ministry of Education and Training is conferred the” là câu văn quá dài và rất rất sai văn phạm. Tại sao lại viết “NGUYEN THAI QUYNH LIEN” having … Tại sao dùng gerund ở đây? Tại sao “is conferred”, câu hỏi là “conferred by whom” (ai cấp bằng)? Đoạn văn này cực kì lộn xộn mà lại quá sai văn phạm.

Tôi đoán người soạn câu này bắt chước từ câu tuyên bố trong luận án thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài. Những luận án như thế có câu tuyên bố như sau:

A thesis submitted to the University of New South Wales in partial fullfilment of the requirement for the degree of

DOCTOR OF PHILOSOPHY (MEDICINE)

Câu văn chuẩn này đã được cóp không đúng cả về nội dung lẫn văn phạm tiếng Anh. Cần nhấn mạnh rằng câu văn chuẩn này là dành cho luận án, chứ không ai viết trong bằng tốt nghiệp cả.

Thứ sáu là cụm từ “BACHELOR’S DEGREE” cũng không chuẩn. Bachelor là cử nhân, nhưng bachelor cũng có nghĩa là người độc thân. Do đó, viết “Bachelor’s Degree” rất dễ bị hiểu lầm là văn bằng của người độc thân! Phải viết nghiêm trang là: BACHELOR OF XXX, trong đó XXX là chương trình học (như science, arts, engineering, law, medicine, economics, v.v…)

Thứ bảy là “and awarded the title of (ENGINEER)” cũng có vấn đề. Bằng cấp là … bằng cấp, đâu phải là danh xưng. Nên nhớ rằng ở nước ngoài, chữ engineer ngoài nghĩa kĩ sư, còn có nghĩa là thợ máy (engine là máy, engineer là thợ máy).

Thứ tám là chữ kí của người được cấp bằng. Nên bỏ, chẳng có nơi nào có qui định này.

Nói chung, chỉ có một cái phôi bằng mà có quá nhiều điều sai sót, và điều này làm cho người ta thấy đặt câu hỏi tại sao Bộ GDĐT hay Trường Đại học Đà Nẵng không tham vấn những người thạo tiếng Anh và biết đôi điều về bằng cấp ở nước ngoài. Ôi, chỉ có cái phôi mà cũng sai quá nhiều và làm báo chí cũng tốn biết bao giấy mực, không biết chuyện lớn sẽ như thế nào.

NVT

Lưu manh trong học đường qua lăng kính tiến hóa


Có lẽ nói không ngoa rằng sự việc một nhóm nữ học sinh trường Trần Nhân Tông (Hà Nội) đánh hội đồng cô học sinh Nguyễn Quỳnh Anh gây chấn động dư luận cả nước. Nhưng nói cho công bằng sự việc chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện thương tâm đang xảy ra hàng ngày ở nước ta. Nếu có khác chăng là ở đây, sự việc được quay thành một thước phim và phát tán trên hệ thống internet toàn cầu. Những kẻ côn đồ (không có từ gì khác để mô tả hành động của cô Tường Vi và đồng bọn của cô) có vẻ bất cần, bất chấp luật pháp, xem thường dư luận, thách thức cơ quan công quyền. Điều mỉa mai khác là những kẻ côn đồ này theo học trường Trần Nhân Tông, tên của một vị vua hiền từ nổi tiếng của Việt Nam.

Thật ra, ai cũng biết lưu manh trong học đường không phải là hiện tượng mới. Mở sách tâm lí học thấy trường hợp lưu manh nổi tiếng nhất ở Anh xảy ra vào cuối thế kỉ 19. Tháng 4 năm 1897, một học sinh 12 tuổi thuộc trường trung học King (trường danh giá nhất nhì ở Anh) bị bọn côn đồ trong trường hành hung đến chết. Học sinh trường phản ứng dữ dội bằng cách viết thư ngỏ cho báo chí, chỉ trích ban giám hiệu chậm trễ trong việc xử lí những kẻ can phạm, và yêu cầu các giới chức chính quyền phải can thiệp. Nhưng ở Việt Nam thì các em học sinh trường Trần Nhân Tông chưa chắc có “cơ chế” để làm như thế, hay cũng có thể họ … chẳng quan tâm.

Phản ứng trước hành động côn đồ của cô Tường Vi có thể tóm gọn trong 2 chữ: buồn và giận. Buồn trước sự xuống cấp đạo đức học đường, đạo đức xã hội đến thê thảm. Giận cho sự vô tâm và vô cảm của đồng bọn của Tường Vi. Bác quê choa cho rằng đó là thái độ phi nhân tính. Chính xác. Nhưng tôi là “fan” của Darwin, nên muốn nhìn hành động lưu manh của bọn côn đồ qua lăng kính tiến hóa.

Lần dở lại những trang sách về tâm lí học tôi thấy học được nhiều điều. Giới tâm lí học chia hành động lưu manh trong học đường thành 2 nhóm: nhóm bạo lực (họ gọi là physical violence) và nhóm nói xấu (họ gọi bằng mĩ từ là relational aggression). Lưu manh bằng bạo lực là hình thức mà đồng bọn Tường Vi đã làm, tức là đánh và gây thương tích cho người khác. Còn lưu manh theo kiểu nói xấu là tung tin đồn nhảm, tấn công cá nhân, với mục tiêu hạ uy tín hay nhân cách của nạn nhân. Nam học sinh lưu manh thường ở dạng bạo lực, còn nữ học sinh lưu manh thường ở dạng nói xấu. (Nhưng trong trường hợp ở trường Trần Nhân Tông, thì nữ sinh đã chiếm lấy vai trò của nam để trở thành những kẻ lưu manh bạo động).

Có hai loại lưu manh trong học đường: bạo lực và nói xấu bạn

Theo một nghiên cứu cấp tiến sĩ, thì lưu manh trong học đường khá phổ biến, với tỉ lệ 1/7 học sinh có thái độ lưu manh được ghi nhận ở Âu châu, nhưng tỉ lệ lưu manh này có xu hướng giảm theo độ tuổi. Ở Á châu, Nhật và Hàn Quốc là hai quốc gia có nghiên cứu nhiều về lưu manh trong học đường, và kết quả của họ cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin thú vị.

Nghiên cứu tâm lí học cho thấy nam học sinh nạn nhân của lưu manh học đường thường có ít bạn tình. Nhưng cũng nghiên cứu đó cho thấy nữ học sinh nạn nhân của lưu manh học đường có nhiều bạn tình và thường quan hệ tình dục sớm hơn đồng môn. Mối tương quan giữa số “sexual partners” (tôi tạm dịch là bạn tình) và thái độ lưu manh ở nam và nữ là ~0.35. Ngoài ra, ở nam học sinh, lực của nắm tay (gọi là grip strength) là một yếu tố tiên lượng lưu manh. Nam học sinh có lực nắm tay càng cao xu hướng lưu manh trong ứng xứ với bạn bè càng cao.

Nghiên cứu ở 147 nam và nữ học sinh trung học bên Mĩ cho thấy nữ học sinh xinh đẹp hay có sắc diện “dễ nhìn” thường thu hút chú ý của nam, và do đó họ thường là đối tượng của bọn nữ côn đồ, do ganh tị. Vì ganh tị, bọn côn đồ tìm cách hạ uy tín đồng môn bằng cách nói xấu, bịa đặt thông tin nhằm gây tác hại tâm lí cho đồng môn.

Với kết quả trên, chúng ta có thể suy luận rằng lưu manh học đường như là một cuộc cạnh tranh sinh tồn và tái sản sinh. Những kẻ lưu manh xem bạo lực và nói xấu người khác như là một chiến lược để kiếm nhiều bạn tình, và là một phương cách để hạ thấp uy tín người khác để nhằm tự nâng cao khả năng [lưu manh] của mình trước người bạn tình. Nếu giả thuyết lưu manh mang tính tiến hóa thì cũng có nghĩa rằng lưu manh là một đặc tính sinh học mang tính di truyền. Điều này hàm ý rằng những đứa trẻ côn đồ (như cô bé Tường Vi và đồng bọn) có thể có gene lưu manh lưu truyền từ cha mẹ hay tổ tiên. Do đó, muốn can thiệp để giảm xu hướng lưu manh của những kẻ côn đồ như cô bé Tường Vi cần phải can thiệp từ gia đình.

NVT

Virus phi nhân tính

  Mấy ngày nay cái clip “Nữ sinh bị đánh hội đồng”, cô bé Nguyễn Quỳnh Anh bị đám nữ sinh cùng trường THCS Trần Nhân Tông đánh hộ đồng tại vườn hoa Pasteur (Hà Nội) gây xôn xao cư dân mạng, tràn xuống cả đời thường. Chuyện học sinh đánh nhau xưa nay là chuyện thường tình, con gái đánh nhau cũng không lạ, đánh hội đồng cũng chả lạ, thì ngay cả học sinh đánh cô thầy cũng không còn là chuyện lạ thì mấy chuyện kia có gì phải ngạc nhiên?

Mới đây thôi, một cậu ấm đòi thầy bật quạt đang khi trời lạnh, thầy không cho, lập tức chửi thầy, văng tục ngay tại lớp và doạ đánh thầy. Cậu còn rạch mặt ăn vạ, nhiều lần xông vào dùng dao doạ thầy, cuối cùng đánh thầy ngất đi. Chuyện này cũng không ghê bằng ba học sinh bị thầy hiệu trưởng gọi lên văn phòng viết bản tự kiểm điểm đã lén bỏ thuốc chuột vào ấm nước của thầy cho …bõ tức, may thầy phát hiện ra kịp.

Vậy thì vì sao cái clip “Nữ sinh bị đánh hội đồng” lại được dư luận chú ý, bàn tán xôn xao? Xem kĩ thì thấy trong khi cô bé Tường Vi đánh cô bé Quỳnh Anh có thể nói rất dã man thì mấy cô bé khác ngồi yên xem như xem phim, mặt mày không biểu lộ một gram cảm xúc. Cạnh đó ta thấy một vài người lớn đi qua, không ai dừng chân, mặc kệ lũ trẻ muốn làm gì thì làm.

Cái sự dửng dưng kia đã làm cho mọi người quan tâm.  Một khi cái ác diễn ra ngang nhiên trước mắt lũ trẻ và được lũ trẻ coi đấy là chuyện bình thường thì mối đe doạ về nhân tính đã lên đến đỉnh điểm.

Xưa học trò đánh nhau đều lén lút, giấu cha mẹ, giấu cô thầy, chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ. Bây giờ thì không. Cô bé Tường Vi đến đồn công an không để lộ chút sợ hãi “ Thi thoảng cô gái 17 tuổi này còn nói chuyện pha trò với cảnh sát.” ( theo vnexpress) Cô nói tỉnh bơ: “Em đánh thế đã ăn thua gì, vẫn nhẹ mà. Ở ngoài đời còn có những vụ đánh nhau ác liệt hơn thế”. Trong khi đó cô giáo khi biết đến việc này đã gần như phủi tay, cho là học trò đánh nhau ngoài trường học ấy là cô vô can.

Ở nước ngoài hành hạ một con vật cũng bị xã hội lên án, bị pháp luật trừng trị, trong khi đó ở ta bạo lực học đường không còn là chuyện lạ, dường như nó là chuyện vặt hằng ngày. Khi có chuyện xảy ra thì thầy cô giáo lập tức phủi trách nhiệm, bố mẹ lập tức tìm cách chạy tội cho con cái, một số kẻ nhân việc này lập tức tìm cách đục nước béo cò. Cuối cùng tất thảy đều rơi vào im lặng đáng sợ.

Thầy giáo Trần Minh Hảo lo lắng sau khi bị học sinh xúc phạm và đón đánh.
Sự dửng dưng trước cái ác của người lớn đã tạo cơ hội cho lũ trẻ ngang nhiên làm cái ác không chút sợ hãi. Chúng chẳng thèm giấu diếm, thậm chí  cái ác đã và đang trở thành thú vui, trò tiêu khiển của học trò.

Tôi tình cờ vào một blog của  một cô bé, cô đã đưa lên các clip quay bằng mobile của mình, cái vài ba giây cái năm bảy giây, với những các tit vui vẻ: Lớp 10 A táng nhau nè- Thụi nhau trong giờ chào cờ nè- Con gái cũng võ lâm tự nè…v.v Những comments bạn bè trong lớp cô bé cũng bình luận vui vẻ, coi như chuyện của ai đó, như là đang xem phim: Ui chời ra đòn dở ẹc ẹc- Con gái xoạc dữ hen, rách rồi em ơi… ặc ặc- Chưa máu lắm táng mạnh dzô…mấy nàng ơi…

Cho nên cái clip “Nữ sinh bị đánh hội đồng” được tung lên mạng để làm trò vui đã bị công luận phản ứng gay gắt, pháp luật thậm chí đã phải ra tay không chỉ là hành vi xâm hại thân thể và nhân phẩm của lũ trẻ mà chính là căn bệnh vô cảm trước cái ác, nó chính là vius phi nhân tính  làm huỷ hoại nhanh chóng phẩm tính người. Ở cái nơi trồng người lại nảy sinh loại virus phi nhân tính thì thật đáng sợ, nó báo trước một tương lai u ám của ngành giáo dục nước nhà.

Bài đọc thêm:

THƯ NGỎ GỬI THẦY HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT TRẦN NHÂN TÔNG – HÀ NỘI.

 Vụ việc học sinh trường TNT đánh nhau đã thu hút sự tham gia ý kiến của rất nhiều người, từ lúc clip được phát tán tới lúc nhà trường có biện pháp xử lý.

     Về phía những học sinh đánh bạn, có nhiều người muốn có hình thức xử phạt nặng hơn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và có tác dụng răn đe lớn hơn đối với các em. Tuy nhiên, qua những phân tích của thầy, tôi thấy mức kỷ luật như vậy cũng  tương đối hợp lý và mang  tính nhân văn. Về phần mình, tôi cho rằng mức độ xử lý với các em còn lại là chưa thỏa đáng, đặc biệt là việc xếp loại hạnh kiểm yếu đối với em Quỳnh Anh, nạn nhân bị bạn đánh đập nơi công cộng.

    Từ một xích mích rất nhỏ, Quỳnh Anh đã bị Ngọc Diệp tụ tập bạn bè cùng băng nhóm đánh đập và quay phim, làm tổn hại cả thể xác lẫn tinh thần. Chuyện xích mích, va chạm trong cuộc sống là điều khó tránh khỏi, quan trọng là cách xử sự của mỗi người. Quỳnh Anh dù có xô xát đôi chút với Ngọc Diệp trước đó thì lỗi ấy của em hoàn toàn không đáng bị xếp loại hạnh kiểm yếu. Theo thầy, lý do để đưa ra mức độ kỷ luật này đối với Quỳnh Anh là “em va chạm với bạn nhưng lại không báo cáo cô chủ nhiệm mà tự tìm cách giải quyết; hơn nữa, lại không thật thà khi khẳng định với cô giáo rằng mình không có mặt trong clip“.

         Lý do ấy hoàn toàn không thỏa đáng.

        Thứ nhất, sau những va chạm nói trên, trong ý thức của mình, Quỳnh Anh đã xem như khép lại vụ việc, không hề có ý gây hấn gì với bạn thì việc em không báo cáo với gv chủ nhiệm không thể xem là một “lỗi” để hạ hạnh kiểm. Người tìm cách “giải quyết” là Ngọc Diệp chứ không phải Quỳnh Anh, chúng ta không thể “buộc” lỗi vào cho em như vậy.

        Thứ hai, để hiểu vì sao em “không thật thà khi khẳng định với cô giáo rằng mình không có mặt trong clip” thì chúng ta cần phải tự đặt mình vào hoàn cảnh của em để có thể thông cảm. Khi bị đánh “hội đồng”, trước sự uy hiếp của số đông, em đã không thể phản kháng. Quá sợ hãi những người bạn hung hãn, em thậm chí còn phải giấu cả bố mẹ mình, chỉ âm thầm chịu đựng nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần thì việc em không dám thừa nhận với giáo viên chủ nhiệm cũng là điều dễ hiểu. Đó chính là sự sợ hãi quá mức vì cảm thấy mình không được bảo đảm an toàn chứ không phải vì “không thật thà” như thầy đã kết luận. Những người vì một xích mích nhỏ đã có thể hành xử dã man như vậy hoàn toàn có thể hành xử  tệ hơn nếu em thừa nhận với cô giáo khiến họ bị kỷ luật, thưa thầy!

     Xin thầy hãy nhìn lại những “người lớn” quanh em một chút.  Đã từng nhận được tin nhắn về việc các em đánh nhau,cô giáo chủ nhiệm hoàn toàn có thể xem clip để biết có phải học sinh của mình hay không chẳng mấy khó khăn. Thế nhưng khi các em phủ nhận thì cô cũng “yên tâm” rằng những nhân vật kia không phải là học sinh của mình, dù báo chí đã chỉ ra rằng trên diễn đàn của nhà trường, học sinh đã khẳng định những nhân vật trong clip là thành viên của lớp 10 A 13 do cô phụ trách. Cô giáo còn “sợ” như thế, dù cô không bị ai đe dọa thì làm sao chúng ta lại trách học trò thiếu ‘thật thà”? Không thầy cô giáo nào muốn có điều không hay xảy ra với học sinh của mình nhưng chính các thầy cô trong vụ việc này cũng không đủ khả năng “thật thà” để thừa nhận sự việc khi nó đã xảy ra thì lẽ nào chúng ta lại kỷ luật Quỳnh Anh ở mức ấy? Những học sinh của chúng ta sẽ rút ra “kinh nghiệm” gì cho mình nếu có điều tương tự xảy ra?

       Em đã bị đau đớn về thể xác, bị tổn hại rất nhiều vê mặt tinh thần, xin thầy đừng làm em bị tổn thương thêm vì quyết định kỷ luật vô lý như thế. Nếu em mất niềm tin vào lẽ công bằng, vết thương tâm hồn sẽ khó lòng khép miệng. Hạ một bậc hạnh kiểm  để em ý thức là đúng mức và hợp lý nhất, thưa thầy!

        Với các em còn lại, hình như nhà trường lại quá nương tay. Mức kỷ luật ấy quá nhẹ để các em thức tỉnh, thậm chí nó còn phản tác dụng với những em thích a dua, vô cảm hay tàn nhẫn với bạn bè. Nếu các em ấy thấy Quỳnh Anh bị người khác khống chế  và  không đi tới chỗ bạn bị hành hung thì việc chỉ hạ một bậc hạnh kiểm là hợp lý. Nhưng thực tế không phải vậy. Cả nhóm đã không chế Quỳnh Anh ra chùa Hai Bà Trưng để hành hung, lại tiếp tục đưa bạn ra vườn hoa để “xử lý” thì  trách nhiệm của những học sinh còn lại không chỉ là không can ngăn như nhận định của nhà trường. Các em này dù không bị coi là “đồng phạm” thì cũng là những kẻ đồng lõa trong việc hành hung và làm nhục bạn bè. Chắc rằng Quỳnh Anh sẽ không phải thụ động “chịu trận”từ chùa ra tới vườn hoa như thế nếu không chịu áp lực tinh thần từ những học sinh kia.

        Tôi rất nhất trí với quan điểm “răn đe và giáo dục các cháu và làm gương cho các học sinh khác” của thầy nhưng e rằng mức kỷ luật của nhà trường sẽ làm tổn thương tinh thần đối với Quỳnh Anh và khả năng “răn đe” những học sinh  thích dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn với bạn bè sẽ không đạt đươc. Trường THPT Trần Nhân Tông hoàn toàn có thể xử lý vấn đề này một cách thấu tình đạt lý và nhân văn hơn nữa. Mấy lời tha thiết, mong thầy Hiệu trưởng chịu khó lắng nghe!

(Nguồn: Blog Thạch lão gia)

Văn hóa cám ơn


Hai tuần trước là ngày kỉ niệm ngày 22 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa của Việt Nam. Theo truyền thống đạo lí của người Việt chúng ta phải ghi ơn những người đã nằm xuống trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền đất nước. Nhưng rất tiếc hình như trong giới quan chức ít ai nhớ đến ngày này, đến nổi báo chí không thấy nhắc đến cụ thể.

Cám ơn và xin lỗi đôi khi trở thành một đề tài xã hội. Khoảng 2 năm trước đây, viết trên báo Tuổi Trẻ, một người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam “phàn nàn” rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Tiếp theo đó là một thư khác của bạn đọc người Việt chỉ ra rằng chẳng những ít nói xin lỗi, mà người Việt còn ít nói cám ơn. Điều này có vẻ mâu thuẫn với truyền thống đạo lí của người Việt, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo,ghi ơn tiền nhân. Nhưng có lẽ trong cuộc sống bề bộn của thời thực dụng kinh tế, không ít người Việt, trong đó có cả những quan chức, quên nói lời cám ơn. Và, sự thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến quốc thể và gây ấn tượng không đẹp ở người nước ngoài về người Việt.

Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây còn cho thấy hình như trong một số quan chức, thể hiện sự tri ân vẫn còn khá khó khăn. Anh là một kĩ sư người Đức, do cơ duyên nào đó, lấy vợ Việt Nam và quê vợ ở một làng nghèo thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có lẽ để làm một nghĩa cử đẹp cho quê vợ, anh về Đức quyên tiền, và đem số tiền đó về quê vợ xây một bệnh xá cho người dân nghèo. Người dân trong làng ai cũng nhớ anh ta trực tiếp chỉ huy việc xây dựng, rất quan tâm đến chất lượng đến nổi cẩn thận gõ từng viên gạch để đánh giá xem thật hay dỏm. Kết quả là một bệnh xá khang trang và có chất lượng cao. Đến ngày khai mạc, các quan chức trong làng đua nhau cám ơn Đảng và Nhà nước, nhưng không có đến một lời cám ơn chàng rể người Đức dù anh có mặt trong buổi lễ khánh thành bệnh xá.

Một câu chuyện “quên” cám ơn khác có liên quan đến Giáo sư Bùi Trọng Liễu, người vừa mới qua đời khoảng 10 ngày trước ở Paris. Gs Liễu là một người rất tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, đóng góp hàng trăm bài viết để cải tiến giáo dục và chuẩn mực giáo sư. Gs Liễu cũng là một trong những người sáng lập ra Đại học dân lập Thăng Long, nay là Đại học Thăng Long. Sau 1 tuần Gs Liễu qua đời, tôi tò mò vào trang web của Đại học Thăng Long xem ban giám hiệu có lời nào về sự ra đi của Gs Liễu. Hoàn toàn không. Tôi rất ngạc nhiên. Nhưng nay thì tôi không còn ngạc nhiên nữa.

Câu chuyện bên Úc mà tôi thuật ở đây cho thấy người phương Tây có cách thể hiện sự tri ân một cách thiết thực. Viện nghiên cứu y khoa Garvan của chúng tôi có nhu cầu thành lập một phòng thí nghiệm mới chuyên về phân tích di truyền, và may mắn thay, chúng tôi được một “đại gia” trong ngành bảo hiểm tài trợ để trang bị phòng óc và các thiết bị quan trọng. Hội động quản lí của Viện quyết định lấy tên của nhà tài trợ đặt tên cho phòng thí nghiệm. Ngày khai mạc, chúng tôi mời nhà tài trợ, phu nhân và con của ông đến tham dự, phát biểu ý kiến, và cắt băng khánh thành. Tôi để ý thấy chẳng những phòng thí nghiệm mang tên ông, mà ngay cả trước phòng thí nghiệm còn có một bảng đồng khắc một đoạn văn ghi ơn ông đã hỗ trợ tài chính cho việc thành lập phòng thí nghiệm. Đó là một cách ghi ơn của người phương Tây.

Thật ra, trong xã hội Âu Mĩ, việc ghi nhận đóng góp của các nhà từ thiện được xem là một đặc điểm của văn minh. Ở các đại học, thỉnh thoảng các thương gia tài trợ cho một ghế giáo sư hay ghế chủ nhiệm một bộ môn khoa học, trường đại học thường lấy tên nhà tài trợ đặt cho chức danh giáo sư. Do đó, thỉnh thoảng chúng ta thấy một số giáo sư Âu Mĩ, chẳng hạn như ông bạn tôi kí tên là “Rebecca Cooper Professor of Medicine” để cho thấy người giữ chức danh giáo sư y khoa đó là do bà Rebecca Cooper tài trợ.

Ngay cả trong các hội nghị khoa học có sự tài trợ của các công ti dược, ban tổ chức còn gửi thư nhắc nhở các nghiên cứu sinh hay các nhàn nghiên cứu trẻ đến quầy của các công ti dược để nói một tiếng cám ơn. Nếu không có tài trợ của các công ti đó, chắc gì các nghiên cứu sinh được đi dự hội nghị. Lời cám ơn ở đây rất quan trọng, vì đó không chỉ là một cách tri ân người hỗ trợ, mà còn là một cử chỉ bày tỏ rằng ở trên đời mọi người đều phải tùy thuộc nhau mà sống.

Có thời người Việt chúng ta có cảm nhận không đúng với người phương Tây. Hồi còn nhỏ, tôi thỉnh thoảng nghe người ta nói người phương Tây tuy bề ngoài tỏ ra lịch sự nhưng tâm thì họ vô đạo đức lắm, vô ơn lắm. Nhưng khi có dịp sống và làm việc chung với người Mĩ, Anh, Úc và Âu châu nói chung, tôi thấy quan điểm đó quá sai. Tôi thấy cám ơn và xin lỗi gần như là một nét văn hóa của người phương Tây. Ngày tôi mới sang Úc, tôi thấy hai chữ “thank you” (cám ơn) và “sorry” (xin lỗi) giống như là những chữ nằm lòng. Thật ra, ngay từ ngày mới vào học tiếng Anh, người ta dạy khi được hỏi “How are you today” (Hôm nay anh khỏe không), thì câu trả lời lúc nào cũng kèm theo hai chữ cám ơn –thank you. Phải có chữ cám ơn đằng sau. Đi chợ mua hàng, sau khi trả tiền, người bán hàng cũng “cám ơn”, và mình (người mua hàng) cũng “cám ơn” lại. Bên Mĩ, họ còn lịch sự hơn nữa: cám ơn, và chúc ông/bà một ngày tốt đẹp.

Ở xã hội Âu Mĩ, trẻ em ngay từ lúc còn rất nhỏ đã được dạy phải có trách nhiệm xã hội, phải biết nói “cám ơn” và “xin lỗi”, và nói thật lòng chứ không nói qua quít. Khi lớn lên, họ chẳng những trở thành những người rất lịch sự mà còn rất có đạo đức, có trách nhiệm với cộng đồng. Họ không bao giờ quay mặt với một tai nạn để cho nạn nhân nằm chết trên đường lộ như ở Việt Nam ta.

Ngược lại với Âu Mĩ, ở Việt Nam, tôi thấy hình như tần số của hai chữ “cám ơn” còn khá thấp. Dự nhiều hội nghị trong nước tôi ít thấy khi nào diễn giả cám ơn cộng sự hay nghiên cứu sinh, làm như tất cả slides và dữ liệu là tự họ sáng tạo ra vậy (một điều không thể)! Vào quán ăn, ăn uống xong và được nhân viên phục vụ, khách hàng chỉ việc tính tiền (hay cho thêm tiền “tip”), nhưng không hay ít nói lời cám ơn. Viết đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện của Mahatma Gandhi rằng khi ông ăn trưa trong một quán ăn bình dân, sau khi trả tiền ông nói với người phục vụ lời nói cám ơn, và người phục vụ tâm sự: "Thưa ông, tôi sẽ nhớ ông mãi vì hơn 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe ai nói cám ơn".

Trong thời buổi hội nhập quốc tế, tôi thiết nghĩ chúng ta nên thực hành văn hóa cám ơn. Thật ra, văn hóa này chẳng xa lạ gì với người Việt Nam. Như nói trên, người Việt có câu “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” để ghi ơn những người đi trước đã tạo nên nền móng cho ngày nay. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời có nói một câu đơn giản mà nổi tiếng: sống trên đời cần phải có một tấm lòng, phải sống tử tế với nhau. Sống tử tế với nhau cũng có nghĩa là ghi nhận sự đóng góp và giúp đỡ của người khác. Cám ơn chẳng những tỏ lòng tri ân người mình thọ ơn mà còn là một cách tôn trọng nhân phẩm của người đó.

NVT
Posted by Nguyễn Văn Tuấn